Diễn đàn chủ nhật

Ðể văn hóa đọc đi sâu vào cộng đồng

Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QÐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị của sách trong đời sống xã hội, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Sau 5 năm hoạt động, Ngày sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa hằng năm, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, bước đầu nhận được những kết quả khả quan. Toàn quốc có gần 160 nghìn xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản in; quyên góp được hơn 11 triệu bản sách cho các thư viện nhà trường, học sinh nghèo; tổ chức hơn 240 nghìn hội thi, hội thảo, chuyên đề tập huấn gắn với chủ đề sách và văn hóa đọc; có hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. Cả nước xây dựng được hơn 30 nghìn tủ sách phụ huynh. Ðiển hình, chương trình Xây dựng tủ sách lớp học tỉnh Nam Ðịnh hiện hoàn thành được 8.995 tủ sách ở các cấp học phổ thông… Cũng trong 5 năm qua, các hoạt động quảng bá, kết nối về sách được triển khai liên tục với quy mô ngày càng lớn, cách thức sinh động, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức phong phú.

Chỉ tính riêng Hà Nội, trong một năm có rất nhiều sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc, như: Hội Sách mùa xuân, Hội chợ sách tại Hoàng thành Thăng Long, Ngày sách Việt Nam tại Công viên Thống Nhất… Từ Ngày sách Việt Nam, Ban tổ chức tiếp nhận hàng chục nghìn cuốn sách của các nhà xuất bản, tổ chức xã hội với tổng trị giá khoảng hai tỷ đồng để hỗ trợ thư viện, tủ sách ở vùng sâu, vùng xa, biên cương hải đảo…

Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa tuyên dương một số cá nhân tiêu biểu trong đó có nhà giáo Ðào Quang Huy (Bắc Giang). Ông đã trích một phần lương hưu tích lũy tìm mua các loại sách để thành lập thư viện. Ông đạp xe đến nhiều nơi tìm mua, sưu tầm sách, trong đó có những bộ sách chữ nổi quý hiếm phục vụ người khiếm thị... Tính đến đầu năm 2019, tổng số đầu sách trong thư viện của ông Huy lên đến gần chục nghìn ấn phẩm các loại.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn tồn tại những hạn chế trong quá trình triển khai các sự kiện liên quan tới sách và văn hóa đọc. Công tác tuyên truyền ở những sự kiện như Ngày sách Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn. Cụ thể, không ít đơn vị chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của những hoạt động này nên chưa quan tâm đúng mức, đặt ra kế hoạch, hoạt động cụ thể, hiệu quả. Do đó, nhiều hoạt động chỉ dừng ở bề nổi, người đọc không được thụ hưởng, hỗ trợ đúng nghĩa. Hệ thống trường học, thư viện, dù được đầu tư nhưng nhiều nơi hiệu quả hoạt động chưa tương xứng; sự sáng tạo, đổi mới chưa được phát huy. Kết quả khảo sát của Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam tại 50 trường học của tỉnh Thái Bình cho thấy, dù địa phương này thuộc nhóm cao nhất cả nước thực hiện các chương trình khuyến khích văn hóa đọc và học sinh phổ thông có kết quả thi đại học thường thuộc tốp 10 cả nước thì tỷ lệ đọc sách vẫn thấp. Khảo sát cho thấy, mỗi học sinh vùng thuần nông trung bình chỉ đọc khoảng một đầu sách/năm; mỗi học sinh khu vực thị trấn, thành phố đọc khoảng năm đầu sách/năm.

Theo các chuyên gia, để giải quyết thực trạng trên, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của sách và văn hóa đọc; tổ chức các hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia thì nhiệm vụ đầu tiên các ban, ngành cần xác định và thực hiện là đánh giá đúng vai trò của ngành văn hóa nói chung, thư viện nói riêng để quan tâm, đầu tư đúng mức. Cần đưa ra những chính sách cụ thể, dài hạn hơn, nhất là việc đầu tư, nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác liên quan, bởi họ chính là đầu mối kết nối giữa sách và độc giả. Ðối với các cơ quan được giao trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động về sách và văn hóa đọc, cần có thêm chiến lược đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động để các sự kiện có ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đối tượng bạn đọc. Một khía cạnh khác nhằm phát huy vai trò của sách đối với xã hội, đó là phải có sách hay và những người nhiệt tình truyền cảm hứng đọc sách. Do vậy, ngoài chiến lược mang tầm vĩ mô, cần có chính sách quan tâm, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong quá trình lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng. Ðó có thể là những nhà văn viết tác phẩm xuất sắc, chinh phục được độc giả hoặc người có sáng kiến độc đáo, hiệu quả để thúc đẩy văn hóa đọc.