Tín dụng dân gian

Lịch sử hình thành hệ thống ngân hàng ở ta, nhất là theo mô hình hiện đại như bây giờ, có thể nói là ngắn. Ngay cả khi người Pháp đã “thực dân” xong Đông Dương, thì với hầu hết người Việt ở nông thôn, khái niệm “nhà băng” vẫn là một thuật ngữ xa lạ. Trong khi đấy ở Tây Âu, nghề ngân hàng đã có rất lâu, bắt nguồn từ nghề đổi tiền và đúc tiền của các thợ vàng. Tất nhiên, phải tới nửa đầu thế kỷ 15 ở các đô thị lớn, một số tổ chức kinh doanh tiền tệ mới xuất hiện với những nghiệp vụ đơn giản như đổi tiền, cất giữ hộ tiền và chủ yếu kiếm lời bằng cách cho vay nặng lãi. Không phải ngẫu nhiên cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm bốn nhăm, đám thực dân Pháp tham la

Minh họa: PHẠM HÀ HẢI
Minh họa: PHẠM HÀ HẢI

Theo những nhận định nghiêm túc của các sử gia có uy tín cả trong và ngoài nước, thì người Việt thường không giỏi buôn bán, đặc biệt dưới thời phong kiến. Có lẽ do đặc trưng địa-văn hóa, từ ngàn xưa nước Việt đã là một quốc gia thuần nông, nên chính sách “trọng nông ức thương” được lần lượt các triều đại kế tiếp nhau coi là quốc sách. Trong một nền kinh tế mang đậm nét tiểu nông tự cung tự cấp, thì người ta coi những nguyên tắc sơ đẳng về lưu thông tiền tệ là tiêu chuẩn xa xỉ. Những người giàu chỉ biết chôn tiền vào ruộng, vào bất động sản, còn một chút ít dư dật thì đem cho vay nặng lãi. Những người nghèo khi gặp đại sự như tậu trâu làm nhà cưới gả, đành bần cùng trông vào khoản vay này. Chính vì thế mà ở các làng xã hay phường nghề, đã tồn tại một kiểu tín dụng dân gian rất hay, đó là chơi “họ”. Ai cũng biết “tín dụng” là thể hiện một mối quan hệ đi vay và cho vay, với những quy định cụ thể về thời hạn cũng như hình thức tín chấp hoặc thế chấp. Chơi “họ” là cho vay trả góp, hoàn toàn “tín chấp”, mọi sự đặt hết vào niềm tin. Mà niềm tin chính là cơ sở đạo đức luôn sẵn có trong sâu xa của từng người Việt. Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, học giả Phan Kế Bính đã hết lời khen ngợi. “Cách tư cấp lẫn nhau này, mỗi người bỏ ra một ít tiền, đắp đổi lần hồi, tốn kém không bao nhiêu mà giúp cho một người nên được công việc, cũng là một cách lý tài khéo”. (Sách đã dẫn, NXB Văn hóa, trang 234).

Ở đây không bàn sâu về các chi tiết trong luật lệ chơi “họ” truyền thống, mà thực ra rất đơn giản. Vẫn cụ Phan viết. “Một người cầm cái họ, hoặc trong hội cắt lần lượt mỗi người cầm cái một năm. Cứ đầu năm về trung tuần tháng giêng hoặc sang đầu tháng hai thì người cầm cái mời những người chơi họ đến hội tại nhà mình. Đính ước với nhau chia làm hai ba hạng đóng tiền. Tùy ai chơi hạng nào cũng được. Ai lấy trước lấy sau thì hoặc dùng cách gắp thăm hoặc phải mua. Mua bao nhiêu thì được lấy bấy nhiêu, còn thừa thì chia cho các người chưa mua và cũng để tiền trầu cau cho nhà chủ”. Không phải ngẫu nhiên mà chơi “họ” luôn được những người buôn bán nhỏ gìn giữ, kể cả khi làng đã lên phố, kể cả khi những trụ sở ngân hàng đồ sộ thi nhau mọc lên. Thứ nhất là vì thủ tục của nó nhẹ nhàng giản dị, mà người Việt thì vốn ngại các loại giấy tờ rườm rà hành chính. Thứ hai là vì những người tham gia chơi “họ” hầu hết đều tử tế lương thiện, đặc biệt là những người chủ cầm cái “họ”. Thường đó là một bà, thậm chí là một cụ đã trọng tuổi, có nhân cách có uy tín. Họ không bao giờ dám cầm vốn của những người đã tin yêu mình đi tiêu bừa. Và họ cũng không bao giờ tham lam nghĩ, đem những đồng vốn có vẻ nhàn rỗi ấy đi cho vay lấy lãi. Những dây “họ” của ngày xưa rất ít khi vỡ. Ở Hà Nội cách đây vài chục năm, vẫn có những chủ họ như thế. Bà Ng. bán tạp hóa ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua chẳng hạn. Cụ D. buôn hàng khô ở chợ Hôm - Đức Viên chẳng hạn. Họ phúc đức, hay âm thầm làm từ thiện. Và khi họ mất, cả chợ cả phố lặng lẽ nghỉ hàng, nghẹn ngào đi sau xe tang của những con người đáng kính ấy. Đúng như cụ Phan nhận xét, chơi “họ” kiểu truyền thống là một trò hay, một phong tục đẹp.

Nó khác hẳn hôm nay, chơi “họ”, (miền nam gọi là hụi), đã biến tướng thành một kiểu tín dụng dân gian đen ngòm. Quá nửa những người tham gia chơi “họ” vẫn có thể là đang buôn bán, nhưng hung hãn và liều lĩnh. Họ sẵn sàng giành nhau lấy bát “họ” đầu tiên, bất chấp giá mua bị chịu lãi tới mức cắt cổ. Rồi đem cái bát “họ” như vừa cướp được, đi đánh “quả” những chuyến hàng may rủi theo tinh thần “được ăn cả ngã về không”. Đó là chưa kể những người tuổi vẫn còn trẻ vô nghề bất học, sẵn sàng đem cái bát “họ” vừa cướp, thiêu thân lao vào đỏ đen lô đề cờ bạc. Gần đây trên Youtube, bỗng đình đám bài hát “bốc bát họ” với ca từ ngô nghê càn rỡ. Nó thản nhiên khẳng định rằng, nếu những người trẻ thiếu tiền ăn chơi, thì hãy đi bốc bát “họ”. Còn người chủ cầm cái thì sao. Thường đấy là một thiếu phụ mắt ti hí hơi beo béo, mồm trơn như bôi mỡ, phong độ phảng phất vẻ đồng bóng, chung quanh xúm xít mấy gã xăm trổ đeo vàng đầy người không rõ là chồng hay nhân tình. Đám chủ “họ” này hay huênh hoang đi xe xịn, ở nhà lầu, chắc cốt chỉ dụ khách. “Chiêu” câu khách vừa lưu manh vừa tầm thường, giống hệt như “võ” của đám chuyên lừa đảo bán hàng đa cấp, đại loại đem vốn của người đến trước, tàn bạo cắt ra gí cho người đến sau. “Kinh doanh” vô đạo đức như thế, bảo làm sao mà không “bể hụi”. Giờ đây vỡ “họ” đã thành nhan nhản bi kịch bất hạnh suốt từ nam chí bắc, cho dù các cấp chính quyền cơ sở loay hoay tìm mọi cách chống. Có điều, nhìn những người buôn bán nhỏ ngây thơ tham lãi cao ngồi khóc trước ngôi biệt thự trống hoác của đám chủ “họ”, thì cảm xúc vừa thương vừa giận.

Chơi “họ” đã từng là phong tục. Ở khía cạnh trong trắng, nó giúp cho những người buôn bán nhỏ tần tảo tiết kiệm khi vất vả lo cuộc mưu sinh. Nó không những làm tăng thu nhập kinh tế mà còn làm tăng thu nhập niềm tin. Thế nhưng cùng với thăng trầm thời gian, không hiếm những phong tục đã từng tốt đẹp, thì hoặc lạc thời hoặc tha hóa, biến tướng thành hủ tục. Đó là chưa kể giờ đây, những thủ tục vay vốn từ ngân hàng dưới hình thức tín chấp, đã trở nên nhẹ nhàng văn minh khác hẳn thời xưa. Đặc biệt các hộ nghèo còn được nhà nước ưu tiên hỗ trợ vốn theo hướng ưu đãi nhất. Chính vì thế, chơi “họ” kiểu dân gian rất không nên tồn tại. Bởi sự lỏng lẻo của những quy định mang vẻ dễ dãi ở nó, thường là miếng đất màu mỡ cho vô số lừa đảo phát sinh. Cùng với tệ cho vay nặng lãi, chơi “họ” ở nhiều nơi đã lộ nguyên hình là một thứ “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật.

Tín dụng dân gian ảnh 1