Biên niên sử về một thế hệ họa sĩ - chiến sĩ

Một khóa học đặc biệt nhất của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, cũng là khóa đào tạo duy nhất trong suốt những tháng ngày kháng chiến cam go, khi nhà trường đặt cơ sở tại chiến khu Việt Bắc. Một khóa học mà giảng viên chính, họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng đồng thời là Giám đốc - Hiệu trưởng. Một khóa học ươm mầm và định vị nhiều gương mặt thành danh trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Mai Long, Lê Huy Hòa... Khóa Kháng chiến (1950-1954), vì thế, rất cần một phác thảo toàn cảnh ban đầu, đa chiều, giàu hàm lượng thông tin. Một “biên niên sử”, như cái đích mà cuốn chuyên khảo Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 -1954) hướng tới.

Bìa sách Họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950 - 1954).
Bìa sách Họa sĩ Khóa Kháng chiến (1950 - 1954).

“Quanh một chữ duyên...”

Nhắc đến hội họa Việt Nam, người ta luôn nhớ đến những cây đại thụ sừng sững, từng trưởng thành từ cái nôi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ra đời từ năm 1925). Người ta cũng dễ dàng kể tên hai bộ tứ huyền thoại: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái và Trí - Lân - Vân - Cẩn, với những tác phẩm tâm huyết ẩn chứa sức sống vượt thời gian. Những trang đời, những câu chuyện nghề, những dấu ấn sáng tác, những tác phẩm tiêu biểu của thế hệ tài năng ấy có độ phổ quát rất lớn, nhờ vào khối lượng đồ sộ những chuyên luận - khảo cứu công phu, những công trình lý luận - phê bình chuyên sâu, đậm chất học thuật ra đời từ đó tới nay.

Thế nhưng không nhiều người biết rõ về lứa họa sĩ kế cận của những tên tuổi ấy, bởi thông tin để lại cho hậu thế quá đỗi nghèo nàn. Như nhà báo Đào Mai Trang, tác giả cuốn sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) chia sẻ: “Tài liệu về riêng khóa học này được lưu lại rất ít trong kho dữ liệu - vốn đã rất ít ỏi và tản mát về lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại”. Vì thế, không ngạc nhiên khi chị tâm sự: “Tôi nhận thực hiện cuốn sách này trong một trạng thái mâu thuẫn, phần phấn khích, phần hoang mang. Hơn một tháng sau khi nhận lời, tôi vẫn không biết mình phải bắt đầu từ đâu”.

Hơn sáu thập niên đã qua, tính từ thời khắc tốt nghiệp. Trong số 22 học viên ngày đó, chỉ chín người còn sống. Số đủ khỏe mạnh, minh mẫn để cùng tác giả quay ngược thời gian, để dòng chảy ký ức trôi miên man về miền hoài niệm còn ít ỏi hơn nữa. Nhờ được gặp gỡ trực tiếp với một số sinh viên trong khóa, Trang nhận ra, “đã đến lúc thấm hơn bao giờ hết ý nghĩa của chữ duyên, khi những cuộc gặp gỡ không dừng lại ở mục đích phỏng vấn đơn thuần mà nặng về chia sẻ tâm tư”. Để chị có thể tiếp cận, gom nhặt thông tin và thấu hiểu một giai đoạn nghệ thuật chứa đựng rất nhiều điều lý thú. Về tự do cũng như ham muốn sáng tạo. Về sự cân bằng giữa sáng tạo nghệ thuật và tuân thủ quan niệm nghệ thuật phục vụ chính trị của một nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Tôn vinh những họa sĩ - chiến sĩ

Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam vốn được Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ký quyết định thành lập từ ngày 8-10-1945, sau thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức khai sinh chỉ hơn một tháng. Năm 1946, khóa sinh viên đầu tiên được tuyển sinh nhưng phải tạm dừng sau hai tháng học tập, bởi cả dân tộc phải dồn hết tâm lực bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ. Phải chờ tới bốn năm sau, khóa sinh viên thứ hai (nhưng lại là khóa đầu tiên được giảng dạy chính thức) với 22 gương mặt mới tề tựu tại Yên Dã (Đại Từ, Thái Nguyên) để có được bước đi đầu tiên, trên lộ trình trở thành họa sĩ - chiến sĩ. Nói họ là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tuyên truyền - cổ động không sai, bởi “vai trò tuyên truyền của hội họa trong kháng chiến chống Pháp chính thức được phổ biến và nâng cao. Nói cách khác, hội họa bắt đầu được sử dụng như một công cụ đắc lực trong việc đưa đến cho quần chúng những chủ trương, chính sách và phát triển cuộc sống mới trong kháng chiến. Tất cả phải được diễn giải một cách ấn tượng, dễ hiểu, dễ nhớ”. Phần một của cuốn sách, “Họa sĩ khóa Kháng chiến - một biên niên sử” mang lại một cái nhìn tuyến tính, với đầy đủ những mốc thời gian cùng sự kiện quan trọng nhất về khóa học “độc nhất vô nhị” trong lịch sử mỹ thuật nước nhà này.

Biên niên sử về một thế hệ họa sĩ - chiến sĩ ảnh 1

Tác phẩm Quán bên đường, mầu nước 32x49.6cm, 1951 - tranh Tô Ngọc Vân.

Hai năm trời cật lực đi - gặp - trò chuyện và lục lọi, kiếm tìm, sàng lọc mọi nguồn tư liệu có thể (dù cực kỳ ít ỏi), Đào Mai Trang đã có được bức phác thảo toàn cảnh ban đầu của riêng mình. Một cuốn sách dày dặn, dung lượng 300 trang, khổ 27x21cm được in ấn cầu kỳ, công phu trên giấy couchet. Một nhịp cầu giúp người yêu hội họa có dịp gặp gỡ, tìm hiểu về những gương mặt đã làm nên sắc vóc của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Như “Họa sĩ Đào Đức - Của riêng còn một chút này...”; Như “Họa sĩ Trần Lưu Hậu - người phùng thời”; Như “Họa sĩ Lê Huy Hòa - một tài năng trong nghịch cảnh”; Như “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân - sống thực tế và tận hưởng”; Như “Họa sĩ Lưu Công Nhân - thành công nhất là vẽ được con trâu”; Như “Họa sĩ Trần Đông Lương - phía khác của một người tài”; Như “Họa sĩ Trọng Kiệm - tiếng thở dài của thời thế”... Không chỉ cung cấp những bài viết công phu, nghiêm cẩn, phần hai “22 họa sĩ khóa Kháng chiến” còn giúp bạn đọc có cơ hội thưởng lãm rất nhiều tác phẩm giá trị, trong đó phần lớn chưa từng được công bố. Ngoại trừ cái tên Trần Dư (mà tác giả, dù nỗ lực hết sức, vẫn chưa thể tiếp cận với gia đình cố họa sĩ), 22 bức chân dung đa chiều của các học viên cùng người thầy đáng kính - họa sĩ Tô Ngọc Vân (đa phần được tái hiện từ dòng hồi ức sống động của bạn bè, đồng nghiệp, người thân...) đã trở thành 22 mảnh ghép hoàn hảo, để bức tranh panorama của khóa Kháng chiến có được những đường nét và mảng màu chân thực đầu tiên.

Dấu ấn cá nhân của tác giả được thể hiện đậm nét ở phần ba “Vĩ thanh”. Chia sẻ cảm xúc tích tụ sau những cuộc chuyện trò đáng nhớ, tôn vinh hậu phương lặng thầm của các họa sĩ tài danh, Đào Mai Trang cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm cũng như niềm đam mê, không ngừng học hỏi trên hành trình gian nan của “sự viết”. Nhờ đó, chị nhận ra, “sự đọc cảm tính cho phép mình suy nghiệm về nghệ sĩ và nghệ thuật nhiều hơn là giúp mình thực hiểu về họ. Suy nghiệm là theo thiển ý và cách hiểu của mình. Còn thực hiểu về ai đó đòi hỏi một công phu đọc, nghiên cứu và phân tích bằng lý trí”.

“Trái ngọt” của chặng đường hai năm đi từ “suy nghiệm” tới “thực hiểu” đã chính thức ra mắt độc giả. Một cuốn sách quý mà người yêu nghệ thuật tạo hình không thể bỏ qua!

Nhà báo Đào Mai Trang (ảnh trên)

BTV chuyên mục Mỹ thuật tại Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ VH, TT&DL).

Sách và tiểu luận đã xuất bản: 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (chủ biên, Nxb Thế giới, 2010, song ngữ Việt - Anh); Nghệ thuật & Tài năng, một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của mỹ thuật Việt Nam (Nxb Phụ nữ, 2014). Phiên bản tiếng Anh Art & Talent, a foreground on the 8X artists generation of Vietnam, chính thức được phát hành trên Amazon từ tháng 10-2016.