Tuổi 20 ở Trường Sa

Trường Sa can trường, anh dũng. Trường Sa vẫn từng ngày được thắp xanh, gìn giữ nhờ sự đóng góp không nhỏ của những người lính tuổi 20 và việc làm tình nguyện của thế hệ trẻ mọi miền Tổ quốc. Tinh thần cống hiến, đồng hành cùng Trường Sa xanh sẽ tiếp tục khơi gợi tâm thức mỗi con dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ, chung tay giữ gìn biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc.

Tuổi 20 ở Trường Sa

Kỳ I: Những người kê cao thềm Tổ quốc

Con tàu rẽ gió, cắt ngang những con sóng, như chú kình ngư khổng lồ vươn ra đại dương. Một nhóm bạn là những đoàn viên, thanh niên ưu tú thay nhau đọc chùm bài thơ hay viết về tuổi xuân nơi biển đảo quê hương. Giọng một bạn trẻ ba lần đến Trường Sa bỗng thốt lên đầy tự hào: Chúng ta sẽ gặp những gương mặt tuổi 20 trên hành trình này.

Khi niềm cảm hứng được truyền lan

Dẫu không phải lần đầu đến Trường Sa, nhưng tôi vẫn thấy hồi hộp đến ứ nghẹn, vì biết trước mình sẽ được gặp những con người can trường đang hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió. Càng đi trong mênh mông biển nước, nhìn sóng trùng điệp như những nếp nhăn của biển, nghe hát về Trường Sa, tôi càng hiểu thế nào là “muôn trùng sóng gió”. Khi vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây, trong cái nắng chói gắt đầu hè, Đoàn công tác số 14 do Đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm hậu cần Quân chủng Hải quân dẫn đầu đã được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây đón tiếp nhiệt tình. Sau cái bắt tay của những con người với nước da sạm nắng, giọng nói sang sảng để át tiếng gió, tiếng sóng là lời ân cần hỏi han. Những bạn trẻ trong đoàn lần đầu đến Trường Sa háo hức hỏi chuyện cuộc sống, việc trồng cây, chăm sóc hoa và cả nghị lực chống chọi với nắng và gió bão. Dưới những bóng cây, các em học sinh làm duyên, trở thành những người mẫu nhí cho một số anh chị chụp ảnh. Lại có cô gái trong đoàn nhớ con sau mấy ngày xa cách, mượn xe đạp của ngư dân để chở hai đứa trẻ chạc tuổi con mình đi vòng quanh gốc bàng vuông cổ thụ tỏa bóng mát, nói cười hỉ hả.

Chúng tôi mới rời đất liền ít ngày, vậy mà sao có người đã nhớ? Còn những người lính nơi đây, họ sống ngày này qua ngày khác, không thiếu thốn nhiều về vật chất nhưng thèm hơi ấm đất liền, đã làm gì để nguôi nỗi nhớ? Họ vẫn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Thiếu úy Lưu Xuân Thắng, chàng trai đến từ Đồng Nai có đôi mắt to, đen và đầy lạc quan. Thắng bảo, em từng nghe đài báo nêu những tấm gương vượt khó đã có tinh thần tình nguyện ở các vùng miền đất nước. Em rất nể họ. Với biển đảo Trường Sa cũng vậy, đã có biết bao người tuổi 20 chung tay dựng xây và gìn giữ. Lời nói dõng dạc của Thiếu úy Lưu Xuân Thắng khiến một chàng trai có tên Huỳnh Long ngồi bên cạnh mới ra nhận nhiệm vụ nở một nụ cười thật tươi và tự tin. Cậu xung phong hát bài Tổ quốc gọi tên mình, đầy tự hào, biểu cảm. Mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Long luôn hát hay như thế. Cậu từng cồn cào nhớ nhà và có lúc thấy mỏi mệt. Sau khi được các đồng đội động viên, đặc biệt là sự tận tình của Thắng, cậu lính trẻ hiểu ra và quyết tâm cao độ, tiến bộ rõ rệt trong rèn luyện. “Ở đây, việc người này truyền cảm hứng cho người kia là rất quan trọng”, Thiếu úy Lưu Xuân Thắng bật mí.

Các chiến sĩ dẫn chúng tôi thăm một vòng quanh đảo. Những nếp nhà mái ngói đỏ tươi nằm nép mình dưới bóng xanh mát của dừa, cây phong ba, bão táp, bàng vuông… Trò chuyện với các chiến sĩ, tôi được nghe nhiều chuyện cảm động về tình cảm quân và dân trên đảo. Đó là chuyện cứu tàu cá QNg 96248, cứu hơn 20 ngư dân trong một trận bão của năm 2017. Hay cứu tàu QNg 94780 của ông Nguyễn Vu, quê ở Quảng Ngãi lúc nửa đêm. Con tàu bị va vào đá ngầm khiến vỏ và đáy tàu vỡ hoàn toàn. Kíp quân y của đảo Song Tử Tây đã khám bệnh, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực, thực phẩm, bố trí nơi ở cho chín ngư dân và liên hệ với các cơ quan chức năng đưa các ngư dân vào bờ an toàn. Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng xã đảo Song Tử Tây đã chia sẻ một số điều kiện còn khó khăn trong công tác và nêu những quyết tâm khắc phục khó khăn, tinh thần cảnh giác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là chỗ dựa cho ngư dân bám biển.

Rời đảo Song Tử Tây, con tàu tiếp tục đưa chúng tôi thăm đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin. Mỗi thành viên đều cảm nghiệm về nỗi niềm và sứ mệnh của những người lính làm nhiệm vụ. Tách mình ra khỏi đoàn, tôi lặng ngắm vườn rau xanh do các chiến sĩ trẻ tăng gia. Giàn mướp lúc lỉu quả. Mồng tơi xanh rờn trổ ngọn. Chợt cái duyên đến, tôi đã gặp Thượng úy Trần Quốc Hiệp, sinh năm 1990, đồng hương Hà Nội, làm công tác hậu cần ở đảo Sơn Ca. Trước đây, Hiệp là sinh viên được tham gia hành trình “Vì biển đảo quê hương”. Ra đảo, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của các chiến sĩ nhưng họ vẫn yêu đời, cất lên những bài ca vang dội trên mặt sóng, Hiệp luôn ấp ủ được cống hiến sức trẻ, góp phần nhỏ bé vào công việc bảo vệ biển, đảo quê hương. Tốt nghiệp năm 2012 và được điều động về Quân chủng Hải quân, Hiệp đăng ký nguyện vọng công tác tại Trường Sa. Tháng 5-2015, Hiệp trở thành lính đảo Sinh Tồn và hơn một năm sau, được điều động đến Sơn Ca làm công tác hậu cần. Lúc gặp nhau ở nhà truyền thống, hỏi chuyện, Chính trị viên đảo Sơn Ca, Trung tá Phạm Văn Thọ chia sẻ, tình yêu nước của chàng sinh viên đã được đánh thức trong chuyến thăm đảo năm đó. Và rồi trở thành cơ duyên, Hiệp luôn năng nổ trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều sáng kiến, tham mưu tốt cho chỉ huy đơn vị trong việc quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả quản lý quân trang, quân lương, nâng cao điều kiện sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Hôm sau theo hải trình, tàu đến đảo Cô Lin. Đảo chìm Cô Lin hiện diện giữa bốn bề sóng nước, đã có thêm công trình nhà văn hóa đa năng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tài trợ và nay tổ chức lễ khánh thành, giúp cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, đơn vị đã chung tay với bà con nông dân trong việc phát triển kinh tế suốt 30 năm qua. Với tinh thần hướng về biển đảo, đây không phải là chuyến đi cuối cùng của đoàn. Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục có các chương trình giúp đỡ ngư dân ở Trường Sa tìm hiểu pháp luật, hỗ trợ kỹ thuật, vốn để họ an tâm bám biển. Trong chuyến đi, lãnh đạo Agribank đã chọn lựa các đoàn viên, thanh niên ưu tú trong toàn hệ thống, giúp các bạn có những trải nghiệm, nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của mình với đất nước.

Trên đảo Cô Lin, đoàn viên Agribank đã có chương trình giao lưu, chia sẻ với các chiến sĩ trẻ trên đảo. Họ cũng truyền lan cảm hứng sống, hơi ấm đất liền, giúp các chiến sĩ có một giờ giải trí vui vẻ. Chiến sĩ Trần Anh Pháp, sinh năm 1995, những ngày mới đến còn cảm thấy… run. Nhưng giờ Pháp vanh vách kể chuyện chủ quyền, một năm nơi này có bao nhiêu ngày nắng gió. “Làm việc ở đây em thấu hiểu phải bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng, dẫu phải trả bằng bất cứ giá nào. Biển này là của ta, trời này là của ta. Điều đó thôi thúc chúng em cống hiến sức trẻ của mình”, Pháp gạt mồ hôi trên trán, nói.

Cho miền nắng gió nở hoa

Đi và trải nghiệm mới thấy để xây dựng các công trình kiên cố trên đảo nổi, đảo chìm, cầu cảng, sân bay, đường sá đều thấm mồ hôi, máu xương của các chiến sĩ, những người góp phần kê cao quê hương. Trong đó, có Trung đoàn Công binh Hải quân 83 (E83) - nay là Lữ đoàn Công binh Hải quân 83, đơn vị đã gắn liền tên tuổi mình với những công trình lịch sử như cầu cảng K15 - Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi xuất phát của đoàn tàu không số từ hơn nửa thế kỷ trước, là xương máu ở Gạc Ma, Cô Lin, Đá Thị, Song Tử Tây… Trước khi lên tàu ra Trường Sa, chúng tôi đã gặp nhân chứng, một trong những người công binh đầu tiên ra Trường Sa gần 40 năm trước. Trong đôi mắt rơm rớm, Đại úy Lê Nhật Cát (sống tại Cam Ranh) nghẹn ngào kể về những ngày đất nước mới thống nhất, Bộ Quốc phòng đã phát triển đội công binh chuyên xây dựng trên đảo. E83, đơn vị chủ lực của Bộ Tư lệnh Công binh ra đời từ đó. Ngày ấy đã xa, nhưng muôn khó khăn gian khổ của những ngày thiếu thốn vẫn hằn in trong ký ức Đại úy Lê Nhật Cát. Bao bàn tay tuổi thanh xuân làm nhiệm vụ trong khi phương tiện kỹ thuật thiếu thốn, xăng dầu hiếm hoi, mọi thứ phải dùng bằng sức người để vận chuyển, xây dựng. Ông cũng kể về chuyện người lính công binh xây nhà trên các hòn đảo, để có phương tiện vận chuyển phải kết bè tre, chất nguyên vật liệu từ thuyền lên rồi đợi trời tối mới đẩy lên đảo. Trong chiến sự xảy ra ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có hơn 20 cán bộ, chiến sĩ E83. “Bao xương máu của các chiến sĩ đã đổ xuống, để hôm nay con trẻ an tâm học bài, ngư dân sinh sống trên đảo yên tâm đánh bắt cá. Các chiến sĩ trẻ làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó lực lượng chiến đấu, lính công binh là những tấm gương kiên cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu…”, Đại úy Lê Nhật Cát bùi ngùi.

Thật may, trong hải trình cùng Đoàn công tác số 14 có Trung tá Phạm Xuân Thấm, đang là cán bộ của Lữ đoàn Công binh Hải quân 83, người có 31 năm theo nghề và từng cống hiến tuổi thanh xuân cho những công trình xây dựng nhà ở, nhà chỉ huy, các âu tàu tránh bão giúp ngư dân có nơi trú bão an toàn. Anh Thấm chỉ tay ra âu tàu, bờ kè đá ở đảo Sinh Tồn, chia sẻ: Xây dựng ngoài biển khó khăn gấp cả trăm lần trên mặt đất. Nhất là ngày xưa, sức người ngoài khơi đúng như hạt muối bỏ biển, song từ trong gian khó, cán bộ, chiến sĩ công binh đã cải tiến nhiều phương tiện kỹ thuật, giúp việc vận chuyển được thuận tiện hơn. Trong hải trình này, Trung tá Phạm Xuân Thấm đi để thăm các chiến sĩ, các đồng đội vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chia sẻ với các bạn trẻ, những gương mặt rạng ngời, trong anh dâng lên niềm tự hào vì mình đã có những đóng góp cho đảo xanh.

Mỗi lần lên đảo, chạm tay vào những chồi xanh trên cát, ngắm những công trình, lá cờ đỏ tung bay kiêu hãnh trên cột mốc chủ quyền, chúng tôi hiểu hơn về trách nhiệm cống hiến. Mỗi người có cách cống hiến khác nhau, dù lớn hay nhỏ đều đáng trân trọng. Mỗi chiến sĩ xây dựng, bảo vệ và gìn giữ vùng biển trời thiêng liêng chính là những người kê cao thềm Tổ quốc. Cho đảo nên xanh, vùng nắng gió nở hoa. Cho miền ngư trường an yên và toàn vẹn bờ cõi đất nước cha ông hàng nghìn năm gìn giữ.

Tuổi 20 ở Trường Sa ảnh 1

(Còn nữa)