Nếu như

Nếu như không có một con bò đi đứng vụng dại thế nào đó để bỗng dưng trượt chân, thì ở một nơi kia (Tuy Phước, Bình Định), người ta không biết có những thanh giằng bê-tông nằm ngang mặt kênh có cốt là một cây gỗ.

MINH HỌA: LÊ TRÍ DŨNG
MINH HỌA: LÊ TRÍ DŨNG

Thật ra chuyện này cũng không mới mẻ lắm. Bê-tông mang cốt tre, cốt gỗ... lâu lâu lại xuất hiện. Kim trong bọc còn có lúc..., nữa là hẳn cây gỗ với cây tre to tướng. Mấy cái phát hiện ấy nói chung cũng chỉ để nhún vai, rồi cho qua. “Chẳng qua là do thợ nghịch...”, ông chỉ đạo công trình bảo thế!

Không biết có phải do người soạn thảo, rồi người ký văn bản “nghịch” hay không mà phát hiện động trời nhất phải kể đến gần đây, chính là cái Dự thảo Quy chế công tác học sinh sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó hẳn hoi ghi bằng chữ: “Sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học”. Tất nhiên sau mấy ngày ồn ào, hàng chữ gây tranh cãi này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) rút đi. “Lỗi tại cán bộ yếu kém”, Bộ trưởng cho biết. Nguyên nhân như vậy coi như được làm rõ. Hơn nữa, quy chế này xuất hiện đã vài năm nay, dưới thời ông Bộ trưởng trước, trong phần phụ lục của Thông tư số 10, quy định sinh viên tất cả các trường đại học trên cả nước nếu hoạt động mại dâm sẽ bị kỷ luật theo bốn mức (Lần một: khiển trách; lần hai: cảnh cáo; lần ba: đình chỉ học có thời hạn và lần thứ tư mới buộc thôi học). Nghe nói cũng đã nhiều trường áp dụng quy chế này. Chuyện phạt hóa ra không mới. Cũng chẳng riêng dân sư phạm chịu thiệt thòi hơn các ngành học khác. Lạ là căn cứ vào đâu để tính số lần mại dâm mà phạt? Nhưng thôi, chuyện này có nhẽ chẳng thể bàn sâu.

Câu chuyện lạ lùng này, dù đã qua cả gần tháng vẫn khiến người ta cứ bàn tán. Giống như hòn sỏi ném xuống mặt nước, vòng sóng tròn cứ loang không ngừng. Vậy là, “nếu như” không có mấy dòng chữ phát sinh bởi sự yếu kém của cán bộ, kiểu như thợ nghịch lấy gỗ thay sắt làm lõi bê-tông, thì người ta chẳng thể nào biết lâu nay các thầy cô trong trường đại học lại xử sự với sinh viên... thoáng đến vậy!

Ngay sau đó, lại thêm một vụ “nếu như” xuất hiện. Nếu không có chuyện một học sinh bị thu điện thoại, thì đã không vỡ lở cả một cuộc nói xấu cô giáo “long trời lở đất” trên mạng xã hội của bảy học sinh một trường kia ở tận xứ Thanh. Học trò chẳng thể ngờ cô giáo thu điện thoại rồi tò mò mở ra đọc, thế nên cứ thoải mái phát ngôn. Bảy học sinh nhận quyết định đuổi học từ một tuần đến một năm. Tất nhiên sau đấy nhà trường cũng nhận ra kỷ luật thế là hơi nặng tay. “Xử lý nóng vội, thiếu thận trọng”, như người phụ trách ngành GD-ĐT tại địa phương nhận thấy. Đuổi các em vì tội nói xấu cô giáo thì không người lớn lắm. Mà cũng có thể đây mới là cuộc nói xấu lần đầu, chưa phải “lần thứ tư” nên các học trò chửi bậy như ranh cuối cùng chỉ bị cảnh cáo. Nhân cuộc nói xấu thầy cô này mới thấy, năng lực chửi bậy của các em học sinh trung học ngày nay thật đáng nể. Vì đâu nên nỗi ấy? Chuyện này có nhẽ cũng chẳng thể bàn sâu...

Một khoảng thời gian ngăn ngắn, loanh quanh trên mạng, chẳng thiếu những chuyện “nếu như”. Kể đôi ba chữ “nếu” cho vui, đúng hơn là “cho buồn”. Và buồn nhất là mấy chữ “nếu” rất to ấy lại nằm trong ngành giáo dục!

Đành là vậy!