Phố bàng Hồng Hà

Nhà tôi ở phố Hồng Hà (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), con phố nhỏ chạy dọc ven sông Hồng (đoạn từ Lào Cai đến ngã ba Việt Trì gọi là sông Thao) trồng toàn bàng. Những cây bàng mọc hai bên vỉa hè, nhưng chúng cố nhoài người ra đường rồi đan kín vào nhau tạo nên một vòm bàng hun hút. Trước cửa nhà tôi có hai cây bàng. Hai cây bàng này bố tôi đánh ở bờ sông về từ lâu lắm rồi. Chắc có con chào mào nào ăn quả bàng chín rồi nhả hạt mà bén rễ ở đấy.

Hai cây bàng gầy nhưng lại cho quả sai hơn những cây bàng khác. Đặc biệt, những quả bàng khác có ruột màu mỡ gà, thì quả bàng của hai cây bàng gầy lại có ruột màu hồng đào, mà bà tôi gọi là giống bàng đào. Mỗi buổi trưa hè, khi bà nội khép gà mắt ngủ và cái quạt cọ trong tay bà lỏng ra là tôi bấm tay cái Thơ vội vàng trở dậy. Tôi cầm cây sào dài để chọc, còn cái Thơ giơ vạt váy ra để hứng quả bàng rơi xuống. Lau vội vào áo quả bàng vỏ vàng óng mật ong, đưa lên môi cắn một miếng ngập chân răng vào thịt quả hồng điều, tự nhiên thấy mắt sáng lên, thấy lưỡi mềm ra, còn con tì, con vị thì thi nhau nhảy múa trong bụng và nước miếng không biết ở đâu mà tứa về nhiều thế. Ăn no bàng chín, tôi lấy viên đá đập hạt bàng lấy nhân ăn tiếp. Nhân quả bàng mới gọi là ngon, bùi hơn lạc luộc, ngó sen. Đặt hạt bàng vừa gặm xuống vỉa hè rồi cầm một viên đá hộc đập thật mạnh lên hạt bàng, bóc hết lớp xơ đi sẽ trơ cái nhân trắng nõn như hạt gạo nếp nương, như con ong non. Bỏ tỏm cái hạt nếp nương, cái con ong non ấy vào miệng, chưa kịp nhai đã thấy nó dính vào kẽ răng vì ít quá. Muốn biết nhân bàng ngon thế nào, phải để dành khoảng dăm ba cái, rồi nhai chậm rãi thôi để cảm nhận vị bùi trước khi số nhân ấy chui tọt xuống dạ dày của một đứa háu ăn. Nhưng có mấy ai để dành được như thế, vì được cái nào là cho vào miệng cái ấy.

Từ tháng mười trở đi, những mắt lá bàng xanh biếc bắt đầu chuyển sang đỏ rực, rồi bất ngờ một sáng mùa đông, khi gió bấc tràn về mang theo hơi lạnh se sắt thì những cây bàng đồng loạt thắp lửa như những ngọn đuốc. Từ xa, đàn chim sẻ phía bờ sông Hồng đã nhìn thấy những ngọn đuốc khổng lồ, chúng rủ nhau bay về hót ríu ran trong vòm lá. Tiếng hót của đàn chim sẻ làm cây bàng giật mình trút xuống từng chùm lá. Tôi thì chắc chắn rằng những chiếc lá bàng vừa rụng ấy là giọt nước mắt đỏ ối của người mẹ nhớ đứa con xa, còn cái Thơ thì quả quyết lá bàng rụng như những đôi môi hồng tươi của cô gái trẻ. Tôi cãi mỗi cây bàng chỉ có một đôi môi thôi chứ, lấy đâu ra lắm thế. Nó nguýt một cái rõ dài rồi bảo, anh vào hỏi bà mà xem. Bà tôi nói, đứa nào bảo giống môi thì cuộc đời sẽ vui vẻ vì môi là để cười, để nói, còn đứa nào bảo giống nước mắt thì có lẽ cuộc đời sẽ… buồn hơn đấy con ạ. Bà nhìn ra phía sông Hồng xa xôi trước mặt trút một tiếng thở dài như gió. Có phải vậy không mà đi cạn tuổi thanh xuân tôi vẫn tri âm, tri kỷ với nỗi buồn?

Trong giấc mơ, tôi nghe thấy tiếng gì cựa mình thật khẽ, nghe lách tách. Rồi một sớm giêng hai, tôi mở toang cửa sổ. Mưa bụi giăng tơ trên những chồi bàng non vừa chớm hé. Mưa bụi mỏng manh như đuôi mày thiếu nữ. Trăm nghìn chồi non là ngàn vạn ngọn nến xanh trong. Tôi nhận ra mùa xuân đã về trên những chồi non, lộc biếc.

Khi nắng hè bắt đầu oi bức, thì cây bàng trong phố bắt đầu trổ hoa. Những chùm hoa bàng be bé, li ti như những vì sao trốn tìm trong kẽ lá. Hoa bàng trăng trắng như ngà, hoa bàng xanh xanh như ngọc. Mỗi tối bà thường kê một chiếc chõng tre trên hè phố. Bà phe phẩy quạt cọ rồi gãi rôm dọc sống lưng cho tôi. Đầu tôi nặng dần, mắt tôi rơi xuống. Và tôi thấy mình đang bay trên vòm hoa bàng trắng xanh, trên khoảng trời sao lấp lánh. Hoa bàng rụng như sao sa từng loạt mơ hồ xuống vai áo bà tôi. Hoa bàng rơi như cơn mưa từng trận hư ảo vào giấc mơ tôi.

Bà bảo mỗi thứ cây đều có thể là một vị thuốc, cây bàng cũng vậy. Lá bàng rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô rồi trộn với kinh giới, bạc hà, vỏ quýt sau đó đem sắc lấy nước uống. Chỉ uống một lần khi nước còn nóng, sau đó đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ trị bệnh cảm sốt. Búp bàng non ngâm rượu dùng để chữa viêm lợi, sâu răng, viêm sâu đến mấy cũng khỏi tiệt. Những thứ thuốc bình dân, dễ kiếm ấy lúc nào bà cũng có sẵn trên gác bếp, trong chạn bát. Những vị thuốc thảo thơm như tấm lòng bà nội. Mùi thuốc bắc phơi sương của bà nội cứ bay rập rờn trong nỗi nhớ của tôi, dù bà đã đi xa.

Tôi lớn lên và đi xa phố bàng Hồng Hà. Nhưng ký ức của tôi thì vẫn luôn ở đấy, trong trẻo và hồn nhiên đến lạ.