“Nơi đầu sóng”

Sau hải trình đến với Trường Sa, nhà thơ Lữ Mai cùng nhiếp ảnh gia Trần Thành chợt nhận ra, họ “đang được nhận từ biển đảo mọi năng lượng vĩnh cửu của tình yêu, sự sống đầy ám ảnh, thiết tha. Bắt đầu từ những điều mến thương, bình dị nhất”. Và Nơi đầu sóng chính là nhịp cầu chuyển tiếp nguồn “năng lượng vĩnh cửu” ấy, đến với những độc giả luôn lưu giữ biển đảo quê hương trong trái tim mình.

“Nơi đầu sóng”

Đến với Trường Sa là đến với phần máu thịt thiêng liêng của đất mẹ Việt Nam được ông cha bao đời không quản máu xương giữ gìn cương thổ. Là đến với quần đảo tiền tiêu ưỡn ngực làm thành tấm lá chắn kiên cường nơi phên giậu Biển Đông của Tổ quốc. Là để trào dâng xúc động khi đứng bên những cột mốc đánh dấu chủ quyền nơi đảo đá. Và để rơi nước mắt khi nhìn những cánh hạc giấy bay trong gió biển, mang tình yêu thương của đất mẹ gửi những linh hồn chiến sĩ đã hy sinh.

Đến với Trường Sa là nỗi khát khao, là niềm mong mỏi của mỗi con dân đất Việt. Và ai đã từng tới đó, đều thấy mình thật sự may mắn. Chủ nhân của những trang văn thấm đẫm cảm xúc và những khuôn hình tràn ngập tình yêu biển đảo ở Nơi đầu sóng cũng vậy.

Cuốn sách khổ vuông xinh xắn, với dung lượng 134 trang gói gọn 21 tản văn và ghi chép của cây bút trẻ Lữ Mai. Một tác phẩm được thai nghén, ấp ủ và thành hình khá nhanh, chỉ sau khi chị kết thúc chuyến đi đáng nhớ có ba tháng. Không chỉ là một thi sĩ, Lữ Mai còn là một nhà báo. Vì thế, sự pha trộn giữa xúc cảm dạt dào cùng những ngân rung tơ lòng dịu nhẹ của một nhà thơ và khả năng phát hiện đề tài, rút tỉa chi tiết, chuyển tải thông tin chân thực của một phóng viên đã mang lại một màu sắc riêng có, thú vị cho người đọc, khi lật giở tới trang cuối của Nơi đầu sóng.

Chỉ một thi sĩ mới có thể rung cảm với Mưa mùa hạ reo cười trên đảo hay Bầu trời đầy sao đu đưa. Chỉ một thi sĩ mới cay cay khóe mắt với Ba hồi còi tàu vọng mãi và cảm nhận được Cơn giông đang bò dần tới. Chỉ một thi sĩ mới ngắm hoa bàng vuông nở như Nghi lễ của tàn phai, nhìn ô cửa sổ nhỏ xíu đẹp như một bức tranh trên đảo Đá Đông mà ngỡ như thấy cả muối mặn thời gian gạn chắt trong từng chiếc vỏ ốc. Và cũng chỉ một thi sĩ mới có thể dành nhiều giờ lặng ngắm những đàn cá chuồn di chuyển và liên tưởng tới Vũ điệu sinh tồn, nhìn luồng sáng hải đăng để nghĩ về Ngọn đèn thao thức bao đêm.

Nhưng nếu không có nhãn quan của một nhà báo, Lữ Mai chắc chắn không thể phát hiện ra những câu chuyện nhỏ xíu, dung dị nhưng đầy ắp tính nhân văn, chân thực và giàu sức thuyết phục về những hy sinh lặng thầm không thể đong đếm của những người lính đang chắc tay súng trên đảo, đá tiền tiêu. Đọc những Heo bọc thép, Chó trên đảo nổi đảo chìm, Lợn nuôi cá - cá nuôi mình hay Can cà 20 lít, Lời cây trái đảo xa, Những chiếc thang dây..., độc giả bất giác mỉm cười vì những chi tiết gần gũi, những nhân vật bình thường, giản dị nhưng rất đáng yêu, đáng trân trọng.

Không dừng lại ở cái đích minh họa cho những con chữ dòng văn, ảnh của tác giả Trần Thành - người đã trở đi, trở lại nhiều lần với biển đảo Trường Sa đều có thể tồn tại như những tác phẩm độc lập, với ngôn ngữ kể chuyện ấn tượng. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, những khoảnh khắc tuyệt đẹp mà anh chớp được trên nhiều chặng hành trình mang lại xúc cảm sâu lắng cho người đọc. Như cánh hạc giấy lẻ loi giữa đại dương xanh thẳm, như ngọn sóng vươn cao với con tàu kiểm ngư kiêu hãnh phía chân trời...

Có thể nói, văn chương và nhiếp ảnh, con chữ và khuôn hình đã dựa vào nhau, nâng đỡ cho nhau để tạo nên một tổng thể đẹp mang tên Nơi đầu sóng. Ở đó có những người lính với Nước da đen cháy giống hệt nhau. Ở đó là “đảo ta”, cái cụm từ nghe thân thương đến lạ!

“Nơi đầu sóng” ảnh 1