Khế ước của tâm hồn...

Có khi nào, đang mải mê trên hành trình vạn dặm, giữa bộn bề công việc hay miên man kỳ thú thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, con người của những miền đất lạ, đang tưng bừng cảm xúc thăng hoa, bỗng ngỡ ngàng khi ngẫu nhiên gặp được ảnh hình, thanh âm, lời ăn tiếng nói hay cảnh vật có nét quen thuộc tương đồng - thế là nôn nao gợi nhớ, thế là thảng thốt giật mình: phải chi... phải chi... ơi chốn quê nhà!

Còn đấy một lời hứa hẹn, một ánh mắt xa xôi, một bâng quơ bất chợt giữa dòng đời không ngừng trôi chảy. Còn đấy những nẻo đường quanh co đèo dốc, những bến nước, khung trời để ngỏ; còn đấy những lặng lẽ dư ba của những chia xa hẹn ngày tái ngộ: còn đấy một sợi dây vô hình kết nối thời gian, kết nối không gian của chút gì mong đợi, ngóng trông, của những sẻ chia tâm tình vui buồn tán tụ. Thời gian lặng lẽ kết lắng trong những vật đổi sao dời, như là quy luật thế, nhưng cũng còn biết bao điều vẫn vẹn nguyên - thậm chí lung linh như minh định một thân phận và đời sống riêng. Một tiếng gọi đò, một câu hò ví dặm, một tiếng sáo diều, một điệu nam ai nam bình, một câu hát ru ầu ơ, điệu lý, một rổn rảng cười nói giữa rộn rã xuồng ghe xuôi ngược của phiên chợ nổi trên sông... Đôi khi một sắc mai vàng, đào thắm cũng gợi bao nhung nhớ về những mùa xuân bất tận ở mỗi vùng quê. Sông có nguồn cây có cội, cảm hứng quê nhà có thể lúc mờ lúc tỏ, ngỡ như ngẫu nhiên, mà dễ chi rơi vào quên lãng?

Thượng nguồn văn hóa Việt Nam, từ xa xưa thuở còn chưa có internet đã truyền miệng đời này qua đời khác: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Xa quê, dù phơi phới nhộn nhịp ở phương trời nào, mỗi khi đau đáu phía quê càng thấy thấm thía đến quặn lòng cái ý cái tình thâm thúy của người xưa gửi gắm trong những câu ca dẫu đã thuộc như là kinh điển! Và nỗi nhớ tự bao giờ, đã như một phong vị đặc trưng trong tâm thức người Việt, khi bời bời khắc khoải: “Quê nhà xa lắc, xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Nguyễn Bính), lúc canh cánh bên lòng: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Huy Cận)...

Ấy là khi chùng lòng nhớ quá, những làn khói lấm láp tuổi thơ hè nhau hun chuột hoặc gom rơm rạ đốt đồng đang lơ lửng bay vào không trung của những buổi chiều cuối năm phơ phất. Chiều ba mươi Tết rộn ràng bên nồi bánh chưng nghi ngút, quây quần cùng gia đình bên ban thờ tiên tổ đón giao thừa...

Ấy là khi nhớ tiếng thầm thì sóng vỗ những dòng sông mùa cạn, tiếng rì rào của mươn mướt khoai ngô, tiếng bìm bịp ghìm chiều trong bãi sú, tiếng thảng thốt bần rơi, tiếng xạc xào gió lá mỗi sớm tinh mơ trong khu vườn cổ tích, choáng ngợp vầng ánh dương rực rỡ mỗi bình minh trên biển. Ấy là khi nhớ đến nao lòng mỗi hội làng truyền thống, mỗi rộn ràng khắp ngả đường về phiên chợ Tết với tíu tít xanh đỏ tím vàng những sắc màu sản vật hoa trái, đôi khi đi chợ là chỉ để nhìn ngắm và vui cùng ríu rít nói cười.

Ấy là khi đang giữa cái lành lạnh của mùa đông xứ bắc, giữa cái lồng lộng se sắt của nắng gió Tây Nguyên hay lọt giữa nồng nàn của phương nam ấm áp, giữa những thành phố xa xôi hoa lệ hay mênh mông xứ tuyết, muốn tìm lại hơi ấm của một bàn tay vẫy, một thức quà năm ấy còn nợ nhau giấu ở hộc bàn, một cuộc chia tay còn bao điều chưa nói, một lời hứa bâng quơ bao năm còn giữ canh cánh bên lòng. Đi xa, thèm một tô phở, có thể đến quận 13 của Paris hoa lệ, có thể đến Trung tâm ẩm thực London, Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin hay những cửa hàng “All Pho Vietnam” nước Mỹ, nhưng làm sao tìm được hương vị thanh nhã của nước dùng trong veo từ nồi ninh xương bò/xương lợn, kèm gia vị những quế, hồi, đinh hương, gừng nướng, thảo quả, hạt mùi, hành khô nướng (nếu muốn ngọt đằm còn có sá sùng)? Mùa nào thức ấy, hoặc cả năm đều có như bánh đậu xanh, bánh xèo, bánh phu thê, bánh tét hay một tô bún cá, bún riêu, một cặp bánh khúc,... nóng hổi và thơm lừng, như một khế ước ẩm thực của bao người!

Ấy là khi lòng liu riu nhớ nồng nàn hương lúa chín, vấn vít hoa bưởi hoa chanh, ngạt ngào hoàng lan cuối phố, nồng nã xôn xao của chợ chiều bến cá,... đã tạo một mùi riêng biệt mà biết bao gợi nhớ, biết bao thổn thức nhoi nhói những tiếng gọi thầm, đủ sức vượt cả ngàn cây số để thoả thuê một niềm ước ao có khi rất nhỏ - tìm lại dấu chân trên đoạn đường năm ấy, cùng sưởi lại tiếng cười trong vắt nơi cùng đoạn đường mưa nắng ấu thơ, nơi từng đứng ăn chung một cây kem lạnh buốt, một cây kẹo kéo trưa hè, chia nhau một múi khế chua nhăn mặt, hay cùng thả bước ven hồ, với bao nhiêu câu chuyện cũ mới không đầu không cuối. Thế thôi, đã đủ bao thắc thỏm, hối thúc mà bật dậy xách ba-lô!

Không biết có ngôn ngữ nước nào mà nghĩa biểu niệm, biểu thái và biểu cảm lại trùng khớp lên nhau như vậy: quê hương, sum họp, cội nguồn.

Ngày thường như quy luật dạt dào lấn lướt, mấy khi nhận ra hình bóng quê nhà với bao thân thương những người, những cảnh, những ánh mắt, những nụ cười, những ảnh hình ruột thịt đã đi vào tiềm thức. Mỗi hoài niệm là mỗi địa chỉ tâm hồn. Quê nhà, dải đất hình chữ S bao la và mênh mông bầu trời, biển đảo. Quê nhà, những cánh đồng bát ngát và thênh thang mái phố, những con đường vun vút và lối ngõ choàng tay xóm dưới làng trên. Quê nhà, một phố núi nghiêng nghiêng, một triền lau phơ phất. Quê nhà, một dòng sông trong mát, một con suối rì rầm... chảy trong huyết mạch những kỷ niệm thiêng liêng.

Hà Nội, mùa xuân 2020