Họa sĩ Nguyễn Đại Giang

Ấn tượng từ trường phái đảo ngược

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang (SN 1944) vừa có triển lãm cá nhân lần thứ tư tại quê hương, tính từ khi định cư tại Mỹ, năm 1992. Triển lãm mang tên trường phái hội họa mà ông là người phát kiến: “trường phái đảo ngược” - The Upsidedownism (diễn ra từ ngày 3 đến 8-11-2018 tại Trung tâm triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội).

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang.

Từ hơn 10 năm trước, những bức tranh có nhiều mầu sắc, với những hình nhân là phụ nữ nhưng thường phần đầu của họ như vừa tách khỏi cơ thể lại vừa như đang đùa nghịch với những chiếc mặt nạ đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Người vẽ tranh có vẻ rất giàu tính hài hước, khi chơi đùa cùng lúc với nhiều ngôn ngữ hội họa trên cùng một bức tranh. Một chút lập thể, một chút ngây thơ, một chút biểu hiện, không quyết liệt theo một thứ gì, nhưng những gương mặt bị đảo ngược, đôi khi vừa đảo ngược lại vừa được gắn đâu đó trên cơ thể nhân vật một cách bông lơn, đã làm người xem bất ngờ về một hình thái hội họa kỳ lạ, như chính tên gọi của nó: trường phái đảo ngược.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã cười rất sảng khoái khi được hỏi về nguồn cơn của hình thái hội họa kỳ lạ này. Nhưng dường như ám ảnh ký ức về những năm tháng trầy trật mưu sinh nơi xứ lạ, những năm tháng dò tìm lối đi nghệ thuật của riêng mình khi đã xấp xỉ ngũ tuần đã khiến đôi mắt ông loáng ướt.

“Tôi đã buộc mình phải quên, rằng mình từng là người Hà Nội, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật ở Moscow, từng là họa sĩ... nhưng vẫn khôn nguôi day dứt. Tôi chỉ muốn được tiếp tục vẽ, tiếp tục gắn bó với nghệ thuật song không biết phải bắt đầu lại như thế nào nơi xứ người...”. Nguyễn Đại Giang vẫn nhớ như in hình ảnh một người phụ nữ Mỹ da trắng bế con, tấm biển trước mặt có dòng chữ “No home, no job, no money. Please help us!” (Không nhà, không việc làm, không tiền. Xin hãy giúp chúng tôi). Vô tình bắt gặp cảnh ấy trên đường đi làm về, sự đối lập của vẻ đói nghèo giữa cường quốc cờ hoa đã dội mạnh vào trí não ông. Ông nhận ra, bản chất của cuộc sống này chính là những đối nghịch, đảo lộn, xoay ngược bất thình lình của thời thế cũng như đời người. Ngay cả với chính ông cũng vậy: có và mất, mới và cũ, vô hình và hữu hình, khát vọng rồi thất vọng, bỏ đi hay làm lại... Vậy là Nguyễn Đại Giang vừa tiếp tục làm công nhân vừa bắt đầu những tác phẩm đầu tiên của “The Upsidedownism”. Ông còn chịu khó trau dồi tiếng Anh và học thêm những khóa đào tạo khác về đồ họa ở nơi ông cư ngụ - Seattle, bang Washington.

Với lợi thế của một hình thái hội họa do chính mình nghĩ ra, lại bắt nguồn từ chính chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống này, ông tự do vẫy vùng thể nghiệm. Chân dung các danh nhân thế giới, những khung cảnh trong mơ về vẻ đẹp của phụ nữ, những góc nhỏ chứa đựng hoài niệm về quê hương, về văn hóa dân tộc... đều có thể trở thành đề tài trong tranh của ông. Họa sĩ không tự trói buộc mình trong nhất định một bảng màu hay một khuynh hướng pha trộn ngôn ngữ hội họa nào. Ngắm những tác phẩm trưng bày trong triển lãm cá nhân lần thứ tư này, thấy đúng như lời ông chia sẻ: “Tôi coi mình vẫn là họa sĩ mới. Ở tuổi 74, tôi vẫn đang bắt đầu”.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang, sinh năm 1944 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Moscow năm 1974. Triển lãm cá nhân đầu tiên tại quê nhà diễn ra tại gallery Đức Minh (năm 2009). Tiếp đó là hai cuộc trưng bày tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (năm 2014, Hà Nội) và Huế (năm 2016). Nguyễn Đại Giang là chủ nhân của nhiều giải thưởng nghệ thuật quốc tế. Gần đây nhất, năm 2015, tác phẩm Nhà thờ của ông được trao giải “Roma Imperial International Prize” cho “Giá trị về phong cách” (Stylistic Value).