Đi chơi ở nước mình

Văn chương trung đại của nước Việt, cho đến hạ bán thế kỷ 18, thường rất hiếm những tác phẩm du ký. Thảng nếu có, thì đa phần là những cuốn ghi chép về việc đi sứ phương bắc, tiêu biểu có thể kể “Bắc sứ thông lục” của học giả sứ thần Lê Quý Đôn (1726-1784). Lác đác về sau, suốt cả thế kỷ 19, mới bắt đầu có những cuốn lược ghi về châu Âu mà chủ yếu là nước Pháp.

Minh họa: Đào Hải Phong
Minh họa: Đào Hải Phong

Tất nhiên cũng của các đại thần giữ trọng trách trong sứ đoàn thực hiện nhiệm vụ ngoại giao. Xuất sắc nhất là cuốn “Tây hành nhật ký” của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Tả Tham tri Lại bộ thời Tự Đức. Vốn là người nhiệt huyết ái quốc với tính cách thẳng thắn, sau khi đi nước ngoài về giữ chức Thượng thư bộ Hộ, cụ Phạm đã đưa ra nhiều đề nghị cải cách táo bạo nhằm canh tân đất nước. Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, người Việt thủa chưa xa, rất ít khi đi đâu xa. Bởi cũng thời điểm đó, không kể những cường quốc hàng hải như Hà Lan hay Ăng Lê, thì ngay cả nhiều nước phương Đông đã có đông đảo các “tua rít gia” lừng lẫy. Có điều mục đích “du lịch” của họ cũng khá lung tung. Hoặc lý do tôn giáo, hoặc thích phiêu lưu, còn hầu như là kết hợp buôn bán kiếm lời. Nó khác hẳn hôm nay, người ta du lịch theo đúng định nghĩa của từ điển. “Đi chơi giải trí tới một vùng xa lạ”, chẳng những không kiếm được tiền mà chủ yếu để tiêu tiền.

Người Việt không hẳn là không có truyền thống du lịch. Thủa xưa, những nhà Nho tài tử, đặc biệt là những dư dật lãng tử thường có thú “du sơn ngoạn thủy”. Chắc bọn họ chịu ảnh hưởng từ một câu trong sách Thánh hiền đã được học từ nhỏ “Trí giả nhạo sơn, hiền giả nhạo thủy”. Nôm na là kẻ trí thì thích ngắm núi, còn kẻ hiền thì thích nhìn nước. Nói chung ở hồi ấy, những người lương thiện có chữ và có cốt cách thường thích du ngoạn rồi đọc sách. Đi và đọc là hai thao tác được đám văn nghệ sĩ trân trọng lắm. Đi gần hay đi xa, không quá quan trọng. Đại loại hành trang mà phong lưu được gần giống như Kim Trọng là nhất. “Đề huề lưng túi gió trăng. Sau chân theo một vài thằng con con”. Mấy tiểu đồng đấy, thằng thì cầm rượu, thằng thì cầm bản thảo thơ. Bản thảo cũng có thể của mình, cũng có thể chép lại của một danh gia nào đó. Cái chính là làm cho các quý cô hay quý bà ngưỡng mộ thầm yêu, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Không phải ngẫu nhiên mà trong các chuyến đi chơi, người ta hay quý những kẻ đồng hành nhẹ nhàng hoạt khẩu, tính nết “văn nghệ văn gừng”. Nếu kẻ đó đôi chút nổi tiếng thì càng tuyệt. Trước đây mới mong manh “văn kỳ thanh”, bây giờ hân hạnh tận mắt được “kiến kỳ hình”. Có điều, gặp nghệ sĩ dù thật dù giả đều rất dễ nhận và rất dễ chịu. Hoặc cao đạo buồn bã có râu, hoặc phóng khoáng hào hoa nói tục. Chẳng sao cả, hạnh phúc lúc đi chơi, nhiều khi chỉ là những nỗi niềm ngạc nhiên đời thường nho nhỏ.

Từ xưa đến nay, đi chơi là được phóng túng hình hài, là được thấy nhiều cái khác thường mà cuộc sống bình thường tủn mủn hiếm được gặp. Người ta sẽ dễ nhìn lại người khác hơn sau khi đã ngắm biển và nhất là được nhìn những loài thú chỉ còn trong sách đỏ. Thật rưng rưng khi thấy những cánh rừng ngút ngàn triền núi Hoàng Liên Sơn, tuy không hẳn còn nguyên sinh nhưng thật hùng vĩ trong ráng chiều của sâm sẩm sơn cước. Sương trắng mù trắng phiêu linh cuồn cuộn từ lũng sâu thăm thẳm không thấy đáy. Ở những chỗ này chắc chắn phải có những bậc thần tiên. Núi cao ở nước ta, bất cứ chỗ nào cũng vừa trinh bạch hiểm trở vừa cô ngạo cao cả, chân chính xứng đáng là lô-gô đặc thù biểu trưng của trí tuệ. Và khi may mắn được mon men lại gần núi, thì bất cứ ai hoặc vô tình hoặc hữu ý ngoái lại, đều cảm thấy cái cuộc đời mà mình đã sống sao mà chật hẹp, sao mà bình thường. Tự nhiên thấy rất thương những du khách đang nhấp nhổm ngồi cáp treo. Phong cảnh bi tráng càng ngắm càng thấy người nao nao phiêu diêu. Mấy chàng phóng viên của truyền hình trèo lên phiến đá chênh vênh phanh ngực đón gió trời. Suốt mấy hôm rồi, các chàng này cao đạo quay phim chụp ảnh, vẻ mặt luôn quan trọng của những người đang làm ở một cơ quan quan trọng. Phải sáu năm nữa, hoặc chậm rãi hơn, khoảng mười năm nữa họ mới thành nghề. Khuôn mặt họ sẽ sinh động hồn nhiên hơn, họ sẽ vừa biết yêu vừa biết chán cái nghiệp mình đang đeo đuổi. Hôm nay may mắn cho họ, gió núi đã xua đi cái mặt nạ đạo đức công chức, trả nguyên vẹn cái hùng khí ngây thơ tuổi trẻ. Lạy một lạy cám ơn trời đất, thật may mắn khi được sinh ra rồi lớn lên ở nước Việt.

Thủơ xa xưa ở ta, đi chơi không cứ phải tới xa xăm trèo đèo hay lội suối. Đôi khi chỉ cần tiết Xuân thăng hoa muôn vật nẩy nở là có thể dời nhà du hý. Chính vì mùa Xuân đậm đà tươi mới nên vô số người sâu sắc có tử tế thường bồi hồi nhớ về những thiêng liêng cũ. Họ trân trọng nhớ những anh hùng liệt nữ đã tuẫn tiết hy sinh cho nước cho dân được Trời Đất cảm động phong thành thần muôn đời tế tự. Hoặc gần gũi hơn là tổ tiên ông bà, những người chỉ biết tần tảo vất vả đã khuất để hôm nay cháu con được đê mê dồi dào sống trong an nhàn vật chất. Do vậy, với thiếu nữ ở các nhà gia giáo thì tháng Chạp là một tháng bận rộn. Cùng với sắc hồng của hoa đào, họ cũng đi ra ngoài nhưng đa phần là theo bố theo mẹ tới các đình đền miếu để cầu cúng. Ngoài việc xin anh linh tiền nhân phù hộ độ trì cầu phúc cầu đức cho gia đình bằng an, họ còn âm thầm cầu riêng cho mình một tấm chồng hoành tráng mà bét nhất cũng phải là cỡ Kim Trọng. Tâm sự của cô bé trong bài thơ “Chùa Hương” khét tiếng của Nguyễn Nhược Pháp là nỗi lòng của hầu như mọi thiếu nữ. “Ngun ngút khói hương vàng. Say trong giấc mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao cho em lấy chàng”. Đó là một thứ hôn phu lý tưởng, tuổi vừa trẻ lại vừa có tiềm năng ẩn chứa phát xuất tràn trề ra danh ra lợi. Đến ngoài Tết, ở những nhà bất hạnh có đông con gái thì mấy chị em lễ phép xin bố mẹ cho mình lang thang du xuân. Hoặc giữ gìn trân trọng quá khứ thì bọn họ đi lễ “tảo mộ”. Hoặc cồn cào kiếm tìm tương lai thì đi dự hội “đạp thanh”. (Nghĩa nôm na của từ này là dẫm lên cỏ xanh mà đám trẻ đương đại gọi là đánh bóng vỉa hè). Trong lúc loay hoay thưởng Tết có định hướng như thế, nếu số đỏ thì thỉnh thoảng chị em cũng vớ được “gà”. Bây giờ thường được mặc định là một đại gia, còn ở hồi trong veo chưa xa ấy, thường là một thư sinh tre trẻ vừa có ngựa cưỡi vừa có người hầu. Nhác thấy đối tượng, mặc dầu sóng lòng cuồn cuộn nhưng ngay lập tức chị em giở chiêu bẽn lẽn, “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Đương nhiên là chàng mắc mưu, mùa Xuân hay làm đàn ông trở nên lẫn lộn. Thế là số mô-bai thế là địa chỉ facebook chân thành đưa tuốt. Lúc về già cứ mỗi dịp Tết đến, những chàng bị rơi vào hôn nhân theo kiểu này thường ôm mặt nức nở khóc ân hận lắm.

Đi chơi loanh quanh ở nước mình, với hầu hết người Việt, luôn là một thú vui cao nhã đậm đà truyền thống. Có phải vậy chăng mà trong các chương trình tương tác truyền hình thực tế kết nối ái tình kiểu như “Bạn muốn hẹn hò”, thì những bạn trẻ khi được hỏi về điểm mạnh, tất thẩy đều tự tin khẳng định rằng mình thích đi du lịch trong nước. Có điều, nó hơi khác xưa một chút, du khách ngày nay rất hiếm người vừa biết đi vừa biết đọc.