Núi vẫn dựng phía chân trời…

Không hẳn là phố trên núi cao, luôn thường trực niềm kiêu hãnh được vượt lên so những trung du, đồng bằng, mặt biển phía dưới thấp. Nhiều khi ta đến những thị xã vùng cao, dù nơi ấy còn nhiều đạm bạc, lòng vẫn tự dưng dấy lên niềm kính phục. Hình như nỗi niềm ấy di truyền qua mạch huyết thống, từ thuở nào đã sẵn một cảm hứng ngưỡng vọng trước nguồn cội núi rừng.

Mà là phố của những núi đồng bằng như đột ngột dựng lên từ đất phẳng. Một thú vị đến ngỡ ngàng với những bàn chân không đi được quá xa khỏi nơi trú ngụ, nhưng vẫn biết nuôi âm ỉ ngọn lửa lên đường. Với những núi ấy, ở nơi phố xá sông ngòi ruộng đồng mương máng, sự thú vị có thể được nuôi thành cảm hứng bền bỉ giữa tháng ngày eo hẹp. Bởi chưa có những dịp phiêu lưu, người ta vẫn gặp được núi, để mà thỏa mãn một thay đổi cảnh sắc trong mắt nhìn, từ phòng chật phố đông nhà hộp phố bàn cờ sang những mỏm đá lởm chởm, gồ ghề, phóng khoáng, và cây lá vươn lên tự do trên những gờ dốc lượn.

Được thấy núi, là như thấy gì đó gần gần, thân thuộc. Thấy một vững chãi, một bền bỉ để đời sống vật chất sinh hoạt thường ngày qua bao lớp người đã ít nhiều dựa vào, nương vào đó. Đã nhờ rừng nhờ cây của núi mà sống, nhờ hang động dưới chân núi, trên mình núi chở che, nhờ suối từ lòng núi và hồ nước bên sườn núi mà uống, mà tắm gội, mà thả hoa, buông thuyền, ngâm vịnh. Rồi mang cả tâm tưởng linh thiêng vào trong suy nghĩ về núi, thêu dệt những huyền thoại núi khi tìm cho mình điểm tựa tinh thần.

Nghĩ cũng cảm thương, cảm mến những mong nhớ của người đời. Khi không ở liền bên thì vẫn tạo dựng ra những hình hài để trân quý. Chẳng phải ai đó qua bao tháng ngày vẫn mang những ước mơ được hướng về phía núi đồi đấy sao! Cho nên chẳng đi đến đâu được, thì sân chùa đứng ngắm bể non bộ mà lặng mình vào những khối đá sỏi ghép xi-măng đã lên rêu, điểm xuyết những hình người nho nhỏ, chiếc cầu, vài con thú gốm và một thân si nhỏ uốn mình, một khối núi nhỏ bé mà mơ hồ bí ẩn. Ngay đến ngôi nhà chật, bên bàn uống nước, xưa đã nhiều người và nay vẫn không ít người chơi, những bể cá cảnh gắn non bộ ngập thân mình trong nước. Nhìn rong vơ vẩn, đôi con cá bảy sắc lượn lờ mà mông lung tưởng đến những miền hoang sơ sơn thanh thủy tú. Có chậu cây thế nhỏ, người đặt vào đó hòn đá, là lăng kính thu lại thiên nhiên rộng lớn miền xa, cỏ cây chen cùng đá núi lô nhô, bàng bạc mà thân thiết.

Người xưa biết có núi đẹp liền tìm đến chơi. Người nay, địa hình đột khởi của thiên tạo vĩ đại ấy, vẫn không nguôi niềm háo hức lái xe, ngồi xe vượt đường dài đến tận chân để trèo lên mà hưởng niềm phấn khích của vượt qua, chinh phục, của lên cao mà nhìn xa hơn, rộng thêm giữa chốn bao la trời nước. Trên những đường rong ruổi ngoại thành, tôi nhìn về phía những dải núi bao quanh phố xá ruộng đồng đê điều Hà Nội, bao quanh những thế hệ, quanh chính tôi hôm nay, mà lòng ngưỡng mộ. Dãy Ba Vì hắt ánh hồng và những quầng vàng đỏ phía lưng núi thẫm đen lại những chiều về. Dãy Sóc Sơn nối về phía Tam Đảo vươn dựng như thành lũy lớn, sắc nét trong ánh lam lúc mặt trời đã lên cao rọi xuống soi tỏ những gờ núi lấp lánh. Những núi nhỏ nối nhau từ Xuân Mai về phía Lương Sơn, Kim Bôi, Mỹ Đức, như bầy thú hồng hoang từng đàn, từng nhóm, từng con lẻ di cư hướng chân trời vần vụ. Những núi thấp, nhỏ nhưng uy nghi như có hào quang sáng lên trên đất đá ong Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất…, lan tỏa thành một vùng tranh vẽ của những khối xanh giữa mầu xanh vườn tược, đồng cỏ.

Những núi ấy, tỏa các hướng đường lên dốc xa đến tận non xanh, thung lũng vùng cao, đến những sơn nguyên chất ngất đá xám và rừng nhiệt đới mù mịt, trở nên những chuỗi liên tiếp và bề thế của cuộc tạo dựng địa chất, sinh quyển khổng lồ. Những núi làm cho ta kính mến, như nhắn thêm cho ta sự tự sáng trong những khoảnh khắc lặng người chiêm ngưỡng. Đó là, núi không chỉ nguyên những vật chất đá, đất các chủng loại, mà núi là cây, cỏ, là rừng là suối và nhịp sống sinh vật, nhận từ nguồn đá, mạch đất sức sống, để rồi khoác trở lại lên vỏ đất đá ấy nhịp sinh sôi, biến hóa vô cùng. Thế nên, kính núi mà yêu lấy những gì trên mình núi, trong đó, có nhịp sống hiện tại của chính con người. Kính núi mà giữ lấy sự sung túc, mỡ màng của rừng, của chim thú, mà nâng niu hơn cuộc sống những con người, đời người đang dựa vào rừng núi.

Hôm nay, khi ta nhận về quá nhiều rạn vỡ, sập đổ, chìm lấp và trơ trọi từ phía núi rừng, những điều giữ gìn ấy càng thêm nhoi nhói. Có những gì giữ lại, có gì còn tái tạo, hồi sinh, có gì còn chữa chạy được? Có gì là lý do của những mất mát? Những dáng núi vẫn dựng lên uy nghiêm phía chân trời, nhìn từ xa lộng lẫy, nhưng người ta biết, trên thân mình lấp lánh ấy, đã có nhiều điều không còn xanh tốt. Nhìn thấy phía trước, và ngay cả lúc quay đi, núi vẫn dựng lên như một câu hỏi. Chúng ta đã làm gì, để xa rời vẻ đẹp lộng lẫy, linh thiêng, sự phồn sinh và uy nghi của những ngọn núi?