Thân thương bóng tre quê

Một buổi chiều muộn, lang thang nơi một miền quê yên ả, bỗng nhiên bắt gặp rặng tre vàng óng. Không phải tre đằng ngà, là tre quê, đầy gai, những chiếc lá xanh đung đưa trong gió. Tôi say sưa đứng ngắm rặng tre làng, bỏ mặc đằng sau cô bạn đang mải mê tự chụp ảnh cho mình với mê man hoa dại. Cô bạn thời thơ ấu và rặng tre làm hồi ức tôi trở lại thời ấu thơ, nơi quê nhà chân đất đầu trần, rút nõn lá tre làm khuyên, đeo lủng lẳng từ tai cho tới tận đôi bàn chân nhỏ, mơ một ngày làm cô dâu được đeo nhiều khuyên vàng như thế.

Năm xưa, khi tôi lẫm chẫm những bước đi đầu tiên trên con ngõ nhỏ, đã thấy hiện hữu ở đó, dọc hai đường đi là bao nhiêu tre hóp. Gốc và thân tre đan thành bức tường rào chắc chắn ngăn đám trẻ con đi trên đường không rơi xuống ao, ngăn đám trẻ choai choai chui vào vườn hái quả. Trên đầu, ngọn tre hai bên rào vấn vít, đan thành một vòm xanh óng ả. Trưa hè, bờ tre nhẵn thín vì người trong ngõ ra ngồi hóng mát. Bên lũy tre, người lớn ngồi tuốt rơm làm chổi, vót nan đan rổ rá giần sàng, chuyện trò rôm rả, trẻ con vạch đất vẽ ô ăn quan, duỗi chân chơi chắt chuyền, tiếng cười chen tiếng đồng dao chuyền một/một đôi. Chuyền hai/hai đôi… Câu chuyện buổi trưa lắng xuống khi gió mát hiu hiu, nắng chiều xiên qua thân tre chiếu vệt dài xuống mặt đất. Đã đến giờ bước chân ra đồng cấy hái, nhổ cỏ, bắt sâu…để đến khi mặt trời lặn xuống dãy núi phía tây, dãy tre làng đã đen thẫm, lại quẩy những đôi quang gánh đầy rau, cỏ về nhà.

Làng tôi có nghề đan lát từ rất lâu. Rổ rá, giần sàng, thúng mủng... mỗi loại vật dụng được làm từ các vật liệu khác nhau. Những chiếc rá vo gạo đủ mọi kích cỡ phải được đan từ thân cây hóp, thân nhỏ mà gióng dài. Giần sàng để làm gạo thì phải đan từ thân cây vầu, những người đàn ông trong làng phải đi mua tận vùng núi Thanh Hóa, Hòa Bình. Mỗi chuyến “đi vầu” của bố và người làng phải mất ba, bốn ngày. Cơm nắm, gạo, mắm muối mang theo trong tay nải, đạp xe ròng rã năm, bảy chục cây số, vào rừng mua vầu rồi chặt xuống, pha sẵn thành những thanh nhỏ, bó thành từng bó chở về. Cây vầu gióng dài, ít mắt, lại chỉ được vót lấy phần “cật” mỏng để đan thành những chiếc giần, sàng mỏng mảnh mà chắc, dẻo hơn cả thanh nhựa bây giờ. Cái sàng xoay tròn trên tay mẹ để “lùa” những hạt thóc chưa xay hết vào một góc, cái giần đan dày hơn thì để lọc những hạt gạo tấm. Để có hạt gạo trắng ngần thơm dẻo, trước kia phải qua bao nhiêu công đoạn: xay, giã, giần, sàng, sảy. Thành ra đến lúc có máy xay, máy xát rồi thì những vật dụng đó thành ra thừa thãi. Làng tôi mất nghề truyền thống vì đan rổ rá thì dễ hơn, nơi nào cũng làm được, tre hóp lại sẵn trong ngõ, trong vườn mỗi nhà.

Cây tre trồng được trong ngõ thì thô, gióng ngắn, nhiều mắt, nhiều “bụng” thì chỉ thích hợp để đan những vật dụng để đựng như cái sề, cái rổ… Nhưng tre thì còn góp mặt trong nhiều góc đời sống: gốc, rễ tre làm củi đun, thân tre bánh tẻ làm cọc chống, làm cán cuốc, cành tre nhiều gai làm hàng rào, ngọn tre “cong gọng vó, kéo mặt trời lên cao”…

Ngày tôi còn bé, không khéo tay đan lát, mẹ hay giao cho việc quét lá tre. Lá tre khô rụng đầy dưới gốc, tôi mang chiếc chổi rễ bó bằng những thanh tre chẻ nhỏ, quét gọn về đổ thành một đống trong góc vườn. Chỗ góc vườn có cái lò nhỏ để hun khói cho các vật dụng đã được bàn tay khéo léo của mẹ tôi, chị tôi làm nên. Phải hun bằng khói của lá tre, đồ dùng mới có đủ độ bóng đẹp. Thứ nước sơn vàng óng tự nhiên ấy cũng làm cho các vật dụng từ tre vầu không bao giờ bị mối mọt.

Tuổi thơ mỗi ai ở làng quê đều thấy cây tre gần gũi, thân thương. Lớn lên đi xa, nay trở về quê, do đô thị hóa, nhiều vùng không còn bóng dáng quen thuộc của nó nữa mới ngẩn ngơ nghĩ về một sợi dây bền vững giữa con người với thiên nhiên trong thói quen sinh hoạt của cha ông ngày trước. Sợi dây ấy giờ đây lỏng lẻo dần, khiến người ta trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.

Nhưng chiều nay, tôi mừng lòng khi bắt gặp một rặng tre làng vàng óng…