NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Kéo khán giả trở lại bằng chất lượng sản phẩm

“Có lẽ hiếm sàn diễn nào trở lại sau đại dịch bằng việc công diễn cùng lúc ba tác phẩm mới toanh như Nhà hát Tuổi trẻ. Khó khăn và thách thức chất chồng nhưng chúng tôi luôn cố gắng chọn góc nhìn lạc quan nhất.

Chương trình Trống choai đi đâu thế, một trong ba sản phẩm mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh | NHTT
Chương trình Trống choai đi đâu thế, một trong ba sản phẩm mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh | NHTT
Kéo khán giả trở lại bằng chất lượng sản phẩm -0
 

Thay vì kêu ca, than thở và thụ động ngồi chờ sự hỗ trợ của các cấp quản lý, kéo khán giả trở lại với thánh đường sân khấu bằng những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn là hướng đi duy nhất mà nhà hát chọn lựa”, NSƯT Chí Trung (ảnh bên), Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hào hứng chia sẻ, khi nhìn xuống khán phòng gần như kín chỗ trong buổi ra mắt chương trình Trống choai đi đâu thế mới đây.

Xin được chúc mừng tập thể nghệ sĩ của nhà hát, với sự trở lại đầy khí thế ngay sau khi được phép sáng đèn. Làm thế nào để có thể nhanh chóng ra mắt ba chương trình mới dành cho đối tượng khán giả trẻ em sau mấy tháng trời sân khấu “đóng băng” vì đại dịch vậy, thưa anh?

Để phục vụ các em nhỏ trong dịp Quốc tế Thiếu nhi, chúng tôi đưa ra bộ ba sản phẩm với sắc màu đa dạng, phong phú. Nếu Cuộc chiến vô cực là vở diễn đậm chất nhạc kịch, được phóng tác từ những tích truyện dân gian thuần Việt kết hợp các nhân vật anh hùng hiện đại thì Trống choai đi đâu thế là chương trình ca múa nhạc - kịch vui theo phong cách tạp kỹ hiện đại mang tính tương tác cao. Và các bé có thể gặp Vaxilixa và phù thủy độc ác trong câu chuyện nổi tiếng Hai cây phong của nhà văn E. Sơ-vác-sơ.

Cả ba sản phẩm đều đã được chuẩn bị, dàn dựng và luyện tập từ giữa năm 2019. Ngay sau khi được gỡ bỏ giãn cách xã hội, chúng tôi nhanh chóng tập trung đội ngũ nghệ sĩ để tái khởi động. Rất may là diễn viên có sức bật rất lớn sau một kỳ nghỉ dài bất thường. Hàng trăm nghệ sĩ trong tạo hình ngộ nghĩnh đáng yêu của những nhân vật được trẻ em yêu thích đã nhiệt tình xếp hàng chào đón khán giả trong những buổi diễn đầu tiên. Hơn hai mươi suất diễn liên tục trong vòng 3-4 ngày liền đã giúp chúng tôi tự tin, rằng sản phẩm của mình đủ sức hấp dẫn đối tượng công chúng nhỏ tuổi. Có thể nói vui, “Tuổi trẻ trở lại, lợi hại hơn xưa” (cười).

Có vẻ như “kỳ nghỉ dài bất thường” ấy, nhìn ở khía cạnh tích cực chính là khoảng lặng cần thiết, để những người làm sân khấu kịch có điều kiện suy tư, trăn trở về thực trạng hiu hắt của sàn diễn thời gian gần đây?

Từng ấy thời gian buộc phải ở nhà, tôi cố gắng coi đây là dịp hiếm hoi để các nghệ sĩ của mình nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng sáng tạo và nhìn lại những hay dở - ưu khuyết của bản thân mình.

Đại dịch cũng khiến tôi ngộ ra một thực tế khá tức cười. Lâu nay cứ luôn mặc định rằng tác phẩm nghệ thuật là vũ khí, mỗi nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Giờ mới biết, sân khấu được đặt cùng nhóm dịch vụ - sản phẩm không thiết yếu, có cũng được và thiếu cũng không ảnh hưởng gì. Nói vui vậy thôi chứ tôi nhận thức rất rõ rằng sân khấu kịch rơi vào tình cảnh khó khăn đã khá lâu, bảo nó phải gánh chịu tác động nặng nề từ Covid-19 có phần oan uổng. Không chỉ thua thiệt khi đặt cạnh truyền hình, điện ảnh hay internet, sân khấu kịch còn lộ rõ sự cũ kỹ và lạc hậu không chỉ ở kỹ năng diễn viên mà còn trong cả tư duy lẫn tầm nhìn. Hoạt động èo uột, công chúng dần quay lưng cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng điều đó không ngăn Nhà hát Tuổi trẻ vẫn được đánh giá là một trong số ít những đơn vị nghệ thuật năng động bậc nhất Thủ đô, thưa anh?

Nói một cách sòng phẳng, chúng tôi may mắn sở hữu nhiều lợi thế mà các đơn vị bạn không hề có. Chúng tôi có rạp riêng và tập hợp được đội ngũ biểu diễn ca múa nhạc - kịch nói khá hùng hậu, nôm na là có cả lực lượng sản xuất lẫn nơi bán hàng. Chúng tôi cũng có được thương hiệu mạnh mà bao thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và trao truyền, nhờ vậy mà Nhà hát Tuổi trẻ luôn được chào đón nồng nhiệt khi đi lưu diễn ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở phân khúc thị trường khán giả đặc thù, với biên độ tuổi khá rộng từ thiếu nhi tới thanh niên, có thể nói chúng tôi đang được kinh doanh độc quyền.

Nhưng mọi lợi thế ấy cũng không cứu vãn được thực tế buồn, rằng mặt hàng chúng tôi kinh doanh “không thiết yếu” với đại bộ phận người xem. Vậy thì làm thế nào để thuyết phục họ chịu tới rạp? Câu trả lời, theo tôi là đừng tự đặt mình ở vị trí quá cao, đừng mặc định sản phẩm của mình phải thu hút thật đông khán giả để loay hoay chạy theo chiều chuộng bằng mọi giá. Điểm mấu chốt là hãy cố làm tốt nhất trong khả năng có thể để cho ra đời những sản phẩm văn hóa đáp ứng được mong muốn của người xem. Để kéo công chúng trở lại với sàn diễn, dù Covid-19 có xuất hiện hay không, nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất.

Ngoài ra, nỗ lực tìm kiếm sự chung sức đồng hành của các doanh nghiệp cũng sẽ khiến áp lực kinh tế nặng nề của nhà hát được giải tỏa phần nào. Thí dụ, một thương hiệu hàng không đã hỗ trợ chúng tôi một khoản tiền không nhỏ để tổ chức 100 suất diễn miễn phí cho trẻ em. Nghĩa cử ấy đã bắc nhịp cầu giúp chúng tôi đưa các chương trình giải trí bổ ích đến với đa dạng địa chỉ, từ bệnh viện đến trường học, từ phục vụ các cơ quan đến ban, ngành đoàn thể... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm điều kiện để đưa ra những chương trình - vở diễn mang dấu ấn đã trở thành thế mạnh của Nhà hát Tuổi trẻ để biểu diễn bán vé, song song với các đêm diễn miễn phí kể trên.

Tôi thích góc nhìn chủ động và tích cực của anh. Nhưng chèo lái một đơn vị nghệ thuật với hàng trăm nghệ sĩ như anh trong thời điểm khó khăn này xem ra cũng là bài toán vô cùng nan giải?

Hiện Nhà hát Tuổi trẻ chỉ còn hai đoàn: Kịch nói và Ca múa nhạc, thay vì bốn đoàn trước đó. Bạn đã nhắc đến đúng cái điều khiến tôi trăn trở nhất hiện nay, đó là vấn đề chảy máu tài năng. Đầu năm 2020, Bộ Nội vụ vừa ban hành Quyết định QĐ01/QĐ-BNV về “Xây dựng chính sách quản lý biên chế gắn với vị trí việc làm”. Theo văn bản này, tất cả những nghệ sĩ hợp đồng (cả dài lẫn ngắn hạn) đều bị đưa ra khỏi bảng lương. Vì thế, chúng tôi đã phải ngậm ngùi đưa ra khỏi bộ máy gần 80 nghệ sĩ, đa phần trẻ đẹp, đa phần đang ở độ chín của tài năng và đam mê cống hiến. Trường hợp hai nhạc sĩ Tường Văn - Tuấn Nghĩa hay diễn viên Vân Dung là một minh chứng đau xót, khi bị đặt ra ngoài vòng quay dù đã thành danh, nổi tiếng từ chính cái nôi này.

Bạn cũng biết đấy, quy luật của sân khấu là “thầy già, con hát trẻ”. Chúng tôi sẽ dàn dựng những vở diễn thiếu nhi thế nào, khi công chúa - hoàng tử đều đã ở tuổi trung niên; sẽ biên đạo múa ra sao, với những vũ công đã 40-50 tuổi? Dù đồng lương rất ít ỏi, nhưng không có lương cũng đồng nghĩa không bảo hiểm, không được công nhận là người của nhà hát. Những nghệ sĩ trẻ làm sao có thể toàn tâm cống hiến cho thương hiệu Tuổi trẻ, khi bị coi như kẻ ở nhờ? Mà họ thì luôn đứng giữa ngã ba đường, với quá nhiều lời mời gọi từ điện ảnh và truyền hình - những môi trường nơi họ được trọng vọng hơn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Đã quy tụ được họ về đây, giờ nhìn nhiều gương mặt tài năng đành dứt áo ra đi, xót xa lắm. Nên chăng, khi ban hành những văn bản thế này, cơ quan quản lý cũng cần tùy theo hoàn cảnh đặc thù của từng đơn vị để có được những điều chỉnh phù hợp. Với nghệ sĩ, danh dự và sự gắn bó với một “mái nhà” quan trọng hơn cả tiền bạc. Sẽ rất khó để ngày một nâng cao chất lượng tác phẩm sân khấu, như mong muốn của chúng tôi, khi các gương mặt trẻ tài năng đành phải đầu quân cho ngành nghệ thuật khác.

Theo nhận định của các chuyên gia, sân khấu “hậu Covid” không bao giờ còn trở lại như trước. Khi nỗi sợ đám đông, sợ không bảo đảm giãn cách cần thiết cùng áp lực thắt chặt chi tiêu và sự lên ngôi của loại hình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến sẽ khiến người xem ngại ngần tới rạp. Anh có lo lắng về bức tranh tương lai khá ảm đạm đó không?

Tôi không quá bận tâm vì điều đó. Bởi từ quan sát thực tế của cá nhân, con người thường rất chóng quên, kể cả nỗi sợ. Hơn hai chục buổi diễn vừa rồi, trẻ em được cha mẹ đưa tới rạp đông nghịt. Chúng tôi có thực hiện giãn cách, có yêu cầu dùng khẩu trang và dung dịch rửa tay nhưng nói thật, chỉ đơn thuần giải quyết yếu tố tâm lý là chính. Dịch bệnh rồi sẽ qua, đã hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, rồi khán giả sẽ nhanh chóng trở lại nếu họ thấy cần. Tôi chỉ sợ nhất là vở diễn không hay, là nghệ sĩ không chịu thay đổi tư duy bởi nếu vậy, sân khấu sẽ chết, dù chẳng hề bị dịch bệnh tác động.

Cảm ơn anh và xin chúc nhà hát vượt khó thành công!