Họa sĩ Trịnh Tuân:

Bảng màu sơn mài của tôi hoàn toàn khác biệt

Triển lãm cá nhân Những ký ức tĩnh lặng (từ ngày 4 đến 10-12-2020, trưng bày 30 bức tranh sơn mài mới hoàn thành trong khoảng 10 năm trở lại đây của họa sĩ Trịnh Tuân - ảnh bên) đã gây một sự chú ý lớn trong giới mỹ thuật Thủ đô. Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của ông ở trong nước, kể từ năm 1999. Điều đặc biệt là tuy tranh sơn mài của ông có khổ lớn, giá bán không thấp nhưng đã có rất nhiều bức tranh được đặt mua ngay khi triển lãm còn chưa kết thúc và tất cả khách hàng đều là người Việt Nam. Nhân Dân hằng tháng có cuộc trò chuyện cùng ông về những gắn bó với hội họa sơn mài, những điều ông mong muốn có thể làm được với chất liệu truyền thống này cũng như cách mà một họa sĩ tạo dựng nên diện mạo nghệ thuật của cá nhân mình.

Bảng màu sơn mài của tôi hoàn toàn khác biệt

Hội họa sơn mài - từ "không thích" trở thành "sự lựa chọn duy nhất"

Học thiết kế công nghiệp và làm giảng viên khoa Tạo dáng công nghiệp - Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhưng nếu không có các thông tin trên truyền thông về triển lãm này thì có lẽ không ai biết ông là một giảng viên chuyên ngành khác hẳn với hội họa sáng tác. Ông có thể chia sẻ thêm vì sao bản thân lại gắn bó cùng lúc với hai nhánh công việc khác nhau như vậy?

Thật ra, tôi vốn học hội họa từ nhỏ, được chọn học vào lớp năng khiếu về mỹ thuật của Nhà văn hóa trung tâm thành phố Hà Nội ở phố Hàng Buồm khi mới 11-12 tuổi. Nay nhìn lại càng thấy hồi đó, chúng tôi đã sớm được đào tạo bài bản về nghệ thuật tạo hình và những kiến thức ban đầu đó đã trở thành nền tảng rất tốt cho cá nhân tôi sau này.

Nhưng khi thi đại học, tuổi trẻ ham cái mới, tôi chọn Đại học Mỹ thuật công nghiệp vì muốn theo ngành Nghệ thuật hoành tráng. Thời điểm những năm 1979 - 1980, nghệ thuật tranh hoành tráng mới được biết đến ở Việt Nam và rất cuốn hút tôi. Đạt điểm thủ khoa đấy nhưng vào trường, tôi lại được phân sang học khoa Thiết kế. Ban đầu, tôi rất buồn. Song nhiều bất ngờ khác diễn ra trong quá trình học đã khiến tôi bắt đầu cảm thấy gắn bó với bộ môn này. Nhưng sáng tác hội họa thì vẫn luôn song hành cùng tôi. Năm 1997, tôi thi vào khóa đầu tiên của hệ cao học về hội họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Bảng màu sơn mài của tôi hoàn toàn khác biệt -0
Home Sweet Home - Ngôi nhà thân yêu, sơn mài - 55cmx110cm, 2018. 

Tinh thần của tôi vẫn thuộc về nghệ thuật tạo hình, luôn như vậy nhưng trong thực tế, cả hai vợ chồng tôi đều sống bằng lương nhà giáo. Ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi có nhận thuyết trình, thỉnh giảng, mở các lớp học nhỏ tại nhà. Tôi cũng tham gia đội ngũ thiết kế sản phẩm đèn chiếu sáng, đèn trang trí, tranh kính ghép mảnh cho một số công ty như Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thủy tinh Thanh Xuân, vẫn đúng với ngành học và giảng dạy của mình. Tôi vẽ hằng ngày nhưng không phải vẽ để bán và kiếm sống.

Vậy chất liệu sơn mài có phải là một lựa chọn chủ động của ông từ buổi ban đầu?

Ngược lại, ban đầu tôi không thích chất liệu này (cười). Từng xem tranh sơn mài cùa các bậc thầy trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi đã luôn cảm thấy chất liệu đó khó mà giúp cho họa sĩ bày tỏ một cách phóng khoáng, tự do tình cảm mà mình muốn gửi gắm trong tác phẩm. Rồi tôi cũng đi qua đủ các chất liệu, từ sơn dầu, lụa đến khắc gỗ, song vẫn cảm thấy chưa tìm ra một thứ nào phù hợp hoàn toàn với thể trạng của mình.

Phải đến năm 1993, tôi gặp nghệ nhân sơn mài nổi tiếng Đặng Ngọc Bách, ông là người giúp chuyển thể tranh sơn dầu sang chất liệu sơn mài cho một số họa sĩ tên tuổi ở Hà Nội. Những gì ông gợi ý và trực tiếp hỗ trợ thử chuyển một số tranh sơn dầu sang sơn mài đã làm tôi thay đổi nhận thức về chất liệu này. Tôi nhận ra sự độc đáo cũng như sự phù hợp với thể trạng và phong cách tạo hình của bản thân. Và thế là từ đó đến nay, tôi chỉ gắn bó duy nhất với sơn mài.

Với cá nhân ông, sơn mài độc đáo ở điểm gì và nó giúp ông bày tỏ được điều gì?

Sự độc đáo nằm ở chỗ, khi hoàn toàn chủ động với hòa sắc của mình trong sơn mài, tôi có thể thoải mái kết hợp các mầu và sắc độ mầu để tạo nên một bảng màu khác biệt, phong phú, có thể là đủ mọi mầu với vô số sắc độ chứ không "đóng khung" trong bảng mầu truyền thống là vàng, bạc, sơn son nữa.

Đến xem triển lãm Những ký ức tĩnh lặng, một số họa sĩ có chia sẻ với tôi là họ chưa bao giờ dùng mầu xanh nõn chuối hay mầu tím hoa mười giờ trong tranh sơn mài, một số mầu khác thì họ cũng có dùng song tự thấy chưa ổn, đôi khi trông rất "nhựa", nhưng trên tranh tôi, mấy mầu đó lại được thể hiện thật êm. Là vì với sơn mài, tôi làm rất nhiều lớp cùng kỹ thuật mài để tạo ra một mảng mầu kết hợp từ nhiều sắc độ mầu, nói cách khác, bạn nhìn thấy một mầu tím nhưng thực ra, trong một mầu ấy có rất nhiều sắc tím (cười). Sự chủ động với hòa sắc cũng cho phép tôi có thể bỏ nhiều khoảng trống trên tranh khổ lớn, nhưng không phải là trống không mà là ở đó có chất, có ngữ nghĩa, có tiếng nói riêng. Tôi hướng đến sự sắp đặt giữa hình, mầu và sắc độ trên một bức tranh để nó có thể mở ra những chiều không gian khác.

Mong muốn bán được tranh cho những nhà sưu tập đích thực

Như ban đầu đã chia sẻ, ông không vẽ tranh để bán. Nhưng trong triển lãm này, tôi thấy ông bán khá nhiều tranh. Có thể hiểu điều này như thế nào?

Tôi không vẽ để bán vì nếu vậy, tôi đã làm việc với nhiều phòng tranh trong nước để làm việc đó chứ (cười). Bạn sẽ không thể tìm thấy tranh của tôi ở bất kỳ một gallery nào trong nước. Sau triển lãm cá nhân đầu tiên ở Việt Nam năm 1999 tại Nam Sơn gallery và cho đến khi gallery này đóng cửa (giữa những năm 2000 - PV), tôi không còn làm việc với bất kỳ một gallery nào khác ở Việt Nam nữa.

Vì sao, thưa ông?

Vì tôi làm việc với gallery không phải để thuần bán tranh. Tôi thích làm việc/chơi với chủ gallery đó hơn để có thể trò chuyện được nhiều hơn ngoài chuyện bán - mua, giá cả. Tôi nhận thấy ở họ có một tầm văn hóa nhất định mà mình đang muốn hướng đến. Tôi xác định, tranh của mình không thuộc dạng "ăn khách", cũng không phải là dùng để trang trí không gian hay khiến người ta thấy thư giãn khi ngắm nhìn.

Có thể là một chút tự kiêu chăng, nhưng thực ra cuối cùng thì ông vẫn bán tranh mà?

Bảng màu sơn mài của tôi hoàn toàn khác biệt -0
Chiều tím, sơn mài - 120cmx120cm, 2019.

(cười) Vâng, tự kiêu, hay kiêu ngầm hay khái tính, nói thế nào cũng được. Tôi vẫn mong muốn bán được tranh của mình chứ, nhưng là bán được cho những nhà sưu tập đích thực. Đấy là một khía cạnh cho thấy sự tìm kiếm trên con đường đi riêng của tôi trong nghệ thuật tạo hình đã có được sự công nhận từ những người khác và họ chấp nhận trị giá - giá trị của những tìm kiếm ấy. Có một số gallery nước ngoài mà tôi cùng làm việc từ nhiều năm nay và họ cũng là nơi duy nhất ở tại xứ sở ấy. Như Thái Lan, New York (Mỹ), Đan Mạch hay Nhật Bản, Hà Lan, mỗi nơi tôi chỉ có một địa chỉ giao dịch. Cho dù vài năm qua, việc bán tranh trở nên hết sức khó khăn, có thời điểm, tôi còn phải đi vay tiền để chi phí nhiều thứ trong cuộc sống gia đình nhưng không vì vậy mà tôi chấp nhận thay đổi quan điểm.

Từ hơn 20 năm qua, tôi trung thành, nhất quán với quan điểm của riêng mình: chấp nhận đói nghèo, không quan tâm việc một năm bán được bao nhiêu tranh mà là mức độ đầu tư, sự nghiêm túc của tôi cho hội họa được tăng lên như thế nào.

Trân trọng cảm ơn ông!

Họa sĩ Trịnh Tuân hiện là giảng viên chuyên ngành Thiết kế, khoa Tạo dáng công nghiệp, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ông là một họa sĩ rất tích cực kết nối mỹ thuật Việt Nam với khu vực và thế giới, thông qua việc cùng họa sĩ Malaysia Ng Bee gây dựng chương trình Asia Art Link để kết nối nghệ sĩ khắp châu Á từ năm 2009. Và gần đây là chương trình Hanoi Art Connecting, từ năm 2016, tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội mà ông đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức.