Kỷ niệm 220 năm ngày sinh PUSKIN (6-6-1799 - 6-6-2019)

PUSKIN BẤT TỬ

Mọi vật có thể tan đi không dấu vết

Chỉ có thiên tài là sống mãi với tháng năm

Những lời thơ bất hủ ấy, Puskin (1799 - 1837) dành để tôn vinh các tài năng lớn trong lịch sử thi ca nhân loại. Nhưng chính ông cũng là một trong những tượng đài xứng đáng nhất cho sức sáng tạo vĩ đại về văn chương.

Hơn 200 năm trước, nhà thơ Nga danh tiếng Giu-cốp-xki trong một lần đến thăm "thần đồng" Puskin, đã nhận xét: Puskin là "người khổng lồ sẽ vượt lên hết thảy chúng ta". Thực tế đã minh chứng hùng hồn cho lời tiên đoán đó.

Những năm tháng học ở trường trung học (Pê-téc-bua, 1811-1817), Puskin may mắn được một số thầy giáo tiến bộ, quan tâm dìu dắt. Ðây cũng là thời kỳ mà quân và nhân dân Nga làm nên chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Pháp. Những nhân tố đó đã hun đúc trong Puskin niềm tự hào dân tộc, thổi bùng khát vọng tự do trong tư tưởng cũng như cảm hứng nghệ thuật của nhà thơ.

Tài năng thi ca của Puskin được bộc lộ rất sớm. Ông có nhiều bài đăng báo từ năm 15 tuổi. Nga hoàng muốn Puskin phải dùng tài năng phụng sự, tụng ca cho vương triều mục ruỗng, thối nát của y. Nhưng Puskin luôn khảng khái; làm người lĩnh xướng tư tưởng lật đổ, một "ca sĩ tự do" của thời đại. Ðược bổ nhiệm làm viên chức Bộ Ngoại giao; có điều kiện thấy rõ tính chất phản động của Nga hoàng A-lếch-xan đệ nhất, Puskin xác định chỗ đứng của mình là người chiến sĩ đấu tranh cho nền văn học - nghệ thuật Nga tiến bộ. Nhiều tác phẩm tràn trề khát vọng tự do của ông ra đời. Trong đó, không hiếm những vần thơ đanh thép kết án triều đình Nga bạo tàn:

Hỡi tên vua chuyên quyền bạo ngược

Ta căm ngươi và ngôi báu của ngươi

Từ năm 1820 đến năm 1826, Puskin bị Nga hoàng đày đi biệt xứ ở Xi-bê-ri và phương bắc. Hàng loạt tác phẩm của ông đã được hoàn thành trong thời gian này, như: Người tù Cáp-ca-dơ, Con chim nhỏ, Cô nàng Hy Lạp thủy chung, Chiến tranh, Những người Tsưgan, vở bi kịch lịch sử Bôrix Gôdunôv và khởi bút tập tiểu thuyết bằng thơ Ép-ghê-nhi - Ô-nhê-ghin.

Ðáng chú ý là từ năm 1825, ngòi bút của ông đã có bước chuyển biến quan trọng về phương pháp sáng tác: từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực. Nhiều bài thơ về đề tài tình yêu đôi lứa (Gửi K, Tôi yêu em) xuất hiện cùng lúc với những bài lấy cảm hứng từ đời sống chính trị đương thời (Ăngđơrê, Sênhiê). Ðêm 14-12-1825, cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp nổ ra tại Pê-téc-bua và nhanh chóng bị dập tắt. Nga hoàng vừa hăm dọa, vừa tìm cách mua chuộc Puskin. Bọn bồi bút thì ra sức vu cáo, bôi nhọ danh dự của nhà thơ một cách hết sức bỉ ổi. Vượt lên tất cả, niềm tin vào lý tưởng, vào cuộc sống trong Puskin không hề bị lay chuyển:

Vinh quang không màng, nhục hờn sá kể

Chẳng bận lòng với kẻ thích người chê

Chẳng hoài công với những đứa ngu si

Tháng 11-1827, Puskin nhờ một người quen chuyển đến nhà ngục Xi-bê-ri bài thơ tặng các chiến sĩ quân khởi nghĩa Tháng Chạp. Trong bài thơ, ông đã bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ trước những người anh hùng. Ðồng thời, bộc lộ niềm tin vào sự nghiệp giải phóng đầy chính nghĩa mà mình và mọi người cùng theo đuổi:

Và xiềng xích nặng nề rơi rụng xuống

Và ngục hầm sụp mất, và tự do

Bên cửa ra đón các anh vui sướng

Bạn bè xưa, gươm kiếm sẽ trao tay

Từ sau năm 1830, thực tế xã hội và đời sống riêng tư đã có sự tác động lớn đến sự nghiệp sáng tác của ông.

Cuộc đấu tranh của nông nô đòi tự do đã in đậm trong rất nhiều sáng tác của Puskin thời kỳ này (Tập truyện của ông Benkin, Phát súng, Bão tuyết, Ðài kỷ niệm, Người con gái viên đại úy).

Tháng 2-1831, Puskin cưới Natalia, một giai nhân tuyệt thế, làm cho không ít kẻ đố kỵ. Tên sĩ quan Pháp lưu vong Ðan-tét là một trong số ấy. Y vốn là tay sai của chính quyền Nga hoàng nên việc gây sự với Puskin nằm trong âm mưu được tính toán trước. Cuộc đấu súng của hai người diễn ra theo kiểu hiệp sĩ châu Âu, được dàn xếp vào tháng 2-1837. Puskin ngã xuống giữa tuổi hoa niên, khi tài năng đang ở vào độ chín.

Những sáng tác của Puskin có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người đọc. Nhà phê bình văn học Nga Séc-nư-sép-xki đã nhận định: "Một câu thơ hay có sức mạnh bằng cả một sư đoàn". Tiếng Nga, trong thơ Puskin đã trở nên uyển chuyển, tinh diệu; đủ sức diễn tả mọi cung bậc tình cảm của thế giới tâm hồn con người. Ðọc thơ Puskin, chúng ta có thể hình dung được cốt cách con người Nga; hương vị những vùng đất Nga với những ngôi nhà gỗ sồi, những cao nguyên lộng gió, từng đàn ngựa sải vó chạy dài trên những thảm cỏ xanh mênh mông, những cánh rừng bạch dương bao la tuyết phủ và những cỗ xe tam mã lao vun vút, những mùa thu vàng lộng lẫy trong những rừng dương, rừng sồi… Thơ Puskin quả đã có sức cảm mê hồn. Như dòng suối trong mát, ngọt lành, đọng mãi, làm ngân lên những rung cảm sâu xa trong mỗi tâm hồn chúng ta. Yêu thơ Puskin, chúng ta yêu thêm ngôn ngữ Nga, dân tộc Nga, con người Nga đáng yêu và cương nghị.

Phần lớn tác phẩm của Puskin sau này đã được chuyển thể thành nhạc kịch, phim truyện. Hầu như tất cả văn nghệ sĩ Nga đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Puskin. Thơ ông luôn gần gũi với mọi tâm hồn Nga, ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của ông sẽ tồn tại mãi với nhân dân Nga và nhân loại tiến bộ, đúng như ý nguyện của nhà thơ: "Tôi thuộc về đất nước mình, và tôi muốn tên tuổi tôi được trong sạch ở khắp chỗ nào mà người ta biết đến tôi".