Lối Phong

“Tôi muốn tạo cho mình một con đường. Tôi không thích đi trên con đường đã có sẵn” - Họa sĩ Đào Hải Phong người dành cả một đời miệt mài cầm cọ chia sẻ. Nói như nhà văn Nguyễn Việt Hà - bạn anh, “hình như nghệ thuật thì không có đường, cứ đi mãi thì thành đường thôi”. Một Lối Phong (The path of Phong) đã thành hình và đậm dấu ấn riêng của người họa sĩ tài hoa.

Tác phẩm Mùa xuân.
Tác phẩm Mùa xuân.

Chậm rãi, thong dong bóc tách bản thể

Sững sờ là cảm giác đầu tiên của tôi, khi cầm trên tay cuốn sách mà Đào Hải Phong vừa chính thức ra mắt trong khuôn khổ triển lãm cùng tên. Cuốn sách dày dặn xấp xỉ 500 trang, được thiết kế và in ấn cầu kỳ, duy mỹ đến từng chi tiết. Nó đẹp độc đáo như một tác phẩm nghệ thuật mà người mê sách nào có lẽ cũng ao ước có trên giá sách gia đình.

Lật giở từng trang sách, ngắm từng bức tranh, đọc từng câu chữ, rưng rưng với từng khoảnh khắc đong đầy hoài niệm trên mỗi chặng đường đời, người đọc sẽ cảm được những tinh chất chắt lọc mà tác giả muốn gửi gắm, muốn sẻ chia, muốn bộc lộ bản ngã nghệ thuật của chính mình.

Ngoài Mở và Kết, sách gồm năm chương, rành rẽ, khúc chiết. Tranh (Dạo) - Tuổi thơ - Lối Phong - Nhà - Bạn. Không lập ngôn hay tỏ vẻ cao đạo, không tô vẽ hay làm màu, Đào Hải Phong tự họa chân dung mình, bằng đa chiều góc nhìn, từ ngoài vào và từ trong ra. Như cách diễn giải thú vị của anh, “tôi chỉ chậm rãi, kiên trì mà thong dong bóc tách dần dần từng lớp, từng lớp con người mình”. Bằng tâm thế của một nghệ sĩ dành hơn ba thập kỷ gắn bó hội họa. Và bằng cái nhìn điềm tĩnh trĩu nặng suy tư của một người đàn ông đã đi qua ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, kịp thấu hiểu cả sự đời lẫn mệnh trời.

Có 79 tác phẩm được Đào Hải Phong chọn lựa giới thiệu, sau tròn một thập kỷ tiếp tục độc hành trên con đường “làm thơ bằng hội họa”. Chỉ với hai chất liệu, hoặc acrylic, hoặc sơn dầu trên vải, 79 miếng ghép đã tái hiện trọn vẹn một Lối Phong, như một tổng kết đủ đầy cho một giai đoạn sáng tác sung sức. Nói như họa sĩ Mai Văn Phấn, “chỉ riêng tranh trong Lối Phong, theo cá nhân tôi, đã hình thành một phong cách mỹ thuật hiện đại Việt Nam”.

Nhưng Đào Hải Phong không dừng lại ở đó. Trong nỗ lực bóc tách từng lớp bản thể, với góc nhìn khách quan nhất, anh đổ đầy xúc cảm vào từng dòng tự sự, đong đầy ký ức về gia đình bè bạn trong từng tấm hình quý giá mà phần lớn trong đó nhuốm mầu thời gian.

Đọc Lối Phong, chợt nhận ra sự cẩn trọng, kỹ tính và nghiêm ngắn của chủ nhân được hiển hiện qua từng trang sách. Khi bộ sưu tập đời người của anh đầy ắp hồi ức về Hà Nội, về căn nhà cũ ở Ngũ Xã - Bông Nhuộm gắn bó tuổi thơ. Khi kho tàng kỷ niệm mà anh hào hứng khoe ra có từ tấm thẻ đoàn viên đến tấm danh thiếp họa sĩ đầu đời, từ bộ sưu tập bìa album lưu giữ những tươi đẹp cảnh sắc thiên nhiên chụp làm tư liệu đến những nét ký họa bằng đủ loại bút trên đủ từng mảnh giấy tình cờ bất chợt rơi vào tay, từ những bức hình không chủ tâm trở thành nhân vật do ai đó ngẫu hứng bấm máy đến bộ đồ nghề lủng củng giúp anh “làm thơ bằng hội họa” suốt bao năm... Kho tàng vô giá ấy cho thấy, Đào Hải Phong là người trân quý ký ức, nâng niu hỉ nộ lẫn ái ố mà cuộc đời đã gửi gắm cho mình.

Đọc Lối Phong, người yêu mỹ thuật sẽ có được góc nhìn trọn vẹn về cuộc đời và nghề nghiệp của một người “được nghệ thuật đón chọn, vừa là đặc ân, vừa là thách đố”. Hiểu con người anh, hiểu những triết lý nghệ thuật cùng hành trình nhọc nhằn mà anh độc hành suốt mấy chục năm qua sẽ hiểu những được - mất mà anh chọn lựa, để có được lối đi độc đáo của riêng mình.

Lối Phong ảnh 1

Tác phẩm Lâu đài.

“Một con đường vắng dấu chân người”

Đào Hải Phong là một trong những tên tuổi nổi bật của thế hệ họa sĩ sau thời kỳ Đổi mới. Và người yêu tranh có thể nhận ra tranh của anh ở bất cứ đâu, không cần nhìn vào chữ ký bởi mỗi tác phẩm đều đậm dấu ấn Đào Hải Phong. Riêng biệt, duy nhất.

Tranh của Đào Hải Phong bán chạy. Nhưng tranh của anh cũng luôn nằm trong nhóm những tác phẩm hội họa bị đạo - chép nhiều nhất, tràn ngập con phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Điều đó cho thấy sức hút từ tên anh vẫn vẹn nguyên sau nhiều năm và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Trải qua nhiều bực bõ, cáu kỉnh, giờ thì anh đã ở tâm thế an nhiên, nhìn những thứ đồ giả ấy với suy ngẫm “nếu sau 10 đến 20 năm nữa người ta vẫn còn chép tranh mình thì đó là hiện tượng, và mình vẫn còn sống”.

Đề tài chủ yếu trong tranh của anh là phong cảnh, hiếm khi có người. Cảnh sắc trong tranh luôn “đỏ chói, vàng rực, xanh ngắt, tím bầm”. Dước góc nhìn của họa sĩ Lê Thiết Cương, “Phong đặc biệt thích và giỏi chơi mầu tương phản, giỏi hài hòa giữa chúng với nhau. Giỏi cộng trừ âm dương, đêm ngày, tối sáng; xanh đỏ tím vàng, lá mạ, cam, cánh sen, nõn chuối đối nhau chan chát. Đến đây mọi người có thể sẽ òa vỡ, hóa ra những nhà cửa, phố xá, ao hồ, sông ngòi, núi non mà Phong vẽ không quan trọng gì cả. Đó chỉ là cái cớ để Phong thoả mãn cơn khát mầu, cơn đói mầu, để Phong được cực đoan mầu, lễ hội - mầu, ảo thuật - mầu. Cho nên bầu trời có thể vàng, mái ngói có thể xanh, lúa có thể đỏ, trăng lưỡi liềm có thể cô- ban, sông có thể tím, đồng ruộng có thể mận chín. Bất chấp, miễn là phải rực rỡ, no nê, căng mọng, tràn trề, tưng bừng”. Bởi “Phong thái quá mầu cũng là để cân bằng với toàn bộ những gì mà anh ấy không thái quá”.

Điểm nhấn trong tranh Đào Hải Phong là những cái cây. Nói như nhà báo Ngô Hương Sen, “anh hoàn toàn có thể đi đăng ký bản quyền tạo hình những vòm cây của mình và gọi đó là cây Đào Hải Phong - một hãnh diện của sáng tạo độc bản, một ID Card có thể nhận diện ra ngay ở bất kỳ máy quét tối tân hiện đại nào”. Cây của Đào Hải Phong hút mắt, ám ảnh bởi “tôi vẽ cái cây chưa nhìn thấy, tôi không muốn vẽ cái cây đã nhìn thấy”.

Lối Phong ảnh 2

“Cuốn sách này có tranh. Nhưng cũng là đời. Cuốn sách này có bạn. Và sau tất cả, cuốn sách này là TÔI” - Đào Hải Phong.

Đó cũng chính là lý do Đào Hải Phong chọn tông mầu chủ đạo đỏ - xanh đặc trưng, với cái cây bản quyền xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Anh nhận ra, “thứ từng bị coi là điểm yếu trong hội họa của tôi nay đã trở thành một kiểu ấn tượng và sự dị biệt không thể không có trong nghệ thuật”.

Ngày “lên đường”, Đào Hải Phong rất quyết liệt trong sự lựa chọn của bản thân. “Tiến vào một con đường chỉ mình tôi nhìn thấy, một con đường hoàn toàn vắng bóng dấu chân người, tôi đã đủ tự tin rảo bước đi, và từ đó chưa hề có ý định dừng lại”.

Trên hành trình gập ghềnh ấy, anh dần nhận ra, “cảm xúc của tôi thường bắt đầu từ cô đơn, nỗi buồn và kỷ niệm. Nhờ chúng, tôi sẽ vẽ được những bức tranh đẹp”. Rồi “tôi đi tìm cái đẹp ở những nơi bình dị nhất. Qua đó tôi làm cho nó trở nên trang trọng”. Và cuối cùng, “tôi không thay đổi đề tài mà chỉ thay đổi trạng thái, thay đổi cảm giác theo mùa, thay đổi giữa ngày và đêm, thay đổi cảm xúc, thay đổi hòa sắc bởi những mảng mầu bất ngờ và đột ngột”.

Bởi thế, trong con mắt của anh, “Lối Phong rốt cuộc chỉ là một cuộc chơi, một kỷ niệm, một phương tiện, để qua đó chúng ta hiểu nhau. Trong cuốn sách này, tôi muốn kể chuyện với mọi người bằng hội họa, qua đời sống gia đình, xã hội và sự sẻ chia của bạn bè thân hữu cùng với thế hệ trẻ”.