Chuyện bên lề “Răng sư tử”

1 Nhà báo Yên Ba vốn là một người khá quen thuộc với khán giả truyền hình qua việc bình luận viên bóng đá và bình phim Tam quốc diễn nghĩa. Nhưng công việc gắn bó hằng ngày, thường xuyên, kéo dài đến nay của anh là theo dõi, phân tích và bình luận các vấn đề quốc tế. Anh là nhà báo kỳ cựu trong lĩnh vực này và hiện là Trưởng phòng Quốc tế của báo Quân đội nhân dân. Anh đã cũng từng dịch, biên soạn, chỉnh lý, hiệu đính khá nhiều cuốn sách trong lĩnh vực này, nhất là ở mảng trinh thám chính trị và hồ sơ gián điệp. Nhưng có lẽ, chưa cuốn nào nổi tiếng và có tiếng vang lớn như công trình “Răng sư tử” mới ph

Nhà báo Yên Ba ở trụ sở Liên hợp quốc (tháng 9-2018).
Nhà báo Yên Ba ở trụ sở Liên hợp quốc (tháng 9-2018).

Có thể khẳng định, “Răng sư tử” là một cuốn sách rất đáng để đọc về vấn đề tình báo và phản gián sau Đệ nhị thế chiến đến nay. Trong đó chủ yếu là “cuộc chơi” giữa KGB, GRU (của Liên Xô) và CIA, FBI, MI6, M5 (của Mỹ và Anh) ở thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây. Cái hay và tài của nhà báo Yên Ba là xâu chuỗi, tìm ra mối liên hệ vốn hết sức chặt chẽ giữa các điệp vụ, tưởng như riêng rẽ khi nhìn bề ngoài này. Điều mà chỉ có giải mật hồ sơ tình báo, phản gián, nghiên cứu sâu rộng mới rõ được, chứ người ngoài không thể biết. Cái hay thứ hai, là với lượng tư liệu khổng lồ (ngày tháng, địa điểm, mật danh, điệp vụ, nội dung thư điện...), nhưng tác giả Yên Ba (vốn là người mê và có bộ sưu tập Tam quốc diễn nghĩa rất lớn) đã xử lý sắp xếp khéo léo theo lối chương hồi Tam Quốc, kết thúc điệp vụ này là điểm mở ra điệp vụ kia... hết sức lôi cuốn người đọc. Với thủ pháp văn học như vậy, nên cuốn sách gần 900 trang với 12 chương này tương đối dễ đọc, không quá nặng nề, dù được gắn mác là “biên khảo về cuộc chiến điệp báo giữa các cường quốc”.

2 Nhà báo Yên Ba cho biết, “Răng sư tử” là công trình anh đã thực hiện biên khảo công phu trong ba năm. Danh sách tài liệu tham khảo công bố theo “Răng sư tử” là 50 cuốn sách tiếng Anh, nhưng trong tác giả từng cho biết, số lượng tài liệu tham khảo còn lớn hơn nhiều. Tất cả những tài liệu, cuốn sách tham khảo này hiện đều có trong tủ sách nhà báo Yên Ba. Đó là chưa kể những tài liệu đọc và tham khảo qua mạng internet. Người viết bài này may mắn quen biết nhà báo Yên Ba đã lâu và từng đi công tác nước ngoài với anh khá nhiều lần. Và lần nào cũng vậy, đều theo chân anh đi mua sách cũ, sách mới, sách hiếm. Từ New York (Hoa Kỳ), đến Tokyo (Nhật Bản), đến Praha (Séc)... Còn nhớ tháng 9-2015, ở New York, đi theo nhà báo Yên Ba tìm mua cuốn “The Spy Who Came In From the Cold”. Đây là cuốn sách kể về một điệp vụ của tình báo Anh ở Đông Đức trước kia. Mấy anh em đi mấy hiệu sách liền mà không thấy, cuối cùng, tìm ra và nhà báo Yên Ba mua được cuốn sách này ở hiệu sách Barnes & Noble nằm trên đại lộ Fifth Avenue ở New York, một trong những cửa hàng sách lớn nhất thế giới! Biên khảo trong ba năm, nhưng ý tưởng thực hiện công trình này của nhà báo Yên Ba đã có từ lâu. Sự chuẩn bị tài liệu của anh nói lên điều đó.

Việc biên khảo nội dung công phu, chi tiết bao nhiêu thì việc chuẩn bị, xử lý hình ảnh cho từng chương mục, nhân vật càng gấp bội. Lý do, nhiều cuốn sách, tài liệu không có hình ảnh minh họa, dẫn chứng, bắt buộc phải tìm qua mạng internet hoặc xử lý từ các sách báo cũ khác. Trong khi đó, tiêu chí đặt ra của “Răng sư tử” là phải có hình ảnh nhân vật chính và những gì liên quan đến điệp vụ. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm scan hình ảnh qua sách, báo, tài liệu đã có thì nhà báo Yên Ba đã phải mất rất nhiều công sức tìm kiếm hình ảnh liên quan công trình biên khảo trên mạng internet. Hình ảnh trên mạng không phải cái nào cũng đủ dung lượng để in sách, lại phải xử lý kỹ thuật mới dùng được. Có hình ảnh rồi lại tiến hành sắp xếp, chú thích, làm trang... Hàng loạt công việc tỉ mỉ mà nhà báo Yên Ba đã tự làm, và đưa đến nhà xuất bản bản thảo cuối cùng, gần như chỉ còn việc đưa đi in để ra “Răng sư tử” như hiện hành.

Chuyện bên lề “Răng sư tử” ảnh 1

3 Nhà báo Yên Ba cho hay, sau khi hoàn thành, công trình này đã nằm ở Nhà xuất bản Văn học suốt một năm. Anh đã mất không ít thời gian làm việc với biên tập viên Nhà xuất bản Văn học để đấu tranh “giữ lại những gì cần giữ”. Sau khi thống nhất xong thì lại Cục Xuất bản có ý kiến Nhà xuất bản Văn học sao lại in sách trinh thám, cuốn sách này phải chuyển về in tại Nhà xuất bản Công an nhân dân. Mọi quy trình in sách phải làm lại từ đầu, nhưng rất may sang Nhà xuất bản Công an nhân dân, cuốn sách không bị bắt bỏ bất cứ đoạn nào. Nhà báo Yên Ba khẳng định, tất cả những nhân vật, nội dung vụ việc, thư điện, ngày tháng, địa điểm, số hiệu... trong công trình là có thật 100%. Phần miêu tả quang cảnh, diễn biến tâm lý nhân vật, một số lời thoại là được tác giả “hư cấu” nhằm dẫn dắt câu chuyện và làm rõ thêm nội dung. Tất nhiên sự hư cấu này được nhà báo Yên Ba xử lý “văn học” trên việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu từng điệp vụ, nhất là tính cách của các nhân vật.

Nhân vật chính trong “Răng sư tử” không phải là một điệp báo viên tiếng tăm lẫy lừng nào, mà chính là cuộc chiến điệp báo. Đó là một cuộc đọ sức thầm lặng không tiếng súng giữa những cơ quan đặc biệt của các cường quốc Mỹ, Anh, Liên Xô cũ từ trước, trong và sau “bức màn sắt” - Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến kéo dài suốt sáu thập kỷ của thế kỷ 20. Chân dung các cuộc chiến điệp báo sinh tử này được phác họa thông qua những con người cụ thể, những sự kiện có thật. Nhiều người trong số đó tham gia cuộc chiến vì lý tưởng, số khác vì tiền bạc hay danh vọng của những chiến binh đủ sức một mình làm xoay chuyển thế giới. Nhiều người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và cũng có kẻ mãi mãi bị chôn vùi dưới lớp bụi dày của những bí mật thế kỷ. Tất cả họ đã cùng tạo nên những mảnh ghép then chốt góp phần làm thay đổi cả dòng chảy lịch sử, định hình diện mạo mới của thế giới trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động dữ dội.

Các tác phẩm chính đã xuất bản của nhà báo Yên Ba:

- Từ Espana 82 đến France 98: Nhìn lại và chờ đợi (sách thể thao);

- Từ Pele đến Maradona (sách thể thao);

- Vụ đánh cắp thế kỷ (tập truyện trinh thám chính trị quốc tế, biên soạn);

- Thoát khỏi CIA (tiểu thuyết trinh thám chính trị, dịch);

- Điệp viên ở Washington (tiểu thuyết trinh thám chính trị, dịch);

- Những mảnh ký ức (tập bút ký);

- Mắt đền mắt (một số bài bình luận quốc tế tiêu biểu đăng trên báo Nhân Dân hằng tháng);

- Răng sư tử (biên khảo trinh thám chính trị).