Trao đổi ý kiến

Phải tham dự vào đời sống bằng trái tim và lòng yêu mến

Tiếp tục bàn luận về sự thiếu vắng nhân vật trung tâm trong tác phẩm văn chương, từ góc nhìn của những người trực tiếp sáng tạo tác phẩm văn học, các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Ðỗ Tiến Thụy, Văn Thành Lê đã chia sẻ nhiều điều thú vị.

Phải tham dự vào đời sống bằng trái tim và lòng yêu mến

- Thưa các nhà văn, một trong những vấn đề quan trọng tạo nên tác phẩm văn chương có giá trị, như nhiều nhà phê bình bàn luận là cần có nhân vật trung tâm của tác phẩm. Từ góc độ người sáng tác, các ông quan niệm như thế nào về vấn đề này?

- Nguyễn Xuân Khánh: Nhân vật trung tâm được tác giả viết với cái nhìn đa chiều, đa tính cách mà người viết đầu tư tâm huyết vào đó. Nhân vật ấy cộng rất nhiều nhân vật thật khác mà người viết quan sát được, rồi hư cấu, biến đổi một cách nhuần nhuyễn. Khi đó nhân vật trung tâm đã trở thành đứa con sáng tạo của người viết.

- Ðỗ Tiến Thụy: Ở Việt Nam vào thời kỳ 1945-1975, khi mà mọi người đều hướng sự quan tâm tới cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, đề tài chiến tranh đã trở thành dòng chủ lưu và hình tượng người lính đã trở thành nhân vật trung tâm trong rất nhiều tác phẩm, cả thơ và văn xuôi. Thời kỳ sau 1975, văn chương Việt Nam khát vọng xây dựng được những con người mới xã hội chủ nghĩa kiểu Paven của văn chương Xô-viết, nên nhân vật trung tâm lúc này được hướng về công nhân, xã viên hợp tác xã… Bước sang thời kỳ đổi mới, sự quan tâm của độc giả và nhà văn đã mở ra nhiều hướng khác nhau, nên việc không còn nhân vật trung tâm là điều tất yếu.

Phải tham dự vào đời sống bằng trái tim và lòng yêu mến ảnh 1

- Văn Thành Lê: Tôi hình dung nhân vật trung tâm "như nhiều nhà phê bình đã bình luận" là kiểu nhân vật tích hợp những "đặc tính" điển hình có tính khái quát phản ánh hiện thực xã hội. Văn chương thế giới đã có rất nhiều nhân vật "kinh điển" kiểu này. Văn chương Việt, cả một thời gian dài, đa số đều hướng đến những nhân vật trung tâm. Không phủ nhận, nhân vật độc đáo, có tính phổ quát, cùng chi tiết đắt sẽ sống lâu trong những "lời kể" của người đọc. Tuy nhiên, văn chương đương đại giờ có chiều hướng đi sâu vào những góc nhỏ bé, sự phân mảnh, để chạm vào miền -
cảm - giác - người. Tác phẩm không còn là sàn diễn độc quyền của nhân vật. Nhân vật lúc này lùi lại một bước, ẩn hiện, có khi chỉ như cái khung để tác giả treo lên đấy xúc cảm sống, tâm lý sống và cảm giác sống.

- Nhưng phải nhìn nhận thêm, nhiều người sáng tác trẻ cứ mãi quẩn quanh khai thác đề tài tình yêu, ngay cả nhiều nhà văn có tuổi thì nhân vật của họ cũng mờ nhạt, có phải do thiếu vốn sống, sự sáng tạo hay không có nhân vật là đối tượng thể hiện?

- Nguyễn Xuân Khánh: Tôi khẳng định lại, giờ là thời để viết tiểu thuyết. Nhưng nó chưa tụ vào ai, do người viết còn thiếu vốn sống ở nhiều phương diện, hoặc đang mải mê mưu sinh và nhiều nỗi lo khác. Nhưng nhu cầu của xã hội yêu cầu gay gắt lắm, rồi cái anh nhà văn có tài cũng xuất hiện thôi. Chúng ta hãy cứ chờ đợi.

- Ðỗ Tiến Thụy: Tình yêu là một đề tài vô tận, từ thượng cổ tới giờ các nhà văn đã, đang và sẽ còn khai thác, tại sao lại nói là quẩn quanh? Vấn đề nằm ở chỗ tình yêu được khai thác ở góc độ nào, đằng sau tình yêu ấy là gì… Romeo - Juliet của cụ Shakespeare,Thúy Kiều - Kim Trọng của cụ Nguyễn Du là những câu chuyện tình yêu và vẫn sừng sững qua hàng trăm năm đấy thôi.

Còn chuyện nhân vật mờ hay đậm là do cái tài của mỗi tác giả, chả nệ trẻ hay già. Dựng được các nhân vật có da có thịt có hồn, có tính đại diện tầng lớp, sống được trong trang sách và bước được ra cuộc đời như Chí Phèo, Thị Nở, Xuân tóc đỏ của Việt Nam; AQ của Trung Quốc; Jave, Fantine, Don Juan của Pháp; Don Kihote của Tây Ban Nha… là mơ ước của nhà văn nhiều thế hệ. Nhưng cũng có nhiều nhà văn chủ trương làm nhòe nhân dạng, danh tính nhân vật, như F.Kafka chẳng hạn, với nhân vật mỗi chữ K., thế mà vẫn hay.

- Văn Thành Lê: Bản thân đề tài tình yêu không có lỗi. Thậm chí chưa bao giờ lỗi thời. Lỗi là ở cái tài của người viết đến đâu. Người tài năng thì đề tài nhỏ, chi tiết nhỏ cũng có thể "thổi" thành tác phẩm lớn, người kém hay ít tài thì viết về đề tài lớn, ôm đồm những chi tiết tưởng lớn vẫn chỉ tạo ra được tác phẩm cỏn con.

- Vậy theo hình dung của các nhà văn, nhân vật trung tâm của văn chương thời đại hiện nay là ai?

Phải tham dự vào đời sống bằng trái tim và lòng yêu mến ảnh 2

- Nguyễn Xuân Khánh: Mỗi nhà văn có vốn sống, vốn sống đó quy định nên nhân vật và tác phẩm của anh ta. Ðề tài nào cũng cần xoáy sâu, như ô nhiễm môi trường, số phận người nông dân…, hay những nỗi đau thầm kín của con người.

- Ðỗ Tiến Thụy: Nhân vật là một sinh thể văn chương, nó cần được hoài thai tự nhiên bằng tình yêu sáng tạo của nhà văn chứ không phải là sản phẩm "thụ tinh nhân tạo". Văn chương đương đại chưa/không có nhân vật trung tâm, đó là điều đáng mừng hơn đáng lo. Vì nó chứng tỏ nền văn chương của chúng ta đang có tín hiệu dân chủ, đa dạng, không còn "mẫu độc quyền", không còn "hát một giọng". Chính khách, doanh nhân, người lính, công nhân, nông dân, sinh viên…, mọi thành phần xã hội đã, đang và sẽ trở thành nhân vật. Mỗi nhà văn, tùy tình cảm, sở trường của mình mà chọn đề tài, tạo ra một nền văn chương phong phú.

- Văn Thành Lê: Với tôi, nhân vật trung tâm của văn chương hiện nay là… tác giả. Vì tác giả mới là người quyết định nhân vật đấy là ai, cho nhân vật "ra sân khấu" hay chỉ "đứng sau cánh gà".

- Hiện nay tác giả, lực lượng sáng tác nhiều nhưng nghịch lý là ít nhà văn và tác phẩm chất lượng, làm sao để xu hướng này có thể đảo chiều?

- Nguyễn Xuân Khánh: Ðể viết hay phải tham dự vào đời sống một cách sâu sắc, tận cùng, bằng trái tim và lòng yêu mến với cuộc đời. Ðừng hời hợt. Thậm chí dám hy sinh, dám bị ảnh hưởng, bị liên lụy. Nếu không "dám" thì chúng ta chỉ viết ra những thứ làng nhàng.

- Ðỗ Tiến Thụy: Tác phẩm thật sự có giá trị thì bao giờ cũng hiếm hoi. "Ðể làm sao người viết và chất lượng tác phẩm tỷ lệ thuận với nhau?", đó là câu hỏi lớn quá sức tôi. Tôi chỉ biết rằng, ở Việt Nam, sau hơn một trăm năm có chữ quốc ngữ, những tác phẩm đỉnh cao như Chí Phèo, Số đỏ, Tắt đèn…; thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thâm Tâm, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… lại được viết trong giai đoạn 1930 - 1945, khi mà xã hội Việt Nam đang hỗn độn, nhiều trường phái văn chương, nhiều khuynh hướng sáng tác mở ra để đáp ứng nhiều thành phần độc giả, nên đương nhiên thời ấy không có mẫu nhân vật trung tâm.

- Văn Thành Lê: Sáng tạo văn chương là chuyện của mỗi cá nhân. Chẳng ai nghĩ thay và định hướng thay ai được. Tôi vẫn thấy trong đội ngũ khá đông người già người trẻ đang viết, bên cạnh những người chạy theo thị trường, chiều lòng thị hiếu số đông, vẫn có những tác giả trẻ không dễ dãi, kiên định lầm lũi tìm cho mình lối đi riêng, để đi đường dài với văn chương.

- Xin cảm ơn các nhà văn!