DIỄN ÐÀN CHỦ NHẬT

Ðể di sản xứng tầm danh hiệu

Mới đây, một vấn đề được đặt ra làm "nóng" bàn tròn Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội" do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp một số đơn vị tổ chức, nhân kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðó là đề xuất cần nâng cấp danh hiệu cho Phố cổ Hà Nội qua việc khẳng định, với những giá trị tiêu biểu, khu phố cổ xứng đáng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Khu phố cổ có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và Thủ đô Hà Nội, năm 2004 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nằm ở ngoài Hoàng thành Thăng Long, đây là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, tập trung dân cư hoạt động nghề thủ công và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề đặc trưng mang nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội. Ðó là một kho tàng di sản vật thể lớn với 121 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và các di tích khác. Trong đó, 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia với đủ loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, như: đình, đền,chùa, hội quán, nhà thờ, miếu, am. Cùng với đó, là các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, gồm: ẩm thực; các loại hình diễn xướng dân gian như ca trù, xẩm; các lễ hội truyền thống,... Có thể khẳng định, những giá trị của khu phố cổ là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội.

Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp du khách trong nước và nước ngoài hiểu biết về di sản, nâng cao ý thức bảo vệ. Những dự án chỉnh trang các phố; trùng tu, tôn tạo di tích; xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan, trường học đã đem lại một diện mạo mới, cải thiện điều kiện sống, góp phần lưu giữ các giá trị vật thể cho khu phố cổ. Song, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như: hoạt động bảo tồn di sản vật thể còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện công tác giãn dân chậm; việc phát huy giá trị di sản gắn kết với kinh tế, xã hội chưa thật sự xứng tầm...

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có tổng số 114 di tích được công nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt. Nhưng theo thời gian, sự quan tâm của dư luận, xã hội có xu hướng nhạt dần, thậm chí phản ứng không tích cực. Nguyên nhân là bởi có tình trạng một số địa phương có di tích muốn khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch trong khi một số trường hợp di tích được nhận danh hiệu lại chưa thực chất, chưa đúng tầm do bất cập cả ở tiêu chí lẫn hoạt động xét tặng.

Pháp luật về di sản quy định, Di tích quốc gia đặc biệt có thể là công trình xây dựng; công trình hay quần thể kiến trúc, nghệ thuật hoặc tổng thể kiến trúc đô thị, địa điểm cư trú, khảo cổ; cảnh quan thiên nhiên. Các nhà nghiên cứu di sản và văn hóa cho rằng, Phố cổ Hà Nội hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Và nữa, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới; Phố cổ Hà Nội nếu được nghiên cứu sâu, làm rõ các giá trị khoa học với tư cách là "phần thị" khu vực thị dân gắn liền kinh đô Thăng Long hàng nghìn năm lịch sử, thì hoàn toàn có khả năng bổ sung hồ sơ trình UNESCO xem xét, ghi danh. Theo PGS,TS Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dù không sợ mang tiếng "hội chứng" chạy theo danh hiệu, thì việc Phố cổ Hà Nội có cần nâng cấp xếp hạng và nhận thêm danh hiệu hay không cũng phải được tính toán, bàn bạc thấu đáo.

Có thể thấy, để đánh giá đúng vai trò của khu Phố cổ Hà Nội trong tiến trình lịch sử, sinh hoạt của cư dân đô thị cổ và Thủ đô trước khi đệ trình đề nghị vinh danh các danh hiệu, điều quan trọng vẫn là cần sự chung tay, nỗ lực của các nhà quản lý, chuyên môn và cả cộng đồng. Khu phố cổ là một sản phẩm du lịch có giá trị cao về kiến trúc vật thể và văn hóa phi vật thể, song những giá trị ấy đang có nguy cơ ngày càng mất đi trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu kinh doanh, sinh hoạt thay đổi. Vì vậy, việc tuyên truyền về công tác bảo vệ các giá trị, đặc biệt kiến trúc phố cổ là cần thiết và vai trò của người dân là hết sức quan trọng; bởi khi những chủ nhân đích thực có ý thức giữ gìn giá trị truyền thống của các ngôi nhà, khu phố mới là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cần tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể, phát triển du lịch văn hóa Phố cổ Hà Nội liên kết trong hệ thống di sản quốc gia. Khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu phố cổ trở thành trung tâm văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. Ðó là những việc làm thiết thực, để di sản thật sự xứng tầm danh hiệu khi được vinh danh.

PHƯƠNG LIÊN