Nhiệt kế văn hóa

Khơi dòng hoài niệm

Khơi dòng hoài niệm là hướng đi mà hàng loạt chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn gần đây lựa chọn. Khơi dòng hoài niệm cũng trở thành thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng khiến những Giai điệu tự hào, Quán thanh xuân hay Ký ức vui vẻ trở thành những cái tên được khán giả màn ảnh nhỏ đón đợi từng số phát sóng. Bởi nói như nhà văn Cửu Dạ Hồi trong tác phẩm Tháng năm vội vã, “mỗi người đều có một thanh xuân, mỗi thanh xuân đều có một câu chuyện, mỗi câu chuyện đều có một nuối tiếc và mỗi nuối tiếc đều có một hồi ức đẹp đẽ vô tận. Để khóc, để cười, khi ngoái đầu nhìn lại”.
Một ca khúc đi cùng năm tháng được tái hiện trên sân khấu Giai điệu tự hào.
Một ca khúc đi cùng năm tháng được tái hiện trên sân khấu Giai điệu tự hào.

Mỗi thanh xuân đều có một câu chuyện

Nhớ những ngày đầu Giai điệu tự hào lên sóng, nhà biên kịch Phan Huyền Thư - Giám đốc ý tưởng của chương trình, đã chia sẻ về những “ca khúc cần được sống” và sự cần thiết phải làm “sống lại” chúng trong lòng công chúng. Theo chị, hai khái niệm ấy bao hàm hai đối trọng đáng kể: tác phẩm và công chúng. Bởi thế, trong chương trình có cả “sự sống lại ký ức” của người thưởng thức đã từng gắn bó cùng tác phẩm - với tư cách người đi trước và “sự sống lại thẩm mỹ” của người nghe không hề có ký ức về tác phẩm - là lớp công chúng trẻ hôm nay.

Được Việt hóa từ chương trình Tài sản quốc gia của truyền hình Nga, Giai điệu tự hào vẫn giữ được vẹn nguyên sức hấp dẫn ban đầu, dù đã bền bỉ 5 năm lên sóng, với bốn lần thay đổi format để ngày càng hấp dẫn, gần gũi và tiệm cận hơi thở cuộc sống hôm nay. Được truyền hình trực tiếp thay vì ghi hình, không đi theo chủ đề từng tháng mà lựa chọn một câu chuyện sâu sắc giàu cảm xúc gắn với vấn đề xã hội được quan tâm, hội đồng bình luận không còn chia già - trẻ mà ngồi chung cùng những vị khách mời đặc biệt, tăng tính tương tác với khán giả và được truyền thông rộng rãi hơn trên nền tảng số... Đó là những thay đổi hình thức chuyển tải chủ yếu của Giai điệu tự hào phiên bản mới nhất, bắt đầu lên sóng từ tháng 11-2018. Nhưng dù khoác tấm áo mới nào thì mục tiêu “làm sống lại ký ức và thẩm mỹ” của người nghe, thông qua những nhạc phẩm trường tồn cùng năm tháng từ những ngày đầu vẫn được giữ nguyên.

Đều đặn mỗi tháng một lần, khán giả vẫn đều đặn tới chật trường quay, vẫn cùng khóc và cười với những hoài niệm ùa về. Khi thưởng thức những bản phối mới cho những ca khúc xưa, khi gặp lại những chứng nhân lịch sử cùng những giọng ca một thời từng lay động trái tim nhiều thế hệ. Và đây cũng là chương trình hiếm hoi có thể bền sức đi đường dài mà độ hấp dẫn không hề thuyên giảm, thậm chí còn ngày càng tăng qua từng năm.

Có lẽ thành công của Giai điệu tự hào đã trở thành cú hích, để VTV tự tin triển khai thêm hai chương trình cùng khơi lại mạch nguồn ký ức, cùng đưa công chúng về những ngày xưa lấp lánh sắc màu hoài niệm. Quán thanh xuân với sự trở lại của bộ đôi Diễm Quỳnh - Anh Tuấn đã trở thành chương trình được đặc biệt mong chờ. Nhà báo Võ Hồng Thu (Báo Sức khỏe và đời sống), khán giả đã đồng hành cùng “quán” từ số đầu tiên chia sẻ: “Chương trình được nhất ở ý tưởng, nó đi thẳng vào trái tim của mỗi người và mang lại những cảm xúc rất đẹp cho khán giả, khi pha trộn ngọt ngào âm nhạc và những câu chuyện quá khứ. Thưởng thức chương trình là được bước vào một không gian ấm áp, được nghe lại những giai điệu thân thương đong đầy kỷ niệm, được gặp lại những nhân vật mà mình từng thấy - từng nghe - từng biết lâu lắm rồi”.

Ký ức vui vẻ mang lại sắc màu trẻ trung, hấp dẫn thông qua hình thức gameshow. Năm đội chơi, với năm đội trưởng giàu khả năng hoạt náo là đại diện cho năm thế hệ, từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước tới những năm 2000 của thế kỷ này. Những người già không giấu nổi xúc động khi được nhìn lại chiếc bàn ủi con gà, cái bếp dầu cùng chiếc mũ cối... Thế hệ trung niên vỡ òa khi gặp lại những giọng ca nổi tiếng như Thu Hiền và Giao Linh, những bộ phim đi cùng năm tháng như Đất phương Nam, Đời cát... Khán giả trẻ không giấu nổi ngạc nhiên khi biết đến cơm trộn bo bo, đến đôi dép nhựa Tiền Phong cùng chiếc xe đạp Thống Nhất biểu tượng một thời... Và tất cả được cười, được lặng đi xúc động và lắm khi rơm rớm nước mắt, khi sống lại những kỷ niệm đẹp mà người chơi cùng khách mời hào hứng chia sẻ. Sức hút của chương trình lớn tới mức, Ký ức vui vẻ số đầu lên sóng đã thu hút tới 2,3 triệu lượt xem trên Youtube.

Lý do công chúng yêu mến những chương trình khơi dòng hoài niệm này được đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp (gương mặt quen thuộc trong hội đồng bình chọn trẻ của Giai điệu tự hào) lý giải, “có lẽ tâm lý con người thường hay tiếc nhớ những điều đã mất đi, không còn giữ lại được nữa. Tâm lý ấy được tái hiện chính xác trong bộ phim Midnight in Paris của đạo diễn Woody Allen mà tôi rất mê. Đó là con người luôn nghĩ về quá khứ như một thuở hoàng kim lộng lẫy, họ luôn mong được tái hiện nó, được trở về ngụp lặn trong nó. Với riêng tôi, quá khứ thậm chí còn đẹp hơn cả hiện tại”.

Biến ký ức thành điểm tựa

“Bà chủ quán” Đặng Diễm Quỳnh từng tâm sự về ý tưởng hình thành Quán thanh xuân: “Ai cũng có một thời thanh xuân rực rỡ, quãng thời gian mà khi trưởng thành nhìn lại sẽ khiến ta bồi hồi. Thanh xuân đến năm bao nhiêu, ta không biết nhưng thanh xuân ấy kéo dài tới lúc nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mình”. Trong cái quán dễ thương ấy, khán giả lúc cười lúc khóc, lúc vui mừng lúc xúc động với ba phần chính Gặp nhau là thanh xuân - Vết xước tuổi thanh xuân - Thanh xuân là cảm xúc. Trong cái quán đáng yêu ấy, người xem lặng đi với từng lát cắt hồi tưởng, với radio và chiếc cassette, với sân ga và những chuyến tàu, với ban nhạc cựu trào cùng du học sinh Nga, với khu nhà tập thể và ký túc xá, với ti-vi thời đen trắng cùng kịch Lưu Quang Vũ... Nhưng ký ức không chỉ được tô hồng, không chỉ đẹp rực rỡ. Ký ức thời chiến tranh bom rơi đạn nổ, ký ức thời hậu chiến thiếu thốn nghèo nàn, ký ức thời tư duy giản đơn ấu trĩ... cũng được đan cài tái hiện. Để đôi khi giúp công chúng hôm nay thấy được “cái giá” của sự trưởng thành, cho cả đời người lẫn dòng chảy đời sống xã hội.

Khán giả trẻ Đức Hoàng chia sẻ trên fanpage Quán thanh xuân: “Những chương trình thế này cực kỳ bổ ích và thú vị. Những giai điệu nhắc nhở, gợi nhớ một thời tuổi trẻ đẹp đẽ, tuy gian khổ nghèo nàn nhưng vẫn đong đầy tình tự làm xao xuyến lòng người”.

Cô gái có nick name Phiêu Linh bày tỏ trên fanpage Ký ức vui vẻ: “Thế hệ đi trước thật hạnh phúc khi có những ký ức đẹp ấy làm điểm tựa, để thấy đời mình thật sự ý nghĩa. Những chương trình chất lượng thế này cần được sản xuất nhiều nữa, để tụi trẻ có cơ hội hiểu thêm về thế hệ ông bà, cha mẹ của mình, để có thể chia sẻ và yêu thương những tháng năm tuổi xuân tuyệt vời của họ”.

Khơi dòng hoài niệm ảnh 1

Diễm Quỳnh và Anh Tuấn trong chương trình Giai điệu tự hào.

Vài năm trở lại đây, khán giả màn ảnh nhỏ đã từng chứng kiến sự phát triển tràn lan dẫn đến gây bội thực của những mô-típ chương trình mua bản quyền nước ngoài, nặng tính giải trí bề nổi nhưng xa lạ với đời sống tâm hồn người Việt. Mạch nguồn quá khứ được khơi thông, qua những chương trình thuần Việt như thế này là một tín hiệu đáng mừng, với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Bởi theo chị, “Thật hay là con người vẫn nhớ. Và thật may là những ký ức đã qua cùng tinh thần của nó, tinh hoa và cả những đau buồn của nó vẫn còn đáng giá và đáng nhớ. Nó cũng cho thấy một thực tế là cuộc sống hôm nay đang tốt đẹp, nhờ vậy mọi người mới có điều kiện để nhớ nhung, mơ mộng, tiếc nuối và muốn phục dựng lại ngày xưa. Sản xuất những chương trình truyền hình dạng này là hướng đi đáng hoan nghênh, tôi nghĩ thế”.

Nói như nhà văn Hoàng Anh Tú, “Ký ức, dù có buồn cách mấy cũng chính là nền tảng xây đắp bạn trở thành mình - của hôm nay”. Khơi gợi mạch nguồn ký ức cũng là cách để con người sống đẹp hơn, biết nâng niu và trân trọng hiện tại hơn. Đó là giá trị lớn nhất, nhân văn nhất mà những chương trình kể trên mang lại.