Ký ức thành Vinh

Đứng trên tầng cao của khách sạn Mường Thanh - Phương Đông ở trung tâm thành phố Vinh nhìn về phía nam mở ra một khoảng trời trải dài về hướng sông Lam. Bên cầu Bến Thủy nhộn nhịp lại qua, núi Dũng Quyết sừng sững, chứng tích tòa thành Phượng Hoàng Trung Đô còn đó in giữa trời xanh giấc mơ định đô không thành của Hoàng đế Quang Trung.

Phượng Hoàng Trung Đô - giấc mơ dang dở của Người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Phượng Hoàng Trung Đô - giấc mơ dang dở của Người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Cũng từ hướng mở tầm mắt chiều nay là hình bóng những nhà máy, xóm làng ngày nào in trang sử liệt oanh lớp lớp công nông tay búa tay liềm vùng lên trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Dấu vết đạn bom thời Vinh là tuyến lửa trên hành trình trường chinh cứu nước cũng như vẫn còn đây…

Chọn một góc khiêm nhường trong quán cà-phê nhỏ bên phố Trường Thi, giữa cái se lạnh cuối Xuân, cảm xúc người trở về nôn nao kỳ lạ. Chủ quán hình như nhận ra giọng nói thân thuộc và nét trầm ngâm trong tôi, chị lặng lẽ thay đĩa nhạc Pop thịnh hành bằng những khúc hát mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Giọng của nữ ca sĩ hàng đầu miền đất “choa” da diết trong giai điệu “Câu đợi câu chờ” của nhạc sĩ Ngọc Thịnh: “Ngày ấy bên bờ sông Lam. Anh nghe câu hò ví giặm. Để một đời anh đi xa. Để ngàn lần anh nhớ mãi…” Câu hát như đưa hồn người lặn vào ký ức thành Vinh để hồi niệm một thuở thơ ngây…

Với tôi, thành Vinh là cả một miền ký ức. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa một bên là tiếng sóng ì ầm Biển Đông và một bên là quầng sáng hắt lưng trời thành phố. Những ngày đánh Mỹ, miền trung thắt khúc ruột mình hơn ở Vinh. Những đêm nằm dán dưới đáy hầm ướt át để khỏi nổ bung tai vì bom B52 và đại bác Mỹ từ Hạm đội 7, người quê tôi thao thức vì Vinh. Một tiếng nổ bục cũng đủ thót tim người, Vinh ở đó. Ở đó có làng Đỏ, có nhà máy điện, nhà máy gỗ, có cầu phao Bến Thủy và đêm đêm những đoàn xe phủ lá ngụy trang rùng rùng chở cả miền bắc kiên dũng, nghĩa tình ra tiền tuyến. Đường thiên lý vẫn thông thì dòng tiếp viện vẫn còn. Tôi nhớ bom Mỹ dội kho xăng Hưng Dũng lửa cháy ngút trời suốt mấy ngày đêm. Tôi nhớ ngư lôi trôi ngược sông Lam nổ tan phà Bến Thủy. Tôi nhớ phiên chợ Trụ và buổi lễ nhà thờ Nghĩa Trủng trở thành nơi tàn sát tập thể của bom đạn thù. Tôi nhớ tuổi thơ mình trên gồng gánh trong đêm sơ tán qua thành Vinh hoang tàn, đổ nát. Tôi cũng nhớ những trận địa pháo cao xạ vây quanh thành phố khạc lửa đốt nóng trời đêm và máy bay Mỹ rơi cháy rùng rùng sáng lóa dòng sông. Còi tầm nhà máy điện trở thành tín hiệu báo động, báo yên. Nhịp còi tầm là nhịp đập những trái tim xứ Nghệ trong thời chiến tranh. Dòng điện hắt lên từ lưng trời sau mỗi trận bom và sáng ra lá cờ Tổ quốc vẫn phấp phới bay trên đỉnh Dũng Quyết là tín hiệu báo rằng: Vinh vẫn sống!...

Sau chiến tranh, người ta nhớ lại, vùng đất nhỏ bé trên chặng quan trọng của huyết mạch đã phải hứng chịu hơn 250 nghìn tấn bom đạn, ngư lôi với 5.000 lượt đánh phá của kẻ thù. Dưới đạn bom, 1.500 chuyến xe vượt sông Lam chi viện cho chiến trường miền nam. 127 máy bay giặc bị bắn rơi trên bầu trời Vinh; 13 đơn vị và bảy cá nhân đất Vinh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

* * *

Năm 1976, cậu tôi từ chinh chiến trở về đã chở tôi trên chiếc xe đạp Thống Nhất đi xem bóng đá ở sân vận động Vinh, đội Thể Công giao hữu với đội Bông Lúa (Liên Xô cũ). Gọi là sân vận động cho oai, khán đài A được dựng bằng khung tre và hàng rào là những tấm phên nứa. Sau trận bóng, chiếc kem đầu tiên trong đời tôi được ăn ở phố Tam Đồng dù lộ đa phần là đá lạnh cứng nhưng ngon hơn tất cả những cây kem tôi ăn sau đó. Tô phở chỉ toàn thịt bạc nhạc dai nhách và mì làm từ sắn ở cửa hàng mậu dịch Quán Lau tôi đã húp không còn giọt nước. Dù cách Vinh hơn mười cây số nhưng trong tâm khảm của cậu bé quê, Vinh là một thiên đường. “Thiên đường” ngày ấy mới gượng dậy sau đổ nát chiến tranh. Cậu chở tôi qua khu làng Chay vẫn còn nổi chìm ụ pháo; qua Cửa Nam lên chùa Diệc nham nhở hố bom và sập gần hết mái chùa; qua Cổng Chốt - cổng thành cổ bị rốc-két bắn cắt cụt nửa thân; qua Bến Thủy với chằng chịt lõm lồi vết thương trên núi, dưới sông…

Từ sau Hiệp định Pa-ri, Vinh vươn mình đứng dậy giữa đống đổ nát. Ai những ngày đó cùng sống với Vinh, cùng đi đường vòng qua những hố bom, bước chầm chậm dưới những khu nhà sập, chỉ biết thở dài xót xa: biết đến bao giờ vết thương trong lòng Vinh mới lành da thịt. Thế nhưng, bằng chính bản tính can trường, chịu thương, chịu khó, người thành Vinh đã góp từng tấm ván lát hầm, mẩu sắt gỉ và cả những mảnh vỡ đạn bom để dựng lại quê hương. Sau chiến tranh, công việc kiến thiết thành phố gần như hoàn toàn trông chờ vào sự viện trợ của các nước bạn Liên Xô (cũ), Ba Lan, CHDC Đức… và dấu ấn lưu lại là những công trình như cảng Cửa Lò, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, khu phố cao tầng Quang Trung, Nhà văn hóa thiếu nhi Ten-lơ-man… Những năm tháng ấy, chuyên gia các nước bạn cùng chia sẻ kham khổ với người dân Vinh, cùng ăn cà pháo, rau muống, uống nước chè xanh trong những ngày khởi đầu kiến thiết. Vinh cũng lập kỷ lục, là chỗ đứng chân của tám công ty xây dựng với hàng vạn công nhân. Khi tất cả những người bạn quốc tế ra đi, Vinh lại trở về với nhịp điệu của chính mình. Và hôm nay, công việc ấy, nhịp điệu ấy vẫn còn tiếp diễn…

* * *

Một lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đã nói với tôi rằng: “Vinh có trăm ngàn thuận lợi và trăm ngàn khó khăn trong một chữ “trẻ”. Chính sự trẻ ấy là “vạn sự khởi đầu nan” và cũng chính sự trẻ ấy mà tạo cho Vinh rất nhiều thuận lợi trong việc quy hoạch, quản lý, mở mang đô thị; chính sự trẻ ấy mà đất và người thành Vinh có nhiều cơ hội để năng động và tiếp thu…”. Đúng như vậy, thành phố Vinh dày trong lịch sử - văn hóa và trẻ trong đổi mới, dựng xây.

Ký ức thành Vinh ảnh 1

Thành phố Vinh ngày càng khang trang, hiện đại.

Hôm nay ngắm Vinh, sau chừng ấy tháng năm, đống hoang tàn ngày xưa đã trở thành đô thị loại I, trung tâm quan trọng khu vực bắc miền trung. Vinh đã mang trong mình một gương mặt sáng sủa và đầy tính “mở” của một đô thị trong thời hội nhập. Những nhà máy, những công trình, những khu công nghiệp Bắc, Nam Vinh, những trung tâm thương mại mọc lên nhanh chóng. Hệ thống giao thông nội thị phong quang, rộng rãi. Những con đường từ Vinh mở rộng ra với bên ngoài bằng tất cả các loại phương tiện: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy. Vinh rộn rã, tấp nập. Vinh trở thành một thành phố không ngủ kể từ ngày nước nhà đổi mới. Vinh làm kinh tế biển với cảng Cửa Lò, Bến Thủy; Vinh làm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao với sự kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài; Vinh làm du lịch với một hệ thống di sản lịch sử và danh thắng. Vinh kết nối với khắp ba miền, với nhiều nước bạn. Thành phố Vinh đã bước qua cái thời “nhà không số, phố không tên”, vượt qua buổi “cơm cao gạo kém”. Không ai còn nhắc những câu vần vè dân gian tự trào của thuở ấy: “Năm 82 gạo cũng 82. Dân xứ Nghệ mắt vàng như Nghệ”. Nhưng để bước kịp với nhịp điệu hiện đại thì với Vinh vẫn còn là một sự đợi chờ. Hãy nhìn, sáng sáng những người dân ngoại ô từ năm ngả đổ về thành phố tất tả mưu sinh. Nếu bàn về sự phân hóa giàu nghèo thì Vinh cực nhanh. Ở Vinh, có những doanh nhân xây biệt phủ riêng hàng trăm tỷ đồng và cũng có những khu dân cư với những lớp bình dân chỉ kiếm nổi vài ba chục nghìn đồng mỗi ngày. Kinh tế phát triển nhanh và những “căn bệnh” đô thị như thiếu điện, thiếu nước, ô nhiễm môi trường kéo theo. Gần như, dòng sông Lam thơ mộng và các bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của một đô thị lớn…

* * *

Để ngắm thỏa tầm mắt và cảm nhận về dòng lịch sử thành Vinh cho trọn vẹn hơn, tôi và hai người bạn đồng nghiệp leo lên Dũng Quyết. Đứng trên đỉnh núi, hoài cổ trước dấu xưa Phượng Hoàng Trung Đô là suy ngẫm về mối quan hệ vua - tôi đặc biệt độc đáo giữa Hoàng đế Quang Trung và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Đó là cuộc gặp gỡ có một không hai trong lịch sử dân tộc. Cuộc tâm giao vì đại nghĩa giữa vị anh hùng chí lớn và bậc đại phu chối bỏ công danh lui về thôn sơn ẩn dật. Thành phố Vinh chưa một lần thật sự là đất đế đô, nhưng sử sách ghi rõ, Hoàng đế Quang Trung đã chọn cố hương để lập kinh thành. Tiếc thay, sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng còn dang dở, ông qua đời ở tuổi bốn mươi sau nhiều năm chinh chiến và 5 năm trị vì đất nước. Giấc mộng mở mang cơ nghiệp của Nguyễn Huệ không thành, nhưng dấu tích và tên gọi Phượng Hoàng Trung Đô thì mãi mãi lưu vào sử sách. Trên mỗi hòn đá, cành cây của ngọn núi Dũng Quyết nổi tiếng này như còn văng vẳng chiếu thư Hoàng đế áo vải cờ đào: “Nay kinh Phú Xuân hình thế cách trở. Ở xa trị vì Bắc Hà sự thế rất khó khăn. Theo đình thần nghị rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về…”.

Hơn hai trăm ba mươi năm trước, vị Hoàng đế có cội nguồn xứ Nghệ đã nhìn thấy huyệt rồng ở vùng non nước “địa linh”. Dù giấc mộng kinh đô không thành nhưng Vinh của ngày hôm nay đã trở thành một trung tâm phát triển năng động của khu vực bắc miền trung trong thời đổi mới…

* * *

Biển Đông ngoài xa vẫn ì ầm vỗ sóng, sông Lam trước mặt uốn khúc dịu dàng và con đường thiên lý Bắc - Nam tấp nập, rộn rã trải dài trong nắng. Hành hương ngày cuối Xuân, đôi dòng ký ức về thành phố quê hương và cho tâm hồn rạo rực ngân theo câu hát của nhạc sĩ Lê Hàm ở cuối đĩa nhạc trong quán cà-phê bên góc phố Trường Thi: “Ôi đẹp sao! Trăng treo trên đỉnh núi Quyết trăng trong. Giọng nói miền Trung ngời ân tình xứ sở. Tiếng hát câu hò văng vẳng trời xanh. Thành Vinh sáng ngời nắng tỏa bình minh…” . Và để thấy thành Vinh quê tôi, một gương mặt với nhiều đường nét mở hiện ra giữa xứ sở gió Lào, cát bỏng.