Khán giả mới của nghệ thuật hàn lâm

Những khán phòng chật kín, những không gian công cộng đông nghịt khán giả hào hứng thưởng thức những loại hình nghệ thuật hàn lâm đang dần trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa tại một vài đô thị lớn. Giờ đây, hòa nhạc giao hưởng - thính phòng - opera - ballet... không còn là những món ăn tinh thần quá xa lạ, khó hiểu và khó cảm với số đông công chúng như trước. Nói như tiến sĩ âm nhạc Chương Vũ, “một lớp khán giả mới của nghệ thuật hàn lâm, đa phần rất trẻ, đã dần được định hình tại Việt Nam”.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời trong chương trình hòa nhạc đầu tiên ra mắt khán giả Thủ đô đầu năm 2018.
Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời trong chương trình hòa nhạc đầu tiên ra mắt khán giả Thủ đô đầu năm 2018.

Những tín hiệu đầy lạc quan

Đầu tháng 10 vừa qua, khán giả Thủ đô đã có cơ hội gặp lại Dàn nhạc giao hưởng London (London Symphony Orchestra - LSO), một dàn nhạc nổi tiếng hàng đầu thế giới trong chương trình Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018. Với cây đũa chỉ huy của nữ nhạc trưởng tài danh Elim Chang, người yêu nhạc cổ điển đã được thưởng thức bảy tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng. Ngoài lượng khán giả nhất định được thưởng thức trực tiếp tại sân khấu trong khu vực tượng đài Vua Lê Thái Tổ, rất đông khán giả trẻ đã say sưa theo dõi chương trình suốt gần hai tiếng đồng hồ qua các màn hình lớn, được đặt rải rác trên phố đi bộ Hồ Gươm. Đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gần như không còn một chỗ trống. Và sự hâm mộ nhiệt thành mà khán giả trẻ dành cho 90 nhạc công sau buổi biểu diễn khiến những nghệ sĩ nước ngoài thật sự xúc động. Có mặt trong đêm diễn, tiến sĩ Chương Vũ vui mừng chia sẻ: “Tôi cảm nhận được tình yêu của lớp khán giả mới, không chỉ ngồi trước sân khấu chính mà còn xem chương trình qua các màn hình lớn, trong đó phần đông là người trẻ. Thẩm mỹ thưởng thức được xây dựng từ sớm có ý nghĩa với sự phát triển của nhạc giao hưởng nói chung tại Việt Nam”.

Tình cảm nồng nhiệt của công chúng Hà Nội với LSO, trong hai năm liên tiếp nhắc tôi nhớ tới vỉa hè Lý Thái Tổ chật kín khán giả, trong những mùa Luala Concert đem âm nhạc cổ điển đến gần nhất với khán giả. Những buổi chiều cuối tuần chớm thu hay đầu đông, ngón đàn điệu nghệ của các nghệ sĩ thuộc dàn nhạc giao hưởng Việt Nam quấn quít cùng giọng hát ngọt ngào của những ngôi sao thanh nhạc hàng đầu như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn... đã biến phố đi bộ Hồ Gươm trở thành một địa chỉ được giới trẻ mê nhạc cổ điển ưu tiên lựa chọn.

Mới đây, cũng trên tuyến phố này, khán giả vui mừng khi được thưởng thức những trích đoạn tác phẩm kinh điển qua phần trình diễn của các thành viên Dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic. Là dàn nhạc giao hưởng tư nhân hoạt động độc lập đầu tiên của Việt Nam, suốt 5 năm qua, Maius Philharmonic đã kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ để đem những tinh hoa âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng trẻ. Họ diễn ở quảng trường, họ diễn ở nhà hát, họ tham gia trong các liveshow của nghệ sĩ tên tuổi. Họ hướng tới mục tiêu mang bản sắc dân tộc vào giao hưởng, theo cách thể hiện những gì tự tìm tòi thay vì phối lại những sáng tác nổi tiếng trong thời gian đầu. Bạn Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 11 Trường PTTH Trần Phú hào hứng cho biết, “nhóm mê nhạc cổ điển của em có 10 bạn. Bọn em không hề bỏ sót một chương trình hòa nhạc miễn phí nào, từ Luala Concert trước đây đến những buổi diễn cuối tuần của Maius hiện nay. Với đối tượng học sinh, những chương trình biểu diễn ngoài trời này là cơ hội vàng giúp bọn em được tiếp cận với những tác phẩm chất lượng”.

Lớp khán giả mới đã thành hình

Không chỉ dừng lại ở những chương trình đỉnh cao được biểu diễn tại các không gian công cộng, những loại hình nghệ thuật hàn lâm đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, trong không gian nhà hát, theo cách thức tiêu chuẩn nhất. Tôi đã có mặt trong đêm diễn ballet Kẹp hạt dẻ hay trích đoạn Hồ Thiên nga, xem nhạc kịch Carmen, nghe dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam hay Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời với những nghệ sĩ độc tấu hàng đầu thế giới biểu diễn. Và được chứng kiến sự hình thành và phát triển nhanh chóng của lớp công chúng mới của nghệ thuật hàn lâm, qua từng năm.

Nếu trước đây, người dẫn chương trình phải vỗ tay “mồi” để giúp khán giả thể hiện tình cảm đúng lúc đúng chỗ, phải liên tục nhắc nhở người xem tắt chuông điện thoại, không quay phim - chụp ảnh khi chương trình đang diễn ra thì giờ đây, những biểu hiện kém văn minh ấy đều đã được giảm thiểu tới mức tối đa. Nếu trước đây vé mời của các chương trình còn ế chỏng chơ thì nay, săn lùng tấm vé trước giờ mở màn trở nên ngày một khó khăn. Nếu trước đây có khá đông người xem vào rạp cho có, rồi cắm cúi vào màn hình điện thoại cả buổi thì nay họ chăm chú thưởng thức từ đầu đến cuối, bày tỏ tình cảm với nghệ sĩ nhiệt thành tới mức dàn nhạc thường phải chơi thêm một trích đoạn nào đó để tri ân. Ngoài những chương trình định vị thương hiệu chỉ phát vé mời cho đối tượng khách hàng nhất định, công chúng đã bắt đầu hình thành thói quen bỏ tiền mua vé thưởng thức, dù vé xem những loại hình nghệ thuật bác học này ở ta còn khá thấp, so với mặt bằng các chương trình giải trí nói chung.

Theo quan điểm của tiến sĩ Chương Vũ, “để có thể thưởng thức trọn vẹn mọi loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm cần thông qua quá trình học hỏi, hướng dẫn và tìm hiểu lâu dài, từ đó mới có thể hình thành năng lực thẩm mỹ và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân”. Bắt đầu xem đơn thuần chỉ vì tò mò, xem nhiều dần thấy thích, thích thì sẽ tạo động lực tìm hiểu, học hỏi. Từ đó, tình yêu với loại hình nghệ thuật đó sẽ thành hình. Trương Tuấn Phong, chàng sinh viên năm thứ nhất Đại học Giao thông vận tải tâm sự: “Dăm năm trước, bè bạn thường trêu chọc khi thấy em tìm mua đĩa nhạc giao hưởng, với câu nói thường nhật, có hiểu gì không mà nghe? Những chương trình biểu diễn ngoài trời gần đây, em đều rủ bạn đi cùng. Giờ thì vài bạn đã hỏi mượn đĩa về thưởng thức vì bắt đầu thấy thích, em không còn bị đám bạn nghi ngờ là làm màu nữa rồi”.

Sự hưởng ứng ngày một nồng nhiệt của công chúng, với những loại hình nghệ thuật từng được xem là “khó nhằn” đã tạo động lực để giúp các thương hiệu lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh tay đầu tư trong tổ chức các chuỗi chương trình đẳng cấp, để vừa định vị thương hiệu theo cách thức sang trọng, bài bản vừa thực hiện trách nhiệm nâng cao dân trí và làm giàu đời sống tinh thần cho cộng đồng. Chuỗi chương trình hòa nhạc cổ điển Toyota nhằm gây quỹ Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam đã đồng hành cùng khán giả một số thành phố lớn hàng chục năm qua. Chuỗi chương trình hòa nhạc cổ điển Hennessy đã bắc nhịp cầu đưa 60 nghệ sĩ nổi tiếng của 14 quốc gia đến với Việt Nam suốt 21 năm liền. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi như pianist Lang Lang, violinist Sarah Chang, celloist M. Rostropovic... Từ năm 2017, Sun Group đã thành lập Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra, với cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp Olivier Fabric Ochanine), đã nỗ lực mang giọng ca từng đoạt giải Grammy danh giá Sumi Jo (Hàn Quốc) hay nghệ sĩ vĩ cầm người Nga nổi tiếng Sergei Dogadin đến với khán giả Việt. Hãng hàng không quốc gia đã hai lần đưa LSO tới Thủ đô và mang lại cho khán giả hai đêm diễn đẳng cấp quốc tế... “Mưa dầm thấm lâu”, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thương hiệu này đã bắt đầu găt hái mùa trái ngọt.

Đó là chưa kể những chuyển động tích cực trong nhận thức của các bậc làm cha mẹ, khi số lượng trẻ em thành thị được tạo điều kiện tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm ngày một đông đảo. Cho con học đàn, học múa ballet, học thanh nhạc... đã trở thành hướng đầu tư được nhiều phụ huynh thành thị lựa chọn. Những cuộc thi tìm kiếm tài năng giờ không còn là sân chơi riêng của những học sinh - sinh viên các trường đào tạo nghệ thuật. Gala Nhạc vũ kịch nhí Việt Nam, do “hoàng tử ballet”, NSƯT Đàm Hàn Giang đã giúp các vũ công nhí có cơ hội góp mặt trong những vở ballet kinh điển như Kẹp hạt dẻ, Người đẹp ngủ trong rừng... Những em bé được tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm hôm nay sẽ sớm trở thành lớp khán giả tiềm năng, trong tương lai gần. Và ngày những loại hình này có thể thuyết phục số đông công chúng Việt chắc không còn xa. Mong thế và cũng hy vọng thế!