Thẩm mỹ đô thị & tư duy “nhiệm kỳ”

Con đường gốm sứ bị phá bỏ 600 m để mở rộng đường.
Con đường gốm sứ bị phá bỏ 600 m để mở rộng đường.

Một loạt sự việc liên quan đến nghệ thuật công cộng ở Hà Nội thời gian gần đây (như 600 m “con đường gốm sứ” ven sông Hồng bị phá dỡ để mở rộng đường, bức phù điêu ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Bạch Mai cũng bị phá bỏ một phần rồi được di dời đi chỗ khác, hay việc tượng trang trí trong Công viên Thống Nhất được sơn xanh, đỏ rồi lại phủ mầu trắng sau nhiều phản ứng trái chiều trên truyền thông...) đã một lần nữa cho thấy hơn bao giờ hết tính chất tạm thời, tạm bợ, mạnh ai nấy làm - hệ quả của tư duy “nhiệm kỳ” cùng tâm lý tiểu nông trong ứng xử với thẩm mỹ đô thị hiện đại.

Càng phát triển càng lạc hậu về thẩm mỹ?

Sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây, năm 2008, Hà Nội tiếp tục tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa với đô thị hạt nhân, thành phố lõi lịch sử và các chuỗi đô thị bao quanh với nhiều vùng đệm và đô thị vệ tinh. Trong Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 ghi rõ một trong bốn mục tiêu chính của quy hoạch là: Xây dựng hình ảnh một đô thị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội.

Nhưng gần 10 năm, kể từ khi Quy hoạch chung Hà Nội được công bố (năm 2011), xét riêng ở góc độ cảnh quan kiến trúc và thẩm mỹ ngay khu vực đô thị hạt nhân, với bốn quận trung tâm (nội thành cũ như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và quận Tây Hồ, vẫn còn ngổn ngang quá nhiều điều bất cập, quá nhiều bài toán mâu thuẫn giữa giữ gìn - bảo tồn và phá dỡ - thay đổi trên lộ trình phát triển.

Thẩm mỹ đô thị & tư duy “nhiệm kỳ” -0
Công viên Lê-nin. Khu vực có công trình tượng đài - nghệ thuật công cộng được đánh giá là quy hoạch đẹp nhất Hà Nội.

Nếu đặt ra câu hỏi: đâu là khu vực có công trình tượng đài - nghệ thuật công cộng được quy hoạch và thiết kế đẹp nhất ở Hà Nội, câu trả lời chắc chắn là Tượng đài Lê-nin, vốn được xây dựng từ đầu thập niên 1980, nằm đối diện Cột cờ và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Bức tượng có kích thước hài hòa với không gian thông thoáng chung quanh, chất liệu đồng đen vững chãi, mang phong thái đậm nét của một vị lãnh tụ vừa vĩ đại, vừa gần gũi. Còn không gian quảng trường lý tưởng nhất dành cho tất cả mọi người, câu trả lời chắc chắn là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, nơi có kiến trúc Nhà hát Lớn duyên dáng, được hoàn thành từ đầu thế kỷ 20, có con đường rộng lớn Tràng Tiền vừa đủ dài để dẫn lối người dạo bộ đến Hồ Gươm - “Km 0” của Thủ đô với những tàng xanh cây lá, sắc mầu của hoa theo mùa và tầng tầng lớp lớp những ký ức lịch sử, văn hóa bao đời trải dài theo từng bước chân người... Những vẻ đẹp ấy là thành quả của một tầm nhìn đúng đắn về thẩm mỹ đô thị, một ứng xử chuẩn mực dành cho không gian công cộng trong một bối cảnh xã hội phố thị hiện đại, thoát khỏi thói quen tâm lý làng xã thông thường.

Nhưng theo thời gian, cùng với sự mở rộng của đô thị, tiếc là số lượng những khu vực điểm nhấn thẩm mỹ công cộng tương tự như vậy ở Thủ đô lại chưa được nhân lên. Thay vào đó, xuất hiện ngày càng nhiều hơn những nan giải, hệ lụy của cách làm chỉ phục vụ cho cái nhìn trước mắt.

Hà Nội từng là nơi đầu tiên trong cả nước gây dựng Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, kết quả là một vườn tượng điêu khắc hiện đại quốc tế (năm 1997 tại Công viên Bách Thảo, quận Ba Đình) với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ điêu khắc tên tuổi ở cả trong và ngoài nước. Vườn tượng này được xem là mô hình học hỏi để nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, sau khi tham gia đã về Huế khởi xướng hàng loạt vườn tượng điêu khắc quốc tế bên bờ sông Hương nhân các kỳ Festival Huế, bắt đầu từ năm 2002. Và từ đây, mô hình này được nhân rộng ra khắp cả nước. Nhưng cho đến nay, mấy ai còn nhớ đến vườn tượng đầu tiên ấy trong Công viên Bách Thảo? Đầu những năm 2010, Hà Nội từng đã có vườn tượng ven Hồ Gươm, song chưa được bao lâu thì nhiều sáng tác đã bị lấy trộm, bị xâm lấn, phá hại và biến thành một khung cảnh nhếch nhác đến mức phải dỡ bỏ sau nhiều phản ánh của báo chí. Con đường gốm sứ ven sông Hồng từng tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông trong cả nước, khen ngợi có, phê phán có, nhưng hiện hữu cụ thể chính là tầm nhìn ngắn hạn về quy hoạch dành cho nó. Sự tạm bợ trong thi công cũng như quá trình bảo vệ và bảo dưỡng khiến cho rất nhiều đoạn của con đường này bị rơi vào cảnh nứt vỡ, bẩn thỉu và gần đây nhất là việc phải dỡ bỏ trước mắt 600 m dài thuộc phần đường Âu Cơ, quận Tây Hồ.

Đó là còn chưa kể tới sự xuất hiện của nhiều công trình tượng đài có giá trị vĩnh cửu không được giới chuyên môn lẫn người yêu nghệ thuật thừa nhận về thẩm mỹ. Ngay việc trang trí theo thời vụ trên đường phố Thủ đô nhân mỗi dịp lễ, Tết trong năm cũng thường xuyên vấp phải phản ứng trái chiều của dư luận xã hội. Từ trang trí cây pháo bông nhấp nháy rẻ tiền về ban đêm, xấu xí về hình khối inox cùng các “vòi bạch tuộc” ở nhiều góc đường đến các trang trí hoa đào, hoa mai, hoa sen giả giăng mắc khắp các con phố dẫn đến Hồ Gươm. Từ những chậu cây hoa lớn nhỏ tới các biểu tượng quê kệch quanh Bờ Hồ, trong khi cũng chính ở đó, món quà ý nghĩa đến từ thành phố Bern (Thụy Sĩ) nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là chiếc đồng hồ hoa khổng lồ lại thường xuyên bị lãng quên chăm sóc...

Cần chấm dứt tư duy “nhiệm kỳ” và cách làm tự phát

Có thể nói, trong hiện trạng quản lý xã hội lâu nay, một công trình nghệ thuật, trang trí nơi công cộng đều được ra đời nhân một dịp kỷ niệm nào đó. Chi phí dành cho các công trình này đều đến từ hoặc ngân sách hoặc các nguồn xã hội hóa dưới danh nghĩa tài trợ của doanh nghiệp - có thể công khai hoặc ẩn danh và đều là những khoản tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, sự mở rộng các trục giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng, của các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung là tất yếu trên hành trình phát triển chung của đất nước. Giữa sự chuyển đổi mạnh mẽ này của diện mạo đô thị càng cần đến tầm nhìn chiến lược với nền tảng hiểu biết đúng đắn về thẩm mỹ đô thị của các nhà quản lý, để tránh tình trạng mất bao công sức lao động nghệ thuật và tài chính cho một công trình, rồi lại phải đập bỏ một phần như Con đường gốm sứ ven sông Hồng, hay hoài phí quà tặng của bạn bè quốc tế như chiếc đồng hồ hoa Thụy Sĩ (có trị giá tại thời điểm tặng ước chừng 20 nghìn USD)...

Thiết nghĩ, ở một nơi có khá nhiều công trình và chỉ dấu nghệ thuật công cộng - đại diện của thẩm mỹ đô thị như ở Hà Nội, địa phương này hoàn toàn có thể lên một danh sách thống kê và tìm kiếm tư vấn chuyên môn mỹ thuật, kiến trúc cảnh quan về việc nên hay không nên giữ lại, nếu địa điểm chứa đựng chúng lại nằm trong chỉ giới mở rộng giao thông hoặc xây dựng công trình mới. Sự chuẩn bị bài bản này cũng phù hợp với các công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa nhất định và cùng chung số phận bị phá dỡ trong quá trình phát triển đô thị, thể hiện trách nhiệm và sự tôn trọng dành cho thẩm mỹ công cộng, nhìn từ phạm vi rộng lớn hơn.

Trên truyền thông gần đây, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã chia sẻ về việc cần thiết có sự tham vấn của giới chuyên môn - từ cơ quan quản lý cấp nhà nước là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đến cá nhân các họa sĩ, nhà điêu khắc, giới kiến trúc sư để nâng cao chất lượng mỹ thuật tại các không gian đô thị, từ công trình có tính chất trường tồn đến những trang trí có tính chất thời vụ. Nghệ thuật thật sự phải hướng tới mục đích làm đẹp, làm giàu thẩm mỹ công cộng chứ không phải tiếp tục tạo ra “rác” thẩm mỹ cho đô thị - ông Đoàn kết luận.