Tác phẩm văn chương phải là hơi thở của đời sống

Sau những bàn luận, đánh giá về văn chương giải trí được đăng tải trên Nhân Dân cuối tuần các số gần đây, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản hồi, trao đổi tâm huyết từ những người hoạt động văn học và bạn đọc. Với mong muốn mang đến một góc nhìn sâu và cũng như đề xuất những giải pháp mang tính căn bản, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam quanh vấn đề này.

Tác phẩm văn chương phải là hơi thở của đời sống

- Thưa ông, nhiều người đang cảm thấy lo ngại trước hiện tượng dòng văn học giải trí được nhiều bạn đọc trẻ lựa chọn?

- Văn chương giải trí, thị trường là vấn đề của nhiều nền văn chương thế giới. Thực tế đã và đang diễn ra nghịch lý nhiều cuốn sách của các nhà văn tên tuổi, được giải thưởng không được công chúng biết đến, trong khi những cuốn sách đặc chất giải trí lại được bán rất chạy. Ngay cả trên truyền hình, phim ảnh, nói về những mối tình tay ba tay tư, hời hợt lại được theo dõi rất đông.

Tác phẩm văn chương phải là hơi thở của đời sống ảnh 1

Các độc giả đọc sách trong không gian trên tuyến phố sách Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh

Chúng ta có thể lý giải từ căn nguyên sâu xa, nhưng vô cùng quan trọng, là độ sâu của tâm hồn con người đến đâu, họ sẽ đón nhận sản phẩm của nghệ thuật tương xứng. Trong chiều sâu tâm hồn của không ít người Việt Nam đương đại, có cái phần nông cạn, chạy theo thị hiếu và những điều ít giá trị. Trên cái nền dân trí còn thấp, nhu cầu vật chất, lối sống đơn giản đang lấp dần cái hồ nước sâu của tâm hồn người đi. Nước cạn thì không có cá lớn.

Cũng trên cái nền dân trí, chúng ta thấy hiện tượng tranh giành nhau hôi của khi ai đó gặp nạn, giành nhau suất ăn miễn phí xảy ra ở đời sống, và đó là một cảnh báo lớn về xã hội chứ không chỉ văn chương. Văn chương chỉ là một cái hàn thử biểu để đo chiều sâu, khát vọng sống và vẻ đẹp trong con người thôi.

Văn chương hàn lâm, có giá trị bị thờ ơ, lỗi lớn là hệ thống dân trí, một phần thuộc các nhà văn. Lâu nay chúng ta quá ít hướng về đời sống văn hóa, nghệ thuật chiều sâu, những giá trị nhân văn cao cả và đời sống tinh thần. Chúng ta đang hướng về cuộc chạy đua vật chất. Đồng tiền trở thành thứ làm khuynh loát rất nhiều thứ trong xã hội. Đương nhiên bạn đọc bình thường, thiếu chiều sâu sẽ không chạm được đến những cuốn sách sâu sắc, chứa đựng tư tưởng mỹ học.

Còn ở phía nhà văn có thể uyên bác đấy, viết ra những điều có tư tưởng lớn đấy, nhưng nó lại rời xa với đời sống. Đọc nó người ta không thấy những câu hỏi về đời sống con người, nỗi bức bách, nỗi phiền muộn, tuyệt vọng và cả những giấc mơ của con người.

- Vậy là chính nhà văn cũng cần phải nhìn nhận lại mình, để không bị bỏ lại phía sau, và để thu hút công chúng tiếp cận tác phẩm văn học giá trị?

- Đây là nỗi trăn trở, dày vò của nhiều nhà văn. Vậy chúng ta làm đơn giản tác phẩm đi, tăng tính thị trường lên để thu hút bạn đọc ư? Lúc nào đó chúng ta cần bàn kỹ về văn chương của những điều tâm huyết và có tính tư tưởng và văn chương đáp ứng những thị hiếu bình dân.

Theo tôi, hạ thấp tiêu chí tác phẩm để cung ứng thị trường, thì có thể nhà văn có thêm một số bạn đọc, bán sách nhiều hơn, nhưng đến một ngày tác phẩm của họ sẽ bị loại. Sứ mệnh của văn học là phải nâng bạn đọc lên. Chúng ta cần tạo ra một đời sống sinh hoạt văn chương cao cấp hơn bằng chính cách viết về những gì thật gần gũi. Chúng ta không nên chê đề tài nhỏ, chỉ có cách viết hay nhà văn nhỏ thôi. Người ta có thể viết về những điều nhỏ bé ngay trong gia đình, trên đường phố, nhưng cuốn sách vẫn hấp dẫn, mang tư tưởng lớn.

Bởi vậy, nhà văn và người đọc đều phải phấn đấu. Không ngừng nâng tầm tác phẩm và tầm đọc của bạn đọc.

- Nhà văn trẻ là tương lai của nền văn học. Nhưng tôi nhận thấy những năm qua Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến lực lượng này. Khúc mắc do đâu ạ?

- Hội Nhà văn có quan tâm đến người trẻ, nhưng mới quan tâm đến một phía, đó là chú trọng đến việc trao giải thưởng hằng năm đối với những tác giả trẻ và đặc biệt là kết nạp những người trẻ vào Hội.

Còn một phía nữa, theo tôi quan trọng hơn là chúng ta phải tạo ra đời sống trao đổi, học thuật cao hơn. Việc tổ chức các hội thảo chuyên sâu cho nhà văn trẻ rất thiếu hụt. Đó là một khiếm khuyết. Tôi nghĩ Hội Nhà văn hãy có chương trình trọn vẹn hơn đối với các nhà văn trẻ để gọi ra những gương mặt trẻ, chỉ ra điều họ đang phải đối đầu, phác thảo con đường văn học của họ, cảnh báo những điều họ đi vượt quá đường biên của sự đổi mới. Bởi cho dù muốn hay không muốn thì mươi năm nữa họ sẽ là chủ nhân của nền văn học nước nhà.

- Việc mưu sinh vất vả có phải là lý do khiến văn chương thiếu vắng tác phẩm lớn không, thưa ông?

- Nhà văn viết là nhu cầu tự thân, không thể đổ lỗi vì xã hội, vì mưu sinh, thiếu đầu tư mà không viết được tác phẩm hay. Lý do đó chưa thỏa đáng. Trước đây từng có đề nghị trao giải thưởng cho tác phẩm đầu tay của người viết trẻ. Ở đó dành cho họ một khu vực, một diễn đàn để bàn luận về họ một cách kỹ lưỡng nhất. Nhưng chưa làm được. Tôi nghĩ, sau mỗi kỳ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, Ban Nhà văn trẻ, cùng với Hội Nhà văn Việt Nam cần phải có những hoạt động thiết thực hơn để chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ những người viết trẻ.

- Nhân nói về việc hỗ trợ sáng tác, việc Hội Nhà văn hỗ trợ thường kỳ cho các hội viên dường như chưa thật hiệu quả?

- Phải nói là việc đầu tư vẫn còn những mặt hạn chế. Tới đây, Hội có chủ trương chọn lựa nhà văn có đề cương tốt, sung sức, uy tín để đầu tư một cách nghiêm cẩn, như thế may ra mới có tác động thật sự. Liệu Ban chấp hành có đủ bản lĩnh để quyết định đầu tư cho ai lớn hơn được không? Như đầu tư 50 hay 100 triệu đồng/người chẳng hạn, và chỉ chọn 15 người, trong đó có người trẻ với sự sáng tạo đang rất sung sức và mới mẻ của họ. Nhưng Hội Nhà văn cũng gặp áp lực không nhỏ trong vấn đề đầu tư từ chính hội viên.

- Ông giải thích thế nào khi dư luận chỉ ra có hiện tượng “xin-cho”, trao giải luân phiên cho những người trong hội đồng, chứ không phải trao cho tác phẩm chất lượng?

- Tôi phải nói với mọi người rằng, từ nhiệm kỳ 8, các ủy viên trong ban chấp hành không nhận đầu tư, tham gia xét giải, mà dành cho các hội viên. Còn một số nhà văn đạt giải thưởng nằm trong các hội đồng, thì thật ra họ có quyền được xét. Nhưng không ít tác phẩm của họ chưa có sức thuyết phục cao hơn những tác phẩm không được giải. Điều đó vô tình gây nên ngờ vực, rằng các thành viên của hội đồng ủng hộ nhau. Cách tốt nhất để xóa đi ngờ vực là phải chọn lựa những tác phẩm thật sự thuyết phục.

- Hội Nhà văn Việt Nam đã tính đến việc xã hội hóa trong đầu tư, tổ chức các cuộc thi văn chương để giải quyết vấn đề kinh phí cho hỗ trợ sáng tác?

- Trước đây việc xã hội đầu tư cho văn chương tốt hơn bây giờ. Nay người ta có thể rất hào hứng tài trợ cho tổ chức thi hoa hậu, người mẫu, nhưng thật khó để tài trợ cho thi văn chương. Ở nhiều nước, các tổ chức văn học chủ yếu nhận tài trợ từ các quỹ văn hóa nghệ thuật, các tập đoàn kinh tế. Tiêu biểu như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ thực hiện xã hội hóa rất tốt.

Xin khẳng định lại, trước kia tình yêu văn chương đã làm nên tư cách, nhân cách người Việt. Văn học nghệ thuật đã làm nên tâm hồn họ. Còn ngày nay tâm hồn nhiều người đang chìm vào đời sống thật thô thiển, vật chất, văn học nghệ thuật đang bị lãng quên.

Có ý kiến nên kết nạp các doanh nhân, những người yêu văn chương và đã cống hiến cho văn chương vào hội là những hội viên danh dự. Điều này đối với nhiều nước không mới. Điều lệ kết nạp hội viên có lẽ cũng nên thay đổi một chút. Nên kết nạp hội viên danh dự, trong đó có những người nước ngoài viết tác phẩm về Việt Nam, hay những người truyền bá văn học chúng ta ra nước ngoài. Việc kết nạp hội viên danh dự như các doanh nhân từng được nói đến, nhưng ít nhiều có những phản ứng, cho rằng làm như thế đánh mất sự sang trọng của hội. Tôi nghĩ, hội Nhà văn chỉ thật sự trở thành nơi sang trọng khi làm ra những tác phẩm hay chứ không chỉ có mỗi cái tên.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.