Thời cuộc hôm nay, những người ngày qua

Tôi thích thú đọc cuốn tiểu luận Giáo sư Hà Minh Đức vừa gửi cho, “Cảm nghĩ về Văn chương và Thời cuộc”, trong đó có các bài viết Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tưởng niệm 100 năm ngày sinh bảy nhà thơ, nhà văn tên tuổi: Huy Cận, Bùi Hiển (2019), Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trinh (2020). Tuần trước ông vừa báo tin đang hoàn chỉnh bản thảo, hôm nay sách đã đến nhà. Nhanh chóng, kịp thời như báo chí, truyền thông thời tin học.

Thời cuộc hôm nay, những người ngày qua

Thật đáng nể phục bút lực của Giáo sư Hà Minh Đức năm nay tuổi đời vượt quá mốc 85 mà vẫn viết liền tay, viết hầu như không biết mệt, vẫn cho ra sách đều đều, cuốn sách này là tác phẩm thứ 77 của ông. Tôi ngạc nhiên làm sao lão tướng có nghị lực và tìm đâu ra đủ thời gian để thường xuyên theo dõi thời cuộc qua các phương tiện báo chí, truyền thông đúng lúc, kịp thời đến vậy. Ông xem trọn nhiều bộ phim dài, mỗi bộ gồm mấy chục tập, phát đều đều trên sóng truyền hình hết tháng này sang tháng khác. Ông dành mấy chục đêm thưởng thức bộ phim Về nhà đi con qua màn ảnh nhỏ và kịp thời chia sẻ niềm vui với những người làm nên tác phẩm ấy ngay sau khi bộ phim được tặng Giải thưởng Đặc biệt của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39. “Một phần thưởng xứng đáng”, Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định, kèm nhận xét: “Các nhân vật diễn xuất tốt, nhiều tình tiết cốt truyện hay nhưng mở rộng có lúc xa khỏi trọng tâm câu chuyện”.

Qua một bài viết dài chỉ mươi trang sách, đề cập “Đề tài gia đình trong văn nghệ”, một vấn đề nóng trên thế giới ngày nay. Ông dẫn quan điểm của Ph.Ăng-ghen qua Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, rồi từ sáng tác về chuyện gia đình của các văn hào nước ngoài như H.Balzac, L.Tolstoi, F.Dostoevsky… trở về với các tác giả nước ta: Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Phan Tứ, Anh Đức, Lê Lựu, Ma Văn Kháng... 

“Vấn đề gia đình là hiện tượng hiện đang được nhiều nước quan tâm”, ông viết. Thanh niên một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày nay, nhiều người ngại lập gia đình. Một số nhà nghiên cứu Mỹ vừa làm một cuộc khảo sát xã hội về hạnh phúc qua thăm dò ý kiến của hàng nghìn gia đình cùng ý kiến của hàng nghìn người sống độc thân tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy hạnh phúc những người bên này cân bằng với niềm vui những người bên kia (1). Giáo sư dẫn thêm một số câu chuyện nữa trong cuộc sống gia đình xưa cũng như nay để cuối cùng đặt câu hỏi bức xúc: “Kết luận trên của các nhà nghiên cứu Mỹ nhằm mục đích gì và nói lên điều gì?” Và ông trả lời luôn thay cho họ, thay cho tất cả những ai đang phân vân, day dứt trước nỗi niềm: “Gia đình là một tế bào quan trọng trong xã hội, là những viên đá xanh góp phần tạo nên nền tảng của một xã hội, một khu vực lưu giữ và bảo vệ truyền thống đạo đức tốt đẹp của con người”.

Thiếu vắng gia đình, lấy gì kiến tạo nên xã hội?

Nghiên cứu, luận bàn về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh mong manh áo vải hồn muôn trượng là thế mạnh của Giáo sư Hà Minh Đức. Ông là một trong những học giả chuyên sâu hàng đầu ở nước ta về Bác Hồ. Ông dành nhiều năm tháng nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Người, đã công bố nhiều công trình uyên bác, giành nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, rồi Giải thưởng Hồ Chí Minh, và gần đây Giải thưởng cuộc thi viết Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, qua tác phẩm Hồ Chí Minh, Anh hùng dân tộc và tầm nhìn thời đại của Người (2015).

Cuốn sách xuất bản lần này in bốn bài viết đã được công bố qua các phương tiện truyền thông chuyên đề văn hóa. Tinh túy một cuộc đời và sự nghiệp đã trở thành di sản văn hóa nhân loại như cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh được tác giả gắn với thời cuộc và trình bày gọn qua hơn 20 trang sách, giúp người đọc suy ngẫm về những điều tưởng giản đơn mà vô cùng sâu sắc và sẽ thấm thía: hiểu biết của mình sau khi đọc tập sách dường như có phần dày dặn thêm, tâm hồn mình trong sáng hơn một chút. 

Tác giả nhắc lại một việc làm của Bác Hồ, thoạt nghe tưởng giản dị mà hàm chứa ý nghĩa sâu xa, nói lên tấm lòng canh cánh của Người đối với tiền đồ của dân tộc: Xuất bản bộ sách “Người tốt việc tốt”, qua những trang sách lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, nêu cao việc tốt nhằm nhân cái tốt rộng lớn hơn lên, có nhiều người tốt ắt xã hội đã tốt càng tốt hơn.

Hãy cùng nhau đọc một vài đoạn về những điều chúng ta vẫn tưởng là mình đã biết đã học, rồi sẽ tâm đắc với cách diễn giải uyên thâm mà giản phác của Hà Minh Đức. Ông viết: “Phương châm lớn thiêng liêng của Người, không có gì quý hơn độc lập, tự do là linh hồn mầu nhiệm nhắc nhở mọi người và cũng là bí quyết, là cẩm nang lịch sử không riêng cho dân tộc Việt Nam (...). Ngoài bài học lớn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, di sản lớn Người để lại là ý thức tôn trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ”. 

Giáo sư Hà Minh Đức kết luận: “Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. Di sản của Người để lại cho đời sau có thể được tiếp nhận từ nhiều góc độ. Nhiều giá trị, bài học còn tiềm ẩn cần được nghiên cứu, khảo sát, nhiều cẩm nang đã được mở. Hậu thế tự tìm thấy ở đó những bài học, lời dạy có tính tiên tri, thấu hiểu thời thế nhân tình, những giá trị lâu dài cho dân tộc, cho thời đại”.

Viết về bảy nhà thơ, nhà văn lỗi lạc qua những bài Tưởng niệm 100 năm ngày sinh của các vị, Giáo sư Hà Minh Đức cũng thuận tay. Ông từng có nhiều công trình nghiên cứu về các nhà thơ thuộc thế hệ vàng trong phong trào Thơ mới Việt Nam. Ông lặng lẽ làm việc ấy từ cuối thiên niên kỷ trước đến đầu thiên niên kỷ này, trong hơn một phần tư thế kỷ, và vẫn đang làm tiếp. Năm 2013, Nhà xuất bản Thuận Hóa tập hợp những cuốn đã in, trình bạn đọc một bộ sách đồ sộ dày hơn 1.300 trang khổ lớn nhan đề Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp bảy nhà thơ từ Nguyễn Bính đến Chế Lan Viên.

Những tưởng làm được chừng ấy đã viên mãn. Thế nhưng dòng chảy chưa ngừng. Cách đây vài năm ông xuất bản cuốn Lưu Trọng Lư, tình đời và mộng đẹp. Sau con nai vàng, đến lượt thi nhân nào, thưa Giáo sư?

*

Giáo sư Hà Minh Đức có nhiều thế mạnh: con người nhân hậu, vốn sống uyên thâm, bút pháp sắc sảo, thi thoảng bóng nhà giáo hiện lên thấp thoáng sau trang văn. Ông là Nhà giáo Nhân dân đồng thời là một nhà thơ. Ông đã cho xuất bản gần chục tập thơ, tập nào cũng có những bài lung linh gợi cảm. Nay viết thêm về những người đã đi về một nơi nào đó, ông không nghiên cứu, luận bình thì dí dỏm kể dăm ba mẩu chuyện nghề, chuyện đời liên quan đến các vị. Tính về tuổi đời, họ đều lớn hơn ông. Trong công việc sáng tác, nghiên cứu, ông là bạn tâm giao, cùng nhau chia sẻ vui buồn. Ông từng cùng họ làm những chuyến công du (hoặc ngao du) trong nước và nước ngoài, dự đại tiệc tại các khách sạn quốc tế năm sao và dùng bữa cơm thân ở nhà riêng thầy giáo trên căn gác phố cổ Hà thành. 

Đó là nguồn nước, là vốn sống thường xuyên bồi bổ, làm cho những trang viết của Giáo sư Hà Minh Đức về các nhà thơ, nhà văn tên tuổi trong bất cứ bối cảnh nào cũng thắm đậm tình người, cuốn hút bạn đọc.

(1) Theo bản tin thời sự phát trên VTV1, tháng 7-2020.