Văn hóa cuộc sống

Chuyện ma

Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian của người Việt, có hẳn một dòng riêng kể về những chuyện ma. Ngày xưa, và cũng chưa quá xưa, người ta hầu như không dùng khái niệm “chuyện kinh dị”.

Minh họa: PHẠM HÀ HẢI
Minh họa: PHẠM HÀ HẢI

Tất nhiên chuyện ma cổ điển nào cũng ly kỳ, cũng rùng rợn, nhưng sâu xa trong đó luôn đẫm đầy một thông điệp nhân văn. Đấy là cảnh báo những suy thoái đạo đức xã hội, răn dạy kẻ làm điều ác, khuyến khích người làm điều thiện. Đại loại theo nguyên lý cao cả của luật nhân quả, gieo gì thì gặt nấy. Đặc biệt có những câu chuyện được các bậc danh sĩ dụng công thì văn chương đã đạt tới tầm kiệt tác. Cứ đọc “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên đời Trần hay “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ thời Lê thì rõ. Có điều, trong trùng trùng điệp điệp những chuyện ma đã được người xưa từng kể, tuyệt hiếm những chuyện mang chủ đề về ma túy.

Điều này không quá khó hiểu, bởi thoạt kỳ thủy, người Việt cổ nói riêng hay những dân tộc ở vùng bán khai nói chung, biết đến ma túy theo kiểu nhân tạo rất muộn. Trong những lễ hội truyền thống mang tính chất thăng hoa tâm linh, họ thường dùng những loại cây cỏ tự nhiên nhưng có công năng “ma thuật”. Đại loại nó tạo ra cho những ảo giác dễ chịu kỳ dị (ma) và tê mê say sưa (túy). Đó có thể là nhai lá coca với vôi, theo cái kiểu của người Anh Điêng ở Nam Mỹ đã cách đây tới cả vài ngàn năm. Hoặc có thể như người Scyth ở vùng Trung Đông (thế kỷ 7-8 trước Công nguyên), lấy ít hạt cây gai dầu, gai mèo, tài mà... rồi bọc trong lá hơ trên những viên đá nóng để nó bốc ra những thứ khói làm người ta dễ dàng phấn khích tạo ảo giác tiếp xúc được với thần linh. Còn người Việt, nhất là những dân tộc ở vùng núi cao giá rét phía bắc, thường sơ chế hoa anh túc thành thuốc phiện để hút, mà lúc đầu họ đơn giản nghĩ là một loại thảo dược. Đương nhiên, ở những thứ cây cỏ đó, nếu lạm dụng thì cũng sẽ nghiện. Nhưng độ hung hiểm của nó còn thua xa với những thứ do chính con người tạo ra khi chiết xuất từ những cây cỏ đã kể rồi trộn lẫn với một vài loại hóa chất mà bây giờ thường gọi là ma túy tổng hợp. Đó là thứ tạo ra một loại tội phạm dẫn tới mọi tội phạm, như lời vị Bộ trưởng Công an nói trước Quốc hội hôm vừa rồi.

Theo y điển thì khoảng năm 1806, y học phương Tây chiết xuất từ thuốc phiện ra một loại tinh chất được hào hứng đặt tên là Morphin, dựa theo tên Morphurs của vị thần giấc mơ thời Hy Lạp cổ đại. Và vào hạ bán thế kỷ 19, nhà hóa học người Đức Felix Hoffmann đã “kỳ diệu” tạo ra một dược phẩm giảm đau là Heroin, dựa theo từ nguyên chữ “anh hùng” trong Đức ngữ. Tiếp nữa là, tiếp nữa là…Thôi kể làm gì, chỉ biết là đến khi nhân loại bàng hoàng nhận ra những tác hại khủng khiếp của cái thứ thuốc “thần kỳ” ấy thì nó lừng lững trở thành một đại thảm họa. Đã có hàng chục loại ma túy đủ kiểu mang đủ vẻ mầu sắc. Hoặc bột hoặc viên nén, hoặc hồng hoặc trắng hoặc xám nhạt. Không biết bao nhiêu gia đình tan nát, thậm chí, nguyên khí của cả quốc gia đã suy sụp vì nó. Đau đớn thay, tất cả những viên thuốc “ma quỷ” này, lúc khởi thủy đều mỹ miều được gọi dưới cái tên “dược phẩm chữa bách bệnh”. Hao hao giống như trong những cuộc chiến chạy đua vũ trang phi nghĩa, hầu như các loại vũ khí giết người đều có những tên gọi rất nhân văn. Nào là “phòng vệ”, nào là “giữ một không gian sinh tồn”, luận điệu khát máu một thời của tên đại ác ma tội phạm chiến tranh Hít Le.

“Ma” trong cách hiểu dân gian của người Việt, chịu ảnh hưởng rất đậm từ Nho giáo và đặc biệt là Phật giáo. Nguyên ngữ tiếng Phạn là “Mâra”. Sâu xa, nó tượng trưng cho những dục vọng thấp kém, những thèm khát tiêu cực, những tà kiến đầy mê tín. Đại loại là sự bấn loạn khi mắc phải “đại tam độc” Tham, Sân, Si. Rất nhiều người lương thiện do ngu tối, do nóng giận, do thèm muốn quá độ mà đã làm những hành động tồi tệ, tự mình rơi vào “ma chướng”. Họ luôn có cảm giác bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Có phải thế chăng mà đám quan chức tham lam khi bị minh bạch lôi ra công đường, thường nức nở ân hận là không hiểu sao lúc ấy mình lại phạm những tội cứ như thể bị “ma xui quỷ khiến”. Cách duy nhất để giữ cho mình thoát khỏi “ma đạo” là tu dưỡng một bản lĩnh đạo đức, học tập noi theo những gương sáng của tiền nhân. Ma đơn giản là phần tiêu cực luôn nằm trong tâm trí ta. Nó thường mang khuôn mặt của đờ đẫn sợ hãi, của thù hận ích kỷ kiêu căng. Nó là mặt trái, là phần xấu xa của tâm trí luôn có trong mỗi con người. Có lẽ, xuất xứ của ma túy tổng hợp cũng từ những ảo vọng sai lầm mang danh khoa học của chính chúng ta. Lúc đầu nó thuần túy là một dược phẩm, nhưng vì mù quáng tham lam tự phụ hám lợi, nó đã trở thành một thứ “ma dược” cực độc.

Nhưng có một loại “ma” khác hẳn với thứ ma vừa kể, rất hay xuất hiện trong những câu chuyện lãng mạn cổ tích hoang đường ở cả Đông lẫn Tây. Thường đấy là những ma nữ. Có điều buồn cười, hầu hết những ma nữ này đôi khi lại yêu. Và chỉ khi yêu, bọn họ mới trong trắng thăng hoa thành đích thực “yêu nữ”. Lúc sa vào ái tình, bọn họ ngu ngơ ngây thơ “chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì” (Xuân Diệu). Nhà văn Trung Quốc Bồ Tùng Linh đã dành tâm huyết cả đời viết bộ “Liêu trai chí dị” để nghẹn ngào ngợi ca những ma nữ biết yêu. Đó là những oan hồn thiếu nữ đoản thọ, do nghiệp căn trần thế chưa dứt nên cô đơn lang thang ở lẫn với người sống. Khác với những “hotgirl” đầy sinh lực bây giờ, toàn đi yêu những đại gia có tuổi dư dật tiền bạc, đám ma nữ ngây thơ kia chỉ đi yêu những bần hàn thư sinh đoan chính trẻ tuổi. Khi yêu, bọn họ âm thầm vị tha hy sinh. Nếu người họ yêu gặp hoạn nạn, các ma nữ sẵn sàng đem tính mệnh mình ra đánh đổi. Sự chung thủy tuẫn tiết ở họ có phần còn cao hơn nàng tiên cá mà ông Andersen người Đan Mạch nức nở. Những ma nữ ở “Liêu trai” hoặc tần tảo như Tân thập tứ nương, hoặc tận tâm như Tiểu Tạ. Họ không hề là tiên, thậm chí có nàng còn là hồ ly. Vậy mà, có lẽ phía sâu trong họ luôn bẩm sinh một hồn nhiên thánh thiện nên bọn họ đã thanh thoát thành cao thượng. Chao ôi, “yêu nữ”, một mỹ danh xứng đáng chỉ dành riêng cho “những người nữ đang yêu”.

Không phải ngẫu nhiên mà những chuyện ma ở phương Đông, đặc biệt là ở văn hóa người Việt, đa phần đều kết thúc có hậu. Bởi hầu hết trong những câu chuyện ấy, đều hàm chứa một lòng khoan dung vô bờ trước những sa ngã của con người. Kể cả đấy là ác ma, chỉ cần biết thật sự quay đầu thì chắc chắn sẽ thấy bến bờ hạnh phúc. Một thông điệp không hề cũ, trả lời cho một trong những vấn nạn của đại dịch ma túy, những người đã cai nghiện sẽ tái nhập sinh hoạt cộng đồng như thế nào. Đương nhiên, ngoài sự nỗ lực kiên trì của riêng họ, thì sự vị tha mang tình thương yêu chân thành từ người khác đem tới luôn là giải pháp hữu hiệu.