Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái

Người đàn bà náu mình để vẽ

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái xúng xính váy áo, may thêm cả áo dài cầm theo để “có gì còn chụp ảnh”. Bà được mời đi xem tượng của chồng, trưng bày trong những không gian đẹp và sang trọng. Mỗi lúc một khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn nhiều so với độ tuổi xấp xỉ 80, bà như đang truy lĩnh khoảng thời gian đã lùi thành dĩ vãng... Hơn một năm sau cú sốc chồng - nhà điêu khắc Lê Công Thành ra đi, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái dù đang bồng bềnh trong miền nhớ, vẫn ngăn nắp lại ký ức, tập quen cùng chuỗi thời gian thảnh thơi, nhàn tản và dồn hết nỗi niềm vào giá vẽ toan vải, sống tiếp cuộc đời người đàn bà vẽ...

Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

1. Thỉnh thoảng, giữa những quãng dài bề bộn, bà điện thoại: “Cô Thái đây”, giọng nói ríu ran trẻ trung hiếm có. Bà hỏi thăm người này nhắc đến người kia, lo lắng tới sức khỏe của từ nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hồng Thanh Quang, toàn bằng hữu lúc sinh thời chồng bà quan tâm yêu mến. Giống độ mấy chục năm về trước, vào thời bao cấp khốn khó, bạn bè văn nghệ sĩ của ông tới lui nhiều, bà vén khéo giúp chồng tiếp đón, tạo không gian đủ đầy để ông đãi đằng thù tạc với mọi người. Lụi cụi lụi cụi trong căn hộ trên tầng ba khu tập thể Vĩnh Hồ sắp đầy tranh tượng, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái ngày ngày thắp hương trên ban thờ Bác Hồ - nơi đặt bức tượng lãnh tụ tuyệt đẹp mà chồng bà đã dành nhiều chục năm cuộc đời chiêm nghiệm, suy tư sáng tạo..., rồi thắp hương trên ban thờ chồng. Bức tượng độc đáo choán gần hết phòng khách vốn nhỏ bé, nói như nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên: “Nghệ thuật điêu khắc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Lê Công Thành là đỉnh cao. Chỉ khái quát thôi đã khắc họa được tầm vóc vĩ đại của Bác Hồ. Nhà điêu khắc không làm như những người khác là mặc áo ka-ki đại cán bốn túi mà thay vào bằng nửa quả địa cầu, một biểu tượng chỉ những tài năng lớn mới có thể làm được”. Nhà điêu khắc Lê Công Thành từng có nguyện vọng hiến bức tượng giá trị này cho một cơ quan, công sở, một bảo tàng nào đó thỉnh về để trưng bày, giữ gìn, thờ tự. Lau chùi, sắp đặt các bức tượng, bức tranh của chồng, bà chăm sóc tác phẩm ông để lại như bao năm ròng sẽ sàng nâng giấc phục vụ ông. Nhẩn nha việc rồi thảnh thơi ngồi vẽ, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái đang dồi dào một nguồn năng lượng và cảm hứng hiếm hoi ở ngưỡng đời này.

Thuở đôi mươi, là sinh viên mỹ thuật, rụt rè nhút nhát, gặp thầy giáo Lê Công Thành, ngưỡng mộ tài năng, thầm cảm mến thầy khi nhận được lời khen “bài làm tốt”, rồi yêu và làm vợ, bằng đấy năm ròng, Nguyễn Thị Kim Thái bị cái bóng lừng lững của nhà điêu khắc vóc hình nhỏ bé che chắn. Bà chịu khuất lấp sau ông, làm chỗ dựa an toàn cho ông với nhiệt tâm và sự tự nguyện như rất đông những người phụ nữ thế hệ bà lựa chọn. Thế nhưng cũng bằng đấy tháng ngày, Nguyễn Thị Kim Thái vẫn nhiệt thành vẽ. Không hiểu do ảnh hưởng từ chồng hay bản năng luôn cụ cựa phá cách, kiểu một phản kháng ngầm, tranh Nguyễn Thị Kim Thái đã hiện đại, cực kỳ modern ngay từ mấy chục năm về trước. Vẻ ngoài của một phụ nữ truyền thống ăn nhập cực kỳ với bản tính nhẫn nhịn những tưởng đối lập không gian hội họa phóng khoáng đầy bản năng, thực chất tất cả chứa trọn trong nội tâm nhiều mâu thuẫn của bà. Xong những nhịn nhường chu toàn đời thực, bà say đắm khắc họa hình hài những phụ nữ khỏa thân, những người đàn bà diễm lệ giữa bổn phận trao truyền sự sống. Ít nói về mình, có chuyện cũng chỉ là gợi nhắc chồng kể về chồng, tụng ca chồng, bà dường như trút mọi tâm tư cá nhân vào hội họa. Thoảng qua hời hợt, dễ cảm giác tranh Nguyễn Thị Kim Thái là phiên bản giá vẽ của tượng Lê Công Thành, nhưng nhẩn nha bên chúng, lắng nghe chúng mới tỏ tường sức cám dỗ thiên tính nữ bẩm sinh trong từng nét vẽ. Khi điêu khắc gia Lê Công Thành qua đời, nhiều nhà sưu tầm sốt ruột tìm đến tác phẩm của ông, gấp gáp như sợ chúng sẽ lạc vào tay ai và biến mất, họ bỗng ngạc nhiên thảng thốt khi gặp tranh Nguyễn Thị Kim Thái, ngỡ ngàng khám phá sức mạnh giới tính ở người đàn bà nghệ sĩ gần một đời nương bóng tùng quân. Càng ngó nghiêng tìm hiểu, càng thấm tư duy nghệ thuật sớm phá cách, không nệ cổ, không bị áp đặt bởi các lý lẽ thường tình trong thế giới hội họa khiêm nhường, bí ẩn mà lại rỡ ràng diễm lệ của họa sĩ lão thành Nguyễn Thị Kim Thái.

2. Không chỉ mê mải với tranh nude, những ngày này Nguyễn Thị Kim Thái lại đang lạc vào cơn say trừu tượng. Bà vẽ không hẳn bày tỏ thông điệp đao to búa lớn gì, mà đó đơn thuần là nguồn dinh dưỡng chăm chút bà qua mỗi khắc thời gian vắng bóng chồng... Nhu hòa trong đời, nhưng Nguyễn Thị Kim Thái là một cá tính thật sự trong nghệ thuật, một tiếng nói nữ quyền dồn nén trong đức hy sinh sự phục tùng dễ gây lầm tưởng. Dịu dàng mà đôi lúc bạo liệt, nhiều tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Thái dàn trải qua các thời kỳ đeo nỗi ám ảnh thị giác, dễ khiến được người ta hướng mắt vào, như hướng tới cái mong manh ảo giác của tình yêu, hạnh phúc. Chạm tuổi 80 vẫn trau chuốt được bảng mầu son trẻ, tranh trừu tượng của Nguyễn Thị Kim Thái Thái đang rờ rỡ sức thanh xuân tươi mát. Thảng hoặc ngơi vẽ, bà lại làm phần việc mà trước nay bà ít cơ hội thực hiện, dù chỉ là đi ra đường làm tóc, ăn mặc đẹp ghé qua cuộc triển lãm này hay ghé thăm bạn bè, người hâm mộ. Đôi khi cứ lẩn thẩn nghĩ, hình như giờ bà mới sống trọn cho mình, vui niềm vui của mình, buồn nỗi buồn của mình không còn phải canh cánh điều chi. Tới tổ hợp khách sạn căn hộ Oakwood Residence Ha Noi bên bờ hồ Tây lộng gió, bịn rịn ngắm các bức tượng của chồng, suýt soa về không gian nội thất sang trọng, bà thầm thì khoe giờ nhiều đại gia nhiều doanh nghiệp tới đàm phán đề nghị được mua bản quyền tượng của ông. Nhu cầu được sống chung với Đẹp đang ngày một lan tỏa hơn, mối bận tâm kho tàng nghệ thuật vô giá của ông sẽ bị lớp bụi thời gian phủ mờ rồi trôi vào quên lãng dần hóa giải khi ngày một nhiều hơn tượng của Lê Công Thành được hòa vào dòng đời nhộn nhịp. Xốn xang ngắm tượng Lê Công Thành ở Oakwood Residence Ha Noi, rồi thuận đường rủ bà ghé Blue gallery xem tranh các họa sĩ trẻ đương đại, dạo bộ trên phố cổ, người đàn bà đã qua gần hết cuộc đời xúng xính như thiếu nữ xuân thì thong dong đi hội. Bung tỏa mình cả trong đời thường lẫn nghệ thuật vào lúc phải tự hối thúc “mau với chứ vội vàng thêm với chứ”, thời gian không còn đủ rộng dài, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái đang tận hưởng từng phút giây để vẽ, để sống, để đắm đuối cuộc đời và nâng niu niềm hạnh phúc...

2_1-1601042936495.jpg
 Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái bên tác phẩm của chồng - nhà điêu khắc Lê Công Thành.