Thương nhớ những đêm mưa

Mưa vào mùa.

Phải cái đêm vẳng đưa rộn rã tiếng ếch nhái như đêm nay lòng dạ lại cồn cào lên mà nhớ. Cũng sẽ đêm như đêm này, nằm nhà sàn nghe hạt thưa hạt mau trên mái cọ, nghe giọt giọt hạt đều từ lọn lá mái rớt xuống sân tóc tách. Nằm nhìn trời đất sau mưa ướt át qua cửa voóng, dưới nhay nháy chớp thưa. Nghe cha mẹ bận rộn sắm sanh cho nhau vài thứ đồ đạc, đợi lúc mưa đã đủ ngấm đêm, chừng dần tạnh hạt, mẹ sẽ đeo chiếc giỏ tre vào lưng cha, đội chiếc mũ lá cũ mốc lên đầu người chồng và dặn dò như trẻ nhỏ, xách hộp đèn dầu tiễn xuống tận cuối hồi nhà, rồi quay trở lên cửa thang ngồi ngóng theo cho đến khi ánh đèn khuất sau triền dốc.

Cái quê nhà ấy, cái làng xóm ấy cứ mỗi bận mưa rào ngơn ngớt sau cơn, khắp bãi đồng ven nương, dọc suối dài, người người lại vui như đi chơi, mà lòng có đâu nghĩ bởi nghèo thiếu, đói no. Cả bản rủ nhau đi man bắt nhái. Mỗi nhà một người, có khi đến hai. Ai rảnh rỗi, thấy thích thú thì đi. Khắp bãi đồng, ven chân đồi, tứ phía, đâu đâu cũng lập lòe ánh đèn, đâu đâu cũng có tiếng người cười nói, í ới gọi nhau xin lửa lúc gió tắt đèn. Người quê ấy, ngày đi làm nương, làm ruộng mong nắng tạnh, trời yên, đêm về mệt đến rã rượi cả tiếng cười nhưng lại mong mưa rào cho dài, cho ngấm đất ngấm đồng để đi man bắt con ếch, con nhái kiếm bữa thức ăn cho con trẻ, cho cả mình có miếng ăn "tươi" vơi cơn cực nhọc.

Ðó là chuyện của ngày đã cũ, cái thời trừ ít bữa lễ, Tết mới có cơm trắng và biết mùi miếng thịt, còn quanh năm cơm độn và rau măng nấu suông đến nhạt cả lòng. Giờ thì no đủ rồi đấy, nhưng cứ hễ mưa tôi lại thèm ăn bát canh nhái. Không chỉ thèm cái ngon ngọt, cái thơm tho rất riêng của món này. Ấy là thèm cả cái ý vị của lòng mình những đêm nằm lăn lóc trên sàn nhà mắt không chịu ngủ, miệng nói đủ thứ chuyện với mẹ, với bà, với anh chị em mà cứ đau đáu mắt ra cửa voóng ngóng cha về. Tiếng chân còn thình thịch ngoài ngõ, cả bầy trẻ đã ùa xuống thang, giành nhau ngó vào chiếc giỏ của cha. Xúm xụm lại soi đèn, ngồi đếm, chọc nghịch bọn nhái với một niềm vui thích khôn tả. Nửa đêm, năm gian nhà sàn lại bỗng rộn vui như lúc mới lên đèn đầu tối.

Ngày hôm sau, ngôi nhà sẽ nhộn nhịp như làm đám vui. Trời vừa lảng sang trưa, bầy trẻ đã ngồi giăng chật cửa thang ngóng cha đi nương về, trong tay cha cầm sẵn cái cật nứa sắc lẹm đem từ trên đồi để làm thịt nhái. Cha chỉ cần hô một tiếng là bầy đứa tíu tít chia nhau việc. Ðứa hái rau nọ, đứa nhặt rau kia, đứa đi mót cà hán quanh vườn. Bà nội ngồi bên bếp, thò tay vào chiếc mủng trong góc xó với lấy nắm củ hành tăm, vò vò đôi bàn tay nhăn nheo, rồi phùng má thổi phù phù cho bay hết lớp vỏ bẩn. Những hạt hành trắng phau chao đi chao lại trong tay bà vài lần thì ào xuống cối. Bà lập cập giã hành, nhóm lửa đợi cha bắc nồi.

Ấy là thèm cái mùi bữa trưa sau đêm mưa như thế, bước đến chân thang nhà nào cũng nghe trong khói mùi của canh nhái. Cái thứ mùi y hệt nhau của mọi bếp sàn. Món canh nhái nấu rau ớt chẳng biết từ bao giờ đã trở thành món truyền thống của mùa mưa. Người Mường nào lớn lên cũng đã thấy mình thuộc cách nấu, cũng đã nghiện miệng ăn. Nó trở thành món làm cho người ta cứ hễ mưa là nhớ, cứ nhớ là thèm, mà ăn cả trăm lần nghìn lần, lần nào cũng thấy cái mùi ấy, cái vị ấy hấp dẫn, ngon lành như vừa mới ăn. Bữa nào có món canh nhái nghĩa là bữa ấy có thịt, lòng sung sướng như nhà mình no ấm, đủ đầy hơn, nồi cơm bữa ấy dù cơm trắng hay cơm độn cũng hết veo đến hạt cuối cùng.

Bây giờ lớn rồi đi khắp. Có lúc ngồi ăn miếng ngon, miếng lạ ở đâu đó chốn người hay nơi giàu sang phố thị mà vẫn nghĩ, trên đời này cũng không ở đâu có được món ngon như canh nhái nấu lá ớt quê Mường. Nó ngon lạ lắm, ngọt lạ lắm. Mùi thơm của thịt nhái xào săn bằng mỡ lợn với hành tăm xèo xèo trên bếp lửa đã làm nước miếng tứa ra. Rồi đổ nước suối trong veo trong vắt đợi nó sôi nhừ, bỏ nêm toàn rau gia vị quện tạo thành một mùi thơm rất riêng, khó cưỡng. Canh nhái, cứ phải là lá ớt chủ đạo, cần có lá lốt, lá xương xông, rau mùi tàu, đặc biệt không thể ngon nếu thiếu quả cà pháo, nhất là thứ cà trồng lâu năm, còi quắt lại, có mùi vị hăng hăng, nồng nồng, đắng đắng quanh bờ rào đã như thành cà dại. Rồi nữa đôi ngọn dền đất, vài cọng rau sam đang vừa độ rôn rốt chua. Chưa đủ, và sẽ chẳng thể khơi dậy cái thứ mùi mê hoặc nếu bắc nồi canh xuống mà không có nắm lá hành tăm tươi, hoặc chí ít là vốc củ hành tăm giã nhỏ. Từng ấy mùi từng ấy vị quện vào nhau sẽ làm nên cái thơm ngon chẳng thể lẫn vào đâu, chẳng thể nào không thèm nhớ, mỗi khi trời đất vào mùa mưa.