Cấp phép triển lãm mỹ thuật

Cần sự thay đổi căn bản

Tháng 5 vừa qua, câu chuyện mỹ thuật gây chú ý nhất trên truyền thông trong nước chính là việc triển lãm hội họa Tạ Tỵ (1922 - 2004) không được cấp phép để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) như dự kiến. Mấu chốt của vụ việc là sự e ngại tranh thật - giả từ phía đơn vị cấp phép, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL). Thực tế này cho thấy một cách thức quản lý dường như đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đời sống mỹ thuật hôm nay.

Giấy mời Triển lãm Hội họa Việt Nam - một diện mạo khác, năm 2015, trưng bày một phần sưu tập của ông Nguyễn Minh, tại BTMTVN.
Giấy mời Triển lãm Hội họa Việt Nam - một diện mạo khác, năm 2015, trưng bày một phần sưu tập của ông Nguyễn Minh, tại BTMTVN.

Sự cảm tính trong quản lý hoạt động triển lãm mỹ thuật

Câu chuyện về tranh giả của họa sĩ Tạ Tỵ được dấy lên từ vụ triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu của một cá nhân nhà tổ chức, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cách đây ba năm, trong đó có một bức tranh được ký tên cố họa sĩ này nhưng thực tế lại là tác phẩm của họa sĩ Thành Chương, sáng tác trong khoảng thời gian 1970 - 1971. Sau khi sự vụ vỡ lở, Hội đồng thẩm định do Bảo tàng này lập nên đã đưa ra quan điểm: có 15/17 bức tranh trong triển lãm là tranh giả (làm giả bản thật), còn 2/17 bức là tranh thật nhưng bị mạo chữ ký. Tuy nhiên, đây chỉ là kết luận của một hội đồng được lập ra có tính chất thời vụ, với một văn bản không có con dấu mang giá trị pháp lý. Cuối cùng, chủ nhân của bộ sưu tập này mang toàn bộ trưng bày đi và cho đến nay, sau bao ồn ào truyền thông, vẫn không có một sự minh định nào về bộ sưu tập “kỳ lạ” này.

Nỗi e ngại dư luận xã hội dồn trách nhiệm về chuyện tranh thật - giả của nhà quản lý mỹ thuật là hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng đây chỉ là một kiểu tư duy quản lý cảm tính. Phải khẳng định, tranh thật - giả là câu chuyện của thị trường rộng lớn, có tính chất toàn cầu với tất cả những sự tinh vi, táo tợn của kẻ chủ đích làm giả. Để xác định (dù chỉ là tương đối) sự thật giả, cần phải có các phương tiện kỹ thuật khoa học và phải do một tổ chức đầy đủ tư cách pháp nhân với các văn bản xác nhận có giá trị pháp lý của các cơ quan giám sát độc lập, chứ không thể chỉ là ý kiến đánh giá từ cảm quan cá nhân của các thành viên một hội đồng thời vụ. Mặt khác một bức tranh có trị giá lớn còn là một tài sản của thân chủ, không thể bị đánh giá thật - giả một cách chung chung bằng mắt thường của một vài người, dù có thể được coi là chuyên gia.

Trở lại với triển lãm Tạ Tỵ không được cấp giấy phép thời gian vừa qua, với lý do một số ảnh chụp tác phẩm trong hồ sơ xin cấp phép có chất lượng xấu, không rõ ràng chữ ký tác giả trên tranh, cộng với e ngại thật - giả như sự vụ năm 2016 kể trên, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL) đề nghị nhà tổ chức cho phép một Hội đồng thẩm định do Cục thành lập được xem trực tiếp các tác phẩm như trong hồ sơ. Tại buổi xem trực tiếp này, một số bức tranh Tạ Tỵ có trong danh sách hồ sơ xin cấp phép chưa được đưa về Hà Nội, một số bức được nhận xét là “có chữ ký mới” hoặc “không có chữ ký”. Sau đó, Cục MTNATL tiếp tục gửi một văn bản tới BTMTVN đề nghị cơ quan này tạo điều kiện cho nhà tổ chức đưa triển lãm vào trưng bày trước ngày dự kiến khai mạc để Hội đồng thẩm định của Cục trực tiếp xem toàn bộ các tác phẩm (Công văn số 183/MTNATL-MT, ngày 19-4-2019). Nhìn ở một góc độ nào đó, đây là thiện chí của Cục MTNATL nhưng lại mang tính chất hoàn toàn cảm tính và chỉ khiến cho sự vụ thêm rắc rối bởi sẽ đẩy BTMTVN vào một tình thế lưỡng nan. Nếu trả lời “không” sẽ bị mang tiếng là gây khó dễ cho nhà tổ chức, nếu trả lời “có” thì bảo tàng vi phạm chính quy định của mình là chỉ cho mang tác phẩm vào trưng bày khi đã có giấy phép triển lãm. Hiển nhiên, BTMTVN không thể đồng ý theo đề nghị này.

Hệ lụy từ dịch vụ cho thuê phòng trưng bày

Nhiều năm nay, BTMTVN và BTMT TP Hồ Chí Minh có dịch vụ cho thuê địa điểm trưng bày triển lãm. Nhà tổ chức phải bỏ toàn bộ chi phí thuê địa điểm nhưng do được diễn ra trong khuôn viên của bảo tàng, có sự giám sát nhất định về mặt chuyên môn của lãnh đạo bảo tàng nên vô hình trung, dễ tạo được dư luận tốt đẹp về danh vị của một sự kiện, đặc biệt trên bình diện quốc tế. Nhiều cá nhân họa sĩ đã phải xếp hàng vài năm, đợi thuê phòng trưng bày ở BTMTVN để sau này, trong hồ sơ nghệ thuật có những dòng thông tin “Triển lãm cá nhân tại BTMTVN”. Dòng chữ này, trên bình diện giao lưu quốc tế là một thông tin rất giá trị, đơn giản bởi đối với một nghệ sĩ nước ngoài, việc được có triển lãm cá nhân ở BTMT, nhất là BTMT quốc gia là một bảo chứng danh giá (do các bảo tàng mỹ thuật nước ngoài chủ động thực hiện các triển lãm chuyên đề bên cạnh trưng bày tĩnh, chứ không cho thuê địa điểm triển lãm như ở Việt Nam). Dịch vụ này, vô hình trung, dễ tạo cơ hội cho kẻ lưu manh lợi dụng nhằm tạo uy thế cho tác phẩm, bộ sưu tập của mình với mục đích trục lợi trong giao dịch thương mại sau đó.

Từ sau năm 2010 đến nay, trong trào lưu mua bán, sưu tập hội họa và ký họa Việt Nam từ thời Mỹ thuật Đông Dương và kháng chiến, cả hai bảo tàng đều có số lượng tăng vọt các hợp đồng với cá nhân trong và ngoài nước nhằm trưng bày, giới thiệu sách về các sưu tập liên quan đến thời kỳ nói trên. Tất cả các triển lãm đó đều thuộc sở hữu của những cá nhân buôn bán tranh và đồ cổ. Và đa phần các triển lãm đó đều gây ra các luồng dư luận trái chiều trong giới mỹ thuật về tính xác thực của các bức tranh. Nhưng tất cả chỉ là đồn đoán, không có bằng chứng mang giá trị pháp lý nào được trưng ra. Phải đến sự vụ Những bức tranh trở về từ châu Âu, khi vấn đề tranh thật - giả đã đến mức trơ tráo và nhờ có nhân chứng sống là họa sĩ Thành Chương lên tiếng chứng minh với các bằng chứng như phác thảo, ảnh chụp tranh nguyên bản... mới có thể phần nào cảnh tỉnh các nhà quản lý mỹ thuật và BTMT.

Cần sự thay đổi căn bản ảnh 1

Tạ Tỵ, Dạ khúc, mầu nước trên giấy, 49x59cm, sáng tác trong khoảng 1951-1953, trong sưu tập của ông Nguyễn Mạnh Phúc (Hà Nội).

Cần một tầm nhìn đúng đắn

Thực tiễn của đời sống mỹ thuật hôm nay cho thấy luôn xuất hiện những mô hình, cách thức hoạt động vượt ra mọi khuôn khổ của các quy định, từ đời sống sáng tác đến hoạt động trưng bày, triển lãm, giao dịch mua bán. Vấn đề là nhà quản lý không thể mãi chạy theo sự vụ “có vấn đề” để đưa ra cách xử lý một cách cảm tính hoặc nếu thấy khó tránh được tai tiếng thì để mặc, thậm chí không giải quyết và gây ra những hệ quả về sau.

Gần đây nhất, trên truyền thông, Cục trưởng Cục MTNATL giải thích thêm lý do phải cẩn trọng đối với các triển lãm tranh của những họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, hay những họa sĩ đã mất như Tạ Tỵ: “Nhất là triển lãm ở bảo tàng mỹ thuật nữa thì càng phải hết sức cẩn trọng [...] nếu không lại vỡ tung ra thành một vụ tai tiếng của ngành mỹ thuật về tranh thật, tranh giả...”. Được biết, trong một triển lãm diễn ra hồi cuối tháng 4-2019, tại BTMTVN, ngay trước ngày khai mạc, nhà sưu tập là chủ sở hữu đã phải làm thủ tục xác thực một bức tranh lụa của một họa sĩ (hiện còn sống) theo đề nghị của Hội đồng thẩm định.

Những rắc rối và kết cục không được cấp phép như triển lãm hội họa Tạ Tỵ vừa qua ít nhiều tác động đến sự “nhụt chí” của những cá nhân nhà sưu tập, nhà tổ chức thực sự có thiện ý muốn giới thiệu đến công chúng trong nước những giá trị của mỹ thuật Việt Nam trong quá khứ.

Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan có trách nhiệm cấp phép mỹ thuật và các BTMT cần phải rà soát lại một cách nghiêm túc mọi quy định và hoạt động hiện hành trong việc cấp phép và cho thuê địa điểm trưng bày, để bảo đảm vừa ngăn chặn được những sự vụ tai tiếng vừa tạo cơ hội cho những tác phẩm mỹ thuật đúng nghĩa được đến với đông đảo công chúng. Đấy mới là điều xã hội và giới mỹ thuật đang cần.