Trước cửa ngõ Phan Rang

...Sau khi mất toàn bộ Quân khu 1 và phần lớn địa bàn Quân khu 2, Quân đội Sài Gòn khẩn trương hình thành phòng tuyến Phan Rang để bảo vệ cho Sài Gòn từ xa. Tướng Way-oen, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã kịp dựng lên ở Phan Rang một lá chắn đủ mạnh, mong chặn đứng “cánh quân duyên hải” đang ào ạt tiến vào Sài Gòn.

Một góc TP Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận) hôm nay.
Một góc TP Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận) hôm nay.

Để thiết lập tuyến phòng thủ Phan Rang, đầu tháng 4-1975, Quân đội Sài Gòn đã cho triển khai tái phối trí thế trận phòng ngự ở đây bằng việc tăng cường lực lượng cho các vị trí xung yếu, đưa sáp nhập phần đất còn lại của Quân khu 2 vào Quân khu 3; đồng thời lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 đóng tại sân bay Thành Sơn (cách thị xã Phan Rang 10 km) do viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cầm đầu. Với hơn chục nghìn quân được tổ chức phòng thủ tại một địa hình có lợi, lại được chi viện lớn của không quân, hải quân, quân đội Sài Gòn hy vọng sẽ chặn được cánh quân Duyên Hải của ta trước cửa ngõ Phan Rang. Chúng ra sức hò hét động viên binh lính “tử thủ”.



Theo lệnh của Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải, Sư đoàn 3 Sao Vàng gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị đánh Phan Rang, mở cửa cho Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn, Gia Định. Giờ phút quyết định số mệnh của tập đoàn phòng ngự Phan Rang đã điểm. Tham gia trận đánh này, ngoài Sư đoàn 3 Sao Vàng còn có Trung đoàn 25 Tây Nguyên, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2)... và lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận.

Trước cửa ngõ Phan Rang ảnh 1

Niềm vui của những người lính ngày tiến vào giải phóng thị xã Phan Rang. Ảnh tư liệu

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, pháo binh quân ta nã đạn dồn dập xuống trận địa quân địch, mở màn cuộc tiến công tuyến phòng ngự Phan Rang. Sau ngày đầu tiến công quyết liệt, đến tối 15-4, quân ta chiếm được một số cứ điểm ngoại vi sân bay và đánh bại các cuộc phản kích của địch.

Trước tình hình tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang hết sức nguy kịch, trưa 15-4, Trần Văn Đôn - Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn - Tư lệnh Quân khu 3 của địch đáp máy bay xuống sân bay Thành Sơn thị sát và khích lệ tinh thần quân sĩ rồi lại vội vã trở về Sài Gòn.

Mong chiếm lại quận lỵ Du Long và các vị trí đã mất để cải thiện lại thế trận phòng ngự, địch đã vạch ra kế hoạch phản công quy mô lớn vào sáng 16-4. Nhưng hành động thần tốc, táo bạo của cánh quân hướng đông một lần nữa làm cho quân địch bất ngờ.

Đã ém quân bốn ngày trong các vườn cây trái của khu vực cảng Cam Ranh chờ các đơn vị bạn mở đường hành tiến, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) và các đơn vị tăng cường vô cùng sốt ruột, bởi quân địch đang khẩn trương củng cố các tuyến phòng thủ cho Sài Gòn, tiến đánh vào Sài Gòn sớm được chừng nào thì quân và dân ta càng đỡ tốn xương máu chừng ấy, đồng bào sớm thoát khỏi ách kìm kẹp dã man của kẻ thù.

Thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn đơn vị, ngày 15-4, Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An và Chính ủy Lê Linh đề nghị với Trung tướng Lê Trọng Tấn và Trung tướng Lê Quang Hòa cho phép Quân đoàn 2 được sử dụng Sư đoàn 325 vào chiến đấu. Đề nghị đó hoàn toàn phù hợp với phương án tiến công thị xã Phan Rang mới được quyết định. Đồng chí Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Quân đoàn và một số cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đã xuống Sư đoàn 325 trực tiếp giao nhiệm vụ và cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức tiến công Phan Rang.

Địa hình Phan Rang có nhiều lợi thế cho việc phòng ngự của địch, vì Phan Rang và sân bay Thành Sơn ở trong một khu vực thung lũng, ba phía là núi bao bọc, muốn tiến vào Phan Rang chỉ có một con đường bộ duy nhất là quốc lộ 1 và hướng thứ hai là từ biển vào. Nếu tiến đánh theo đường biển thì bất ngờ nhưng không có đủ phương tiện đưa lực lượng tiến vào Phan Rang, mà khi tiến vào bờ sẽ bị địch khống chế, chắc chắn thương vong lớn. Vậy chỉ có thể tiến công theo hướng quốc lộ 1 là chính. Qua thảo luận, Sở chỉ huy Quân đoàn 2 xác định: Tuy hệ thống phòng ngự ở Phan Rang có lợi thế địa hình, địch lại có số lượng đông, hỏa lực mạnh nhưng chúng phải trải lực lượng ra chiếm giữ khu vực rộng, tính cơ động tổ chức phòng ngự kém và lực lượng cơ động ít. Mặt khác, tinh thần binh lính đã sa sút nghiêm trọng sau thất bại liên tiếp ở miền trung, nên, nếu ta khống chế được sân bay, kìm chế trận địa pháo, tổ chức tiến công nhanh, mạnh, chắc, hành động chiến thuật thần tốc, táo bạo, bất ngờ thì quân địch ở Phan Rang sẽ nhanh chóng bị rối loạn và tan vỡ. Đồng thời, để hạn chế thương vong, phải chiếm gọn thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn, cảng Tân Thành, cảng Ninh Chữ, phối hợp cùng Sư 3 giải phóng tỉnh Ninh Thuận.

Sau khi xác định phương án tác chiến, ngay trong đêm 15-4, toàn bộ lực lượng Sư đoàn 325 triển khai trên mặt đường số 1. Để tăng cường sức chiến đấu, đánh trả máy bay địch oanh tạc, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng cả hai Trung đoàn 244 và 284 cao xạ vào trận địa, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 673 phòng không trực tiếp chỉ huy mạng lưới phòng không bảo vệ đội hình tiến công vào Phan Rang.

Đúng 5 giờ ngày 16-4-1975, lệnh tiến công được phát ra từ xe chỉ huy của Sư đoàn 325. Hàng trăm xe ô-tô, xe tăng, thiết giáp chở đầy cán bộ, chiến sĩ nhằm tuyến phòng thủ của địch thẳng tiến. Thung lũng Phan Rang vang rền tiếng súng các loại và tiếng gầm rú của các xe cơ giới. 5 giờ 30 phút, binh lính tiểu đoàn 3 địch, liên đoàn 31 biệt động phòng thủ ở Hội Diên, An Xuân còn đang lo ẩn nấp tránh pháo thì đội hình thọc sâu của Trung đoàn 101 dẫn đầu là bốn xe thiết giáp PT85 có đại đội 1, Tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên xe đã bất thần ập tới. Địch hoảng hốt chống cự, pháo trên các xe tăng ta bắn mạnh vào các cụm chiến đấu phòng thủ của địch. Tiểu đoàn 3 của địch mất tinh thần, chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng tan rã. Quân ta làm chủ trận địa.

Sau gần một giờ nổ súng, quân địch nhận thấy mối đe dọa khủng khiếp đối với sự sống còn đang đến trên hướng đường 1, nên chúng vội vã ra lệnh cho trận địa pháo, tập trung bắn phá đường 1 và cho máy bay xuất kích đánh chặn hướng xuất quân của ta. Lúc này Tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên xe tăng đã tiến khá xa đội hình nên không còn pháo cao xạ bảo vệ, phải vừa vận động đánh địch ở mặt đất vừa dùng súng 12,7 ly trên tháp xe bắn cháy và làm rơi hai máy bay A37 và hai máy bay lên thẳng vũ trang, đập tan cụm phòng thủ của địch ở trường bắn (cách thị xã Phan Rang 2 km) diệt nhiều địch. Bên ta hai xe tăng bị cháy và một số cán bộ, chiến sĩ bị thương vong.

Cửa ngõ Phan Rang đã mở toang, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Nguyễn Anh Dương ngồi trên xe chỉ huy đơn vị xung phong đánh thẳng vào trung tâm thị xã. Ở tiểu khu Ninh Thuận, bộ binh và xe tăng ta đánh vào trung tâm giữa lúc trời vừa sáng, địch vô cùng hoảng sợ, tháo chạy thục mạng. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 chiếm gọn sáu xe bọc thép của địch còn nguyên vẹn. Các chiến sĩ cắm cờ giải phóng trước nhà Tỉnh trưởng Ninh Thuận lúc 7 giờ sáng 16-4. Cảng Tân Thành và Ninh Thuận được giải phóng hồi 8 giờ ngày 16-4.

Tiểu đoàn 2 phát triển theo đường 1, rồi rẽ lên hướng quận lỵ Bỉm Sơn phối hợp với Sư 3 đánh vào sân bay Thành Sơn. Địch đã mất thị xã Phan Rang, đường bộ, đường biển đã bị vít chặt. Tình thế đòi hỏi lực lượng ta phải nhanh chóng chiếm được sân bay Thành Sơn, bẻ gãy sự kháng cự cuối cùng của địch.

Để nhanh chóng chiếm được sân bay Thành Sơn, Sư đoàn 325 tổ chức một mũi bộ binh với xe tăng, thiết giáp từ thị xã đánh lên. Đúng 9 giờ 20 phút, đại đội 2 xe tăng chiếm gọn quận lỵ Bỉm Sơn bắn cháy một xe M113 địch, cùng lúc đó C3 được hỏa lực xe tăng chi viện liên tiếp tiêu diệt nhiều lô cốt hỏa điểm địch, bắn rơi hai máy bay A37 ngay khi chúng vừa cất cánh, đập tan sự kháng cự của địch ở khu cổng số 1. Thừa thắng, bộ binh và xe tăng đánh thẳng vào khu vực đường băng chính, bắn cháy một máy bay đang chuẩn bị rời khỏi đường băng.

Trên hướng bắc sân bay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 và Sư đoàn 3 dùng mìn liên kết phá tung 11 lớp rào kẽm gai đánh tràn vào căn cứ, một mũi khác đánh vào cổng số 2. Đến 9 giờ 30 phút, mũi tiến công của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 có xe tăng phối hợp với mũi tiến công của bộ binh Trung đoàn 25, Sư đoàn 3 gặp nhau ở khu vực đài chỉ huy. Quân ta hoàn toàn làm chủ sân bay, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn. Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 3 của địch không kịp lên máy bay rút chạy, Nguyễn Vĩnh Nghi cùng một số tướng tá, nhân viên thân cận đành phải vượt rào cải trang thành thường dân chạy trốn về phía nam. Nhưng mọi ngả đường đều bị quân ta bịt kín. Tối 16-4, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và cùng nhiều sĩ quan đang lủi trốn ở khu vực bãi mía, thuộc thôn Mỹ Đức (nằm giữa sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang) bị quân ta bắt sống.



Trận đánh thị xã Phan Rang thể hiện rõ nét tinh thần thần tốc, táo bạo trong hành tiến, khả năng tổ chức vận dụng chiến thuật tiến công, chủ động, sáng tạo và sức mạnh hiệp đồng binh chủng hết sức linh hoạt của tập thể cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2. Kịp thời biểu dương thắng lợi, đêm 16-4-1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã gửi điện vào tuyên dương thành tích chiến đấu và nhắc nhở Quân đoàn 2 phải nhanh chóng truy quét địch, phát triển tiến công, thần tốc, táo bạo, bất ngờ khẩn trương giải phóng Bình Thuận, Bình Tuy, mở đường kịp thời đưa toàn bộ lực lượng vào tham gia giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Bắc Giang, tháng 4 - 2020.

Cao Chức
(Cựu chiến binh Quân đoàn 2)