Cái gì chín sớm cũng là không tốt

I. NGƯỜI “CHÍN” SỚM

Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG
Minh họa: LÊ TRÍ DŨNG

Các bố mẹ Việt Nam có con nhỏ thường mang một trăn trở: nên nghiêm hay nên chiều con. Người thì bảo phải nghiêm chứ, “uốn cây khi cây còn non”, mình không dạy nó sau này đời dạy còn đau hơn. Người lại bảo tuổi thơ có bao lâu mà mắng với mỏ, đánh với đập, hãy cho con nó êm ấm đi rồi sau này nó lớn khắc có đời (và vợ nó) dạy.

Nay một nghiên cứu mới của các khoa học gia Trường Harvard đăng trên Psychological Bulletin số tháng tám hẳn sẽ làm cho một số bố mẹ phải đau đầu. Nghiên cứu này cho biết, việc phải chịu đựng căng thẳng về tinh thần có một tác hại rất lớn và lâu dài, đến nỗi một người khi bé có tuổi thơ “khó khăn” thì lúc lớn lên có thể già nhanh hơn người khác.

HAI LOẠI KHÓ KHĂN CỦA TUỔI THƠ

Trong nghiên cứu trên, trước tiên các nhà khoa học chia ra hai loại tuổi thơ khó khăn: về tinh thần (luôn bị mắng mỏ, bắt nạt, đe doạ, gây căng thẳng) và về vật chất (nghèo, thiếu ăn, thiếu phương tiện). 

Tiếp theo họ xem mối liên hệ của từng loại khó khăn này với tốc độ lão hóa sinh học của các đối tượng tham gia, gồm thời điểm dậy thì, tốc độ già đi của tế bào, sự trưởng thành của những vùng não phụ trách các phản ứng về cảm xúc.

Câu hỏi đầu tiên của họ là: liệu hai loại khó khăn ấy khi nhỏ có tác động giống nhau trên quá trình lão hóa của một người hay không? Và thật thú vị, câu trả lời là “không”.

Họ thấy rằng việc phải sống trong bạo hành hay chấn thương về tinh thần sẽ khiến tăng tốc quá trình dậy thì, tăng tốc quá trình phát triển não và lão hóa tế bào ở trẻ. Trong khi đó, việc sống trong nghèo đói (mà vẫn vui) tuy có thể ảnh hưởng đến thể chất (còi xương, sâu răng...) và nhận thức (học dốt, trí nhớ kém...) nhưng lại không khiến đẩy nhanh tiến trình lão hóa.

TÁC HẠI CỦA BỊ MẮNG NHIỀU

1. Dậy thì sớm

Trong nghiên cứu này, người ta thấy trẻ em bị bạo hành về tinh thần sẽ dậy thì sớm hơn trẻ không bị bạo hành. Họ cho rằng đó chính là một cách tự vệ của cơ thể: phải mau mau trưởng thành về giới tính sớm hơn bạn bè trang lứa để chuẩn bị cho quá trình sinh sản sớm hơn, khi mà xung quanh có quá nhiều mối đe dọa có thể làm tăng tỷ lệ tử vong. Ta không thể trách cơ thể khi nó làm thế. Nó vừa là ta vừa không phải là ta. Bố mẹ ta mắng thì ta biết đó là bố mẹ mắng vậy thôi, nhưng cơ thể ta trong lúc sợ hãi sẽ tiết ra một số hóa chất cảnh giác, chống chọi, báo động inh ỏi như đang có kẻ thù thật sự. Theo nhóm nghiên cứu, nếu một em bé có biểu hiện dậy thì sớm, ta nên tìm hiểu xem em có đang bị đe dọa về mặt tinh thần hay không.

2. Tế bào già nhanh

Trong tế bào có một hợp chất tên telomere (đọc là “tel-uh-meer”) ghép từ chữ telos (tận cùng) và meros (phần) của tiếng Hy Lạp. Đó là một phần quan trọng của tế bào người, vừa là kẻ bảo vệ, vừa là chiếc đồng hồ đếm ngược của độ lão hóa tế bào, do mỗi lần tế bào nhân đôi thì telomere ngắn lại.

1_1-1598943623213.jpg
 

Telomere gắn ở đầu mút sợi AND hệt như các mẩu nhựa ở đầu các sợi dây giày. Và cũng giống như dây giày không có đầu mút nhựa sẽ xơ ra, khi các telomere ngắn lại hết cỡ không bảo vệ các sợi AND được nữa thì các sợi AND cũng bị bung ra, tế bào hỏng đi.

Trong nghiên cứu vừa qua, các nhà khoa học nhận thấy những ai khi bé bị căng thẳng thần kinh dai dẳng thường sẽ có các telomere bị ngắn lại, đồng nghĩa với các tế bào trong cơ thể họ sẽ già nhanh hơn so với người khác. Vì sao telomere của họ ngắn lại? Vì chúng sợ đến rúm cả lại à? Hay vì cái gì khác? Người dịch không thấy nói trong bài tóm tắt ngoài một kết luận như vậy.

3. Vỏ não mỏng đi nhanh

Song song, người ta còn xem xét độ mỏng đi của vỏ não. Thường thì ai cũng thế, khi già đi thì vỏ não cũng mỏng theo, đặc biệt là từ 60 tuổi trở đi thì tiến trình này tăng tốc không phanh, khiến nhiều người trở nên lẫn cẫn, hay quên, khó tiếp thu cái mới. 

Tuy nhiên ở những trẻ từng có một tuổi thơ “sống trong sợ hãi” thì vỏ não mỏng đi sớm hơn, đặc biệt là ở những vùng chuyên xử lý các thông tin về cảm xúc, về quan hệ xã hội. Đó là do các vùng não này phải căng thẳng sớm, lo đối nhân xử thế sớm (trong khi các bạn khác còn mải chơi đồ hàng với săn cào cào); vỏ não vì vậy cũng bị bào mòn nhanh hơn các bạn. Khi lớn lên, trước các việc xung quanh, đặc biệt là những thứ có tính tiêu cực, các em thường phản ứng dữ dội và kéo dài hơn người khác. 

PHẢI LÀM SAO?

Đích đến của nghiên cứu là ứng dụng. Nhà khoa học McLaughlin và cộng sự nhận thấy nghiên cứu này sẽ rất có ích. “Việc ta được nuôi dạy như thế nào vào lúc đầu đời có thế quyết định một lộ trình sức khỏe về sau khi ta lớn lên”, bà nói. Và hướng đi tiếp của nghiên cứu là tìm xem liệu có thể can thiệp về mặt tâm lý không, để làm chậm lại các hậu quả của việc bị bạo hành tinh thần từ bé, tức là, làm cho đối tượng ấy chậm lại tiến trình lão hóa về sau.

Thế đấy, giờ thì các bố mẹ phải đứng trước lựa chọn khó khăn: dạy con đến nơi đến chốn (tức là chấp nhận làm nó bị căng thẳng, sợ hãi) hay chiều con (chấp nhận khả năng sau này vào đời nó là thằng ăn hại). Có lẽ cần phải vận dụng cái gọi là “lương năng thông thường”, tức là với mỗi hoàn cảnh cụ thể bố mẹ tự trong lòng biết thế nào là đúng, là tốt cho con mình mà không cần dựa vào một nghiên cứu nào, báo cáo nào làm định hướng.

**

II. QUẢ CHÍN SỚM

Trên đã nói chuyện trồng người, giờ là chuyện chăm cây. Theo thống kê, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 40% thực phẩm đủ loại bị bỏ đi, tức là người Mỹ quẳng đi một lượng thực phẩm đáng giá 165 tỷ đô-la đáng ra có thể nấu 58 triệu bữa ăn căn bản.

Một đội sinh viên của Khoa Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng John. A Paulson thuộc Trường Harvard đã thử bắt tay vào giải quyết vấn đề phức tạp này. Họ nghiên cứu chuỗi cung cấp và thấy các cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối thường chất thật nhiều hoa quả để thu hút người mua. Khi hoa quả rủ nhau cùng chín và không kịp bán thì phải bỏ đi. 

Nhóm nghiên cứu chọn đối tượng nghiên cứu là quả bơ, là loại quả có giá trị cao (mỗi năm ở Mỹ bán được 2,28 tỉ đô-la tiền quả này), và họ tìm cách trả lời một câu hỏi mà các siêu thị lẫn các nhà bếp thường đặt ra mỗi khi đi mua bơ: “Làm sao biết được khi nào một quả bơ chín?”.

Các sinh viên làm ra một thiết bị cảm ứng đo được nồng độ một số hóa chất có trong quả bơ. Nồng độ các chất ấy thay đổi thế nào sẽ báo vào máy rồi thể hiện trên một ứng dụng, nhìn vào là biết khi nào bơ chín, số ngày đếm ngược cho tới lúc ăn được. Quá trình chín của bơ được chia làm năm giai đoạn, từ lúc còn xanh cứng tới lúc chín quá đà.

Theo nhóm nghiên cứu, thường rất khó đoán được khi nào bơ chín, nhưng vì bơ đắt nên nhờ có thiết bị này, các nhà bán lẻ sẽ ra quyết định dễ hơn, kịp thời hơn: bán rẻ hay giữ lại xay sinh tố; bày số bơ sắp chín phủ ra ngoài số bơ sẽ chín chậm hơn...

Đề tài này có thể là một thứ “buồn cười” với một số người bán hoa quả thiếu đạo đức ở nước ta. Thường thì họ hái cả vườn hoa quả còn xanh ngắt, cho vào một vài thứ hóa chất gì đó, ủ sau một đêm, hai đêm... là các thứ vàng ươm, mọng hồng, chín đồng đều, đặt lên bàn thờ ngày Tết trông thật tốt tươi đẹp mắt, mà đến sau Tết cả tháng vẫn chưa cần phải hạ, nhưng dĩ nhiên chẳng ai dám ăn vì biết bên trong hẳn phải có cái gì độc lắm nên quả mới tươi lâu như thế. Nghĩ thì buồn lắm vì ta đang sống trong một môi trường mà quả táo nào ngoài chợ cũng có thể là quả táo của mụ phù thuỷ bẫy Bạch Tuyết. Mong một ngày kia các nhà khoa học nghĩ ra một loại thuốc thử phát hiện cái bọn ép hoa quả chín sớm, ta chỉ cần bôi vào tay và đi chợ, cầm quả nào lên mà thuộc loại chín ép thì nó phát sáng xanh lè!

MẠCH NHA tổng hợp và lược dịch