Khi trẻ em sắp ngã

Đây là một “tứ” cực kỳ quan trọng, thường loay hoay ám ảnh nền đạo đức Nho giáo phương Đông. Nguyên văn của nó xuất xứ từ một luận đề của Mạnh Tử (372-289 trước công nguyên), khi ông bàn về “tính Thiện”. Vì sâu xa trong nhận thức quan của nhiều trường phái triết học lớn cả Đông lẫn Tây, thì việc xác định được bản chất con người, luôn là điều băn khoăn gây tranh cãi. Mạnh Tử, một triết gia có ảnh hưởng sâu đậm đến nho học Việt cho rằng, tính tự nhiên của con người vốn tốt, nếu nhỡ có xấu là do hoàn cảnh. Để chứng minh “nhân chi sơ tính bản thiện”, trong thiên “Công tôn Sửu”, ông viết. “Ai cũng có lòng thương người, sở dĩ tôi nói vậy là có chứng cứ. Nếu th&igra

Khi trẻ em sắp ngã

Không phải ngẫu nhiên mà trong vô số những luận thuyết về đạo đức của các bậc hiền giả, trẻ em thường được coi như là một biểu tượng để minh họa. Bởi đơn giản, bọn trẻ là hiện thân sống động cụ thể nhất về sự vô tư trong trắng, về sự thật thà biết xấu hổ trinh nguyên. Chúng chính là niềm hạnh phúc của tương lai, thậm chí là mục đích sống cho rất nhiều người đã lớn. Có phải vậy chăng mà khi làm bọn trẻ bị tổn thương, luôn gây ra những cơn sóng thần trong tử tế dư luận. Đừng nói đến tội ấu dâm, một thứ tội phạm đáng khinh và ghê tởm, chỉ cần lạm dụng lao động ở trẻ em thôi, cũng đã bị công luận nghiêm khác lên án.

Từ rất lâu cả ở Tây lẫn ở ta, đã rất nhiều người trưởng thành, nồng nhiệt mở vô số diễn đàn để cắt nghĩa xem “trẻ con” là gì. Phần lớn những hội thảo đầy lo lắng trách nhiệm này đều diễn ra rất sâu sắc dưới một slogan “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Liên Hiệp quốc đã có hẳn một ủy ban to đùng, chuyên quan tâm tới bọn nhóc, đó là UNESCO. Vậy mà cho tới hôm nay, bản chất đúng của bọn trẻ là như thế nào thì kha khá nhiều người lớn vẫn liên tục loay hoay tranh cãi.

Đại để như một chuyện mới cách đây ít hôm, vợ của danh thủ bóng đá Wayne Rooney, khi biết chồng mình phải ra tòa vì say rượu lái xe thì có trả lời trên tờ “The Sun” theo kiểu nửa bênh nửa trách “anh ta giống như đứa con thứ tư của tôi, một đứa trẻ to xác. Ở nhà, suốt ngày chơi game online và nói dối”. Nên nhớ chị vợ này là người Ăng Lê có văn hóa và đã là mẹ của ba đứa trẻ. Vậy khi đã khẳng định một thuộc tính phổ cập của bọn chúng, đương nhiên là điều khả dĩ tin được.

Đúng là bọn trẻ thì hay ham trò chơi. Hà Nội ngày xưa thời bao cấp chưa có internet thì chúng chơi nhảy dây, bắn bi, đánh đáo, trốn tìm. Còn ngày nay thì khỏi phải nói, các quán mở game điện tử luôn chật nghẹt bọn ranh con từ tiểu học đến cuối trung học. Để có lý do ngồi lâu, hiển nhiên chúng sẽ phải nói dối. “Con đi học thêm, con đi đến nhà bạn. Bla, bla...”. Có điều đáng yêu là chúng chỉ nói dối quanh, người lớn chỉ cần đôi chút từng trải là sẽ truy ra sự thật. Có lẽ do thế mà ở ta có thành ngữ, “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”.

Nhân đây cũng xin nhắc đến một điều khá lạ, trong kho tàng thành ngữ tục ngữ quý báu của người Việt, luôn ngập tràn những câu so sánh giữa người có tuổi và bọn trẻ. Có câu đến giờ vẫn đúng, ví như “một già một trẻ bằng nhau”, đại khái xót xa nhắc đám con cháu giờ đã dư dật trưởng thành nên biết cách thể tất thương yêu chia sẻ với bố mẹ già, khi các cụ đã trở nên lóng ngóng non nớt y như đứa bé chập chững. “Trẻ cậy cha, già cậy con” mà. Lại có câu đến giờ bỗng không hợp thời nữa, ví như “miệng quan trôn trẻ”. Bởi “quan” là một chức danh chỉ có ở thời cũ kỹ phong kiến, nếu muốn hiểu đúng nghĩa của câu thì bắt buộc phải tra từ điển. Và tốt nhất là tra ở những cuốn dành riêng cho đám “trẻ người non dạ”. Nghĩa của nó là “tùy tiện, bất chấp đúng sai, hay tráo trở không đáng tin cậy trong lời nói, miệng lưỡi của bọn có quyền thế trong xã hội cũ”. (Từ Điển thành ngữ học sinh - NXB Giáo Dục, tái bản lần thứ 3, trang 424). Người xưa bảo, đọc sách nhưng cũng đừng quá tin theo sách, từ điển bây giờ bị đông người có chữ chê nhiều lắm. Vậy nên cũng phải tham khảo một cách hiểu đương đại của câu này từ những người có chức trách đang bị tòa xử tội tham nhũng trong mấy vụ đại án gần đây. Cứ xem cách họ thanh minh trước công đường về những lỡ lầm đã làm thì thấy đa phần bọn họ đều hiểu câu này theo nghĩa trong veo của lứa tuổi mẫu giáo đang ị bô, đại loại là “ngây ngô hồn nhiên”.

Bởi “hồn nhiên hơn cô tiên” đúng là một đặc sản chỉ có ở bọn nhóc thật. Với phẩm tính tuyệt vời này, bọn trẻ xứng đáng được nâng niu, giữ cho bọn chúng không được ngã, đương nhiên là trách nhiệm đạo đức của người lớn. Tất nhiên, bọn trẻ cũng tham lam, cũng la hét hờn dỗi, cũng ngốc nghếch kém hiểu biết. “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Nhưng nhờ sự trong trắng vô tư nên nhỡ có hơi “xâu xấu” thì ở chúng cũng chỉ là thứ mong manh “nết”, chẳng bao giờ thành “thói”, thành “tật”. Và đã tự nhiên đã là “nết” đất “nết” giời thì luôn làm các mẹ các chị rưng rưng xúc động. Có phải vậy chăng mà các Sở Khanh to đầu thập thành khi lọc lõi lừa tình các quý bà quý cô vẫn thường hay cư xử giống trẻ con. Có tay “siêu” tới mức, vừa ngọt nhạt nói lời yêu vừa nũng nịu cắn móng tay. Thậm chí có những gã trung niên tỏ vẻ ngây thơ, thỉnh thoảng lại “tè” bậy.

Hơn hai nghìn năm trước, đại hiền triết Lão Tử từng viết “Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi” (Chương 28-Đạo Đức kinh). Nhiều người lớn tử tế biết cách giữ mình tri túc vẫn hiểu là “theo đức không lìa, nên trở về như trẻ thơ”. Người đã nhân hậu trưởng thành thì khi đau đớn bắt buộc phải ứng xử với bao nhiêu bạc bẽo của cuộc đời cũng luôn cố giữ cái nhìn chân chất xanh non của mắt trẻ. Họ tung tăng nhưng không bầy đàn. Họ chơi vui nhưng không gây phiền nhiễu ồn ào. Bỡ ngỡ mà sâu sắc, thơ mà không ngây. Ứng mà không chứa. Họ cầm tiền như trẻ con cầm lá. Họ xem quan tước như bọn trẻ xem truyện tranh. Họ làm bất cứ điều gì tinh tế cũng không gượng gạo giả trá. Nhờ vậy mà những lời bi bô ở họ, cùng thời gian bỗng thăng hoa thành đạo lý.

Kinh Thánh của nền văn minh phương Tây cũng khẳng định. “Đừng ngăn cấm trẻ nhỏ đến với ta, vì nước trời là của chúng”. (Mt19,14). Vậy trẻ em là ai. Chỉ biết trong các danh tác hội họa Phục Hưng, hầu hết các thiên thần có cánh đều mang hình hài của bọn trẻ.

Để cho những thơ ngây thiên thần ấy sa ngã, thì dưới bất cứ lý do gì, cũng đều là tội ác.