Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

Mong có một thị trường mỹ thuật sôi động và minh bạch

Là giám tuyển sự kiện Triển lãm Tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành (ảnh bên), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm đã thẳng thắn chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về những công đoạn “bếp núc” cho sự kiện đang thu hút sự quan tâm lớn và cũng đang tạo ra sóng dư luận trong đời sống mỹ thuật nước nhà. Triển lãm này chọn ra 19 gương mặt tiêu biểu với mong muốn vinh danh một thế hệ họa sĩ hàng đầu đã khẳng định tên tuổi, vị thế trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 6 đến 15-8-2020.

Mong có một thị trường mỹ thuật sôi động và minh bạch

Góc nhìn cá nhân của tôi không thể tương đồng tuyệt đối với số đông 

Có thể nói, đây là sự kiện đầu tiên đánh giá, ghi nhận và tôn vinh những họa sĩ đã góp phần tạo nên diện mạo ban đầu của thị trường mỹ thuật Việt Nam từ dấu mốc sau Đổi mới. Xin ông cho biết điểm xuất phát của ý tưởng này?

Hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm trong kinh tế thị trường là tất yếu và cần thiết để phát triển mỹ thuật một cách bền vững. Nói đến tác phẩm thì không thể không nhắc tới những họa sĩ đã tâm huyết sáng tạo ra những sản phẩm hàng hóa đặc biệt đó.

Tôi chọn dấu mốc Đổi mới để bắt đầu triển khai ý tưởng này bởi trước năm 1986, Việt Nam cũng đã xuất hiện lẻ tẻ một số nhà sưu tập cũng như người mua tranh nhưng số lượng không đáng kể. Làn gió Đổi mới đã góp phần tạo nên một thế hệ họa sĩ tài năng, với những tác phẩm chất lượng cao và thu hút được sự quan tâm của thị trường quốc tế. Phần đa trong số họ sinh ra ở trong khoảng những năm 1960. Và nhờ có họ, khái niệm thị trường mỹ thuật mới hình thành và từng bước phát triển để đạt tới diện mạo như ngày nay. Mời gọi và quần tụ những gương mặt xuất sắc nhất, theo quan điểm của cá nhân tôi cũng là cách thức giúp công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước có được bức tranh toàn cảnh khái quát về thị trường mỹ thuật Việt Nam hôm nay.

Ngay từ khi ra mắt công chúng, cuộc triển lãm ngay lập tức đã tạo nên những luồng ý kiến đa chiều. Chọn “đứng mũi chịu sào” trong sự kiện mang tính nhìn lại và tổng kết này, chắc ông cũng đã chuẩn bị tâm thế cho việc đối mặt với áp lực lớn từ dư luận?

Trong đời mình, tôi đã từng là trưởng ban tổ chức của hàng trăm cuộc triển lãm theo phương cách truyền thống, với sự góp mặt của một hội đồng tuyển chọn tác phẩm nên gánh nặng áp lực dư luận, nếu có, sẽ được chia đều cho mỗi thành viên. Nhưng làm giám tuyển và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước công chúng về những lựa chọn mang tính cá nhân cũng là một hình thức mà tôi mong muốn thử sức. Triển lãm này là sự kiện thứ ba tôi chọn phương cách này, sau Mở cửa - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới vào tháng 9-2016 và Tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á năm 2019 diễn ra tại VCCA vào tháng 11-2019. Không tham gia mạng xã hội nhưng tôi biết sẽ phải hứng chịu tơi bời không ít gạch đá, như một lẽ đương nhiên (cười). Nhưng vai trò giám tuyển buộc tôi phải đưa ra góc nhìn cá nhân, nó đúng với người này nhưng không giống với người kia. Và chắc chắn nó không thể đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, với đông đảo công chúng.

Chọn trưng bày tác phẩm của 19 tác giả này, tôi hy vọng sẽ khởi động bước đầu tiên để từ đó gợi cảm hứng cho những giám tuyển khác đưa ra quan điểm khác, ghi danh những nghệ sĩ khác để từ đó mang lại góc nhìn đầy đủ nhất về chủ đề này cho người yêu mỹ thuật. Từ đó kích thích các họa sĩ hào hứng tham dự và khiến thị trường ngày một phát triển mạnh mẽ hơn, sôi động hơn.

5_1-1598943623766.jpg

Đào Hải Phong - Miền Yêu Thương - Sơn dầu - 95x100cm - 2015.

Sự minh bạch sẽ giúp thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển

Về con số 19 gương mặt được chọn tham dự sự kiện này, ông có thể nói rõ hơn về những tiêu chí mà mình đặt ra, để căn cứ lựa chọn danh sách đó?

Tôi tự đặt ra hai gạch đầu dòng, để lập nên danh sách này. Thứ nhất, tác giả có tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt, có dấu ấn cá nhân đậm đặc. Thứ hai, tác giả phải bán được nhiều tác phẩm và có vị trí vững chắc trên thị trường mỹ thuật trong nước cũng như ở nước ngoài.

Dự định ban đầu của tôi là con số chẵn 20. Nhưng do trục trặc trong khâu kết nối với họa sĩ Đỗ Quang Em nên chỉ có 19 cái tên xuất hiện trong triển lãm này. Với 12 họa sĩ hiện sinh sống tại Hà Nội (Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Hồng Việt Dũng, Vũ Đình Tuấn) và bảy tên tuổi tại TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài), tôi tin mình đã góp phần ghi nhận đóng góp của những nghệ sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường. Khác với nhiều sự kiện tương tự, tôi gửi thư mời kèm danh sách những gương mặt sẽ cùng tham dự tới mỗi họa sĩ. Họ biết sẽ bày tranh cùng ai, sẽ được vinh danh cùng những gương mặt đồng nghiệp nào ngay từ đầu.

5_2-1598943623811.jpg
 Trần Lưu Hậu - Sapa - Acrylic - 110x135cm -  2009.

Dễ dàng nhận thấy phần lớn các họa sĩ trong số này đều định vị tên tuổi trên thị trường nhờ đối tượng khách hàng nước ngoài. Thị trường trong nước xem ra chiếm vai trò khá mờ nhạt, thưa ông?

Đúng là tác phẩm của đa số họ đều được các nhà sưu tập ngoài nước thẩm định, đánh giá và bỏ tiền mua, từ khá nhiều năm trước. Người Việt chỉ nhúc nhắc có giao dịch vài năm trở lại đây, Bảo tàng thì có khi cả năm mới mua một vài bức. Thành công về cả nghệ thuật lẫn thương mại của một số tác giả trong số này là không phải bàn cãi, khi tranh của họ xuất hiện trong bộ sưu tập của Hoàng gia Anh hay Thụy Điển, được Tổng thống Mỹ Bill Clinton hay Tổng thống Nga Medvedev sở hữu... Nhờ đã có độ lùi xấp xỉ ba thập kỷ để nhìn lại, “phải chăng thị trường mỹ thuật trong nước chưa phát triển xứng tầm khi đã và đang sở hữu những tên tuổi tài năng” cũng là một câu hỏi mà chúng ta phải đi tìm lời giải, thông qua sự kiện này.

5_3-1598943623850.jpg
 Nguyễn Thanh Bình - Ni Sư - Sơn dầu - 100x130cm - 2007.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, có độ vênh nhất định giữa một vài cái tên trong danh sách này với phần lớn những người còn lại. Người thì đã nhiều năm nay không còn giao dịch tranh, người thì mới nổi lên trong thời gian khá ngắn. Xếp họ cùng chung vị trí “hàng đầu” liệu có hợp lý không, thưa ông?

Trong danh sách này có cả những tên tuổi lão thành như cố họa sĩ Trần Lưu Hậu và có cả tác giả trẻ như Vũ Đình Tuấn. Có người gần đây chuyển sang tung tẩy sáng tạo trong lĩnh vực thuộc nghệ thuật thị giác như Lê Thiết Cương hay có người mà thâm niên sáng tác cùng độ lùi về thời gian còn khá khiêm tốn, so với các đàn anh còn lại như Lê Kinh Tài. Nhưng tôi quyết định mời họ, nhằm tạo nên hiệu quả tương phản, bảng màu đa dạng cùng gạch nối thế hệ cần thiết cho triển lãm. Sự phát triển của thị trường cũng cần có cả yếu tố kế thừa và tiếp nối, tôi quan niệm thế.

Trả lời câu hỏi của bạn, tôi nghĩ nhiều người đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm “hàng đầu” và “số một”. Một đằng là dàn hàng ngang, đi đầu. Còn “số một” là duy nhất. Tôi chọn 20 nhưng nhiều giám tuyển khác sẽ đưa ra con số n. Và ai cũng có lý, khi dựa trên sự đánh giá của chính mình. Chứ khuôn vào vị trí “số một” thì đố ai dám đứng ra lựa chọn!

Nhiều người thắc mắc và gợi ý cho tôi một danh sách khác, ví dụ như một số họa sĩ theo trường phái tả thực hay cực thực đang bán tranh rất chạy gần đây. Nhưng tôi vẫn muốn ghi nhận những tên tuổi đã vượt qua được vòng kiểm định khe khắt của thời gian và kiên định với lựa chọn của mình.

Kỳ vọng của công chúng khi thưởng thức tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu chắc chắn sẽ cao hơn, so với những sự kiện mỹ thuật bình thường khác. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng bộ tranh của các tác giả trong sự kiện này đều chưa xứng tầm với chính họ, thưa ông?

Vai trò giám tuyển của tôi chỉ dừng lại ở việc lựa chọn tác giả. Còn tác phẩm tham dự, mỗi người ba bức, đều do họ tự quyết định. Tôi chỉ can thiệp, nếu có bức tranh nào đó không thích hợp mà thôi. Nhiều người không thỏa mãn, khi tác phẩm đa phần mới sáng tác và hầu hết không phản ánh đúng tầm vóc tác giả ở thời sung sức, đỉnh cao. Nhưng theo đánh giá của cá nhân tôi, tranh trong triển lãm không điển hình nhất nhưng đều phản ánh chân thực chất lượng cũng như phong cách nghệ thuật riêng biệt của từng họa sĩ. Người xem có thể nhận ra dấu ấn đậm nét của từng cây cọ, không cần nhìn chữ ký. Chỉ có điều, sự ổn định trong phong cách cùng ngôn ngữ tạo hình ấy cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, rằng các họa sĩ dường như ngại thay đổi, khi đã thành công, đạt đỉnh vinh quang thì ít dám chọn bứt phá, làm mới chính mình?

Nhưng tôi không đồng tình với quan điểm “tranh chưa xứng tầm”, bởi số đông dễ mặc định những hạt vàng tinh túy nhất của những cái tên kể trên đều đã nằm ngoài biên giới. Nhưng thế nào là tốt nhất thì còn tùy vào góc nhìn mỗi cá nhân. Nếu tác giả nghĩ tác phẩm giá trị nhất vẫn đang ở phía trước thì sao, có thể lắm chứ!

Cũng phải mở ngoặc thêm, ngoài nguyên nhân họa sĩ muốn gửi gắm những gì mới nhất thì đây là những tên tuổi luôn được thị trường đặc biệt săn đón nên vẽ đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Họ cũng chẳng còn sở hữu được quá nhiều để dễ bề chọn lựa. Như họa sĩ Nguyễn Trung phải mượn tranh từ gallery, họa sĩ Hồng Việt Dũng chỉ có thể gửi tranh trước khi triển lãm mở cửa có hai ngày...

Ngay từ cái tên triển lãm, cụm từ “hàng đầu trên thị trường” đã khiến không ít người nảy ra chút thắc mắc, rằng những yếu tố định lượng nào giúp ông khẳng định đây là những họa sĩ bán được số lượng tranh nhiều nhất, đạt giá trị thương mại cao nhất?

Có thể khẳng định chắc chắn, rằng không một ai - kể cả chính tôi - có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục giúp “định lượng” chính xác những tiêu chí bạn nêu ra. Nguyên do rất đơn giản, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay không hề minh bạch, không công khai và cũng không chịu công cụ giám sát của ngành thuế. Trên thế giới, giao dịch giữa tác giả và khách hàng thường phải thông qua một đơn vị trung gian (gallery, nhà đấu giá) nên mọi con số đều minh bạch, xác tín. Còn tại Việt Nam, hóa đơn chứng từ thể hiện giá trị cụ thể của từng giao dịch là bí mật sống còn của các gallery. Những thương vụ cá nhân nhỏ lẻ giữa người bán và người mua lại càng không. Cơ quan thuế vụ đành đứng ngoài, vì việc quản lý, giám sát và thu thuế là bất khả thi. Thông tin rò rỉ thường chỉ do nghệ sĩ tự phát ngôn. Một số ít không giấu diếm, thậm chí còn nói vống con số lên cho oai bởi có ai đánh thuế đâu mà sợ.

5_4-1598943623881.jpg
 Vũ Đình Tuấn - Mây Tam Diện - Lụa -2018 - 78x158cm.

Với thâm niên 20 năm làm công tác quản lý trong ngành mỹ thuật (trong đó có một năm là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, chín năm làm Cục phó và 10 năm là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm), tôi có nhiều kênh thông tin (cả chính thức lẫn phi chính thức) để quan sát, tìm hiểu và minh định giá trị thị trường của từng họa sĩ. Đó là tiền đề vững chắc để tôi chốt lại những gương mặt kể trên.

Nhưng tôi biết, có khá nhiều ý kiến bán tín bán nghi về danh sách này. Đấy cũng là một mặt trái, một hệ lụy mà thị trường mỹ thuật Việt phải hứng chịu bởi tình trạng tranh tối tranh sáng hiện nay. Đau xót là cảm giác của cá nhân tôi, khi muốn ghi nhận và vinh danh những tên tuổi xứng đáng mà cũng không thể trưng ra đủ bằng chứng, khiến những thành tựu tích lũy bao năm của họ vẫn gieo vào lòng công chúng nỗi nghi ngờ khó tránh.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!