Thích đi qua hồ

Tôi hay đi qua hồ Thiền Quang. Đi để nhớ bố kể ngày xưa thiếu niên, học nhạc ở một căn gác mà người dạy là một linh mục. Ông linh mục dạy các bạn trẻ biết hát, thêm chút đàn ghi-ta hay măng-đô-lin, biết ký âm, nghe giai điệu chép được nốt nhạc ra giấy. Học nhạc để biết hát, biết nghe, thế là hay rồi, để có một tâm hồn biết vang lên những âm điệu, thì càng đẹp nữa.

Cũng ở bên hồ ấy, chùa Quang Hoa, có lần một cô quen biết hẹn bố tôi ra gặp để chuyển hộ tiền bà bác ở nước ngoài gửi cho tiêu vặt, thì bố tôi cũng không nhớ nổi là chỗ nào, phải trông vào người xe ôm chở bố tôi đi. Khi đó bố tôi đã cao tuổi, hay mệt, nên đường phố cũ mọc lên nhiều nhà cửa mới, không thể nào nhận ra. Hình như có lần đi đâu quá công viên Thủ Lệ, đến chỗ Cầu Giấy thôi là bố tôi đã không nhận ra là chỗ nào.

Nhưng sao có những chuyện bố còn nhớ mà cứ đau đáu lâu đến thế. Là một lần, hồi trường lớp ở trong Hà Nội di chuyển vào học tạm ở tận cuối Hà Đông, các bạn đùa nhau trong giờ giải lao. Thiếu niên đùa, xô đẩy thì cũng là chuyện thường. Có một bạn đẩy hay đánh nhẹ bố gì đó, thế mà bị ông đốc học đá đau. Hình như vì ông bà nội hồi đó thuộc kiểu nhà có tiền, cho con đi học cũng có đóng góp vào trường, nên ông đốc học ra chiều quan tâm. Kể chuyện ấy, bố tôi cứ chép miệng, giời thì rét, mà ông ý đi giầy tây cứng, ông ý đá nó…

Bố nhớ người bạn khác nữa, một hôm thấy bạn ấy ít nói, hỏi chuyện thấy giọng nói bé đi hẳn. Hóa ra là bị lạnh. Đùa bạn, đập đập vào người, thấy cứng cứng, thì ra bạn lót giấy báo ở trong người vì thiếu áo. Thế rồi bố về kể với bà, hôm sau bà lấy ít áo cũ bảo mang cho bạn để bạn mặc khỏi rét. Tôi nghe bố kể từ hồi còn bé, đang đi học cấp một, nên mấy hôm sau đó, cũng vào cái dịp đang đông, đến lớp cứ để ý xem có bạn nào phải mặc giấy báo ở trong người không thì sẽ về xin áo cho bạn. Mấy mươi năm trước thì cũng còn nhiều nhà thiếu thốn lắm. Nhưng rồi thấy bạn nào cũng có áo dày, mặc ấm cả, không áo cho trẻ con thì cũng là bộ cũ cũ của anh chị sửa lại. Nên cũng hơi tiếc vì không cho được đứa nào cái áo gì. Hồi đó tôi cũng có áo đẹp.

Những hồ nước xa xôi, nay đã bị lấp nhiều, có mang theo những câu chuyện soi bóng xuống mặt nước cũ mà tan sâu vào đất không! Cả những mặt nước còn lại, những gì đã diễn ra ở bên cạnh đấy, còn được lưu lại những gì, trong nhớ thương mờ ảo vụn dần qua thời gian cấp tập. Nhớ về Hồ Gươm mà bây giờ ngày ngày tôi đang ở liền bên cạnh nhưng có những khi sáng đến chiều chúi mũi vào máy tính, không ngẩng được lên mà nhìn thấy non nước cỏ cây thế nào, tôi chỉ thấy thấp thoáng cả nhóm gia đình họ hàng nhà mình đi chơi vòng quanh hồ.

Mấy lần các nhà tụ họp về trong phố, ở Hàng Mành, hay sang nhà cô tôi ở Hàng Trống, là có những lần rủ nhau lượn ra Bờ Hồ chơi, chụp ảnh, hình như đi ăn kem Tràng Tiền nữa, hình như thôi. Hoặc dẫn nhau đi bộ khắp các phố cổ. Người lớn đi để thấy lại tuổi thơ, tuổi trẻ mình ở góc phố này, dưới mái hiên ngôi nhà kia, những người bạn nào đó đã quen, đã thân thuộc. Trẻ con thì cứ thế đi theo, ngó nghiêng, lạ lẫm, nhất là thỉnh thoảng mới được ra Hà Nội một lần như tôi. Bây giờ tôi đi qua những chỗ ấy, những tường đá gầm cầu đường sắt, chợ Hàng Bè, hay đoạn phố Đường Thành xẻ chéo vào Phùng Hưng, và loáng thoáng những tên Hàng Thiếc, Quán Thánh, vườn hoa Hàng Đậu…, thấy cũng loáng thoáng một phất nhẹ tuổi thơ của mình, mấy bước chân đi bộ trong phố, chỉ như thế thôi, mà làm sao quên được, những bóng người mặc áo xanh bộ đội đi xe đạp đội mũ trùm tai, những cái vòng sắt đóng vào gần mép vỉa hè để gài bánh xe đạp cho xe đứng và khóa lại, những cây vươn cành khúc khuỷu, lá nối lá tỏa rộng dài.

Tôi nhớ được một lần theo mọi người vào đền Ngọc Sơn chơi. Chưa được đến những chốn như thế bao giờ, tôi lạ lắm, gió lộng thổi, mặt nước như mênh mông, nhìn xa lắm mới thấy hàng cây bên bờ và chầm chậm những bóng người xe thưa thưa chuyển động. Lạnh, và ngợp, đứng gần bậc cấp ở mép nước, thấy sóng nhấp nhô, thì sợ, vì hôm đó hình như nghe một đứa cháu họ nhưng hơn tôi vài tuổi nói, nếu thò tay xuống nước, con ba ba ở dưới sẽ đớp ngay, và nó cứ ngậm chặt như thế cho đến khi nào trên trời nổ ba tiếng sấm thì mới nhả. Ba ba mà! Tôi vừa sờ sợ vừa muốn thử thò tay xuống, vừa nhìn lên trời và nghĩ, không hiểu đến khi nào thì có mưa để có ba tiếng sấm. Về sau, cũng lại một lần chỉ có vài đứa trẻ con với nhau, rủ nhau vào đền chơi, có một đứa cũng sàn sàn như tôi, nó thò xuống nước rửa tay mà tôi thấy nể quá!

Tôi thích đi qua hồ cũng vì thế. Như một lẽ thường, người đi trên đất, mong thấy mặt nước để có sự cân bằng. Nhiều người chắc cũng như tôi, trông thấy mặt nước như được nhìn kỷ niệm.