Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông:

“Hồ Chủ tịch - Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam”

“Hồ Chủ tịch - Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam”

"Không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng, Hồ Chủ tịch còn là người đặt nền móng cho loại hình đồ họa chính trị bằng hai thể loại: tranh biếm họa và tranh minh họa chính trị. Đó cũng là những hình thức tiền đề của thể loại tranh cổ động chính trị. Nói cách khác, giá trị tiên phong chứa đựng trong các tác phẩm biếm họa - minh họa do nhà báo Nguyễn Ái Quốc thực hiện từ những năm 1920 đã đặt viên gạch đầu tiên góp phần tạo nên thành quả rực rỡ của nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam sau này" - Họa sĩ Vũ Huy Thông (ảnh bên) đưa ra kết luận, sau nhiều năm tâm huyết nghiên cứu dòng tranh được ông đánh giá là "thành tựu rực rỡ nhất của đời sống mỹ thuật nước nhà trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ".

Như vậy, bên cạnh di sản đồ sộ với hàng nghìn bài báo của một cây bút sắc sảo, Bác Hồ của chúng ta còn là một họa sĩ với rất nhiều tác phẩm biếm họa - minh họa có giá trị, thưa ông?

Đúng là một di sản đồ sộ, khi nhìn vào số lượng rất lớn những bài viết bằng nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt mà Bác để lại. Là người sáng lập ra chín tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế nông dân (năm 1924), Thanh niên, Lính Kách mệnh, Công nông (cùng trong năm 1925), Thân ái (năm 1928), Đỏ (năm 1929), Việt Nam độc lập (năm 1941) và Cứu quốc (năm 1942), Bác còn trực tiếp vẽ tranh minh họa và biếm họa trên rất nhiều ấn phẩm xuất bản ở cả trong và ngoài nước. Điều đó chứng tỏ Bác đã có ý thức sử dụng hình thức đồ họa chính trị trong những tờ báo mà Người làm chủ bút từ rất sớm.

Có thể kể tới vài biếm họa tiêu biểu trên tờ Người cùng khổ như Văn minh bề trên, Triển lãm thuộc địa, Vi hành, Hội nghị Angier... với thủ pháp cường điệu, tập trung vào những hình ảnh tương phản, đối lập về kích thước và vị trí giữa hai tầng lớp thống trị - bị trị. Hay hai minh họa đầy sáng tạo xuất hiện ở Việt Nam độc lập mà tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở phần sau. Đáng tiếc là tư liệu lưu trữ còn lại đến ngày nay không còn nhiều, đặc biệt là những minh họa Bác trực tiếp thể hiện trên Thanh niên - tờ báo có vai trò đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong các tài liệu nghiên cứu chỉ nhắc tới một số tác phẩm phê phán tư tưởng thỏa hiệp với thực dân Pháp trong chính sách quốc gia cải lương mà nổi bật là bức tranh vẽ người Pháp cầm gậy đánh người An Nam đội khăn xếp và anh này dù chịu đòn vẫn gãi tai cam chịu và gắng trình ra một mảnh giấy ghi "Pháp Việt đề huề".

“Hồ Chủ tịch - Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam” -0
 

Tác phẩm Việt Nam độc lập thổi kèn loa trên trang nhất của tờ Việt Nam độc lập.

Hiệu quả tuyên truyền, cổ động cách mạng sâu rộng và sức lan tỏa mạnh mẽ của những tác phẩm đồ họa chính trị mà Bác thể hiện đã được ghi nhận từ lâu. Nhưng nhìn ở góc độ nghiên cứu mỹ thuật, ông đánh giá ra sao về phong cách sáng tác và giá trị nghệ thuật của những bức tranh này?

Số lượng tác phẩm ít ỏi còn lại của Bác trong kho lưu trữ cho thấy bút pháp của một họa sĩ không chuyên, cách tạo hình nhân vật của người không được đào tạo bài bản về mỹ thuật. Tuy nhiên, người ta hiếm khi đong đếm giá trị của tác phẩm đồ họa chính trị bằng đại lượng thẩm mỹ mà chỉ xét tới thông điệp tuyên truyền có đạt hiệu quả hay không. Khi những biếm họa trên báo Người cùng khổ vạch trần được bản chất bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, khi lời kêu gọi Việt Nam độc lập thổi kèn loa và Năm giới đoàn kết dưới bóng cờ Việt Minh trên tờ Việt Nam độc lập được người dân nô nức đón nhận, các tác phẩm ấy đã thật sự thành công.

Nhưng nói vậy không có nghĩa các tác phẩm ấy không có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Bức Việt Nam độc lập thổi kèn loa của Bác là một sáng tạo đột phá về hình thức thể hiện. Tạo hình một người đội nón, thổi kèn, chân bước đi theo nhịp quân hành với tư thế khá phức tạp chỉ bằng một nét liền được ghép bằng cụm từ Việt Nam độc lập. Dùng nét đơn chứ không phải nét tổ hợp. Mô tả đối tượng mà không cần sự hỗ trợ của cặp phạm trù sáng - tối, đậm - nhạt, dài - ngắn. Chữ được cách điệu để tạo hình. Đó là một sáng tạo độc đáo vào thời điểm trước năm 1945 mà một nhà nghiên cứu như tôi chưa gặp bao giờ. Một số tài liệu mỹ thuật đã đánh giá tác phẩm này là một bức tranh cổ động hoàn chỉnh và là một trong số rất ít những tranh cổ động chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, họa bản số hai, tháng 6 -1945 của Việt Nam độc lập có một bức tranh lớn cổ vũ tinh thần đoàn kết quyết tâm tiêu diệt phát-xít Nhật với năm nam giới bán thân mang trang phục, dụng cụ đặc trưng được bố cục dàn hàng ngang. Năm giới sĩ - nông - công - thương - binh tượng trưng cho mọi tầng lớp xã hội đang sát cánh dưới lá cờ Việt Minh. Có thể nói, đây là bức tranh cổ động đầu tiên khơi dòng cho thủ pháp dùng đồ vật biểu trưng như búa, liềm, súng, bút, cân vẫn còn rất phổ biến trong tranh cổ động Việt Nam tới tận hôm nay. Một số tác phẩm trong cả ba họa bản đặc biệt xuất hiện trong ba số báo từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1945 cũng đều mang tính chất của tranh cổ động hoàn chỉnh. Đáng chú ý là hình thức tranh liên hoàn phổ biến phương pháp ứng xử với phi công Mỹ trong lực lượng Đồng minh ở họa bản số ba sau này được sử dụng rộng rãi với tên gọi "tranh phổ biến" (hoặc "tranh phổ cập") - một thể loại rất gần với tranh cổ động sau này.

Như vậy là ngoài năng lực xuất chúng của một ngòi bút sắc bén, ngoài khả năng tổ chức xuất bản cũng như phát hành báo trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn cả về vật chất lẫn nhân lực, lại ngặt nghèo nguy hiểm trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, nhà báo Hồ Chí Minh còn thể hiện tài năng sáng tạo hình ảnh tuyên truyền chính trị độc đáo, thông qua những tác phẩm đồ họa chính trị đặc sắc và ấn tượng.

“Hồ Chủ tịch - Người đặt nền móng cho nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam” ảnh 2

Tác phẩm Năm giới Sĩ - Nông - Công - Thương - Binh đoàn kết dưới bóng cờ Việt Minh xuất hiện trên họa bản số 2 của Việt Nam độc lập, số tháng 6 năm 1945.

Vậy là từ những viên gạch đầu tiên kể trên, Bác đã đặt nền móng cho một thể loại trở thành niềm tự hào của mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Nền móng đầu tiên ấy đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ kế thừa và phát huy trong suốt chặng đường phát triển của tranh cổ động tới tận ngày hôm nay, thưa ông?

Theo tổng kết, trên 30 số đầu của Việt Nam độc lập đều có dấu ấn trực tiếp của Bác trong tất cả mọi khâu. Mặc dù xuất bản trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng với số lượng bản in và những hình ảnh minh họa trực quan độc đáo, hiệu quả tuyên truyền cổ động là vô cùng to lớn, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ dân chúng mù chữ rất cao lúc bấy giờ.

Trong dòng chảy lịch sử từ sau năm 1945, đồ họa chính trị luôn theo sát và song hành cùng đời sống chính trị xã hội của đất nước. Đây là thể loại cực kỳ quan trọng, luôn được ưu tiên số một và trở thành vũ khí quan trọng bậc nhất kết nối triệu người như một trong khối đoàn kết dân tộc vì một mục đích chung: giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Tranh cổ động ở Việt Nam vì thế phát triển rất mạnh, với những phong cách đặc sắc riêng biệt. Trong tranh, nhân vật gắn chặt với những đặc điểm và hoàn cảnh mang tính đặc thù của người Việt. Với phong cách tạo hình in đậm dấu ấn cá nhân của từng họa sĩ, tranh cổ động Việt luôn gần gũi về mặt cảm xúc, đơn giản dễ hiểu và dễ chạm đến trái tim người xem. Đa dạng đề tài, nội dung giản dị, chủ yếu được vẽ tay nên dễ truyền cảm, dễ tiếp cận tới số đông. Đó cũng là những đặc điểm từng xuất hiện trong các tác phẩm đồ họa chính trị của Bác từ những ngày đầu. Vì thế, có thể kết luận, để tranh cổ động có được những thành tựu rực rỡ như hôm nay, vai trò đặt nền móng của Hồ Chủ tịch là vô cùng lớn lao và đặc biệt quan trọng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nhà nghiên cứu, Thạc sĩ, họa sĩ Vũ Huy Thông:

Sinh năm 1974, hiện công tác tại Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông là Chủ nhiệm của ba đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam giai đoạn 1954 -1975”, “Hệ thống hình tượng trong tranh cổ động Việt Nam giai đoạn 1945-1954” và “Nghệ thuật minh họa trên báo chí cách mạng Việt Nam thời thuộc Pháp”.

Trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu, phê bình của ông là Nghệ thuật hiện đại và Nghệ thuật đương đại. Ngoài ra, ông còn tham gia cố vấn, tổ chức và làm giám tuyển cho các hoạt động, sự kiện nghệ thuật của nhiều cá nhân.