Họa sĩ trẻ Nguyễn Huy An:

Không thể rời khỏi “ao làng”

Istanbul Biennale (Thổ Nhĩ Kỳ) ra đời từ năm 1987 và hiện đứng thứ chín trong danh sách 20 triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế định kỳ lớn nhất thế giới, xét cả về quy mô và chất lượng nghệ thuật. Nguyễn Huy An (sinh năm 1982) là nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam có tác phẩm được lựa chọn tham dự sự kiện này, lần thứ 14, từ ngày 1-9 đến ngày 1-11-2015.

Hoạ sĩ Nguyễn Huy An.
Hoạ sĩ Nguyễn Huy An.

Tuyển chọn tác phẩm cho triển lãm (curator) là Carolyn Christov Bakargiev, nhân vật số một trong danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất đến nghệ thuật đương đại thế giới năm 2012 của tạp chí ArtReview. Chuyến đi đến Istanbul đã giúp Nguyễn Huy An một lần nữa nhìn rõ hơn vị trí của mình, một nghệ sĩ Việt Nam, trong thế giới nghệ thuật rộng lớn hôm nay.

Nhỏ nhoi giữa thế giới nghệ thuật

Lý do nào đưa anh đến với sự kiện nghệ thuật đương đại lớn này của thế giới?

Curator của triển lãm có một nhóm liên minh giúp giới thiệu nghệ sĩ mà họ biết, thấy phù hợp với chủ đề triển lãm. Trong đó có Arlette Quỳnh Anh Trần, làm việc cho Sàn Art (TP Hồ Chí Minh). Cô ấy giới thiệu tôi. Tiếc là cuối cùng, tôi không thể có tác phẩm hoàn toàn mới.

Tại thời gian quá ít chăng?

Không, tôi cũng có hơn một năm chuẩn bị cho chương trình này, từ mùa hè 2014. Nhưng cuộc sống có nhiều thứ chi phối quá, tôi không tập trung nghĩ cho ra được cái gì cả. Việc lo kinh tế cho gia đình nhỏ cũng làm tôi phân tâm nhiều.

Có lẽ đây là một câu chuyện dài với một nghệ sĩ độc lập, không có thu nhập hằng tháng ổn định như anh. Nhưng chúng ta sẽ nói đến chuyện này sau vậy. Tôi muốn biết curator nổi tiếng của Istanbul Biennale đã nhận xét gì về sáng tác của anh khi quyết định lựa chọn chúng?

Nói thế nào nhỉ? Istanbul Biennale năm nay chia theo các nhóm chủ đề và một trong số đó có gợi nhắc đến vài góc khuất trong lịch sử dài của người Armenia hồi đầu thế kỷ 20 trên đất Thổ. Cụm sáng tác của tôi hợp với chủ đề này và bà ấy lựa chọn.

Còn về nhận xét của curator, bà ấy thường chỉ nói “thú vị”. Nhưng có điều, trong các ý kiến chính thức của bà ấy và một số người viết khác trên các diễn đàn nghệ thuật mà tôi có đọc được, tôi đều thấy họ dựa vào cái gọi là “hậu chiến” (cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam - PV) khi nhận xét về nghệ thuật của tôi. Nghệ sĩ Việt Nam sinh năm 1982? À, vậy là sinh vào thời hậu chiến. Tác phẩm có nhiều mầu đen? Vậy là ẩn ý những năm tháng u ám sau chiến tranh... Đại loại vậy. Điều này khiến tôi không vui. Tôi và tác phẩm của tôi chẳng liên quan gì đến cái gọi là “hậu chiến” cả. Tôi không rõ liệu với cách đề cập như vậy, họ có khiến người đọc, người xem dễ bị mặc định hay không. Nhưng nói chung, tác phẩm của mình đã không được nhận hiểu như chính là nó...

Anh khiến tôi bắt đầu cảm nhận được sự nhỏ nhoi của một nghệ sĩ Việt Nam giữa biển lớn nghệ thuật thế giới?

Đây là lần đầu tiên tôi và tác phẩm của tôi được tham dự một sự kiện nghệ thuật quốc tế với tư cách một nghệ sĩ, chứ không phải một nghệ sĩ Việt Nam. Điều này đem đến cho tôi những cảm giác lạ. Các sáng tác của tôi được giới thiệu trong một số triển lãm ở nước ngoài nhưng thường là trong các dịp như triển lãm của nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài hoặc triển lãm do curator người Việt Nam lựa chọn... Giờ mới là lần đầu tiên tôi thật sự có cảm giác được hội nhập.

Sự kiện thật sự đưa mình đến bối cảnh toàn cầu hóa, ở một đất nước có điểm giao độc đáo giữa châu Âu và châu Á nhưng tôi thấy như lạc ra khỏi bối cảnh ấy. Nghệ sĩ quốc tế hiện giờ có thể sáng tác trên nền tảng chung của cái làng toàn cầu hóa này, bất kỳ một câu chuyện ở đâu đó cũng hoàn toàn có thể gợi cho họ một ý niệm sáng tạo. Khi tôi đến Istanbul lần đầu tiên để xem bối cảnh nơi trưng bày sáng tác dự kiến của mình, bạn Quỳnh Anh cũng có gợi ý cho tôi tìm hiểu một vài điều nào đó trong thành phố, biết đâu sẽ gợi hứng cho sáng tác mới. Tôi đã cố thử. Nhưng chẳng có gì ăn nhập được, nên rút cục, tôi vẫn thực hiện lại những tác phẩm đã có từ trước.

Quay về “ao làng”

Anh có cảm giác bản thân bất lực giữa thế giới ấy không?

Không, vì tôi không có ý chinh phục gì nó cả. Nhưng thế giới nghệ thuật ấy khiến tôi bị mơ hồ về vị trí của cá nhân, có sự mặc cảm trong chính mình. Nói thật là tôi cũng chưa biết tiếp tục như thế nào. Nhưng có lẽ, quay về với cái “ao làng” của mình thôi (cười).

Nghĩa là...?

Tôi chỉ có thể làm nghệ thuật từ những điều, những cảm giác bám rễ chặt trong tâm can mình. Phải là những gì ở đây, nơi có cuộc đời của tôi, cảm giác của tôi. Vậy thôi (cười).

Ở Istanbul Biennale, series tranh vẽ Ao thì chính là cái ao làng Triều Khúc nhà tôi, Tóc trên bàn kể câu chuyện tóc của mẹ tôi... Tới đây, tôi có kế hoạch thực hiện một series sáng tác với tinh thần như vậy, có thể là rộng mở hơn về không gian, thời gian, biểu tượng,... song vẫn là tinh thần bản địa.

Anh đã phần nào đỡ bị phân tâm về kinh tế?

Tôi có kế hoạch vậy thôi còn làm được thì làm. Mười năm làm nghệ thuật, tôi chỉ bán được mỗi một tác phẩm sắp đặt. Tranh thì thi thoảng lắm mới bán được một cái. Đi dạy vẽ cho trẻ con thì chỉ đủ tiền đổ xăng xe máy. Và lúc nào mình cũng có cảm giác bị giới hạn, muốn làm cái gì đó cũng có cảm giác bị thiếu hụt, rồi thấy mình như bị tuột khỏi đời sống... Có những lúc sốt ruột, tôi tính vẽ tranh để bán nhưng cũng chưa bán được cái nào như vậy (cười). Tôi nhận ra là làm cái gì cũng phải chuyên tâm, kể cả có tính vẽ tranh để bán thì cũng phải chuyên tâm với tính toán ấy mới được.

Ở một góc độ khác, tôi thấy ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia sáng tạo với các hình thức nghệ thuật đương đại. Theo anh, họ bị hấp dẫn bởi điều gì?

Tôi không biết nữa (cười) nhưng hình như giờ đây, nghệ thuật đương đại thu hút những bạn trẻ có điều kiện kinh tế khá giả. Ở thế hệ chúng tôi, người giàu hay nghèo đều cùng cảm thấy có thể bước chân vào lĩnh vực này. Nhưng nay, tôi toàn thấy các bạn trẻ có điều kiện kinh tế tích cực tham gia, không còn thấy những người trẻ tuy nghèo nhưng lại giàu năng lượng sáng tạo. Tôi không biết có phải vì không có hay họ không dám, họ cảm thấy không có chỗ nào cho họ. Đấy mới là điều thật sự đáng tiếc cho một đời sống nghệ thuật có sự phân tầng về kinh tế.

Không thể rời khỏi “ao làng” ảnh 1

Tác phẩm Tóc trên bàn, sắp đặt tại Istanbul Biennale 2015.

Tôi chỉ có thể làm nghệ thuật từ những điều, những cảm giác bám rễ chặt trong tâm can mình. Phải là những gì ở đây, nơi có cuộc đời của tôi, cảm giác của tôi.

Nguyễn Huy An tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Anh tích cực tham gia các chương trình nghệ thuật đương đại giàu tinh thần thể nghiệm tại Nhà sàn Studio, thành viên nhóm trình diễn Phụ lục. Anh có sáng tác được giới thiệu tại các triển lãm như sự kiện trình diễn Kết nối thuộc triển lãm Nghệ thuật Việt Nam sau đổi mới (Bảo tàng nghệ thuật Singapore - SAM, 2008), Singapore Biennale (2013), Carré d’Art (Bảo tàng nghệ thuật đương đại Nimes, Pháp, 2014). Tại Istanbul Biennale 2015, anh có năm tác phẩm và cụm tác phẩm: Tóc trên bàn (tóc và gỗ, 2005), Váy Thuận Châu (vải cắt vụn, gỗ và nước, 2007), Những cái bóng của Bảo tàng Mường (bồ hóng, hồ và sách nghệ sĩ, 2013), Khảo sát sự biến thiên của một cái bóng (bụi, con mọt chết, sách nghệ sĩ, 2014), Series Ao (màu nước trên lụa, gồm tám tranh, 2008 - 2015).