Nhà văn Thái Bá Lợi:

Muốn viết hay, cần có độ lùi

Thái Bá Lợi bắt đầu nổi tiếng ở ngưỡng tuổi 30 khi công bố truyện vừa “Hai người trở lại trung đoàn”, với cách viết về chiến tranh trực diện, đi vào thân phận người lính thời hậu chiến, không né tránh. Ông được đánh giá là người viết truyện, ký chân thực, sâu sắc, hiện đại và có nhiều đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết. Nhà văn Thái Bá Lợi từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (tiểu thuyết Họ cùng thời với những ai, 1983); Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (tiểu thuyết Trùng tu và Họ cùng thời với những ai, 2012); Giải thưởng văn học ASEAN (tiểu thuyết Minh sư, 2013)... Chúng tôi hẹn ông ở quán cà-phê trên đường Phan Đình Phùng, TP Đà Nẵng. Đú

Nhà văn Thái Bá Lợi (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: VIỆT KHÔI
Nhà văn Thái Bá Lợi (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: VIỆT KHÔI

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Tôi từng đọc nhà văn Trung Trung Đỉnh viết về ông:“Có cảm giác lúc nào Thái Bá Lợi cũng đang viết. Ông ta ngồi vào bàn, thật ra chỉ là để chép lại câu chuyện mà ông ta đã viết chín nẫu trong đầu”.

Nhà văn Thái Bá Lợi (TBL): Cái này Đỉnh nói đúng, mình thường suy nghĩ rất kỹ trước khi viết. Nhiều truyện ngắn khi cầm bút gần như đã thuộc lòng. Có lần tới báo Thanh Niên chơi, Nguyễn Công Khế (khi đó đang là Tổng Biên tập) hỏi, ông có truyện ngắn nào mới không? Mình bảo, ông có đứa nào đánh máy không, tôi đọc cho mà chép. Ngay cả những cuốn lên đến vài trăm trang mình viết cũng khá nhanh. Thí dụ Minh sư là tiểu thuyết dài nhất, mình làm tư liệu trong sáu năm, vào ở trong chùa chừng hai mùa an cư, tức là ba tháng thì viết xong. Hay như cuốn Câu chuyện Đà Nẵng viết một mạch trong sáu tháng.

HV: Từ lâu ông đã chủ trương phải viết thật ngắn. Tôi đọc thấy các tiểu thuyết của ông thường dưới 200 trang như Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Trùng tu... Thậm chí tiểu thuyết ngắn nhất là Khê Mama chỉ có hơn 40 trang.

TBL: Bản thân chán đọc dài nên mình chủ trương viết ngắn từ lâu rồi. Cái sự đọc bây giờ khác trước nhiều lắm! Như con gái mình, cái gì nó cũng đọc, nhưng bảo có gì ấn tượng, sâu sắc thì không. Đừng nói tụi trẻ lười đọc, chúng đọc rất nhiều, nhưng đọc theo kiểu của tụi nó, tức là lướt qua rất nhanh. Mặt khác, văn chương bây giờ cũng nhàn nhạt nữa, mình là người chịu đọc mà ít thấy cái ấn tượng.

HV: Thật ra dài, ngắn không quan trọng bằng hay, dở. Ví như một trận bóng đá chỉ có 90 phút nhưng có trận xem thấy dài lê thê, buồn ngủ; lại có trận vừa xem vừa mong nó đừng bao giờ kết thúc. Với ông, thế nào là một tác phẩm văn chương hay?

TBL: Theo mình, bất kỳ tác phẩm nào, đều phải đạt hai yêu cầu: ám ảnh và đa nghĩa. Một cuốn tiểu thuyết hay, đọc phải thấy ám ảnh ngay, vì vậy ám ảnh là số một; còn tiểu thuyết mà không đa nghĩa thì nói làm gì! Ông Gabriel Garcia Marquez viết Trăm năm cô đơn, ngay câu đầu tiên đã đa nghĩa rồi: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá”. Trước khi bị bắn mà lại nghĩ đến chuyện lần đầu được đi coi nước đá thì đa nghĩa quá, thế mới là tiểu thuyết! Mình cho là, người viết tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới chính là Marquez, bởi câu nào của ông cũng đa nghĩa. Tolstoy viết vẫn còn thật thà lắm, còn Hemingway lại chỉ giỏi về đối thoại.

HV: Thời chúng tôi đọc chủ yếu là văn học Xô-viết, riêng về đề tài chiến tranh có những tác phẩm rất hay còn nhớ đến tận bây giờ. Khi chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã lùi xa 40 - 50 năm, nhưng họ vẫn tiếp tục có những cuốn sách hay về chiến tranh ra đời.

TBL: Đa số các tác phẩm văn học lớn viết về chiến tranh đều có độ lùi, bởi vì khi ấy người ta mới nhìn rõ bản chất của chiến tranh. Những tác phẩm đứng lại được với thời gian hầu hết đều viết sau chiến tranh, thậm chí rất xa như Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy chẳng hạn. Cũng có tác phẩm hay viết ngay tại chiến trường, phục vụ kịp thời như cuốn Trong chiến hào Stalingrad của Nekrasov, bây giờ đọc lại vẫn thấy rất kinh điển. Nhưng sau này Nekrasov viết nhiều cuốn nữa lại chẳng cuốn nào bằng cuốn đó.

HV: Vâng, trong sáng tạo vẫn có những điều khó giải mã như vậy...

TBL: Vừa rồi mình có đọc một loạt hồi ký chiến tranh của tác giả trong nước, và đặc biệt chú ý đến những cuốn của những người từng là lính tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Mình bảo với Trung Trung Đỉnh, đọc của họ xong, tôi thấy văn chương của bọn mình nhạt lắm. Chính nhờ có độ lùi mà người viết nói được những điều trước đây mươi, mười lăm năm họ không nói được, như vấn đề đạo đức, kỷ luật chiến trường, tổn thất của quân tình nguyện... Những cuốn ấy viết vô cùng chân thực, nếu vào tay người có nghề, sửa chữa thêm một chút là thành tiểu thuyết hay ngay.

HV: Đây cũng là thắc mắc của tôi. Ngày xưa, biên tập có vai trò rất lớn, giúp tác giả nâng tầm tác phẩm lên, thậm chí từ đó người có thể viết khởi đầu cả văn nghiệp. Còn bây giờ quả đúng như ông nói, nhiều cuốn viết khá tốt, nhưng vì thiếu bàn tay biên tập giỏi nên chỉ trở thành một cuốn sách trung bình.

TBL: Cái thiếu lớn nhất chính là thiếu độ nhà văn. Có lần nhà văn Lê Lựu đến NXB, nơi ông Trần Vũ Mai làm biên tập. Hai ông ra quán nước uống trà. Ông Lựu là người “nói trạng” rất tài, kể cho ông Mai nghe vô khối chuyện. Ông Mai bảo, anh đừng kể nữa, hãy viết ra đi. Hôm sau ông Lựu đến đưa ông Mai đọc một đoạn, ông Mai khen hay, giục viết tiếp. Cứ độ một, hai ngày ông Lựu lại đưa cho ông Mai vài đoạn... Đấy chính là tiểu thuyết Thời xa vắng, cuốn hay nhất của Lê Lựu. Năm đó NXB bầu ông Trần Vũ Mai là biên tập viên xuất sắc nhất năm! Người biên tập phải tận tâm thế, chứ bây giờ mình thấy biên tập viên chủ yếu đọc sửa chính tả và “canh” đừng có sai phạm về chính trị là cho in.

HV: Biên tập là một nghề, biên tập viên giỏi là tri âm tri kỷ, thậm chí là ân nhân của người viết. Bây giờ những biên tập viên đó đâu?
TBL: Không có! Ngày trước không cần giấy phép hành nghề, vẫn có nhiều biên tập giỏi. Ngày nay, muốn làm biên tập phải được Cục Xuất bản cấp giấy phép, thì lại ít người giỏi. Đó cũng là hiện tượng chung của đời sống, bây giờ người ta làm việc gì cũng hời hợt, thiếu chuyên nghiệp. Phải thừa nhận văn học của ta đang rất thiếu đội ngũ biên tập viên giỏi và người phê bình có tài.

HV: Ông có nhận thấy hiện tượng khá phổ biến gần đây, xuất hiện những người viết “tay ngang”, theo hình thức tự truyện, thí dụ: Vũ Công Chiến viết Hồi ức lính, Trung Sỹ viết Chuyện lính Tây Nam... đã thu được những thành công nhất định. Họ là lính chiến trực tiếp, sau một độ lùi thời gian, kể lại câu chuyện của mình. Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nhận xét, văn học Việt Nam những năm gần đây là văn học kể chuyện...

TBL: Nói cho cùng, viết tiểu thuyết là tả và kể, nên kể là một trong hai đặc trưng của tiểu thuyết. Có thể dẫn ra thêm Hồi ký chiến trường K. của Trần Ngọc Thế, Lính sư đoàn 7 của Lê Hiếu, đều hay. Hay vì của người trong cuộc kể, nhưng nghiêm khắc mà nói thì đó vẫn chỉ là dạng tư liệu, chưa mang dáng dấp nhà văn. Tư liệu đó phải có thêm vóc dáng tư tưởng của nhà văn mới thành tác phẩm. Ông Tolstoy 50 năm sau chiến tranh mới viết Chiến tranh và hòa bình. Suốt thời gian ấy, biết bao cuốn sách ra đời nhưng đều bị chìm hết, phải chờ đến Tolstoy mới thành kiệt tác. Vậy là, tư liệu ấy phải có một cây bút đích thực dựng lại bằng tư cách nhà văn thì mới có tác phẩm hay.

HV: Người viết tay ngang thường có khởi đầu rất ấn tượng, đầy tiềm năng, nhưng viết sang cuốn thứ hai thì thường không bằng...

TBL: Bởi đó không phải nghề của họ, nên khi “sáng tác” với tư cách nhà văn, thêm mắm thêm muối vào là thất bại.

HV: Có lời khuyên nghề nghiệp nào giúp họ trở thành người cầm bút thực thụ không?

TBL: Cái này thì không thể khuyên được đâu. Những ai có khả năng, tố chất nhà văn thì tự họ sẽ làm được.

HV: Tình hình văn học Đà Nẵng những năm gần đây thế nào?

TBL: Thì cũng như tình hình chung của văn học nước nhà. Vẫn viết, vẫn in, nhưng bảo có gì xuất sắc, nổi lên thì khó lắm. Bọn mình thường nói đùa, đang chờ thế hệ sau tới xóa sổ thế hệ trước mà mãi chưa thấy ai! Ngày nay không nhiều người tâm huyết đi đến cùng với nghề, bởi nghề văn nhiều bất trắc lắm, thất bại tới 99%. Có ai biết thất bại mà liều đi đâu? Phần lớn người bây giờ viết cho vui, còn việc làm chính của họ là việc khác.

HV: Ở tuổi 74, một ngày, nhà văn Thái Bá Lợi dành bao nhiêu thời gian viết?

TBL: Mình thường dậy lúc 4 giờ sáng. Viết 2 tiếng đồng hồ, đến 6 giờ thì dừng, đi uống cà-phê. Buổi chiều nghỉ, đọc sách. Anh em thắc mắc, cả năm chả thấy ông Lợi làm việc gì cả mà tiểu thuyết vẫn ra đều đều? Mình cười: “Khi tôi làm việc thì các ông đang ngủ”. Đó là nói theo nghĩa đen luôn!

HV: Hiện ông đang viết gì?

TBL: Một cuốn bút ký khoảng 400 trang, toàn người thật việc thật, gặp gì viết nấy, tên tạm đặt là Những người thất bại sâu sắc.

HV: Thất bại sâu sắc? Nội hàm của nó là...?

TBL: Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, loài người cần những thất bại sâu sắc hơn là thắng lợi hời hợt.