Giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 4323/BVHTTDL-VHCS ngày 19-11-2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai một số nội dung công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Văn bản số 5804/UBND-KGVX ngày 18-12-2020 về quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021 trên địa bàn. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là: Yêu cầu các địa phương hạn chế tổ chức lễ hội với quy mô lớn và đẩy mạnh khâu tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội, không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi.

Mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp ba tháng đầu năm mới âm lịch. Từ cuối năm 2018, sau khi Nghị định số 110/2018/NÐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành; các cấp, ngành và địa phương đã có hành lang pháp lý quan trọng để quản lý lĩnh vực phức tạp này. Tuy vậy, lễ hội thường diễn ra trong thời gian ngắn, ở không gian hẹp, người tham gia lại quá đông cho nên không tránh khỏi những hiện tượng bất cập. Việc hàng chục nghìn người cùng đổ về một địa điểm tổ chức lễ hội vốn chỉ đủ không gian cho chưa đến một phần mười số đó, luôn khiến công tác tổ chức, quản lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... đều gặp khó khăn. Hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc, đốt vàng mã diễn ra tại các di tích, đền, phủ, gây lộn xộn ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn... ở nhiều lễ hội. Các hành vi phản cảm, tiêu cực này chưa được xử lý kịp thời trong khi nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có của một số lễ hội cứ bị hao khuyết, biến tướng dần.

Các lễ hội truyền thống ở Việt Nam vốn dĩ có quy mô nhỏ, mang tính làng xã. Nay do nhu cầu xã hội thay đổi, những không gian lễ hội truyền thống vốn nhỏ hẹp ấy bị phá vỡ do khách thập phương kéo về quá đông. Việc coi lễ hội là dịp tổ chức sự kiện để mang lại nguồn lợi cho địa phương đã khiến không ít lễ hội bị thương mại hóa; bị mở rộng quy mô, thay đổi nội dung khá tùy tiện. Tâm lý đám đông ham vui, chuộng lạ và cơn sốt lễ bái càng khiến không ít lễ hội rơi vào cảnh "khó quản". Vài năm gần đây, việc quản lý, tổ chức lễ hội được phân cấp và giao trách nhiệm rõ ràng, nhưng đến mùa lễ hội, các cơ quan quản lý và địa phương lại đau đầu. Lễ hội quy mô càng lớn thì nỗi lo lại càng nhiều.

Bởi thế, hạn chế quy mô lễ hội (nhất là trong bối cảnh cả nước đang căng sức phòng, chống dịch Covid-19, cần tránh tụ tập quá đông người) và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; các hoạt động mê tín dị đoan... là các giải pháp cần thiết. Nhưng đó mới là yêu cầu từ góc độ quản lý hành chính. Tầng sâu hơn của vấn đề là phải thực hiện giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng - đối tượng tham gia lễ hội. Cần tăng cường tuyên truyền thông tin để người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của các lễ hội truyền thống; không để lễ hội bị biến tướng. Muốn vậy, việc giới thiệu về nguồn gốc lễ hội, di tích phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách khoa học, thận trọng trước khi tuyên truyền để bảo tồn nét đặc trưng của lễ hội, tránh sao chép, bắt chước các lễ hội khác mà địa phương không có. Các chuyên gia cho rằng, quản lý, tổ chức lễ hội là phải làm cho cộng đồng nhận thức đúng về lễ hội và các hoạt động lễ hội phải trở về đúng với nguồn gốc, ý nghĩa nhân văn và nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có - đó mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.