Ðể di sản trở nên sống động

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nhiều nghi lễ cung đình xưa, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá tại di tích Hoàng thành Thăng Long để phục vụ công chúng.

Nghi lễ Tiến xuân ngưu được phục dựng tại Hoàng thành Thăng Long.
Nghi lễ Tiến xuân ngưu được phục dựng tại Hoàng thành Thăng Long.

Ðón xuân Tân Sửu, một nghi lễ đặc biệt đã được tái hiện là nghi lễ "Tiến xuân ngưu". Dù năm nay dịch Covid-19 khiến nghi lễ phải thu gọn, nhưng đây là tiền đề để phục dựng, phổ biến nghi lễ này và nhiều hoạt động văn hóa mang tính cung đình khác của Thăng Long - Hà Nội.

Từ Ðoan Môn cho đến khu vực nền Ðiện Kính Thiên, không gian của Hoàng thành Thăng Long trong buổi tổng duyệt tái hiện lễ Tiến xuân ngưu được trang hoàng rực rỡ. Phía Ðoan Môn, một mô hình trâu đất có kích cỡ to như trâu thật được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đặt làm. Con trâu được sơn năm mầu, tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tả, hữu hai bên là hàng "lính ngự", cờ lọng rợp trời sẵn sàng đợi lệnh để rước trâu vào sân làm lễ. Cùng lúc ấy, ở phía thềm Ðiện Kính Thiên "bách quan" đứng chầu hai bên. Các "quan" vào hành lễ theo đúng nghi thức thiết triều bên thềm rồng. Khi lễ nhạc cử lên, con trâu lớn được "lính ngự" cùng các quan rước từ Ðoan Môn vào trước thềm Ðiện Kính Thiên. Tiếp đó, nghi thức dâng trâu xuân (những con trâu đất nhỏ) lên vua (tượng trưng) được tiến hành.

Các quan văn võ, tùy theo thứ bậc được giao nhiệm vụ dâng trâu. Những bước tiến, lùi, lên thềm… dâng trâu được cử hành theo hiệu lệnh khiến người xem được sống lại nghi thức cung đình xưa. Những nghi lễ được cử hành trong tiếng nhạc lễ cung đình khiến không gian của Hoàng thành Thăng Long trở nên vừa vui tươi, vừa thiêng liêng. Sau khi nghi lễ dâng trâu lên vua kết thúc, đến lượt vua ban trâu cho bá quan, tượng trưng cho việc "tống tiễn khí lạnh mùa đông", mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ Tiến xuân ngưu kết thúc bằng màn "đả xuân ngưu" (đánh trâu xuân, tượng trưng cho việc từ bỏ những điều không may mắn, khuyến khích cấy, cày).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nghi lễ Tiến xuân ngưu tổ chức vào 23 tháng Chạp tại Ðiện Kính Thiên được rút gọn so với dự kiến, nhưng vẫn tạo nên một ấn tượng hết sức đặc biệt về những giá trị văn hóa cung đình đang từng bước được phục dựng. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Trần Việt Anh, lễ Tiến xuân ngưu vốn là một nghi lễ quan trọng trong cung đình xưa. Nghi lễ được tổ chức qua các triều đại Lý và phát triển nhất dưới thời Lê Trung hưng, được tổ chức đúng vào tiết lập xuân hằng năm. Từ cung đình, nghi lễ phát triển rộng ra, trở thành một ngày lễ quan trọng trong kinh thành, người dân nô nức tham gia.

Xưa kia, triều đình chuẩn bị cho lễ Tiến xuân ngưu từ tháng 11 (âm lịch). Trong đó, quan trọng nhất là làm một trâu đất lớn, một thần câu mang (thần cai quản mùa xuân) lớn và 1.215 trâu nhỏ và tượng thần câu mang nhỏ. Ðầu tiên, triều đình tổ chức tế ở đàn tế tại phía đông kinh thành. Quan lại cùng dân chúng các phường rước trâu đến đền Bạch Mã làm lễ. Tượng trâu được đặt lên ngai, quan và dân các phường trong kinh thành rước về Ðiện Kính Thiên để tiến vua. Ðoàn rước đi tới đâu thì dân ở hai bên phường mang pháo ra đốt chào đón. Thi thoảng các quan cầm cành dâu lần lượt quất lên mình trâu mấy cái. Dân chúng trong kinh thành theo lệ, hằng năm cứ đến ngày này đều nô nức rủ nhau đi dự đám rước, cho nên nghi lễ là một ngày hội lớn của Thăng Long. Sau đó, quan Phủ Doãn cùng binh lính tùy tùng tiếp tục rước trâu vào sân điện để tiến vua. Ðây chính là phần được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phục dựng.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, từ trước đến nay chúng ta bảo tồn và lưu giữ rất tốt các nghi lễ dân gian, nhưng các nghi lễ cung đình thì chưa được tái hiện nhiều. Gần đây mới có một vài đơn vị nghiên cứu, phục dựng và tái hiện một số nghi lễ cung đình và lễ Tiến xuân ngưu là một trong số đó. Ðây là điều đáng mừng bởi nó bổ sung cho những hiểu biết của chúng ta về đời sống của ông cha trong xã hội xưa. Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết: "Nghi lễ Tiến xuân ngưu là một sinh hoạt văn hóa cung đình, đồng thời cũng là di sản văn hóa phi vật thể riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, chúng tôi đã phối hợp các nhà nghiên cứu tìm hiểu, tái hiện các nghi lễ này. Hoạt động nghiên cứu đã được tiến hành nhiều năm qua. Tư liệu cũ đều ghi chép về lễ Tiến xuân ngưu, nhưng chi tiết một số hoạt động nghi lễ thì còn thiếu rất nhiều. Do đó, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về tư liệu, các nghi lễ, nghi thức… Tuy nhiên, với sự tham gia nhiệt tình của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, Công ty Ỷ Vân Hiên, nghi lễ đã được giới chuyên môn đánh giá cao".

Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều hoạt động đưa di sản đến cộng đồng thông qua trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản… Ðồng thời, Trung tâm cũng từng bước phục dựng những hoạt động cung đình xưa. Trước đây, vào dịp năm mới, trong cung đình thường diễn ra nhiều nghi lễ. Trong đó, một số nghi lễ đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phục dựng như: Lễ dựng nêu, lễ cúng Táo quân, lễ hạ nêu… và mới đây nhất là nghi lễ Tiến xuân ngưu. Nghi lễ đòi hỏi 100 người tham gia diễn xướng. Khó nhất là vào vai các bậc đại thần thực hiện các nghi lễ dâng trâu. Các diễn viên phải luyện tập hết sức công phu. Ðồng thời, phần trang phục được nghiên cứu bài bản, sao cho họa tiết, hoa văn sát với trang phục cung đình xưa nhất.

Mặc dù dịp Tết này, lễ Tiến xuân ngưu phải rút gọn, nhưng việc phục dựng thành công đã giúp hoạt động của di sản trở nên sống động, mở ra những kỳ vọng mới trong tìm lại nét đẹp văn hóa cung đình xưa. Trong tương lai, nghi lễ này được kỳ vọng sẽ trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn.

Bài và ảnh: Giang Nam