Sài Gòn ơi, ta đã về đây!

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đó mà đã 44 năm trôi qua, kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử, khi bắc-nam liền một dải, vang khúc khải hoàn vui ngày đoàn tụ. Nhưng ký ức hào hùng về những ngày tiến vào cửa ngõ Sài Gòn vẫn vẹn nguyên trong trái tim những nghệ sĩ điện ảnh may mắn được đồng hành cùng đoàn quân giải phóng. Và có cơ hội lưu giữ lại cho đời những khuôn hình thấm đẫm chất hùng ca của điểm cuối chặng đường gian nan mà cả dân tộc đã phải mất tới 21 năm mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Cảnh trong phim Thành phố lúc rạng đông.
Cảnh trong phim Thành phố lúc rạng đông.

Ta đang sống những ngày lịch sử

Trong ký ức đông đảo lớp nghệ sĩ vinh dự nhận nhiệm vụ đi B những ngày tháng Tư lịch sử ấy đều có chung một niềm vui lớn. Hồi hộp, xốn xang, thấp thoáng một linh cảm, dường như chiến thắng mong đợi bao năm cũng đã gần kề.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh bồi hồi, “Xưởng phim truyện Việt Nam được lệnh động viên tổ chức thành bốn đoàn làm phim tài liệu lên đường tham gia chiến dịch. Tôi là đạo diễn trong một đoàn gồm các anh Dương Đình Bá, Thẩm Võ Hoàng và Tô Thi. Ba đoàn kia gồm các nhóm nghệ sĩ Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ - Nguyễn Khánh Dư, Trần Vũ - Bành Bảo - Phạm Ngọc Lan và Bùi Đình Hạc - Lưu Xuân Thư”.

Chỉ có đoàn của đạo diễn Hải Ninh được ưu tiên quay bằng phim màu. Các nhóm còn lại ghi hình bằng phim đen trắng. Gọi là đi B nhưng các nghệ sĩ được ra trận trên bốn chiếc xe com măng ca Bắc Kinh mới toanh, thẳng tiến theo quốc lộ 1. Xe chạy giữa ban ngày vì không còn máy bay Mỹ quần đảo trên đầu. Máy quay và những hộp phim nhựa 35mm thay cho những chiếc máy 16 mm gọn nhẹ, cơ động trong thời chiến. Theo sự phân công, đoàn của hai đạo diễn Hải Ninh và Bùi Đình Hạc vào gặp Trung ương Cục miền Nam rồi bám theo các mũi chủ công tiến thẳng về “hòn ngọc Viễn Đông”. Đoàn nghệ sĩ Trần Vũ trực chỉ Buôn Mê Thuột, còn đạo diễn Đặng Nhật Minh thì hướng về khu V.

Sau khi hoàn thành hai bộ phim phóng sự còn “nóng hôi hổi” mang tên Đường qua Huế giải phóng, Giải phóng Đà Nẵng, nhóm làm phim của nghệ sĩ Thanh An (thuộc Xưởng phim tài liệu và khoa học Trung ương) tập kết tại thành phố bên bờ sông Hàn. Giữa tháng Tư, một bức điện ngắn gọn của đồng chí Tố Hữu gửi đến, “tất cả các nghệ sĩ đang có mặt tại Trị Thiên và khu V vào B2 ngay, không được chậm trễ”.

Những tay máy mang màu xanh áo lính của Xưởng phim quân đội, sau khi hoàn tất bộ phim phóng sự Chiến thắng Phước Long và kịp phổ biến rộng rãi trên toàn miền bắc đã được lệnh lên đường rất sớm, từ thời điểm cuối 74 đầu 75. Các tổ công tác lần lượt được tung vào khắp các chiến trường. Hàng chục đoàn làm phim nhanh chóng được thành lập và nối tiếp nhau lên đường. Nhóm Phạm Hanh - Nguyễn Hữu Xuân vào khu V và Tây Nguyên. Tổ Nguyễn Mạnh Hùng - Phạm Quang Định đi Tây Nguyên, Đà Nẵng rồi phía nam đèo Hải Vân. Rồi nhóm Đỗ Mạnh Dương vào Trị Thiên Huế. Tổ của đạo diễn Đặng Xuân Hải “số đỏ” nhất, khi được song hành cùng các đơn vị đánh thẳng vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quân ngụy quyền.

Ta phất cao lá cờ thắng lợi

Đạo diễn Đặng Nhật Minh còn nhớ như in cảm giác xúc động đến nghẹn ngào khi chiếc xe lăn bánh trên xa lộ Biên Hòa vào lúc bốn giờ chiều 30-4. Càng gần tới Sài Gòn, đường sá càng tắc nghẽn. Hai tiếng sau, đoàn vào tới Dinh Độc Lập. Ông kể, “các sư đoàn, ai đến trước vào trước, đến sau vào sau, mỗi đơn vị chiếm lĩnh một góc sân trong Dinh. Riêng tòa nhà chính do trung đoàn tăng canh gác. Họ cấm chúng tôi lên tầng hai, nơi giam giữ nội các Dương Văn Minh, còn ngoài ra muốn vào đâu cũng được... Thật ra giây phút lịch sử khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh, không có nhà làm phim nào của ta ghi lại được, dù là những hình ảnh từ phía sau xe. Có được những khuôn hình có một không hai ấy là nhờ công của các phóng viên nước ngoài. Sở dĩ họ chớp được thời cơ đó là bởi đều có mặt từ 10h sáng để chờ đợi cuộc họp báo của Tổng thống. Đang tụ tập nơi tầng một, nghe tiếng xích xe tăng rõ dần, họ lập tức chĩa ống kính ra phía sân, ngay khi chiếc xe húc đổ cánh cửa”.

Với nhóm làm phim của đạo diễn Thanh An, “chúng tôi hành quân theo quốc lộ 1A. Có nơi các trận chiến giữa ta và địch vẫn diễn ra ác liệt. Lại có nơi, địch rút chạy quá nhanh khiến ta đuổi theo không kịp, tạo nên một khoảng trống ở giữa cho đội quân hôi của, cướp bóc hoành hành. Và những tư liệu vô giá (hình ảnh một số thành viên nội các cuối cùng của chế độ Sài Gòn cũ, giây phút cuối Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyên vẫn còn tất bật tới nhiệm sở, hình ảnh đoàn mô-tô chuẩn bị cho lễ ra mắt nội các Dương Văn Minh dự kiến diễn ra sáng 30-4), tất cả đã được thu gọn trong ống kính của chúng tôi”.

Riêng đạo diễn Hải Ninh, chặng đường ngắn ngủi cận kề chiến thắng vẫn còn đó một nỗi đau xé ruột. “Từ Tây Ninh, chúng tôi tăng tốc để kịp bám theo đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Trên đường đi, chúng tôi gặp một xe toàn tân binh. Vừa vội vàng gửi mấy câu chào hỏi, vậy mà chỉ năm phút sau, một tiếng nổ vang trời, cả xe đã trúng mìn tăng, những chàng lính trẻ măng hy sinh, không ai còn giữ được thân xác nguyên vẹn. Chúng tôi lặng đi, đã kề cận hòa bình, vậy mà những mất mát vẫn chưa chấm dứt...” .

Vào thành phố sáng 1-5, đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn bắt gặp bầu không khí khá căng thẳng. Những tiếng súng lẻ tẻ, những gương mặt hốt hoảng vẫn thấp thoáng đâu đó. Nhưng sau đó, những dòng người cầm cờ đổ ra đường đón chào đoàn quân ngày càng đông. “Và ấn tượng lớn nhất khiến tôi trào nước mắt vì sung sướng, đó là hình ảnh một hòn ngọc Viễn Đông vẹn nguyên, không dấu vết hoang tàn, đổ nát đang tràn ngập cờ hoa và những nụ cười rạng rỡ” - ông bồi hồi nhớ lại.

Giành một mùa xuân tươi sáng khắp miền nam

Ít giờ sau thời khắc lịch sử, tất cả những nghệ sĩ tên tuổi nhất đều đã tập trung giữa đô thành. Trong men say chiến thắng, họ túa đi mọi ngả đường, thu vào ống kính mọi hình ảnh có thể, với tâm niệm đây là những khuôn hình vô giá, để trôi tuột đi sẽ là có tội. “Sáng sáng, chúng tôi vác máy ra đường quay bất cứ cái gì muốn quay. Nội dung chủ yếu của đoàn nào, không hẹn mà nên, cũng chỉ xoay quanh hai chủ đề. Niềm hân hoan của người dân vừa được giải phóng và tàn dư của một xã hội bao năm sống dưới ách thực dân kiểu mới. Chúng tôi liên tục chạm trán nhau trong khi tác nghiệp. Ai cũng thu hình các cuộc tuần hành của thanh niên sinh viên trên đường phố. Và ai cũng săn lùng dân “cái bang” nhằm tố cáo chế độ Mỹ ngụy. Mấy người ăn xin ở chợ Bến Thành ngày ấy chắc rất ngạc nhiên vì không hiểu sao mình lại được các nhà làm phim miền bắc quan tâm đến vậy? Rồi các ổ xì ke, gái mãi dâm cũng được ưu tiên, bởi đó là biểu hiện xấu xa của chế độ thực dân, không quay nhanh thì sau này sẽ bị xóa sổ” - đạo diễn Đặng Nhật Minh hóm hỉnh nhớ lại.

Đạo diễn Thanh An, nhờ làm phim Sài Gòn mùa thu 1975 nên có dịp được trực tiếp phỏng vấn rất nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Sài Gòn cũ. Ông bảo, “hình ảnh thảm thương nhất là ông tướng Trần Quang Khôi. Vị tư lệnh khóc nức nở, khóc như một đứa trẻ vừa tủi thân, vừa uất hận vừa như kìm nén một điều gì thật cay đắng. 120 mét phim đã chạy hết mà ông vẫn nấc lên từng cơn. Ông bảo, đời binh nghiệp kết thúc sao mà cay đắng. Vợ con không biết phiêu dạt nơi nào. Bản thân chỉ một quần xà lỏn, một chiếc áo rách ra hàng quân giải phóng”.

Ấn tượng nhất trong trí nhớ của đạo diễn Hải Ninh là hình ảnh vị tổng thống cuối cùng Dương Văn Minh. “Xác định đây là nhân vật chính cần bám sát, vậy là máy quay luôn đi theo ông ta, mọi lúc mọi nơi. Biết bị ghi hình, ông ta rất lúng túng và có ý tránh mặt. Rồi dường như không chịu nổi áp lực tâm lý đang đè nặng, ông nói một câu vu vơ, tay chỉ vào tấm kính cửa sổ vỡ vụn dưới đất, kính này của Thụy Sĩ, rất đắt tiền, bị vỡ phí quá”.

Còn với đạo diễn Bùi Đình Hạc, Sài Gòn tháng 5 năm 1975 là niềm vui đoàn tụ đang đến với từng gia đình, từng con người trong hạnh phúc dạt dào. Trong bộ phim ấy có Bùi Quang Thận - người cắm cờ, chính ủy lữ đoàn tăng thiết giáp Bùi Văn Tùng, người đánh kho xăng Nhà Bè Nguyễn Hồng Thế. Rồi những bạn bè, đồng chí của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Những chiến sĩ trung kiên trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo, có người ra đến cầu tàu để chuẩn bị về đất liền, phút sum họp cận kề còn gục xuống chết vì kiệt sức. Và cả những người bắc vô nam nhận họ hàng, chỉ có thể tìm thấy nhau nhờ vào những tấm biển giơ cao nơi bến tàu thủy.

*

Đội ngũ những nhà làm phim năm ấy, giờ người còn người mất. Nhưng những tác phẩm ra đời từ men say chiến thắng ấy, những thước phim tư liệu vô giá ấy vẫn trường tồn cùng dân tộc. Như những trang lịch sử bằng hình ảnh, chân thực và sống động. Để mỗi chúng ta được sống lại trọn vẹn xúc cảm tự hào, mỗi dịp đất nước tưng bừng kỷ niệm ngày vui sum họp.

(Các tít phụ đều trích từ phần lời ca khúc nổi tiếng Sài Gòn quật khởi của nhạc sĩ Hồ Bắc).