Thế là mầu nắng họa mi

Tôi ngồi bên cây đàn dương cầm nghe bố chơi một bản nhạc. Bản nhạc bố sáng tác riêng cho mẹ, người đã làm nên những mùa cúc họa mi cho gia đình, cho làng. Bên dương cầm, chiếc bình gốm Bát Tràng được trang trọng cắm những cành họa mi đẹp dịu dàng. Từng nốt đàn như bông hoa nhỏ làm duyên trong gió nhẹ mà sâu lắng.

Bố tôi yêu đàn và tình yêu ấy được truyền lan sang tôi. Ông chơi nhiều hơn vào đầu đông, đặc biệt mùa cúc họa mi, khi mẹ ngắt những cành hoa đẹp nhất mang vào trưng trong nhà. Mẹ tôi đứng phía sau từ lúc nào. Một nụ cười hạnh phúc tỏa rạng. Mỗi lúc bố chơi đàn, mẹ thường im lặng nghe…

Làng tôi có truyền thống trồng hoa. Như nhiều phụ nữ, mẹ tôi chăm hoa khéo. Mùa nào hoa nấy, mải mê dâng hương sắc cho đời. Hai chục năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, những ngôi nhà ba bốn tầng lộng lẫy dần mọc lên khiến các vườn hoa phải thu nhỏ lại. Song hoa vẫn là đặc sản, nuôi giữ cho không gian làng lúc nào cũng ngan ngát hương. Cánh cúc họa mi mỏng, nhanh héo và dễ dập nát, đòi hỏi người chăm sóc phải có kỹ thuật tốt để giúp hoa nở nhiều.

Người Hà Nội chuộng cúc họa mi mươi năm trở lại đây. Họa mi cùng các loài hoa khác theo những chiếc xe đạp, gánh hàng rong tỏa về muôn nẻo phố, tô sắc cho đậm phố đậm mùa và tạo thành nhiều góc phố xinh, để cuộc sống giảm bớt ngột ngạt. Họa mi được nhiều cô gái tuổi đôi mươi ôm ấp, nâng niu trong những khuôn hình thanh tân. Ít ai biết ngày xưa cúc họa mi chỉ là loài hoa dại, mọc ở bãi sông, ven đê sông Hồng. Tuổi thơ tôi ăm ắp ký ức đẹp cùng bạn bè trang lứa trên vùng bãi bồi rộng lớn. Lạ lắm. Thành phố nhìn về phía kia thì đông ngờm ngợp xe cộ. Nhưng ở ngoài bãi, bên này thì mọi sự bình yên. Cả cánh muồm muỗm, cào cào bay cũng bình thản. Chúng tôi thường nằm trên bờ cỏ, áp má xuống phù sa để nghe đất thở, dế gáy và có lúc xốn xang hát đồng dao. Ở ngoài đê, vào những ngày cúc họa mi nở, trăng đầu đông đẹp lắm. Vành vạnh tròn trên nền trời đêm. Khác hẳn với trăng thu đầy huyền ảo và sặc sỡ. Cha mẹ tôi thuở xưa gắn với bờ bãi ngăn ngắt mầu xanh, với làng hoa rồi thành vợ thành chồng. Ðó là lý do bố luôn nhớ về loài hoa trắng, để sau này ông tôn vinh mùa bằng những bản nhạc, dành tặng mẹ.

Từ ngày nhu cầu chơi cúc họa mi ngày một nhiều, thì năm nào cũng vậy, cứ đến dịp vườn mẹ tỏa một mầu trắng miên man. Mấy năm trước mẹ vẫn cùng thím Xuân, thím Bính tần tảo đưa hoa đi khắp nẻo phố để họa mi đến tay người chơi. Mấy năm nay chị dâu tôi cùng những chị buôn lẻ mang đi bán. Làng cũng làm vườn cho thanh niên nam nữ đến chụp ảnh. Ngoài phố, trong các gia đình, nhìn đâu cũng thấy họa mi. Họa mi cắm trong bình đặt góc phòng, bàn khách. Họa mi xuất hiện trong buổi giới thiệu sách và ca khúc mới. Nhiều quán cà-phê theo trào lưu cũng mua hoa về làm tôn thêm vẻ đẹp của quán, giúp không gian đẹp.

Tôi bước vào thời thiếu nữ. Cúc họa mi, hoa lau trắng hằn in trong những giấc mơ tuyệt đẹp của thời yêu và hy vọng. Tôi mong hoa làm chứng nhân cho lời tỏ tình của anh hôm ấy và chúc phúc cho tôi, như cúc đã làm đẹp tình yêu của bố mẹ, và giúp tình yêu ấy tiếp tục nảy nở, đơm hoa. Ở ngoài kia, dòng chảy ồn ã. Nhiều cặp đôi đưa nhau đi chụp ảnh cưới với những ánh mắt ngời yêu và hy vọng.

Ðứng giữa vườn cúc, tôi ngập vào mầu trắng tinh khôi. Người yêu tôi đang gọi tôi từ phía mặt trời rộ sáng. Ở trong nhà, bố tôi đã chơi đàn từ lúc nào, bài Thế là mầu nắng họa mi.