Nhà văn Trung Trung Ðỉnh:

“Nhà văn thì phải biết đùa”

“Nhà văn thì phải biết đùa” là tựa đề tác phẩm mới nhất của nhà văn Trung Trung Đỉnh (ảnh trên), trong bộ sách gồm bảy cuốn mà NXB Trẻ trân trọng ra mắt bạn đọc đúng ngày ông đón tuổi 70. “Nhà văn thì phải biết đùa” cũng là quan điểm xuyên suốt của ông trong cuộc chuyện trò thẳng thắn và cởi mở, xoay quanh thể loại chân dung văn học của cuốn sách.

Ảnh | Hoàng Xuân Tuyền
Ảnh | Hoàng Xuân Tuyền

Xin ông một lời lý giải về tựa sách. Bởi tôi cứ nghĩ, nhà văn mà không biết đùa mới là sự lạ?

Như trong lời tựa đầu sách, tôi đã từng chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình. Rằng sau vài chục năm hoạt động trong giới, tôi nhận thấy phần đa văn nghệ sĩ nước mình thường rất nghiêm trang, hay nói đúng hơn là rất nghiêm trọng. Tác phẩm nào cũng phải trả lời được hai câu hỏi, “lựa chọn đề tài gì” và “chuyển tải vấn đề gì”. Trước, tôi mê lối sống cũng như cách viết của các cụ Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Văn phong của họ lúc nào cũng thâm thuý, khúc chiết nhưng lại rất dân dã, hài hước. Các nhân vật mà họ tạo dựng, tất thảy đều thân thương gần gũi mà rất khôi hài. Văn học ta sau này gần như mất hẳn cái chất hài hước và giễu nhại, hóm hỉnh và chua cay độc đáo ấy. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tôi trộm nghĩ, phần nhiều đều do “ông đề tài” và “bà vấn đề” kể trên mà ra cả.

Đời người, có khi làm việc nghiêm túc nhưng cũng có lúc giải trí, vui chơi. Tôi nghiệm ra, ai hay nghiêm trọng điều gì thì thường khổ sở về chính thứ đó. Những ký họa chân dung của tôi viết về những người thầy, những bạn vong niên cùng bạn đồng nghiệp cùng trang lứa mà nhờ cái duyên nào đó mà đã có một thời song hành cùng nhau. Có vui có buồn, có hay có dở. Mong sao nó đem đến được chút chân tình trung thực, yêu yêu ghét ghét của tác giả. Và mong các bạn đồng nghiệp bơn bớt cái sự nghiêm trọng mà gia tăng chất hóm hỉnh. Vậy thôi.

“Trong nghề với nhau, cái lối mang nhau vào trang văn đôi khi cũng chỉ được xem là chuyện làm cho vui, nhân tiện thì viết nhưng cũng đã nhiều phen để lại đủ nỗi thù hận. Dù trong thâm tâm công nhận anh nói đúng song tôi thích làm sao được. Có ý thế nào đi nữa thì anh cũng phải nể cái mặt tôi nữa chứ. Hết cái để viết rồi hay sao mà phải “ăn thịt” cả đồng nghiệp”. Đó là lời nhà văn Vương Trí Nhàn, trong lời tựa cuốn “Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp” của tác giả Vũ Bằng. Quả thật là nếu nhà văn không biết đùa, khi nhìn lại chân dung chính mình qua nét phác thảo của bạn bè, “chút chân tình trung thực” của ông chắc không tránh khỏi việc làm ai đó mếch lòng?

Tôi có một nguyên tắc, chỉ viết về những người mình từng gắn bó, quan hệ mật thiết. Không chỉ thân và hiểu nhau, tính cách và con người họ phải hấp dẫn, phải gợi được cảm hứng, phải “đáng giá” thì tôi mới bỏ công sức phác họa chân dung. Những nhân vật bạn văn trong tập sách này, bạn đời - bạn giang hồ mà tôi ấp ủ trong tập sách sau đều thôi thúc tôi cầm bút từ nhu cầu tự thân, không bao giờ xuất phát từ đơn đặt hàng của cơ quan báo chí - xuất bản nào. Tệ một nỗi là chân dung văn học của tôi thường có dung lượng quá dài, “đất đai” trên mặt báo vốn “hẻo” nên biên tập viên thường chọn ra một đoạn mà theo họ hấp dẫn bạn đọc nhất rồi trích đăng. Cái sự “mếch lòng”, như bạn nói, thường đến từ nguyên do đó. Thí dụ như bài viết, “Trần Đăng Khoa - thằng cuội ngồi gốc cây... thơ” của tôi nhận phản hồi rất tiêu cực từ phía anh trai của Khoa - nhà thơ Trần Nhuận Minh cùng một số độc giả vì trích đoạn “Khoa thật - Khoa giả” mà báo Nông thôn ngày nay lựa chọn. Thái độ không vui của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng xuất phát từ một đoạn trích trên báo Tiền phong kể chuyện ông phải xuôi ngược đi buôn, trong cái thời hậu chiến đầy gian khó, gập ghềnh mà chúng tôi từng song hành. Tách riêng từng đoạn ra khỏi tổng thể bài viết, sự tiếp nhận của cả nhân vật và người đọc khó mà chính xác, trọn vẹn nên những phản ứng ấy, theo tôi, cũng là điều dễ hiểu.

Có một nhà phê bình văn học đã từng viết, “lâu nay, mọi người cứ nghĩ vẽ chân dung là phải đẹp, phải trịnh trọng, đàng hoàng mà cái cốt yếu là chân dung phải thật, phải chân thực thì lại ít được coi trọng”. Ông nghĩ sao về yếu tố “thật” trong chân dung văn học?

“Nhà văn thì phải biết đùa” ảnh 1

Khi biến ai đó thành nguyên mẫu của mình, tôi tuân thủ nguyên tắc không bao giờ một chiều ca ngợi. Chỉ khen nhau, tâng bốc nhau thì đơn giản lắm. Nhưng muốn phê bình, chê bai không hề dễ. Phải bỏ công nghiên cứu rất kỹ về con người và tác phẩm của họ, phải hiểu họ đến tận “chân tơ, kẽ tóc” mới có thể chê đúng, mới khiến họ “tâm phục, khẩu phục”. Tôi nghĩ, một “chân dung văn học” đúng nghĩa phải là một bài phê bình, nghiên cứu rất sâu. Để viết về ai đó, không chỉ cần hiểu rõ tính cách, hoàn cảnh sống, cung cách giao tiếp ứng xử... mà còn phải chịu khó đọc, phải hiểu sâu, hiểu kỹ phong cách sáng tác cùng những hay - dở trong từng tác phẩm của họ. Nếu chỉ dừng lại phác hoạ những chi tiết bề nổi, những góc khuất vui buồn - ngọt đắng đời thường thì bài viết mới ở mức độ “chuyện làng văn”. Dễ hấp dẫn, gây tò mò, chạy theo chiều chuộng thị hiếu của độc giả số đông đấy nhưng tôi không đánh giá cao kiểu phác họa chân dung này. Đó là chưa kể đâu đó còn có tác giả lạm dụng năng lực gây cười, khôi hài tếu táo để câu khách bằng mọi giá, chi tiết lột tả tính cách nhân vật thì hư - thực bất phân. Tác phẩm có thể bán chạy, tác giả có thể được nhiều người tung hô nhưng nói như nhà văn Vương Trí Nhàn là chính xác, hết cái để viết rồi hay sao mà phải “ăn thịt” cả đồng nghiệp?

Vậy theo ông, chân dung văn học được phép hư cấu không? Và nếu có thì tới mức độ nào?

Đã là nhà văn thì phải biết sáng tác. Đã là nhà văn thì đều có chút hư cấu, cài cắm ý tứ ẩn sau từng con chữ. Tôi vẫn có những chi tiết bịa đâu đó, trong những chân dung văn học của mình. Nhưng hư cấu gì thì vẫn phải bảo đảm hai yêu cầu: không được xúc phạm nhân vật và bảo đảm lột tả chính xác tính cách của nhân vật. Cũng phải nói thêm, nhiều chi tiết có thật 100% nhưng nếu tác giả không khéo léo trong chắt lọc, xử lý thì sẽ phản tác dụng, khiến hình ảnh nhân vật trong con mắt công chúng bị méo mó, xấu xí đi. Đó cũng là điều mà người viết chân dung phải thận trọng, cân nhắc.

Đã từng đọc khá nhiều chân dung văn học, tôi nhận thấy dù tác giả khen hay chê, nhân vật yêu hay ghét thế nào thì bao trùm lên các bài viết vẫn là tấm lòng yêu thương, thái độ trân trọng của những bạn văn. Có lẽ vì thế mà thể loại này vẫn được độc giả nồng nhiệt đón nhận, vẫn có những tác phẩm trường tồn với thời gian?

Tôi đánh giá rất cao một số tên tuổi từng có những chân dung văn học giá trị. Như nhà văn Vũ Bằng với Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, như nhà văn Bùi Ngọc Tấn với Viết về bè bạn, như nhà thơ Trần Đăng Khoa với Chân dung và đối thoại... Và đặc biệt ấn tượng với cuốn sách mỏng Chân dung nhà văn của nhà văn Xuân Sách. Phác thảo chính xác chân dung một văn nhân, chỉ bằng mấy câu thơ sử dụng tên tác phẩm của chính họ thì quá giỏi. Tấm lòng mà các văn nhân dành cho nhau, như bạn đề cập, chính là chất xúc tác giúp những chân dung ấy có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Chính vì thế, giới báo chí, giới phê bình văn học viết về đồng nghiệp của tôi không ít nhưng quả thật, chỉ nhà văn vẽ chân dung nhau mới hay, mới thật, mới đúng, mới trúng thôi. Tôi nghĩ vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!