Nút thắt của bảo tàng

Một cách ngoài ý muốn, cuộc tranh luận về việc xây dựng trụ sở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại là cơ hội để người ta đặt câu hỏi về sự hợp lý trong cách mà hàng trăm bảo tàng công lập đang tồn tại.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại vẫn thu hút được nhiều du khách.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại vẫn thu hút được nhiều du khách.

Cuộc tranh luận ấy đã bắt đầu từ nhiều năm, và thường xuyên được khơi lại theo những diễn biến liên quan tới việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Gần nhất, tháng 9 vừa qua, trong văn bản gửi tới Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết: nguồn vốn để thực hiện dự án này vẫn chưa thể bố trí đủ.

Lối mòn “Bảo tàng quốc doanh”

Kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối 2016, dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có 11 năm tồn tại nhưng vẫn chưa thể khởi công.

Theo dự án, Bảo tàng được xây dựng tại khu vực tây Hồ Tây với tổng diện tích gần 10 ha, gồm các hạng mục: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời... Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20 nghìn m2, một tầng hầm và sáu tầng nổi. Hiện tại, nguồn vốn cho dự án này được xác định lên tới 11.300 tỷ đồng.

Không có gì khó hiểu, khi con số ấy dẫn tới những phản biện gay gắt từ dư luận và các chuyên gia. Bởi, cũng như hàng loạt bảo tàng khác trên toàn quốc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện vẫn để lại những ấn tượng không hề tích cực về hiệu quả hoạt động. Như những ý kiến đã nhắc tới, đó là lượng khách thưa vắng, là sự nghèo nàn về mật độ tổ chức trưng bày, hay việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện tại (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn sử dụng một phần mặt bằng để cho thuê bán bia hơi và cây cảnh.

“Khách vắng, nên bản thân các bảo tàng cũng loay hoay trong việc khai thác phần diện tích hiện có, để rồi lại đem cho thuê hoặc dùng để tổ chức sự kiện”- KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) - “Làm như vậy, dư luận phản ứng với việc xây Bảo tàng mới cũng là tất yếu”.

Theo lời KTS này, hệ thống các bảo tàng công lập từng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân từ 30, 40 năm trước. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bản thân các bảo tàng này lại không chịu thay đổi để đáp ứng thẩm mỹ và nhu cầu của người xem hôm nay.

“Chỉ riêng tại Hà Nội đã có khoảng 30 bảo tàng khác nhau. Vậy nhưng, dù rất muốn đưa con tới các bảo tàng để mở mang kiến thức, tôi chỉ qua vài nơi là đã nản và không hề muốn quay lại” - anh nói - “Vắn tắt, ấn tượng chung từ những gì được trưng bày tại đó là sự cũ kỹ và vô cảm”.

Nói về sự cứng nhắc của hệ thống bảo tàng công lập trên toàn quốc, PGS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia đầu ngành về bảo tàng hiện nay, gọi đó là tư duy “toàn diện”, “hoành tráng” với sự duy ý chí.

“Nghĩa là làm bảo tàng mà như viết sách giáo khoa hay triển lãm kiểu tuyên truyền. Chỗ nào thiếu hiện vật thì copy, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện” - ông nói. “Tư duy kiểu một chiều, áp đặt như vậy nên hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng, và cũng rất khó để tổ chức các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng.”

Thẳng thắn, PGS này chỉ ra một sai lầm rất lớn trong cách tổ chức các bảo tàng công lập hiện tại: không lấy hiện vật làm trung tâm mà thay vào đó, quá chú trọng tới việc xây dựng trụ sở bảo tàng. Theo đó, bảo tàng được triển khai theo một “công thức” quen thuộc: cứ xây dựng tòa nhà trước, khánh thành trước, rồi vài năm sau mới chuẩn bị trưng bày, khánh thành trưng bày chính. Trường hợp này xảy ra tại các bảo tàng Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Côn Đảo, Bảo tàng Văn học Việt Nam...

“Đó là cách làm không phù hợp, không khoa học, lãng phí. Nhiều khi, người ta xây dựng trụ sở bảo tàng để chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan” - PGS Huy nói.

Nút thắt của bảo tàng ảnh 1

Phối cảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại khu vực Hồ Tây.

Không dễ “bốc thuốc”

Không phải ngẫu nhiên, những điểm sáng hiếm hoi trong hơn 100 bảo tàng công lập đều được các chuyên gia nhắc tới với những cách triển khai khá hiện đại về việc tổ chức trưng bày hay tiếp cận khách tham quan. Đó là trường hợp của các Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh - vốn có sức hút với du khách và đều từng lọt vào top 25 bảo tàng hấp dẫn tại châu Á (trang web du lịch quốc tế TripAdvisor bình chọn).

Thậm chí, ở mức độ một bảo tàng cấp ngành, câu chuyện của Bảo tàng Hải quan cũng đủ để người ta suy nghĩ về những thay đổi cần có trong tư duy với loại hình này. Như chia sẻ của những người trong cuộc, bảo tàng được xây dựng theo kiểu “hướng ngoại”: vừa là bộ mặt của ngành, vừa có thể mở cửa cho du khách tới tham quan trong tương lai.

Rộng vài trăm mét, không gian của Bảo tàng Hải quan được sắp đặt một cách khá đặc biệt, với hầu hết cả tủ, bục, ngăn trưng bày được cách điệu theo hình thức của những thùng, tủ gỗ và các container hàng. Ở đó, người xem sẽ đến với những câu chuyện được tổ chức “kể” rất chi tiết, thông qua hiện vật trưng bày, bảng thuyết minh lẫn những clip hình ảnh được đặt trong các màn hình nằm rải rác. Đó là một rừng hiện vật đặc biệt: từ những loại dao, kiếm, thuốc kích dục... tịch thu ở biên giới cho tới những món “hàng độc” như thạp gốm thời Lý, bạch phiến, thuốc lắc và cả chục chiếc sừng tê, từ những hòn đá khoét rỗng ruột (để dân buôn lậu chứa đá lửa) tới những chiếc giày có đế rỗng (để nhét đô-la) tại TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bên cạnh những con dao nhọn, mảnh vỏ chai từng gắn liền với sự hy sinh của những chiến sĩ hải quan, một góc bảo tàng còn giới thiệu những hiện vật và tài liệu liên quan tới vụ án của Công ty Tân Trường Sanh năm 1997 - khi trong 170 bị can có khá nhiều cán bộ tham gia buôn lậu của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế...

“Đó là một điển hình cho cách làm bảo tàng hiện đại: thuyết phục khán giả bằng sự trung thực khách quan, bằng những cách tiếp cận đa tuyến, đa chiều, với những câu chuyện đời thường và sống động” - PGS Nguyễn Văn Huy nhận xét.

Trở lại với câu chuyện của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, theo dự kiến, sớm nhất, phải tới năm 2021, Bảo tàng này mới được khởi công, nghĩa là chỉ có thể hoàn thành vào năm 2024 nếu kịp tiến độ.

Nhưng, với “nút thắt” về tư duy của các bảo tàng công lập, người ta vẫn có quyền lo ngại - cho dù những bảo tàng ấy sẽ được xây dựng hoành tráng, và có thể sở hữu cả một lượng hiện vật khổng lồ.

Muốn hấp dẫn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phải đổi mới toàn diện và căn bản về cách tiếp cận. Việc trình bày lịch sử phải tiến hành theo cách tiếp cận đa tuyến đồng thời phải đặt con người vào trọng tâm của sự phát triển lịch sử quốc gia. Có làm như vậy, bảo tàng mới có sức sống, mới lôi cuốn được công chúng đến xem vì nó thiết thực với họ (PGS Nguyễn Văn Huy)