Khổ luyện thành tài

Giữa cơn lốc gameshow dành cho trẻ em đang bộc lộ khá nhiều bất cập, Thần đồng âm nhạc nổi lên như một điểm sáng, khi hai yếu tố giáo dục và giải trí được bảo đảm cân bằng. “Đường tới thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, đây là mảnh đất màu mỡ giúp ươm mầm, vun xới những tài năng nghệ thuật hàn lâm trong tương lai nhờ vào quá trình học tập kiên trì, khổ luyện trong một môi trường giáo dục bài bản, chuyên sâu

Những gương mặt làm nên sức hấp dẫn của chương trình Thần đồng âm nhạc.
Những gương mặt làm nên sức hấp dẫn của chương trình Thần đồng âm nhạc.

Sân chơi lý tưởng cho tài năng “nhí”

Chính thức lên sóng kênh truyền hình HTV3 - DreamsTV từ ngày 30 tháng 7, Thần đồng âm nhạc đã trở thành chương trình được đông đảo khán giả chờ đợi theo dõi, vào mỗi tối chủ nhật hằng tuần.

Được Việt hóa từ format gốc Wonderkids của Đan Mạch, mùa đầu tiên của chương trình đã thu hút được sáu thí sinh đầy tiềm năng, trong độ tuổi từ 9 tới 13. Được dìu dắt bởi những người thầy - nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu trong các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, hành trình gian nan, đầy thử thách để tới đêm chung kết của sáu cặp đôi giảng viên - học trò sẽ giúp công chúng, đặc biệt là các bạn nhỏ hiểu rõ một quy luật. Thành công không bao giờ đến như một phép màu, “từ số không trở thành anh hùng” (from zero to hero) như cách chơi chữ của một chương trình tìm kiếm tài năng. Trái ngọt ấy chỉ tới sau một quá trình nỗ lực học hỏi bằng một tinh thần thật sự đam mê, sau những ngày tháng rèn luyện chăm chỉ, theo một lộ trình đào tạo chuyên nghiệp, đúng hướng, hiệu quả. Nói như một thành viên BGK - nhạc sĩ Trần Tiến, “việc học không quyết định hoàn toàn được tài năng và sự nổi tiếng của một nghệ sĩ nhưng giúp họ có được nền tảng văn hóa cần thiết. Có nền tảng ấy, tài năng sẽ phát triển và bền lâu gấp nhiều lần”.

Khổ luyện thành tài ảnh 1

Thí sinh Hoàng Bảo trong một phần thi.

Chỉ trên dưới 10 tuổi, với hành trang vài năm làm quen với âm nhạc cổ điển, các bé đã có cơ hội vàng, khi được những thầy cô giỏi nghề và vô cùng tận tâm dìu dắt trong sân chơi đỉnh cao này. Như Thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn piano Tuấn Mạnh - gương mặt nổi bật năm 2016 do Forbes Vietnam bình chọn. Như ngón dương cầm tài năng Bích Trà - nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên ký hợp đồng ghi âm solo với Academy Naxo, hãng thu âm hàng đầu thế giới. Như nữ nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất về kỹ thuật reo dây (tremolo) Kim Chung. Như Thạc sĩ biểu diễn thanh nhạc Triệu Yên, Phó Hiệu trưởng và nghệ sĩ múa Jenny Luu, Trưởng khoa vũ đạo của Học viện âm nhạc Soul Music & Performing Art Academy. Và cuối cùng là nghệ sĩ violin Đình Bình của Nhà hát Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Cứ mỗi tuần, các bé phải hoàn thành một thử thách do chương trình đặt ra, được đầu tư dàn dựng công phu nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho cả phần nghe lẫn phần nhìn. Từ kết hợp ăn ý với ban nhạc và nghệ sĩ khách mời đến thử sức trong những lãnh địa khó như nhạc phim, âm nhạc dân gian quốc tế, những ca khúc Việt Nam đã trở thành huyền thoại...

Qua từng đêm thi, ngón đàn điêu luyện, giàu cảm xúc trên phím dương cầm của Đăng Duy - Lan Anh, thanh âm violin réo rắt của Vũ An, giai điệu guitar say đắm của Hoàng Bảo, giọng hát thính phòng đầy nội lực của Đan Vy hay những vũ đạo hút hồn của cô bé nhỏ tuổi nhất Vân Anh đã thuyết phục được cả những khán giả khó tính. Sự tán thưởng của nghệ sĩ dương cầm quốc tế lừng danh Adam Gyorgy cùng thái độ phấn khích của giám khảo khách mời Vanessa Võ - người từng vinh dự đoạt giải Emmy, từng ngồi ghế nóng giải thưởng danh giá Grammy và từng được biểu diễn tại Nhà Trắng là một minh chứng rõ nét cho thành công đáng khích lệ của chương trình.

Chương trình giáo dục đậm chất nhân văn

Thần đồng âm nhạc chỉ đơn giản là cách dịch sát nghĩa nhất cho format gốc Wonderkids chứ không phải là gánh nặng áp lực cho những thí sinh quyết định bước vào cuộc chơi, khi xếp các em vào nhóm đang hoặc sẽ trở thành thần đồng. Nhưng nó cũng chuyên chở mong ước của ê - kíp thực hiện, rằng những thí sinh “nhí” đầy tiềm năng hôm nay, nhờ bệ phóng của chương trình có thể trở thành những tài năng, thậm chí là những “thần đồng” biểu diễn trong tương lai.

Triệt tiêu hầu hết mọi bất cập mà những gameshow đặt cái đích biến các bé trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho nhà sản xuất đang mắc phải (gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần, tình cảm và quá trình phát triển tâm lý của trẻ; phải bước vào mỗi đêm thi với tâm thế của một chiến binh tranh đấu quyết liệt để tìm ra người chiến thắng cuối cùng; thiếu nụ cười nhưng dư thừa nước mắt; dễ gây ra những ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân...), Thần đồng âm nhạc là một sân chơi đậm chất giáo dục, giàu tính nhân văn đúng nghĩa.

Không một thí sinh nào bị loại, ai cũng được phô diễn tài năng và vượt qua thử thách để cùng dắt tay nhau đi tới đêm thi cuối cùng. Theo đạo diễn âm nhạc của chương trình - Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ: “Thần đồng âm nhạc gần với một khóa học hè nâng cao. Trong khóa học ấy, các bé được học hỏi, được yêu thương và được vui cười”. Vì thế, sau mỗi tuần thi, một cuốn sổ liên lạc được trao tận tay các em, trong đó có những nhận xét chi tiết về ưu - nhược, hay - dở trong phần biểu diễn của từng thí sinh. Các thành viên BGK sẽ lý giải điểm số, đồng thời đưa ra những lời nhắn nhủ, chỉ dạy mang tính chuyên môn để các gương mặt “nhí” tiến bộ hơn trong đêm thi kế tiếp.

Chỉ một bé xuất sắc nhất mới đoạt được giải thưởng lớn của chương trình. Trị giá lên tới 1,5 tỷ đồng nhưng không được quy đổi thành tiền mặt, quán quân chương trình có cơ hội nhận học bổng âm nhạc một năm và một buổi trình diễn tại trường Colburn School (Los Angeles, Mỹ). Ngoài ra, một hợp đồng quản lý tài năng, một MV cho sản phẩm âm nhạc đầu tay cùng một bộ nhạc cụ cao cấp cũng là món quà quý giá mà thí sinh dành được điểm số cao nhất được nhận. Không chỉ vậy, ngôi trường mà quán quân đang theo học được nhận một gói trang thiết bị đào tạo giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Những thí sinh còn lại cũng nhận được những khóa học và công cụ hữu hiệu hỗ trợ con đường theo đuổi nghệ thuật tương lai.

Theo nghệ sĩ Thanh Bùi, thành viên thứ hai của Ban giám khảo, “những chuyên gia giáo dục hàng đầu nước Mỹ mà tôi từng gặp đều đúc kết, âm nhạc không chỉ có chức năng giải trí mà còn là công cụ tuyệt vời để giúp trẻ phát triển cả về trí óc, kỹ năng sống lẫn hoàn thiện tính cách, nhân cách đẹp sau này. Chỉ khi chúng ta nhận ra mình đang thiếu nền tảng cơ bản thì mới hiểu, thế hệ trẻ hiện nay cần được giáo dục đúng đắn hơn về nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng. Phải định hình, xây dựng được những giá trị cốt lõi về âm nhạc cho lớp trẻ thì mới có thể mở ra con đường phát triển mới cho nền âm nhạc Việt Nam”.

Thần đồng âm nhạc đã lan tỏa những giá trị âm nhạc hàn lâm, cổ điển đến với hàng triệu đứa trẻ, hàng triệu gia đình. Không chiêu trò, không thu hút khán giả bằng scandal và tạo giá trị ảo, tài năng và thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc, khổ luyện của các bé là sức hút duy nhất mà chương trình hướng tới.

Mong điểm sáng sẽ được nhân rộng, để các bé thơ có thêm những món ăn tinh thần lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn.

Khán giả đã dành nhiều lời khen tặng cho Thần đồng âm nhạc, trên trang fanpage của chương trình:

“Đây không phải là một chương trình truyền hình thông thường mà là một sân chơi mới, một ngôi trường giúp các bé học - yêu - cười (learn - love - laugh) thông qua nghệ thuật” (Hạnh Trần).

“Rất thích Wonderkids. Dù còn rất mới mẻ ở Việt Nam nhưng chúng ta cần có thêm nhiều show có tính văn hóa, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ qua nghệ thuật một cách đàng hoàng và nghiêm túc như thế này” (Trần Quang Huy).

“Mỗi bé là một sắc màu và tất cả đều đặc biệt truyền cảm hứng. Tài năng của các bé không chỉ đem lại những giây phút giải trí tuyệt vời cho khán giả mà còn khơi gợi cảm hứng và tình yêu nghệ thuật cổ điển cho nhiều bạn nhỏ khác” (Nguyễn Ngọc Thu).
Thần đồng âm nhạc gần với một khoa học hè nâng cao. Trong khóa học ấy, các bé được học hỏi, được yêu thương và được vui cười.