Bớt ngọt để được tất cả

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Rốt cuộc đường có hại không?

Hẳn nhiều người trong chúng ta từng có ít nhất một lần thử nhịn ăn/ăn kiêng để tẩy độc. Và hầu như ai ra khỏi trải nghiệm ấy cũng xuýt xoa là tốt, rất tốt, nhưng đó không thể là một lối sống lâu dài. Nhịn ăn tuyệt đối thì rất mệt, coi như quãng thời gian ấy đầu óc chỉ quay cuồng với cái đói, với chóng mặt và hạ đường huyết. Ăn kiêng thì đầu óc chỉ lởn vởn nhớ nhung những món phải kiêng.

Tuy nhiên có một cách tẩy độc khác vừa tốt, vừa dễ làm. Ấy là kiêng đường, giảm đường.

Đường mà gọi là “độc” à? Bạn sẽ hỏi. Đường là thức ăn cho não, vì thế người làm việc đầu óc nhiều thường hay ăn ngọt. “Khi ăn đồ ngọt, ta thấy thích, ta có cảm giác sảng khoái, thế rồi khi mệt, ta lại tìm thêm nhiều đồ ngọt để ăn vào”, Brooke Alpert, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết.

Vấn đề là ta ăn QUÁ NHIỀU đường, đến mức NGHIỆN ĐƯỜNG. Đường trong cơ thể nhiều quá thì lại gây hại. “Chúng tôi phát hiện ra, đường khiến ta béo, làm xấu da, làm già nhanh, và cũng là một nguyên nhân của bệnh tim mạch”, Alpert nói. Giảm ăn đường là bạn giảm được béo bụng, sức khỏe cũng tăng lên, da sáng lên, trông trẻ trung lên.

*

Khổ một cái là đường ẩn nấp dưới nhiều dạng khác nhau, khiến ta ăn vào mà không cảnh giác. Đường không phải lúc nào cũng lồ lộ trong kẹo, trong bánh kem, trong xi-rô. Đường ẩn trong nước trộn salad bạn ăn thấy ngon miệng, trong tương cà chua, trong những gói bim bim mằn mặn, trong những ổ bánh mì nhàn nhạt. Tất cả đều chứa đầy đường. “Dân tình ăn đường suốt ngày, từ sáng tới tối”, Alpert nói.

May thay, loại bớt đường ra khỏi thực đơn không phải là việc khó làm. Chỉ cần một tuần thực hiện đúng cách, bạn có thể giảm béo, đỡ trì trệ, da sáng lên, và sau đó… vẫn có thể ăn đường.

Lộ trình không “ngọt ngào”

Như đã nói, đường làm ta béo, ta mệt, ta già sớm, da ta nhăn…

Ai cũng biết bớt ăn đường là tốt, nhưng bớt thế nào? Theo truyền thống, “bớt” tức là “bớt”, là thay vì ăn 10 thì ăn vào ba, bốn, và rất khó định lượng, khó kìm hãm; hệt như yêu cầu một ông nghiện rượu xuống hầm rượu và tự giác uống hai ly thôi.

Cách hiệu quả nhất là NGƯNG ĐƯỜNG ĐỘT NGỘT.

Alpert thực hiện như sau với các thân chủ của mình:

Trong ba ngày đầu, anh không cho họ ăn đường, không ăn cả trái cây, không ăn những thứ rau củ cho nhiều bột (như bắp, đậu, khoai tây, khoai lang, bí đỏ), không ngũ cốc, không bia rượu, không bơ sữa.

“Về căn bản chỉ được ăn đạm, rau, và chất béo lành mạnh” (Thế nào là chất béo lành mạnh, khi nào ta sẽ bàn sau, giờ bạn cứ ăn cá hồi, gầu bò, quả bơ, sữa chua Hy Lạp, dầu olive... là có chất béo lành mạnh).

- Bữa sáng, Alpert cho thân chủ ăn tới ba quả trứng.

- Bữa trưa ăn gà, vịt, hoặc cá, tôm, đậu phụ cùng với rau trộn dầu dấm.

- Bữa tối cũng giống bữa trưa nhưng nhiều hơn, thêm bông cải, bắp cải luộc thay cho rau trộn.

- Đồ uống là nước, trà và cà phê. Tất cả đều không sữa, không đường.

- HOÀN TOÀN KHÔNG tinh bột.

(Rất chán đấy, báo trước cho bạn. Bạn sẽ vật vã không phải vì nhớ đường mà nhớ “bố của đường”, tức tinh bột).

Cai đường theo phương pháp cắt đột ngột này của Alpert, trong ba ngày đầu, bạn sẽ gặp khó khăn vì lượng đường quen thuộc bị giảm. “Tùy theo trước đó bạn nghiện đường thế nào mà triệu chứng nhiều hay ít. Có thể thấy u ám, bực bội, và mệt rũ”, Alpert cho biết. “Nếu thấy mệt quá, bạn có thể ăn một ít trái cây. Tuy nhiên nếu gắng một chút, bạn sẽ phá vỡ được cái vòng nghiện đường”.

Một vài người trong ba ngày đầu thèm quá xin thêm đường hóa học cho miệng có tí vị ngọt cũng không được. “Loại đường này làm hỏng khẩu vị ta, khiến ta kém nhạy cảm với cái ngọt đích thực”, Alpert nói. “Đường hóa học không chỉ khiến bạn tích mỡ nhiều hơn”, nó còn làm cho bạn “không thể quên đường”, thực không khác gì đã muốn cắt đứt với một anh bồ tệ hại mà ngày nào cũng giở ảnh của anh ấy ra ngắm.

Sau ba ngày khắc nghiệt nói trên, Alpert cho người ta ăn một quả táo. “Lúc này, quả táo ngọt như kẹo. Đến hành cũng ngọt. Một khi cắt đường đột ngột, khẩu vị bạn được phục hồi, và bạn bắt đầu nếm được đúng vị của đường thiên nhiên”, Alpert nói. Bước khắc nghiệt nhất của khóa tu bỏ đường coi như đã xong.

Thế đã xong rồi sao? Dễ thế sao? Vâng, “dễ” thế đấy, nhưng những tuần duy trì mới là quan trọng và bền vững.

31 ngày dẫn đến vinh quang

Một trong những cám dỗ lớn nhất của người kiêng đường là trái cây. Trong liệu trình của Alpert, người ta chỉ được ăn trái cây thả cửa sau ngày thứ 31. Còn lại, mỗi ngày chỉ được nhấm nháp một chút, nhịn được thì càng tốt.

31 ngày cai đường ấy, ta chia thành lộ trình: đầu tiên là 3 ngày khắc nghiệt, kế là bốn tuần nối tiếp, mỗi tuần được nới lỏng hơn một chút.

- Tuần đầu được ăn thêm mỗi ngày một ít pho mát và sữa chua, thuộc loại nhiều béo và không ngọt. Alpert giải thích: “Chất béo, chất xơ, và đạm sẽ làm chậm hấp thu đường. Nếu không có chất béo trong thức ăn thì cơ thể ta sẽ hấp thu đường nhanh hơn”. Mỗi ngày được ăn hai cái bánh quy nhiều chất xơ (bạn sẽ thấy loại bánh quy này giờ sao mà ngon thế).

- Tuần thứ hai được ăn thêm ít rau củ có vị ngọt như cà rốt, bí ngô.

- Đến tuần thứ ba được nhấm nháp một số loại hạt “cho có tinh bột”.

- Tuần thứ tư đã có thể ăn cơm và bánh mì ngày hai lần, mỗi lần một chút. Tới lúc này, cơ thể đã quen với tình trạng ít bột đường rồi nên không còn ham hố nữa. Vả lại, bạn sẽ thấy cơ thể mình tiến bộ hẳn, và sinh lòng tiếc rẻ, không muốn phá hỏng những thành quả của 31 ngày qua.

*

Bớt đường, bạn sẽ giảm cân nhanh, đặc biệt là vòng bụng. Một số người sau thời gian giảm ăn đường còn cho biết mắt thấy sáng hơn, da mịn màng hơn. Đặc biệt là tâm trạng bớt thất thường hẳn.

Lưu ý: kế hoạch giảm đường kiểu này KHÔNG áp dụng cho người tiểu đường, vận động viên, người có thai.

(Cuối cùng, muốn việc cai đường thành công, bạn cần phải cứng rắn, không tiếc của. Thí dụ đang ăn kiêng mà trong vườn có buồng chuối chín, hay khách đến nhà chơi cho một chục bánh nếp quá ngon, thì cũng phải cương quyết mà không ăn, ngậm ngùi quay đi nuốt nước bọt).