Nhạc sĩ Hình Phước Long

Công dân của Trường Sa

Nhạc sĩ Hình Phước Long có làn da đen của người dân xứ biển, dáng người thấp, khuôn mặt tròn trịa. Ông có thói quen rất thú vị, là luôn để sẵn cây viết cùng tờ giấy trong túi áo. Mỗi khi đi đâu hoặc đang chạy xe trên đường, bỗng dưng cảm xúc ùa về làm nảy sinh một ý tưởng hay, ông lập tức dừng xe ghi lại, sau đó về nhà sáng tác tiếp. Ông được báo giới cũng như nhiều người quý mến gọi bằng cái tên “Công dân của Trường Sa”.

Nhạc sĩ Hình Phước Long bên tấm hình Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hình Phước Long bên tấm hình Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ khi nào?

Từ trước năm 1975, tôi đã bắt đầu tập viết các bài hát cho lứa tuổi thiếu nhi. Lúc ấy, tôi không hề nghĩ, mình sẽ trở thành người sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Thế rồi, miền nam hoàn toàn giải phóng, tôi vào làm việc trong ngành Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Hòa, rồi sau đó là Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh. Năm 1983, tôi về Sở Văn Hóa - Thông tin tỉnh Phú Khánh cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2009.

Những năm đầu giải phóng, hầu như không có cuộc thi âm nhạc nào được tổ chức ở cấp quốc gia. Phải tới năm 1983, Hội Nhạc sĩ Việt Nam mới tổ chức lần đầu. Lúc đó tôi gửi ca khúc Gặp anh trên đảo Sinh Tồn vừa mới viết ráo mực ra dự thi, không ngờ cuối năm ấy ca khúc này được xếp giải Nhì (không có giải Nhất) đầu tiên của đất nước sau ngày thống nhất.

Không ít người đã nghĩ rằng, tôi đã từng đến quần đảo Trường Sa nên mới có cảm xúc và sáng tác nên ca khúc này, nhưng đâu phải thế. Trước đó năm 1982, tôi đã sáng tác ca khúc Gần lắm Trường Sa mà chưa một lần được đặt chân tới nơi đó...

Ông có thể kể lại cảm xúc cũng như hoàn cảnh ra đời của ca khúc Gần lắm Trường Sa?

Năm 1982, tôi được mời dự trại sáng tác âm nhạc do tỉnh Phú Khánh tổ chức. Trong trại sáng tác, tôi và em trai là nhạc sĩ Hình Phước Liên cùng viết chung một vở Ca cảnh (Operette), lấy tên là Tình ca đảo chim, nội dung nói về tình yêu của những người canh giữ đảo Yến, một sản vật quý của vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa ngày nay. Ca cảnh vừa hoàn thành xong, tôi lấy xe, đạp một vòng con đường ven biển Trần Phú để thư giãn. Khi đang thong dong đạp xe, tôi chợt nhìn thấy một cô gái ngồi trên ghế đá công viên đang nhìn ra phía biển, tà áo dài và mái tóc thề cứ bồng bềnh tung bay trong gió. Dừng xe lại bên đường, nhìn từ phía sau lưng cô gái ấy, bỗng đâu ý nghĩ lãng mạn chợt đến với tôi. “Nếu cô gái ấy đang có người yêu là chiến sĩ đóng quân nơi quần đảo Trường Sa, liệu cô có nghe được lời yêu thương của anh ấy đang quyện vào con sóng, từ Trường Sa vọng về đến bờ biển Nha Trang này không nhỉ?” Tôi tự hỏi, rồi tự trả lời: “Có! Cô gái ấy sẽ nghe được”.

Bỗng dưng, tôi nhớ đến lời ru của má từ thời thơ ấu: “Khi xa sát vách cũng xa/Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Và bất ngờ tôi bật lên câu hát: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”. Tôi vội vàng rút trong túi áo tờ giấy và cây bút ghi lại lời nhạc câu hát ấy, rồi hối hả đạp xe về trại. Chiều hôm ấy, anh em tôi về lại Ninh Hòa quê tôi để thăm má. Về tới nhà đã hơn bốn giờ chiều, tôi nhấc chiếc ghế ra trước sân nhà để sáng tác. Chỉ vỏn vẹn gần một tiếng đồng hồ, bài hát Gần Lắm Trường Sa đã hoàn thành, không phải sửa lại bất cứ một nốt nhạc, một ca từ nào cả. Em trai tôi - nhạc sĩ Hình Phước Liên xem xong rồi bảo: Gần lắm Trường Sa của anh sẽ là một thành công lớn, trong trại sáng tác âm nhạc của tỉnh lần này”.

Quả nhiên, đúng như vậy, trong đợt báo cáo kết quả trại sáng tác âm nhạc năm ấy, Gần lắm Trường Sa của tôi là một ca khúc được chú ý nhất trong trại. Bài hát ấy được chọn làm tiết mục chính trong chương trình của đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Năm sau đó, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Phú Khánh (bây giờ là Khánh Hòa) lần đầu tiên sản xuất băng nhạc cassette có tiêu đề Nha Trang biển hẹn gồm 12 ca khúc, trong đó có Gần lắm Trường Sa của tôi, với giọng hát của ca sĩ Anh Đào đã ra mắt thính giả trong cả nước. Bài hát ấy cứ thế vang xa, vang xa mãi, tới tận hôm nay.

Việc công tác trong ngành văn hóa có ảnh hưởng tích cực tới ông, trong hoạt động sáng tác âm nhạc của mình?

Tôi nghĩ, nếu không làm ở ngành văn hóa, chắc tôi không trở thành người sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp như hiện nay. Lĩnh vực văn hóa - thông tin có nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng may mắn là tôi chỉ chuyên làm việc ở lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì vậy, tôi phải đi về tận cơ sở để chỉ đạo phong trào, sáng tác, dàn dựng chương trình cho các đội văn nghệ cơ sở. Thấy nội dung chương trình nào còn thiếu, còn chưa bảo đảm chất lượng thì phải sáng tác bổ sung... Riết rồi tôi trở thành nhạc sĩ lúc nào cũng không biết nữa. Sáng tác âm nhạc nó đến với tôi từ trong vô thức. Và đồng hành với tôi, tới tận bây giờ.

Được biết, ngoài sáng tác nhạc, ông còn làm nghiên cứu, sáng tác văn thơ đăng tải nhiều nơi với bút danh Ngô Hữu Ly. Quỹ thời gian 24 giờ một ngày, với ông, liệu có đủ?

Trong lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật, tôi tham gia khá nhiều thể loại. Tôi không chỉ sáng tác âm nhạc, viết nghiên cứu âm nhạc mà còn ôm đồm cả văn nghệ dân gian nữa. Ở thể loại văn học, thỉnh thoảng tôi viết truyện ngắn, làm thơ, viết ký. Ở thể loại sân khấu chuyên nghiệp, tôi là tác giả chuyển thể của hàng chục kịch bản sân khấu thể loại bài chòi. Nhiều kịch bản chuyển thể của tôi được dàn dựng cho đoàn Dân ca Bài chòi Khánh Hòa, đoạt nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc.

Với tôi, sáng tác là điều hết sức tự nhiên như cơ thể hút thở khí trời, như đói thì ăn, khát thì uống vậy. Tôi không có lịch làm việc rõ ràng, lúc nào thấy cần viết nhạc thì lấy tổng phổ ra, lúc cần viết văn, thơ, ký thì đọc sách. Còn chuyển thể kịch bản sân khấu thì phải có đặt hàng mới làm. Mỗi kịch bản cho sân khấu chuyên nghiệp, tôi tập trung chuyển thể khoảng một tuần lễ là xong. Khi sáng tác âm nhạc tôi ký tên thật, Hình Phước Long. Viết các thể loại khác, tôi dùng bút danh, Ngô Hữu Ly.

Người ta bảo, mỗi nghệ sĩ có một hướng đi và điểm đặc biệt riêng trên con đường sáng tác. Tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước của ông, đa phần đều lấy biển đảo làm đề tài. Phải chăng tình yêu sâu nặng với biển đảo quê hương đã mang lại cho ông một sắc màu riêng biệt?

Năm 2017, tôi được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho nhóm tác phẩm gồm năm ca khúc, trong đó có ba ca khúc sáng tác về đề tài Trường Sa. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở quê hương Khánh Hòa, một vùng đất Nam Trung Bộ gắn liền với biển khơi. Cuộc đời tôi từ nhỏ tới lớn lên đều gắn bó máu thịt với biển đảo. Chính vì thế, tác phẩm âm nhạc của tôi luôn mang hơi thở của biển đảo, quê hương. Tôi được gọi là “công dân của Trường Sa” cũng vì thế.

Tôi chỉ là lớp hậu bối, có làm được một vài tác phẩm nho nhỏ góp mặt cho đời, cho quê hương như thế là mãn nguyện lắm rồi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhạc sĩ Hình Phước Long

Sinh ngày 7-9-1950, quê quán Ninh Hòa, Khánh Hòa, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 2012, nhạc sĩ Hình Phước Long vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã sở hữu hơn 40 giải thưởng, từ địa phương đến trung ương. Trong đó, chùm ca khúc: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa, Đêm xoang Tây Nguyên, Khánh Hòa - một khúc ca... của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.