Phan Quang - hương văn tím ngát

Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản tuyển tập truyện ngắn Tím ngát tuổi hai mươi của nhà văn, nhà báo Phan Quang.

Phan Quang - hương văn tím ngát

Ðề từ sách là bốn câu thơ trong bài Màu thời gian của Ðoàn Phú Tứ:

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát.

Màu thời gian là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Phong trào Thơ mới. Bài thơ được đăng trên báo Ngày nay số Tết năm 1940, được Hoài Thanh, Hoài Chân tuyển vào Thi nhân Việt Nam dựa trên cảm hứng về một mối tình dù kết thúc bi lụy nhưng hương và sắc của nó là bất diệt.

Phải chăng, Phan Quang mượn bài thơ này để nói về mối tình của ông đối với văn chương?

Vốn mang một trái tim dễ rung động, sinh ra trong một gia đình nhà nho truyền thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn học cổ và văn học Phương Tây, Phan Quang ôm mộng văn chương, mơ ước trở thành nhà văn từ thuở học sinh. Và có thể nói tác phẩm có giá trị đầu tiên của ông là truyện ngắn Lửa hồng đăng báo Cứu quốc Liên khu IV số Tết năm 1949.

Thời trẻ, cũng như cả cuộc đời của Phan Quang sống trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Yêu cầu thời đại đòi hỏi một thanh niên yêu nước như ông phải trở thành chiến sĩ đứng ở tuyến đầu của bão táp cách mạng và thổi lên bão táp cách mạng. Nếu chiến đấu bằng ngòi bút, thì báo chí là trực tiếp và hữu dụng hơn cả trong bối cảnh ấy. Và Phan Quang đành gác lại “nghiệp văn” , dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp báo chí cách mạng, từ Báo Cứu quốc đến Báo Nhân Dân, Ðài Tiếng nói Việt Nam…

Nhưng đến cái ngó sen cũng “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, huống chi là một duyên văn, tình văn sâu nặng như ở Phan Quang!

Ðọc đề từ ấy, dâng lên một bâng khuâng thương cảm, một trân trọng, nâng niu.

Trân trọng ấy, trước hết ở tình văn của Phan Quang. Một mối tình đầu đời thơ mộng, đến cuối đời vẫn mộng mơ và tím ngát thủy chung. Mầu tím không riêng của Huế. Cả miền trung đều yêu mầu tím. Phải chăng đây là vùng của sim mua, của những chân trời tím. Ánh sáng tím là ánh sáng giàu năng lượng, cũng như bản chất người miền trung, giàu năng lượng và tận cùng quang phổ, tận cùng mọi điều, không thể tận cùng hơn?

Tình văn, đối với Phan Quang là tình đời, tình cách mạng.

Những truyện ngắn, truyện vừa in trong tập này gồm Lửa hồng, Vô du kích, Ðất rừng, Bên phá Tam Giang, Chiếc khăn tang, Anh bạn thợ dép của tôi, Ông lão làm vườn trong Nhà Chung, Ðêm - đều viết về con người và cuộc sống trong kháng chiến. Một nhà thơ đã viết về miền trung rất đúng như sau:

Tôi thương về miền Trung kiên trung

Thương đôi bàn chân bước biển, bước rừng

Làm lính - Lính Cụ Hồ

Làm dân - Dân kháng chiến...

Ðó là hiện thực của đất nước trong thế kỷ 20 và văn của Phan Quang đã phản ánh được những khía cạnh căn bản của hiện thực ấy.

Tôi yêu ông lão trong Lửa hồng, rất có ý nghĩa tượng trưng, rất tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, giành và giữ nước của người Việt Nam, tiêu biểu cho lòng dân đối với Cụ Hồ. Làng ông, nhà ông bị Tây đốt phải vô rừng sống, đã mất hết, thà mất hết nhưng trong lòng ông và dân làng vẫn cháy sáng một bếp lửa của tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời Cụ Hồ về trường kỳ kháng chiến đã thấm vào trong máu ông, một lão quê, mọi lão quê. Một truyện nhẹ nhàng mà làm cho người ta lạc quan và hiểu sâu sắc, một dân tộc như vậy không thể không chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Một truyện ngắn có tư tưởng và ý nghĩa lớn lao.

Ðọc truyện của Phan Quang luôn thấy những phẩm chất cao quý của người Việt. Xúc động nhất là anh Cao (trong truyện Ðêm), một người nghèo khổ đến cùng cực, vẫn cưu mang người khác, giúp ích được cho người khác; vượt lên trên mọi dư luận và giới hạn tầm thường. Ðể nhìn thấy và viết thuyết phục về cái đẹp, tác giả phải có tấm lòng yêu thương thiết tha con người và cuộc sống, phải có ánh nhìn đẹp phát ra từ cả tâm nhãn, tuệ nhãn. Phan Quang giàu cả đôi mắt ấy. Chứng kiến cảnh hai em bé ngóng mẹ bên phá Tam Giang - mẹ chúng vừa bị địch bắt, cha thì bị địch bắn chết mấy hôm trước đó (trong truyện Bên phá Tam Giang); Phan Quang nhớ lại: “Riêng đôi mắt mở to của em bé vẫn bám theo tôi rất lâu. Có những đêm khó ngủ, cứ khép mắt là tôi nhìn thấy đôi mắt đen lay láy của em, vừa ngạc nhiên vừa khẩn cầu, và giọng của em còn ngọng gọi Mạ! Mạ! Cứ mỗi lần đến mùa gió bấc mưa phùn trở về tôi lại nhìn thấy - như một lời nhắc nhở - cảnh hai em bé mặt tím ngắt ngóng chờ mẹ bên bờ phá Tam Giang”...

Ðó là tình văn!

Hương văn của Phan Quang luôn tím ngát trong hồn ông, trong từng tác phẩm. Nó bay lên và ngân nga trong tiếng Việt. Tiếng Việt giàu đẹp, dưới ngòi bút Phan Quang càng trở nên có hồn. Chỉ xin lấy một thí dụ trong truyện Lửa hồng: “Lớp than mỏng màu hồng đang thiu thiu ngủ, trên mình phủ lượt tàn trắng mỏng và mịn tựa phấn bướm, bị mấy thanh củi giá buốt chạm vào, giật mình tóe sáng, hắt tàn phấn lên. Ông lão cụm mấy thanh củi lại cho sát vào nhau rồi ghé miệng thổi mạnh vào bếp. Chỉ một lát sau ngọn lửa như bừng tỉnh giấc, cháy tươi vui rồi càng về sau càng rần rật”.

Hương văn của Phan Quang quấn quýt trong lao động báo chí, tỏa thơm trong từng tác phẩm báo chí của ông. Chất văn trong báo hiện lên khi ông nghĩ, ông viết, không chỉ ở những câu từ bóng bẩy mà ngay trong vấn đề và cấu tứ, trong hình tượng và hình ảnh, trong sự liên tưởng, trong những thủ pháp nghệ thuật. Trong cuốn Nghề báo nghiệp văn (NXB Thông tấn, 2005), Phan Quang khẳng định: “Văn học và báo chí cũng đang trong quá trình tích hợp. Tôi dám quả quyết hiện tượng ấy là xu thế toàn cầu”. Và ông là một biểu hiện sinh động về sự tích hợp ấy.

Tình văn, hương văn, đóng góp lớn của Phan Quang cho văn học nước nhà còn thể hiện ở những tác phẩm dịch trứ danh: Mùa hè thứ ba của Konstantin Simonov, Từ sông Volga đến sông Ðông của văn hào Paustovsky; Những ngôi sao ban ngày của Olga Bergholtz; Nghìn lẻ một đêm (đã tái bản hơn 40 lần), Nghìn lẻ một ngày (tái bản 17 lần)... Với Nghìn lẻ một đêm, nhà thơ Trần Ðăng Khoa nhận định, Phan Quang là người dịch “hay nhất”, “chuẩn nhất” (Mấy lời mở sách của tập Tím ngát tuổi hai mươi).

Con đường từ nhà văn đến nhà báo hay từ nhà báo đến nhà văn, nhà văn hóa của Phan Quang; con đường của người chiến sĩ - nghệ sĩ của ông, là con đường cần noi theo của các thế hệ cầm bút. Tài năng là điều khó học; thành công đến đâu còn do tài năng và điều kiện. Nhưng định hướng và nỗ lực lao động là điều có thể học tập được từ Phan Quang và các nhà văn, nhà báo tiền bối khác.