“Vua hiền có Lê Thánh Tông...”

LTS - Vua Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1497). Năm 1942, trong bài diễn ca Lịch sử nước ta, Hồ Chủ tịch đã viết “Vua hiền có Lê Thánh Tông...”. Thánh Tông là miếu hiệu của Lê Tư Thành, con thứ tư, cũng là con út của vua Lê Thái Tông (1423 - 1442). Ông còn có tên là Hạo, hiệu là Thiên Nam Động chủ, sinh tại nhà ông ngoại ở mạn tây nam Quốc Tử Giám, nay là khu đất chùa Huy Văn, Hà Nội. Sau khi vua Lê Nhân Tông bị hãm hại, rồi Lê Nghi Dân bị lật đổ, Lê Thánh Tông được tôn lên ngôi vua, lúc 18 tuổi. Ông trị vì 38 năm với hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 - 1469) và

Một số sách, công trình nghiên cứu về vua Lê Thánh Tông.
Một số sách, công trình nghiên cứu về vua Lê Thánh Tông.

Nhân dịp giới Khoa học - Nhân văn nước ta đang có chương trình đề xuất Liên hợp quốc ghi nhận Lê Thánh Tông là Danh nhân văn hóa thế giới, Báo Nhân Dân cuối tuần trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Anh Chi.

Là người yêu dân yêu nước thiết tha, khi ở ngôi, Lê Thánh Tông tỏ ra là một nhà tổ chức vô cùng tài giỏi, có tinh thần cải cách táo bạo và một ý chí tự cường dân tộc mạnh mẽ. Hành chính nước Đại Việt ta với năm đạo từ thời Lê Thái Tổ, Thánh Tông chia thành 15 đạo, rồi đổi gọi là thừa tuyên. Dưới thừa tuyên là phủ, huyện, châu, tổng, xã. Hệ thống quan lại cũng được đặt lại từ trung ương xuống địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhờ vậy, việc quản lý lãnh thổ chặt chẽ, biên cương được bảo vệ vững chắc. Trình độ quản lý đạt đến đỉnh cao, thể hiện rõ trong việc biên vẽ bản đồ quy mô toàn quốc. Một số thư tịch cổ cho biết, từ thời Lý đã tiến hành đo đạc và biên vẽ bản đồ, rất tiếc là không còn lưu lại được đến ngày nay. Còn bộ bản đồ thời Hồng Đức, dẫu chỉ còn lại bản sao của các đời sau, nhưng cũng đủ để chúng ta thấy một trình độ đáng khâm phục. Hai thế kỷ sau, A-lếc-xăng Đơ-rốt (Alexandre de Rhode) đến nước ta và đã vẽ bản đồ Đại Việt ta. Dù có được kỹ thuật đồ bản phương Tây thế kỷ XVII, A.Đơ-rốt vẫn phải chịu ảnh hưởng rất nhiều và trong chừng mực nào đó còn không bằng bản đồ thời Hồng Đức. Bản đồ của A.Đơ-rốt vẽ không đặt theo trục Bắc - Nam như bản đồ người phương Tây, mà cũng đặt chiều đứng theo trục Tây - Đông, giống bản đồ Hồng Đức. Việc đó cho thấy, bộ bản đồ thời Hồng Đức có trình độ đồ bản đạt đến đỉnh cao của nhân loại đương thời!

Cũng dưới triều Lê Thánh Tông, các chính sách mang tính khai phóng đã được tiến hành, như mở mang đồn điền, khai khẩn đất đai, khuyến nông, nuôi dưỡng sức nước bằng việc làm tăng trưởng sức dân. Theo sách Việt sử thông giám cương mục thì, năm Hồng Đức thứ mười hai, 1481, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu lập 43 Sở đồn điền trong cả nước “là cốt để dồn sức vào việc làm ruộng cho sự tích trữ (lương thực) trong nước được dồi dào”. Trong 43 sở đó, vùng ven Thăng Long cũng có những sở, như Quán La Sở, Minh Cảo Sở (sau đổi gọi là Xuân Tảo Sở), Yên Sở... Sở đồn điền lập ra trên làng nào thì lấy tên làng đó mà gọi tên Sở, và cũng có thể những Sở đồn điền sau trở thành vùng dân cư trù phú và nó trở thành tên làng, thôn. Những việc đó đã tạo nên những thay đổi căn bản của quốc gia Đại Việt.

Về quốc phòng, Lê Thánh Tông cho tổ chức quân đội lại chặt chẽ và cơ động, thường xuyên được học tập binh pháp. Và lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt ta xuất hiện luật quân sự, khi vua Thánh Tông cho ban hành 43 điều luật về quân đội, đưa quân đội vào một quy chế chặt chẽ và có sức chiến đấu cao.

Thật đặc biệt, Lê Thánh Tông canh tân mọi mặt xã hội một cách căn bản và đặt trên nền tảng cai trị bằng luật pháp. Một đỉnh cao tiêu biểu của pháp trị thời Lê Thánh Tông là cho ban hành bộ Luật Hồng Đức. Ông đã nói với các đại thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”. Câu nói đó thể hiện nét vĩ đại của tư tưởng Lê Thánh Tông. Bộ Luật Hồng Đức gồm sáu quyển, 13 chương với 722 điều. Nhà bác học Phan Huy Chú đã đánh giá luật pháp thời Lê: “Thật là cái mẫu mực để trị nước...”. Đầu thế kỷ XIX, khi cho soạn bộ Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long cũng đã tham khảo và đánh giá rất cao bộ Luật Hồng Đức. Đến cuối thế kỷ XX, Đại học Ohio, nước Mỹ, đã cho dịch và xuất bản bằng Anh ngữ toàn bộ văn bản cùng những khảo cứu kỹ càng bộ Luật Hồng Đức, dày 3 tập. Giáo sư Ô-li-vơ Ốt-man (Oliver Oldman), Chủ nhiệm khoa Luật Á Đông của Đại học Harvard đã đánh giá rất cao Luật Hồng Đức, coi đó là hệ thống luật “với nhiều sự tương đương về chức năng so với những quan niệm luật pháp phương Tây cận hiện đại...”.

Thời kỳ Lê Thánh Tông trị vì, xã hội phát triển mọi mặt, đất nước đạt tới đỉnh cao cường thịnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những giá trị văn hóa vô cùng lớn: Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Hồng Đức hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập... Ông là người cho khởi dựng Bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, là người đầu tiên cho đặt Trường thi võ ở phía tây Kinh thành (địa điểm Giảng Võ ngày nay). Một việc có ý nghĩa lịch sử mà ông đã làm năm 1464, là rửa oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi để lưu lại cho hậu thế. Chính Lê Thánh Tông như đã tạc bia cho Nguyễn Trãi bằng câu thơ “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Trong lòng Ức Trai tỏa sáng văn chương - Tạ Ngọc Liễn dịch). Có thể nói, bằng tài năng văn hóa kiệt xuất của mình, Lê Thánh Tông đã có công lao tạo lập cho thời đại ông một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định bước phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc. Nền giáo dục khoa cử nước ta thịnh đạt đặc biệt và vai trò trí thức được đề cao chưa có thời nào được như thời Lê Thánh Tông. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, Nhà Thái học, Quốc Tử Giám là các cơ quan giáo dục và văn hóa lớn của Nhà nước, Thánh Tông còn cho xây Kho bí thư để chứa sách, và lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình. Những trước tác của Hội Tao đàn được chép lại trong bộ sách đồ sộ Thiên Nam dư hạ tập, và trong các sách Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập... Trong đó không chỉ có những sáng tác thơ văn, mà có cả những tác phẩm về lý luận phê bình văn học - nghệ thuật, về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý, khoa học... Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào sáng tác và trước thuật, để lại cho đời một lượng tác phẩm rất lớn chép trong Thiên Nam dư hạ tập, và các tác phẩm riêng như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỷ hành, Văn minh cổ súy, Lam Sơn lương thủy tú... Ông tài giỏi cả thơ và văn, Nôm và Hán. Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông là một trong những áng văn Việt cổ nhất còn truyền lại đến ngày nay.

Lê Thánh Tông là nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt ta. Và có lẽ, trên hết cả, bao trùm tất cả, là tấm lòng ông, là ý thức trách nhiệm của ông trước dân tộc và đất nước. Ước vọng và hoài bão của thiên tài Lê Thánh Tông là Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại. Đó là câu thơ trong bài thơ khắc trên đá núi Bài Thơ, Quảng Ninh. Thơ viết hơn năm trăm năm trước chắc mãi còn rung động lòng người hậu thế, bởi thơ ấy mang khẩu khí của một bậc đế vương hiền tài và chan chứa xúc cảm nhân văn của một tâm hồn lớn!

Với cương vị người đứng đầu vương quyền, Lê Thánh Tông viết nhiều tác phẩm văn học chức năng. Ông cũng là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ mang tầm vóc thời đại. Một trong những tác phẩm văn xuôi xuất sắc của ông là Thánh Tông di thảo gồm 19 truyện vừa có tính truyền kỳ vừa mang tính ngụ ngôn, lại có màu sắc kinh dị rất lạ thường, và thảy đều được viết với bút pháp đại gia. Các truyện tiêu biểu như Tinh chuột, Duyên lạ xứ hoa, Hai Phật cãi nhau... có sức cuốn hút mạnh mẽ cả về nghệ thuật thể hiện, cả về tư tưởng triết học, lại chất chứa những nỗi đau thương trần đời. Thánh Tông di thảo là dấu mốc quan trọng ghi nhận bước trưởng thành của truyện ký nước Việt ta, ra đời trước cả tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI). Về thơ, Lê Thánh Tông là thi sĩ mang tầm vóc thời đại ông, một thời đại tự cường và thịnh đạt. Thơ ông là tiếng nói của một nhân cách lớn, một nhà tư tưởng tiên phong, một trái tim chứa đựng bát ngát núi sông và tràn đầy tự hào dân tộc: “Nắng ấm nghìn trượng tỏa trên ngọn cờ.../ Phóng hết tầm mắt núi sông muôn dặm” (Bài Buổi sớm từ sông Cấm đi tuần về phía đông).

Là người đứng đầu quốc gia, Lê Thánh Tông rất hiểu và trọng những người dưới quyền. Ông viết về những văn thần của mình (bài Văn nhân): “Những lời hùng hồn át cả sông Ngân/ Những câu kỳ diệu quỷ thần phải khóc/ Lòng sạch trong như băng như ngọc...”. Về các tướng sĩ gian khổ nơi chiến trường, thơ ông chan chứa niềm thương cảm, sẻ chia (bài Tướng sĩ nhớ nhà):

Tay nắm tay ai trong gió bấc lạnh lùng

Đêm cao vời vợi ánh trăng cô quạnh

Mai rụng suốt đêm càng tăng mối hận

Một ngày buồn đằng đẵng tựa ba thu...

Về bản thân mình, Lê Thánh Tông bày tỏ trong một bài thơ Nôm:

Lòng vì thiên hạ lo âu

Thay việc trời dám trễ đâu

Trống rời canh còn đọc sách

Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...

Hình ảnh một người đứng đầu nhà nước với bao quốc sự bề bộn mà tay luôn cầm quyển sách, và có thể, phải đọc vào những buổi canh khuya, thật đẹp! Nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) đã ghi nhận về Lê Thánh Tông: “Tay không rời sách, kinh sử, chư tử, dịch số, toán chương đều tinh thông, văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi, (là vị vua) văn vũ tài lược hơn cả các đời”.

Lê Thánh Tông là nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt ta. Và có lẽ, trên hết cả, bao trùm tất cả, là tấm lòng ông, là ý thức trách nhiệm của ông trước dân tộc và đất nước. Ước vọng và hoài bão của thiên tài Lê Thánh Tông là Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại. Đó là câu thơ trong bài thơ khắc trên đá núi Bài Thơ, Quảng Ninh. Thơ viết hơn năm trăm năm trước chắc mãi còn rung động lòng người hậu thế, bởi thơ ấy mang khẩu khí của một bậc đế vương hiền tài và chan chứa xúc cảm nhân văn của một tâm hồn lớn!