Từ huyền thoại đến thân phận con người

18 giờ ngày 10-10-2019, Olga Tokarczuk (trong ảnh) - đang lái xe trên một con đường nước Đức - nhận tin: mình đã trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học 2019, vì “lối viết giàu sức tưởng tượng, chứa đựng đam mê uyên bác, và đại diện cho một lối sống vượt trên mọi rào cản”. Đó là nữ văn sĩ thứ 15 trong lịch sử được vinh danh ở giải thưởng danh giá này.

Từ huyền thoại đến thân phận con người

Ði tìm những bí ẩn

Olga Tokarczuk thử sức với tập thơ Những thành phố trong gương (1989) nhưng sau đó rút vào im lặng, cho đến năm 1993 mới trình làng tiểu thuyết Ðường đi của Người Sách. Tác phẩm này như một truyện ngụ ngôn hiện đại kể về chuyến thám hiểm nhằm tìm Cuốn Sách Bí ẩn, kết quả tuy thất bại nhưng hai nhân vật chính được bù lại bằng một tình yêu vĩ đại. Hai năm sau, trong tiểu thuyết E.E. (1995, là viết tắt danh tính của nữ nhân vật chính Erna Eltzner, một cô gái trẻ mang trong người hai dòng máu Ba Lan và Ðức có biệt tài thần giao cách cảm), bà cho người đọc thấy sự quyến rũ của những điều bí ẩn từng tuột khỏi ý thức con người.

Năm 1996, Olga Tokarczuk khẳng định vị thế trên văn đàn Ba Lan bằng cuốn tiểu thuyết thứ ba đồ sộ và vang dội: Prawiek và những thời khác. Prawiek là tên một xóm làng huyền thoại trong đó tập trung tất cả các vui buồn được biết đến của con người, nơi tất cả các sự kiện cả tráng lệ lẫn bi thương đều có cội rễ nguồn cơn của mình. Tác phẩm này được đánh giá là đỉnh cao văn chương huyền thoại trong văn xuôi mới nhất của văn học Ba Lan hiện nay.

Cuốn tiểu thuyết tiếp theo Ngôi nhà ban ngày, ngôi nhà ban đêm (1998) lại được viết bằng một giọng văn khác, một định dạng khác, tập hợp những phác thảo có cốt truyện khác nhau, những câu chuyện tương đối liên hoàn và những ghi chép mang tính tùy bút, tản văn, riêng tư. Thí dụ, câu chuyện về nữ thánh thời trung cổ Kummernis muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không mong muốn nên được Thượng đế giải cứu bằng cách cho mang một khuôn mặt nam giới, thác sinh xuống Sudety - vùng Ba Lan giáp Czech. Ngôi nhà ban ngày, ngôi nhà ban đêm đã được vào chung kết giải thưởng văn học châu Âu IMPAC.

Sau 2004, Olga Tokarczuk cho ra đời hai tác phẩm Nữ thánh Anna In trong các lăng mộ thế giới (2006) và Linh hoạt (tạm dịch từ nguyên bản Bieguni, 2007), được đề cử vào giải thưởng văn học Trung Âu ANGELUS. Olga Tokarczuk chọn câu chuyện xuất xứ từ Sumer (nền văn minh cổ ở phía nam Lưỡng Hà, Iraq) về Inanna - nữ thần mùa màng và chiến tranh - tìm đến người em gái của mình - nữ thần sinh sôi và chết chóc - rồi đường đột quay về với thế giới của những người đang sống. Tác giả đã làm người đọc ngạc nhiên khi không hướng về thần thoại, mà mô tả sự tạo lập thế giới nơi thần thoại diễn ra trong những cảnh trí vị lai viễn tưởng. Các nhân vật sử dụng những bản đồ không gian ba chiều, vương quốc ngầm dưới đất thì không khác gì một thành phố viễn tưởng, còn Thần Cha, người được nữ thần Ninshubur cầu cứu thì như một nhà kỹ trị trong tập đoàn nào đó. Ở cuốn sách này, Olga Tokarczuk có những sáng tạo về thể loại, ngôn ngữ và cách kể chuyện hoàn toàn mới.

Sự vận động linh hoạt

Linh hoạt - nhan đề của tác phẩm cũng chính là tên của một tín ngưỡng từ thời cổ xưa, trong đó các thành viên đều tin rằng nếu cứ ì một chỗ thì thể nào cũng bị cái ác tiến công, còn nếu di chuyển không ngừng, linh hồn ắt được cứu rỗi. Cuốn tiểu thuyết gồm nhiều khúc, những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu luận, du ký... vừa riêng rẽ lại vừa liên kết một cách tài tình.

Bác sĩ tâm lý Tokarczuk không chỉ kể về những chuyến chu du suốt từ thế kỷ 17 đến thời nay, mà còn về sự kỳ thú của thiên nhiên, đồng thời lại như một khảo cứu độc đáo về giải phẫu cơ thể, qua đó hiện rõ hành trình tâm lý của con người khi có động lực sáng láng, có khát vọng tự do. Ngòi bút tinh tế mô tả diễn biến nội tâm của từng nhân vật: một người đàn bà có đứa con nhỏ bị tật nguyền sau khi được nhà thờ rửa tội đã không trở về ngôi nhà mình ở; một nữ học giả Australia sau rất nhiều năm xa mới trở lại Ba Lan thăm người bạn cũ đang gần kề cái chết; một người mẹ mang theo con trai đi du lịch ở Croatia quyết định bỏ chồng... Trong tiểu thuyết này có cả cuộc thiên di trái tim của nhạc sĩ thiên tài Frédéric Chopin về đất mẹ. Ðặc biệt quan trọng là câu chuyện cha con nhà giải phẫu Hà Lan Frederik Ruysch (1638-1731) và bộ sưu tập tiêu bản giải phẫu của ông trở về sau khi bị bán cho Nga Hoàng. Ðây là tiểu thuyết về người du mục hiện đại, về nỗi lo bị chôn chân tại chỗ, trong đó có tất cả chúng ta, những người đang nhằm đến một cái đích nào đó, và về cả những người coi cái đích là chính... con đường.

Sau Linh hoạt, Olga Tokarczuk cho ra đời một tác phẩm có vẻ giải trí: tiểu thuyết hình sự, nhan đề lấy từ một câu thơ của thi hào Anh William Blake (1757-1827) Lái xe ngựa và mũi cày trên xương người đã khuất (2009). Trong một xóm nhỏ ở làng Kłodzko có nhiều đàn ông bị chết, họ đều là những tay súng săn sát mồi. Một vụ thanh toán bởi băng đảng mafia chăng? Cũng rất có thể đây là sự trả thù của lũ thú hoang? Ðây được coi như một truyện ly kỳ về đạo đức và môi trường, nội dung mô phạm và nghiêm túc nhưng được kể khá nhẹ nhàng, được đề cử vào giải "Nike". "Ðoàn kết với loài vật, loài yếu ớt nhất, chịu sự đối xử cực kỳ thô bạo dưới roi xích của quyền lực" – nhà văn tuyên bố – "đó là cách biểu thị phản kháng chế độ phụ quyền". Nữ văn sĩ tự coi đấy là cuốn sách đậm chất chính trị, là đánh giá những gì diễn ra quanh ta, khiến người đọc phải chọn mình đứng về phía nào trong các sự kiện ấy. Lái xe ngựa và mũi cày trên xương người đã khuất đã được các nhà điện ảnh Ba Lan, Ðức, Czech và Thụy Ðiển chuyển thành phim Dấu vết dã thú và giành giải Gấu Bạc tại Liên hoan phim Berlin 2017.

Ðó là một cây bút rất quan tâm đến số phận con người…

Olga Tokarczuk chào đời ngày 29-1-1962 tại Sulechów (một thị trấn thuộc huyện Zielonogórski, tỉnh Lubuskie ở miền tây Ba Lan) trong một gia đình gốc Ukraine. Tốt nghiệp Khoa Tâm lý - Trường đại học Tổng hợp Warsaw, trực tiếp làm bác sĩ tâm lý trị liệu tại Wałbrzych, am hiểu triết học và thần học, bà theo xu hướng chính trị cánh tả, là thành viên đảng Xanh, hiện sống và viết tại Wrocław, đồng thời là thành viên Hội đồng Biên tập tạp chí Phê bình chính trị.