Trọn đời tận hiến cho nghệ thuật múa

Với NSND Lê Huân (ảnh bên), niềm đam mê nghệ thuật múa đã ăn sâu vào máu thịt. Người nghệ sĩ - biên đạo múa từng vào sinh ra tử trong những năm tháng khốc liệt nhất ở chiến trường Khu 5 ngày đó, giờ dù tuổi cao vẫn miệt mài sáng tạo, tận tâm, tận hiến cả cuộc đời vì nghệ thuật.

Kịch múa Ngọn lửa BaTơ .
Kịch múa Ngọn lửa BaTơ .
Trọn đời tận hiến cho nghệ thuật múa ảnh 1

Ký ức máu và hoa

Cuộc trò chuyện với chúng tôi giữa những ngày tháng tư lịch sử đã đưa NSND Lê Huân trở lại chiến trường xưa với ký ức thời hoa lửa tràn đầy nhiệt huyết, niềm vui, hạnh phúc xen lẫn nỗi buồn. Lần dở lại những trang nhật ký, tìm lại những bức ảnh đen trắng đã úa mầu, ông như sống lại thời trai trẻ. NSND Lê Huân tên thật là Lê Thế Huân, quê ở Sơn Tây (Hà Nội). Tháng 6-1959, ông vào học khóa đầu tiên của Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Tốt nghiệp xuất sắc, ông được giữ lại trường làm giáo viên. Tháng 12-1967, ông viết đơn tình nguyện xung phong đầu quân vào chiến trường Khu 5 với tâm nguyện được đắm mình trong thực tiễn, tìm mạch nguồn cảm hứng sáng tác ở nơi gian nan, ác liệt nhất.

Đối với NSND Lê Huân, những năm tháng đẹp nhất là tham gia xây dựng đoàn Văn công Giải phóng miền Trung Trung Bộ, viết kịch bản và mang những điệu múa tâm huyết ra chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Đó là những đêm hành quân không mệt mỏi, bất chấp mưa bom bão đạn khốc liệt của kẻ thù. Là giọt nước mắt nuốt ngược vào trong khi chứng kiến cái chết của những người giao liên để bảo vệ đoàn văn công trong gang tấc, sự hy sinh của văn nghệ sĩ, những người lính cùng trang lứa lúc bấy giờ mà ánh mắt và nụ cười của họ vẫn chan chứa hoài bão, ước mơ ở tuổi thanh xuân đẹp nhất.

Ông luôn tâm niệm, xây dựng một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trước hết phải xác định nội dung tư tưởng, nói cái gì, diễn cho ai xem và hướng tới phục vụ sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu đẹp. Năm 1969, ông sáng tác điệu múa hài mang tên Anh nuôi say súng để động viên tinh thần cho các chiến sĩ. Khi về thăm một đơn vị tại Sư đoàn 2 do Anh hùng LLVTND Nguyễn Chơn chỉ huy, ông đau xót tột cùng khi biết nhiều đồng đội cùng trang lứa đã hy sinh sau chiến dịch Quảng Trị. Nỗi day dứt dồn nén thôi thúc ông sáng tác điệu múa Mài sắc đường lê. Tác phẩm này được dàn dựng, biểu diễn phục vụ Đại hội Chiến sĩ thi đua quân khu năm 1972... Từ thực tiễn chiến đấu ác liệt, ông đã sáng tạo nhiều tác phẩm kịp thời phục vụ cách mạng, cổ vũ cho quân và dân Khu 5 anh dũng chiến đấu đến cùng để bảo vệ quê hương và làm nên tên tuổi của mình. Những vở diễn được dàn dựng, biểu diễn trên khắp các chiến trường, tới từng đơn vị bộ đội, dân công nơi hỏa tuyến góp phần tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ chắc tay súng trong những giây phút đối mặt với kẻ thù.

Khi chiến tranh biên giới nổ ra, NSND Lê Huân được Cục Chính trị Quân khu 5 cử làm chuyên gia, giúp xây dựng Đoàn Ca múa tỉnh Stung Treng thủ phủ miền Đông Bắc, Campuchia. Tại đây, ông đã sáng tác vở kịch múa ngắn mang tên Ăng Cor bất diệt. Vở kịch múa đã phản ánh cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của nhân dân Campuchia chống lại bọn Pol Pot, có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã chiến thắng ách tàn bạo của bọn Khmer Đỏ.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục thỏa sức đam mê với nghề tại đoàn văn công. Nghỉ hưu, ông vẫn hăng hái tham gia Liên hiệp VHNT thành phố Đà Nẵng, là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Đà Nẵng nhiều nhiệm kỳ và chuyên tâm viết kịch bản. Với hơn 70 kịch bản múa, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị, đạt nhiều giải thưởng cao như Những người con dũng sĩ (1975), kịch múa Người và ác thú (1978), Người mũi trưởng, Gặp gỡ mùa xuân, Đàn goong, thơ múa Ngọn lửa Ba Tơ (1984) - tác phẩm đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật 5 năm lần thứ hai của UBND thành phố Đà Nẵng; Kịch bản tổ khúc thơ múa dài Thăng Long - Hồ Chí Minh được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Giải xuất sắc và được Nhà nước cấp kinh phí dàn dựng để biểu diễn phục vụ lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long; Kịch múa lịch sử Ngọn lửa Hồ Chí Minh được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam xếp loại A năm 2018... Năm 2007, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Những mạch nguồn sáng tạo

Sinh ra và trưởng thành trong chiến tranh, tới tận bây giờ, với NSND Lê Huân, niềm tự hào và khát vọng về đất nước Việt Nam, đề tài chiến tranh cách mạng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mạch nguồn sáng tác. Ông nguyện cống hiến hết mình cho con đường nghệ thuật được ngọn cờ của Đảng và ánh sáng của Người soi rọi. Vinh dự trong cuộc đời NSND Lê Huân may mắn bốn lần được gặp Bác Hồ. Hai lần đầu khi Bác Hồ đến thăm trường múa (năm 1960 và 1964), hai lần sau khi ông được chọn vào Phủ Chủ tịch biểu diễn múa cho Bác Hồ xem. Kỷ niệm sâu sắc nhất không bao giờ quên là ông được múa cùng Bác Hồ trong bài múa tập thể. Và chính những lần gặp gỡ quý báu đó là chất liệu sống để ông hiểu sâu sắc hơn về chân dung vị lãnh tụ vĩ đại.

Trọn đời tận hiến cho nghệ thuật múa ảnh 2

Vở kịch múa Một thời và mãi mãi, tác phẩm đoạt Giải A – giải thưởng VH-NT thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất.

Hình ảnh vị cha già dân tộc cao quý mà bình dị luôn hiện hữu trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Cuộc đời vĩ đại của Người đã để lại cho non sông đất nước, toàn dân ta cũng như nhân dân trên thế giới ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc bất diệt nhằm thoát khỏi áp bức, lầm than, xiềng xích nô lệ. Những tác phẩm về khát vọng độc lập tự do, về những con người cộng sản chói sáng nhất luôn lấp lánh tinh thần yêu nước, mà tiêu biểu là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng nền tảng vững chắc về tri thức cách mạng và văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc cũng như tấm lòng tôn thờ, ngưỡng mộ vị lãnh tụ kiệt xuất, suốt 5 năm qua, NSND Lê Huân dồn hết tâm huyết hoàn tất kịch múa Ngọn lửa Hồ Chí Minh. Đã có nhiều loại hình nghệ thuật khai thác hình tượng Bác Hồ, nhưng chưa có ai thể hiện trên sân khấu dưới hình thức kịch múa, do đó ông miệt mài tìm tòi và chắt lọc những nét tiêu biểu nhất, "đắt giá" nhất của cuộc đời Bác, nghiền ngẫm để nắm bắt trọn vẹn được cái thần, sáng tạo các chi tiết mà ngôn ngữ múa thể hiện được đậm nét nhất về thân thế và sự nghiệp của Người. "Nét tinh túy của Bác mà tôi tập trung khắc họa trong tác phẩm này là ngọn lửa tỏa sáng của tình yêu con người và ngọn lửa của tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam", NSND Lê Huân trải lòng về tác phẩm lớn nhất, tâm huyết nhất đời mình.

Những ngày này, không có niềm hạnh phúc nào hơn khi vở kịch múa lịch sử Ngọn lửa Hồ Chí Minh của ông sắp được dàn dựng. Với thời lượng 79 phút, tác phẩm phác họa cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm hai màn: chủ đề "Người đi tìm lửa" nói về hành trình Bác Hồ ra đi từ bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước; chủ đề "Việt Nam - Hồ Chí Minh" miêu tả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tại Pác Bó, những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc gắn liền với Bác như: Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền nam...; đan xen là những câu chuyện đời thường về Bác, về tình yêu thương của Người đối với nhân dân, chiến sĩ và cả tù binh Pháp...

Cả đời ông là hành trình sống, chiến đấu và lao động, sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ. NSND Lê Huân xúc động: "50 năm gắn bó với Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi muốn cống hiến, tri ân cho mảnh đất thân thương, cho đất nước, cho nghệ thuật múa bằng cả trái tim mình". Ông cũng hứa với lòng mình, phải sống thật xứng đáng thay phần đời còn lại của những người đồng đội đã ngã xuống để tô thắm thêm mầu đỏ trên lá cờ Tổ quốc.